Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Thơ tình của mùa hè

 

-Nguyễn Thiên Ngân-

Khi tình yêu đã vào hè
Nỗi nhớ rịn ra như mồ hôi bám trên thành ly cà phê quán lạ
Nắng đổ xuống, tháng ngày oi bức quá!
.
Chẳng bao giờ anh hiểu được em
Ánh mắt mùa hè – bóng cánh diều đâu đó
Ngay cả khi ngồi bên nhau
Anh vẫn lạc em trong ý nghĩ buồn rầu
.
Mùa hè ngày xưa chấp chới cánh nâu
Loi lẻ quá cánh hoa dầu rụng xuống
Những cuộc tình trôi qua
Ngỡ như là đau đớn
Giờ ngủ sâu trong thớ gỗ im lìm
.
Anh nâng niu những buổi chiều
Mình ngồi bên cửa sổ đọc cho nhau nghe
Bài thơ cô đơn viển vông ngày tuổi trẻ
Cùng nhặt lại bao nhiêu mảnh vỡ
Của những ước mơ quên lãng tự thưở nào
Anh sẽ gom chúng cất vào
Chiếc hộp diệu kì gắn ổ khóa đồng của xứ sở thần tiên
Lấy chìa khóa xâu sợi chỉ mềm
Đeo vào cổ tay em
Cô bé tóc maika thơ thẩn chơi trong cánh gà rạp hát
.
Ngay cả khi cánh mây ngày em hai mươi đã trở thành cũ nát
Anh vẫn ngước lên, say đắm ngỡ ngàng
Em biết không những buổi chiều hoang mang
Anh níu lấy bất cứ điều gì về em
Cuốn sách, bài thơ hay đôi kính bỏ quên
Để thoát ra
Những ước mơ xưa trở về bỏng rát
Chúng bao giờ cũng mang thứ ánh sáng mụ mị của những vì sao
Lung linh thế Làm thế nào chạm tới?
.
Anh viết cho em bài thơ tình mùa hè
Trong giấc mơ về tiếng ve tuổi hai mươi không cách gì giữ được
Những buổi chiều lặng lẽ khóc trong vòng tay nhau
Anh cầu mong sau cơn ủy mị cô đơn
Ta mở mắt
Thấy mùa hè thực tại vẫn dịu dàng quá đỗi.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

ШКОЛЬНЫЙ РОМАН - TÌNH CA HỌC TRÒ

Tiếp tục chùm bài hát về tuổi học trò...

Một bài hát về mối tình thời học trò được ca sĩ - nhạc sĩ Alexandr Novikov viết rất tình tứ cho lứa tuổi học sinh khi rời ghế nhà trường. Với tôi ngày ấy đã xa lắm rồi, nhưng hình như ở phương trời nào cũng vậy, tâm tư tình cảm của những người học trò cũng na ná như nhau. Biết là năm cuối cấp chia tay nhau nên cả năm cuối cùng trong trường phổ thông mọi người sống rất gắn bó với nhau. Có biết bao người thầm thương vụng nhớ ở cái tuổi học trò, thường thì các bạn nữ có vẻ nhanh lớn và trầm tư hơn đám con trai tồ ngốc ngếch, hầu như 99% các bạn gái đã chớm yêu rồi…

Xin gửi tới các bạn những videoclips xưa nhất và mới nhất của bài hát, hy vọng mỗi chúng ta lại có những giây phút nhớ lại chút riêng tư thuở học trò…

Штурм Наталья
 
А. В. Новиков & Яна Трубачёва
Дарья Шайде 14 лет город Новосибирск 
Ca sĩ 14 tuổi từ thành phố Novosibirsk
 

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Ăn hàng ở Tokyo

TT - Đúng là tôi đã rất nhớ Tokyo, nhớ nước Nhật. Nhớ không khí các quán ăn lúc nào cũng đầy ắp người và nhớ các món ăn tao nhã rất Nhật Bản.

Một hàng bánh gạo osenbei, món ăn vặt phổ biến của người Nhật - Ảnh: Hoàng Hải

Bạn tôi, người Tokyo, tự hào bảo: “Tokyo là thành phố có nhiều nhà hàng nhất thế giới, mỗi bữa ăn thử một nhà hàng, cả năm cũng không lặp lại”. Sau này đọc báo mới biết ở Tokyo có hơn 80.000 nhà hàng, trong khi New York cũng chỉ 15.000, và con số đó ở London là 6.000.

Quanh khu phố Shinjuku hình như chẳng bao giờ vắng người. Cửa hàng cửa hiệu sáng trưng, ngoài đường người như mắc cửi.

