Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Thầy cô giáo cũ – Ký ức và Giai thoại


Nhân dịp Blog "Lớp Nga 2 và Bè bạn" tròn 1 tháng tuổi, 25/3 - 25/4/2011, xin gửi tới các bạn bài tạp văn thứ 2, vẫn về chủ đề cũ: kỷ niệm học cấp 3. (TMQ)

Thầy đồ
Tôi đọc ở đâu đó nói rằng tình bạn và tình thầy trò thời phổ thông thường bền chặt và sống lâu với thời gian, thậm chí, với nhiều người, còn đồng hành với họ trong suốt chặng đường đời.

Với các thầy cô giáo cũ, có lẽ các thầy cô giáo cấp 3 là những người chúng tôi nhớ nhất. Học sinh cấp 3, dù chưa thành người lớn nhưng đã chẳng còn quá trẻ con để vô tư tới mức chẳng nhớ cái gì, chỉ mải chơi, chăm chăm đá bóng, đá cầu với nhảy dây, như học sinh cấp 1 hay cấp 2.
3 năm học cấp 3 tại Trường Ams, từ khi trường vừa mới mở năm 1985, đã cho chúng tôi cơ hội được học nhiều thầy cô giáo giỏi, được tuyển chọn từ các trường khác trong toàn thành phố. Hiện nay tất cả các thầy cô giáo cũ của chúng tôi đều đã nghỉ hưu, một vài người trong số đó đã qua đời. Những gì chúng tôi còn giữ trong tim mình là những ký ức và giai thoại về họ.
Góp nhặt lại từ trí nhớ của bản thân và một số bạn cùng lớp, tôi viết bài này để chia sẻ với các bạn và để tất cả chúng ta cùng nhớ về THẦY-CÔ-GIÁO-CŨ.
Thầy cô chủ nhiệm. Năm lớp 10, chúng tôi khá “vất vả” về chuyện ai là giáo viên chủ nhiệm của lớp. Thông thường, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên phải là người dạy môn chuyên và, thậm chí, phụ trách lớp trong cả 3 năm cấp 3. Với chúng tôi, năm lớp 10, chuyện không phải như vậy! Cũng phải thông cảm vì trường mới thành lập, chưa đủ giáo viên, số lớp lại tăng gấp đôi. Trước kia, khi ở các trường cũ, mỗi môn chuyên chỉ có 1 lớp. Sau khi về Trường Ams, từ khóa đầu tiên năm 1985, mỗi môn có 2 lớp: 1 học buối sáng gọi là lớp 1 – “con đẻ” – và 1 học buổi chiều gọi là lớp 2 – “con nuôi”. Thế nên mới có lớp 10 Nga 1 và, lớp chúng tôi, 10 Nga 2. Rốt cuộc, trong 3 năm học cấp 3, chúng tôi có 4 giáo viên chủ nhiệm: thầy Huy, cô Hoan (Lớp 10), cô Ước (lớp 11) và thầy Cường (lớp 12). Chỉ 2 năm sau, giáo viên chủ nhiệm mới là giáo viên dạy môn chuyên.
Thầy Huy, giáo viên dạy Sử, trở thành thầy chủ nhiệm đầu tiên của chúng tôi trong học kỳ 1 năm lớp 10. Đây có lẽ là người mô phạm nhất mà chúng tôi từng biết, có dáng dấp của 1 ông đồ ngày xưa, mặc dù tôi chỉ biết về ngày xưa qua sách vở. Nói đến thầy Huy, mọi người chắc chắn sẽ phải dùng 3 từ “hiền, nhỏ nhẹ và chỉn chu”. Hồi đó, cả xã hội còn nghèo, quần áo trang phục không nhiều và đẹp như bây giờ, nhưng thầy Huy luôn ăn mặc rất chỉnh tề, áo là thẳng ly và “đóng thùng”, tóc trải mượt bằng dầu va-zơ-lin (vaselin) – vì hồi đó chưa có “gôm” như bây giờ! Hết học kỳ 1 thầy Huy không còn làm chủ nhiệm lớp nữa, nhưng thầy tiếp tục dạy chúng tôi môn Sử trong suốt cả 3 năm, tới tận hết lớp 12. Đầu mỗi năm học sau đó, khi được biết giáo viên dạy Sử là thầy Huy, chúng tôi lại mừng lắm. “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” mà! Cứ thầy cô nào hiền là được quí! Nói vậy không phải sai nhưng hoàn toàn không đúng trong trường hợp này. Chúng tôi thực sự quí thầy Huy có lẽ bởi chính phong thái “ông đồ” của thầy!
Còn nhớ, hồi đó, gia đình thầy sống trên một căn gác nhỏ, phía trong một ngôi nhà nhiều hộ ở phố Quốc Tử Giám, bây giờ là một cửa hàng bán hoa tươi khá đông khách của Hà Nội. Giờ, gia đình thầy đã chuyển về sống ở ngõ Núi Bò, phía sau lưng ĐSQ Thụy Điển (Sau này, chắc phải chỉ dẫn lại địa điểm vì ĐSQ Thụy Điển sẽ đóng cửa trong năm 2011 này.). Nhà thầy đã khang trang hơn, con gái thầy đã lớn, nghe nói làm phát thanh viên của VTV2,... Có đôi lần đưa con đi nhà trẻ gần đó, tôi gặp thầy đi bộ từ nhà ra. Vẫn vậy, giản dị mà chỉn chu!