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Giấc mơ nước Nga

Giấc mơ nước Nga của tớ ban đầu có hình dáng chiếc tủ lạnh. Có thể các bạn cười, nhưng đó là sự thật. Thưở nghèo khó, gì chả thiếu. Nếu được đi Nga, tớ sẽ nghĩ đến nhiều thứ: bàn là, nồi áp suất, xe Min khơ... hay đơn giản hơn: chiếc váy xinh xinh ngày còn bé tý tớ nhìn thấy trong quyển truyện tranh. Song hơn cả là chiếc tủ lạnh. Thời bao cấp, quanh năm cơm mắm cơm rau, thi thoảng cầm tem phiếu ra cửa hàng mậu dịch mang về nửa rổ cá (tiêu chuẩn cả tháng mà). Hay đến tết, cơ quan cả bố lẫn mẹ chia thịt cho cán bộ cũng dễ chừng 2 chục ký. Nếu có tủ lạnh, nhà tớ sẽ không phải rán hết mỡ để dành ăn dần, cũng không phải bê nồi thức ăn đi gửi nhờ hàng xóm. Cho nên, đó là thứ bố mẹ tớ ao ước nhất trong vô vàn vật dụng cần thiết. Ham muốn sở hữu chiếc tủ lạnh là 1 phần lý do tớ chọn thi khối D, mặc dù tớ học giỏi các môn tự nhiên hơn. Không nói ra nhưng tự dặn lòng cố gắng đi Nga để có thể hãnh diện mang về cho bố mẹ niềm ước ao mang tên Saratov.
Hẳn các bạn còn nhớ tiêu chuẩn xét chuyển tiếp. Hai năm học thứ nhất, thứ 2 có 4 học kỳ. Danh sách chia làm chính thức và dự bị, dựa trên kết quả thi 3 kỳ đầu. Ai không trượt môn nào ở danh sách chính thức. Ai trượt ½ môn, 1 môn, 1½ môn vào danh sách dự bị. Những người thi lại từ 2 môn trở lên không được xét. Riêng kỳ 4, nếu ai thi trượt bất cứ môn nào bị loại luôn. 3 học kỳ đầu tớ chả thi lại môn nào nên nằm trong danh sách chính thức. Không hề chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra, tớ thi qua tất cả các môn chung và vấn đáp, nhưng bị 4 điểm cho môn viết. Ác nỗi, là môn viết nên kết quả niêm yết sau cùng, vài ngày sau khi thi xong. Bị knock out ngày cuối cùng sau 2 năm phấn đấu quả là cú shock nặng nề. Tớ suy sụp, bỏ ăn, 2 tuần nằm bẹp trong ký túc không dám về nhà. Khổ thân mấy bạn phòng tớ phải ở lại canh chừng tớ dù trường đã nghỉ. Khổ thân cả thày Hải chủ nhiệm lớp M, sáng nào cũng kỳ cạch con xe Ba-bét-nhè phóng vào xem tình hình tớ ra sao mới dám đi dạy. Thày còn viết thư gửi bố mẹ tớ. Đến giờ, phong bì lẫn giấy viết đều ố vàng nhưng tớ vẫn giữ.
"Kính thưa hai bác!
Cháu là giáo viên trường ĐH sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, đã trực tiếp giảng dạy em Tâm. Hôm nay ghi thư gửi 2 bác, đầu tiên cháu kính chúc hai bác luôn mạnh khỏe, vui vẻ.
Cháu xin thưa với hai bác một chuyện như sau: Trong đợt thi cuối năm vừa qua, Tâm không may bị một môn dưới điểm trung bình và vì vậy em Tâm không được xét đi học chuyển tiếp như thầy cô và bạn bè vẫn hằng tin tưởng, chờ đợi. Bản thân cháu hết sức đột ngột khi nhận được tin này vì xưa nay cháu vẫn hết sức tin tưởng vào năng lực học tập, sự cố gắng phấn đấu thường xuyên trong mọi mặt của Tâm.
......
Tâm rất buồn. Cháu mong hai bác cố gắng động viên Tâm.
....."
Không thể ở trường mãi vào kỳ nghỉ hè, ngày 15 tháng 6 năm 1989 tớ khoác ba lô về Hải Phòng. Ngày đó cũng là ngày số phận cho tớ gặp ông xã bây giờ. Nên bao giờ cũng vậy, khi 2 đứa kỷ niệm ngày gặp mặt, cũng là khi tâm khảm tớ nhoi nhói nỗi đau thất bại năm nào.
May mắn, bố mẹ tớ hoàn toàn bình thản. Các bạn lớp M, lớp E gửi thư về động viên rất nhiều (Tớ còn giữ cả, lúc nào đó sẽ đưa vào phòng lưu trữ của K21). Khi đó, giấc mơ về nước Nga của tớ mới bắt đầu là cung điện Kremlin hùng tráng, là con phố Arabat nghệ sỹ, là đêm trắng, thu vàng, phong đỏ... Có lẽ giấc mơ hóa thành nhiều thứ quá, không đơn giản là chiếc tủ lạnh hoàn toàn có thể mua được, nên giấc mơ ấy không thôi ám ảnh tớ, thành 1 vết cắt không bao giờ lành trong ký ức, 1 khoảng hẫng đau đớn sâu thẳm trong miền kỷ niệm. Bạn tớ cằn nhằn: "sao phải buồn vì chưa được đi Nga, làm chuyến du lịch là được chứ gì." Liệu 1 chuyến du lịch có đủ thay cho 10 tháng sinh viên trên đất Nga, hít thở không khí Nga, đắm mình trong văn hóa Nga?
Cách đây mấy năm, anh xã tớ bảo: "Không được đi Nga nên mình mới gặp nhau. Chẳng lẽ điều đó không đủ cho em hết buồn sao?"
Tớ ngẫm chồng mình nói đúng. Cố không buồn nữa. Rồi tớ học cái bạn A.Q bên Tung Kua, tự xem mình may mắn hơn các bạn đi Nga. Bởi lẽ, vì giấc mơ về nước Nga của tớ mãi mãi không thành hiện thực, nên trong tớ, giấc mơ ấy luôn trong vắt, lung linh và huyền ảo. 
Theo Tam Tran, December 8, 2011
Ảnh: internet

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Angkor Thom thanh bình, giản dị và những nụ cười trẻ thơ

Cách trung tâm thành phố Siem Reap kín đặc các khách sạn nhiều sao chỉ khoảng 20km, nằm ngay quanh khu Angkor nổi tiếng là những con đường đất dẫn đến những ngôi làng với những ngôi nhà đơn sơ nằm lọt thỏm giữa cây cỏ và đồng lúa xanh mướt. Có lẽ do điện chưa về đến đây nên cả làng chưa hề nhiễm sự đô thị hóa. Nghèo đói vẫn ngự trị nơi đây nhưng  có nhiều điều mà ở những nơi sầm uất khác không thể có được: sự thanh bình. Thay đổi lớn nhất vài năm trở lại đây là sự tự tin và những nụ cười của trẻ. Chia sẻ với các bạn vài hình ảnh giản dị nhé.

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

TIẾN & DỪNG

Ông bà thường nói " Lùi một bước để tiến nhiều bước…" bạn không thể Tiến tức là bạn đang đi lùi… và bạn biết cách Dừng việc mình đang thụt lùi như thế nào để củng cố lại bản thân và tiến nhanh hơn trước….???
Ngày nọ tôi có việc gấp phải lên núi Dương Minh, liền gọi một chiếc xe tải ngồi vào nào ngờ người tài xế nghe nói tôi lên núi Dương Minh liền lập tức dừng ngay xe lại. Tôi ngạc nhiên hỏi : " Tại sao anh lại dừng xe lại? Không muốn đi sao? "

"Xin lỗi ! Thưa ông ! Tôi chỉ muốn kiểm tra xe một chút, xong ngay lập tức" - Người tài xế cười nói.

Đợi người tài xế kiểm tra xe xong tôi hỏi như đùa giỡn : " Vừa rồi anh kiểm tra cái gì? Có phải sợ xe leo núi không nổi phải không? "

" Tôi kiểm tra hệ thống phanh xe, nếu khi xuống núi mới phát hiện thắng xe không nhạy thì chẳng phải đã trễ rồi sao? Vì vậy tôi không sợ không có sức đi , mà sợ không có sức dừng ".

Không thể tiến thì vẫn không sao, không biết dừng thì có thể gặp nguy hiểm lớn. Khi còn chưa tiến thì hãy tính tới lúc nào cần dừng.
(Stt)

Bài hát ПОСЛЕДНИЙ ЗВОНОК - TIẾNG TRỐNG CUỐI CÙNG "Алсу"

Kỳ thi Tốt nghiệp PTTH và thi Đại học đã qua, các bạn trẻ giờ đang thưởng thức những khoảng thời gian nghỉ ngơi. Lúc này cũng sẽ thật thú vị để nhớ lại về những kỷ niệm phổ thông đã qua, những hành trang cho các bạn bước vào cánh cổng đại học để rồi bước tiếp vào đời.

Và với những người đã xa rời mái trường phổ thông nhiều năm như các bạn Lớp Nga 2, nhớ về những năm tháng đó vẫn luôn là những kỷ ức đẹp, khó quên.

Mời các bạn thưởng thức bài hát.