Nói thêm về thầy Huy, xin kể lại một câu chuyện xảy ra vào năm lớp 12. Trong 1 buổi họp lớp, thằng Quang đứng lên phê bình các bạn trong lớp là thiếu lễ độ khi cười thầy Huy mỗi khi thầy nói từ “chậy” thay vì từ “chạy” khi giảng bài. Chẳng biết bọn bạn trong lớp có tức vì bị phê bình như thế không, hay lại cười nhạo cái thằng “bôn-sê-vích” ấy. Ngày trước, cứ đứa nào có vẻ nghiêm nghiêm mà không hồn nhiên, chăm chỉ học và ít nghịch ngợm, hoặc có hành động cử chỉ gì đó tương tự như vậy đều bị gán cho cái mác “bôn-sê-vích” đó. Bây giờ chắc chẳng ai còn dùng từ này vì đến từ gốc, “болъшевик”, có lẽ cũng chẳng còn ở ngay chính quê hương nước Nga.
Cô Hoan. Cô Hoan cũng có nhiều thời gian gắn bó với lớp khi tiếp nhận vai trò chủ nhiệm lớp trong học kỳ 2 kiêm giáo viên môn Toán năm lớp 10, sau đó tiếp tục dạy Toán năm lớp 11. Cô Hoan cũng là một mẫu giáo viên kiểu “ngày xưa”, luôn xuất hiện với mái tóc ngắn, buộc chun túm 2 bên. Hồi đó, cô Hoan sống ở một căn nhà cũng nhỏ, nhưng mặt phố, ở phố Lãn Ông. Tới thời mở cửa, kinh tế thị trường du nhập, cô cũng mở một cửa hàng bán các loại thuốc bắc như các nhà khác. “Buôn có bạn, bán có phường”mà! Làm giáo viên ngày xưa nghèo hoặc chỉ đủ ăn, chẳng có dạy thêm dạy nếm, không buôn bán làm thêm thì lấy gì mà sống, mà nuôi con. Chẳng như bây giờ, giáo viên có mác “Trường Ams” chạy sô không hết việc, chẳng thiếu gì ngoài thiếu thời gian để nhận thêm vài lớp phụ đạo, luyện thi vào chuyên cấp 3 hay luyện thi đại học.
Cô Quỳnh Anh. Vài đứa trong lớp vẫn còn nhớ và sợ món “đặc sản” “kiểm tra 5 phút” vào cuối giờ học của cô giáo dạy Hóa này[i]. Đã thế cô Quỳnh Anh còn dạy chúng tôi liền 2 năm, lớp 10 và 11. Cũng may, hai năm đó học hóa vô cơ. Chứ nếu là hóa hưu cơ thì… Kiểm tra bài, dù là hình thức nào, luôn là nỗi sợ hãi của học trò. Kiểm tra 1 tiết còn có thời gian học ở nhà và …chuẩn bị “phao”. Kiểm tra 15 cũng ghê nhưng còn có thêm thời gian để ngó nghiêng, hỏi bài đứa khác. Bị gọi lên bảng kiểm tra miệng hoặc kiểm tra 5 phút đột xuất như cô Quỳnh Anh hay làm nói chung là ngán nhất.
Cô Nga. Cô Nga dạy sinh vật 2 năm, lớp 11 và 12. Theo cá nhân tôi, cô Nga là có vẻ khá giả nhất trong số các giáo viên dạy lớp chúng tôi hồi ây. Chồng cô là thầy tổ trưởng hay tổ phó bộ môn Sinh của Trường Ams khi đó, thường dạy các lớp buổi sáng. Không biết bây giờ cô có còn sống ở chỗ trước đây không – một căn nhà tầng 2, trong ngôi biệt thự pháp cũ ở phố Tô Hiến Thành, góc giáp phố Triệu Việt Vương. Hồi đó, mỗi khi được hỏi ai dạy môn Sinh của lớp, chúng tôi thường trả lời: “Học sinh ... vật cô Nga!”[ii]
Thầy Lập. Kỷ niệm đầu tiên của lớp chúng tôi đối với thầy Lập, dạy Văn năm học lớp 11 và 12, có lẽ là một buổi chiều lao động năm 1986. Hôm đó, tất cả các lớp 10xxx2 chuẩn bị lên 11xxx2, có nhiệm vụ đào hố trồng cây ở sân trường – phần sân đất không đổ bê tông – sau đó, chuyển đất đá, vật liệu xây dựng đổ ra bên ngoài trường. Mỗi lớp được phân cho 1 khu vực và được giao cho 1 cái xe cải tiến với 1 ít cuốc xẻng. Phần việc là như nhau, không phân biệt lớp nhiều con trai ít con gái hay ngược lại.
Công việc là khá mệt với lũ học trò thành phố, được bố mẹ nuôi, không quen làm việc nặng. Hết đào đào xúc xúc, rồi đứa kéo đứa đẩy cái xe cải tiến từ tít tận cuối sân trường vào bên trong, leo lên mấy bậc cầu thang để vượt qua tầng trệt tòa nhà học đường, rồi lại kéo xuống mấy bậc thang, ra cổng trường, chỗ tập kết phía bên ngoài đường. Khi mà cả 3 thằng con trai và lũ con gái đã mệt lử thì có một ông, dáng gầy gầy, tóc quăn, chẳng biết ở đâu ra, xuất hiện và giúp kéo các xe đất. Khỏi cần biết là ông nào, chỉ biết có người lớn giúp là tốt lắm rồi! Sau buổi đó mới nghe bạn bè kháo nhau: “Đấy là thầy dạy Văn lớp mình sang năm đấy!”
Thầy Lập về sau cũng thân thiết với lớp chúng tôi và cũng vui vì trong lớp có một vài trò học giỏi môn Văn của thầy như Hoài Nam hay Kim Oanh.
Ngày đó, nhà thầy ở trong Ngõ Mai Hương – nay là phố Hồng Mai – gần Chợ Mơ, cuối phố Bạch Mai. Bây giờ thầy đã chuyển nhà về đường Nguyễn Văn Cừ - Gia Lâm, con đường nổi tiếng với các nhà nghỉ tư nhân san sát, nơi chuyên dành cho những cặp tình nhân, bất kể lứa tuổi, hoạt động “tình báo”. Nghe đâu, nhà thầy ở ngay cạnh Nhà nghỉ Hò Hẹn 2. Thoạt nghe đã thấy muốn "hẹn hò" sang thăm thầy!
Thầy Lân. Thầy dạy toán lớp chúng tôi năm lớp 12 có lẽ là người có diện mạo bên ngoài “cũ” nhất. Thầy vừa nhiều tuổi, lại có bộ dạng khắc khổ nên nom mới vậy. Thầy Lân có kiểu giảng bài theo tư thế “miệng nói mắt nhìn lên trần nhà”. Nghĩa là, thầy vừa giảng vừa nhìn lên trần nhà quét vôi trắng, mà chẳng mấy khi nhìn xuống lũ học trò ngồi dưới lớp, cũng đang ngếch mắt nhìn lên theo thầy, xem thầy vẽ đồ thị parabol trên đó như thế nào.
Năm lớp 12, hai lớp Nga và Anh ở cạnh nhau, cùng học thầy Lân, nên có mẹo nhìn nhau để đoán trước ý định kiểm tra 15 phút của thầy. Lớp nào học tiết Toán trước mà có kiểm tra thì lớp học tiết sau cứ liệu thần hồn mà chuẩn bị trước.
Nhà thầy cũng ở phố Lãn Ông, cùng phố với nhà cô Hoan, nhưng nằm ở đoạn giữa ngã tư Hàng Ngang và Hàng Cân. Nhà thầy nghèo, chật, lại nằm trong một số nhà có nhiều hộ, đâu đó số nhà 17 hay 19, chẳng có cửa hàng và cũng không phải là đoạn phố bán thuốc bắc để mà có thể mở cửa hàng buôn bán kiếm thêm nên gia cảnh chẳng cải thiện được. Cũng ngần ấy năm, từ khi ra trường, chúng tôi chưa gặp lại thầy. Không biết thầy còn sống hay đã mất?
Thầy Thụy. Thầy Thụy từng sống ở một ngôi nhà cũ, 1 tầng nhưng phải bước cả mươi bậc mới lên tới nhà, nằm trên phố Phùng Hưng, đối diện ngã ba Lê Văn Linh. Nay thầy đã chuyển đi nới khác. Muốn biết, chắc phải hỏi thầy Cường vì, theo thầy Cường, thầy Thụy khó tính, không chơi thân với ai ở trường, ngoài thầy Cường và một người nữa.
Còn nhớ, thầy Thụy, lúc dạy chúng tôi môn Hóa năm lớp 12, có bộ dạng khá hài hước mỗi khi nói chuyện. Bởi thế mà có đứa trong lớp nhớ về thầy trong lần lớp liên hoan bún chả, hình như là hôm tổng kết năm học. Trước hôm đó, khi được mời, thầy Thụy nói đùa hóm hỉnh: “Bún chả, bún chả à? Tôi ăn là tốn nước mắm lắm đấy nhé!”[iii] Nhưng cá nhân tôi còn nhớ là thầy còn là người khá nóng tính. Có 1 lần thầy đã bực mình ai đó trong lớp, khiến cả lớp sợ chết khiếp. Không biết cái đứa bị thầy Thụy quát hay còn có đứa nào khác trong lớp còn nhớ chi tiết này không?
Đứa khác lại nhớ đến thầy ở cái tật “hắt hơi như bắn súng liên thanh”. Chẳng hắt hơi thì thôi, chứ cứ mỗi lần thầy “lên cơn” là y như rằng phải làm một tràng tới cả chục cái. Cả lớp chỉ còn nước ngồi im, bấm bụng cười.[iv]
Thầy Mỹ, dạy Địa năm lớp 12. Chắc chắn, bất kỳ ai đã học thầy Mỹ đều không thể không nói tới kỹ thuật vẽ bản đồ Việt Nam “có 1 không 2” tuyệt vời của thầy Mỹ, một kỹ thuật mà chỉ với 1 tờ giấy vở học sinh kẻ ô-li, 1 cây bút chì và 1 cái thước kẻ có thể vẽ tay được 1 tấm bản đồ Việt Nam thu nhỏ chẳng kém gì 1 tấm bản đồ in máy của Cục bản đồ ngay này. Trước thầy Mỹ, không biết đã có ai đã phát minh ra kỹ thuật này chưa; sau thầy, thì không rõ có ai tiếp tục dạy nữa không. Chẳng biết có đứa nào trong số chúng tôi và bọn học cùng khóa, cùng với khoảng hơn 1 chục lứa học sinh sau đó, khi thầy còn dạy trước khi qua đời vì ung thư, có còn nhớ được kỹ thuật này hay không. Hay cái “di sản phi vật thể” của thầy Mỹ nói riêng và Trường Ams cũ nói chung ấy đã bị “thất truyền”?
Khi còn sống, thầy Mỹ ở một căn nhà bên số lẻ, mặt phố Hàng Bông. Nếu đi về hướng Cửa Nam, qua ngã tư Quán Sứ khoảng dăm bảy nhà thì tới nơi.
"Thương cho roi cho vọt..."
Thầy Cường.  Là giáo viên dạy môn chuyên đầu tiên từ học kỳ 1 năm lớp 10, thầy Cường đáng ra phải chủ nhiệm lớp chúng tôi cả 3 năm cấp 3, nhưng, cuối cùng, thầy chỉ làm việc đó năm lớp 12. Tuy bị gián đoạn 1 năm nhưng có lẽ, lớp và thầy có “duyên” với nhau, nên mới có cái ngày tái hợp ấy. Cái duyên đó đã cho chúng tôi cơ hội giữ được liên hệ chặt chẽ và thường xuyên với thầy cho tới bây giờ.

Có lẽ nên để sau này viết riêng những kỷ niệm về thầy Cường và lớp Nga 2. Lần này, chỉ nhắc đến “độc chiêu” mà thầy Cường thường dành cho chúng tôi trong học kỳ 1 năm lớp 10. Đó là điểm 0,нуль”. Chẳng thế mà có đứa, tổng kết học kỳ 1 của môn chuyên tiếng Nga hẳn hoi, chỉ đạt vừa tròn 5,0. Sau này, thầy có nói rằng “Tao cho chúng mày điểm 0 để dễ chữa thành điểm 10”. "Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi". Chẳng biết phải hiểu thế nào, chỉ biết có nhiều đứa nhận nhiều điểm 0 lắm, nhưng điểm phẩy cuối kỳ cũng đạt trên trung bình, đủ để không bị thi lại hoặc phải chuyển ra trường ngoài. Rồi 2 năm sau, chúng nó học tiếng Nga cũng tiến bộ hơn lên nhiều. Có thể thầy Cường nói thật! Giống như mấy cụ Ủy viên Bộ chính trị đã nghỉ hưu. Lúc đương chức đương quyền thì chẳng thấy nói gì, về hưu rồi mới đăng đàn kêu gọi đổi mới Đảng. Thầy Cường, hồi đó, mà lộ ra chuyện sửa điểm 0 thành điểm 10 thì cái duyên với lớp có mà “gãy gánh giữa đường”!
Cách đây mấy tuần, một cậu bạn đồng niên, cũng là dân học tiếng Nga trên dưới mười năm, tâm sự với tôi rằng cậu ấy vừa đi viếng đám ma của 1 cô giáo cũ dạy cấp 3. Cậu ta có nói “còn làm được gì cho thầy cô giáo cũ thì nên làm cho sớm”. Đúng! Giống như đối với cha mẹ già của chúng ta ở nhà, còn làm được gì cho các cụ thì nên làm ngay kẻo muộn!
Các bạn có nghĩ như cậu bạn của tôi không?

TMQ. 5 tháng 4 năm 2011.
Viết cho ngày 25/4/2011, ngày “đầy tháng” của Blog “Lớp Nga 2 và Bè bạn”.


[i] Theo Hoài Nam.
[ii] Theo Nam Sơn và Hồng Long.
[iii] Theo Nam Sơn và Hồng Long.
[iv] Theo Châu Giang.


7 nhận xét:

  1. @ TMQ: Wow, một trí nhớ tuyệt vời và một tình cảm sâu sắc với các thầy cô giáo và các bạn. Cậu đúng là "Tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi.

    Trả lờiXóa
  2. Thay xin chuc mung Blog 12N2 day thang(trom via khoe manh)!Den gio nay(da rua tay,gac kiem)Thay rat vui khi gap cac em du trong tinh huong nao boi le nay cac co cau hoc tro ngay nao(moi day thoi trong bo nho cua thay)nay da len bac phu huynh.Thay van cap nhat blog cua lop,da co nhieu bai hay,an tuong manh.Cung chinh vi vay nen thay muon tham gia nhung chua dam.Thay va cac ban danh gia rat cao hoat dong cua Admin.Thay chuc BlogN2 sang thang hay an chong nhon.

    Trả lờiXóa
  3. Một tư liệu quý giá về những năm PTTH. Một tình cảm sâu sắc & chân thành đối với các thầy cô giáo.Một món quà tinh thần thật sự có "giá trị" đối với lớp mình. Cám ơn TMQ nhé!

    Trả lờiXóa
  4. Cac ban oi, cho to hoi chut. Ngay xua to cung rat thich mon dia cua thay My. To muon hoi la thay My mat vi benh gi a?

    Trả lờiXóa
  5. @Thúy Hương:
    Bạn TMQ có viết trong bài là Thầy mất vì bệnh ung thư. Cụ thể hơn nữa thì tớ không biết vì thời điểm Thầy mất tớ không được biết.

    Trả lờiXóa
  6. nhưng sao không thấy nói về cô Ước, cô cũng chủ nhiệm mình một năm mà, tớ nhớ là đi thăm quan một cái gì đó có cô ước tổ chức và đại diện ban phụ huynh đi cùng là bố của phương ngọc (tớ nhớ vì hôm đấy có một bác bộ đội đi cùng lớp). DHN

    Trả lờiXóa
  7. @DHN:
    Thú thực là tớ không nhớ kỷ niệm gì về cô Ước.
    (Em xin lỗi cô Ước nếu cô có đọc được những dòng viết này!)
    Những gì tớ viết là những gì tớ còn nhớ, viết ra đây vừa để chia sẻ với các bạn vừa để khỏi quên vì tớ không có nhật ký.
    Tớ cũng mong các bạn bổ sung thêm như PTB đã làm.

    Trả lờiXóa