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Ảnh: Tạo hình tuyệt đẹp trên cơ thể người mẫu

Từ những cơ thể người mẫu, nghệ sỹ nổi tiếng nước Mỹ Cecelia Webber đã "xếp đặt" thành những bông hoa, cánh bướm tuyệt đẹp.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua bạn sẽ không thể nghĩ  những bông hoa, cánh bướm này là do cơ thể người xếp thành.
Ba năm trước, Cecilia Webber tốt nghiệp ngành khoa học thần kinh từ Đại học Nam California. Phần lớn thời gian làm việc của cô là ở trong phòng thí nghiệm, nhưng cô thích chụp ảnh trong những lúc rảnh rỗi.

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Tàn Hạ
























Mùa hạ không ở lại 
Nhìn bloc lịch dần vơi 
Cơn mưa chiều tháng bảy 
Cuốn một mùa phượng trôi 

Dù nghìn lần hoài niệm 
nuối tiếc cũng thế thôi!
Thời gian đi , đi mãi ...
Kỷ niệm dần phai phôi 

Tôi về ngang trường cũ 
Nhặt phượng hồng rụng rơi 
Nhặt một thời thơ dại
Ép giữa hồn chơi vơi .

Biết tìm đâu dáng ngọc 
Tan trường đẹp kiêu sa ? 
Biết tìm đâu mái tóc 
xỏa bờ vai mượt mà ?

Dòng đời xô đôi hướng 
Em - tôi hai phương trời 
Để mỗi năm mùa phượng 
Bâng khuâng nhớ một người  ! 

Em muôn trùng diệu vợi 
Về đâu đời mông mênh ? 
Chiều nay biết em có 
chung nỗi buồn không tên ? 

                                                      NHẬT LAN 
                                                     (LanhLot blog)


Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Lều chõng ngày xưa - Kỳ cuối: Vinh quy bái tổ

Một đám rước vinh quy bái tổ - Ảnh tư liệu
Bài thi đình được vua chấm xong, khoa thi đã chọn được người đỗ tiến sĩ để niêm yết bảng vàng. Triều đình sẽ cử hành nghi lễ trang trọng xướng danh tiến sĩ tân khoa và ban yến. Sau đó, nhà vua sẽ ban ân tứ để tiến sĩ tân khoa vinh quy bái tổ.

Truyền lô và ban yến

Truyền lô là thay mặt nhà vua xướng danh những người đỗ tiến sĩ. Lễ truyền lô khởi đầu từ khoa thi đình đầu tiên của triều Nguyễn (1822), được tổ chức ở điện Thái Hòa rất long trọng (về sau có lúc truyền lô ở Ngọ Môn, là hai nơi trang trọng nhất). Vào lúc canh năm (khoảng rạng sáng), súng lệnh nổ vang rền, một tấm cờ vàng được treo lên, điện Thái Hòa thiết lễ đại triều. Các thân công và quan lại mặc lễ phục đại triều đứng chờ.

Đến giờ lễ, vua ngự ra điện Thái Hòa. Các quan lại triều đình cùng các quan giám thí (coi thi), độc quyển (chấm thi) và các viên chức trông coi việc thi sẽ cùng hành lễ theo đúng nghi thức đại triều, xong trở về quỳ ở gian thứ nhất bên trái điện tâu xin nhà vua cho truyền lô. Sau khi nhận được chỉ thị của vua, quan khâm mạng rập đầu đứng lên, đi đến dưới điện xướng to: truyền lô! Bấy giờ quan truyền lô đến hoàng án mang danh sách trúng tuyển xuống. Trước đó, các quan giám thí, độc quyển đã dẫn các tân tiến sĩ vào Văn Công thự lãnh mỗi một người một bộ áo mũ, rồi đội mũ và mặc áo đứng chờ. Quan bộ lễ dẫn họ đến sân điện, xếp hàng quỳ quay mặt về hướng điện.

Quan truyền lô cầm danh sách tân tiến sĩ rồi lần lượt xướng danh theo thứ tự. Đọc xong giao cho bộ lễ tiếp nhận. Các tân tiến sĩ làm lễ năm lạy. Thị vệ đại thần đến trên thềm điện quỳ tâu xin vua cho niêm yết bảng. Bảng vàng được đặt lên vân bàn (mâm vẽ mây), quan hộ bảng dẫn thị vệ quân lính với đầy đủ nghi trượng tán lọng, cử hành nhã nhạc, rồi mang ra cửa Hữu Đoan, sau đó gánh bảng vàng đến Phu Văn Lâu. Bảng vàng niêm yết ở đây ba ngày, sau đó giao cho Trường Quốc Tử Giám lưu trữ.

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Lều chõng ngày xưa - Kỳ 2: Qui định trường thi

Cũng như các triều đại trước, hệ thống thi cử dưới thời Nguyễn gồm có ba kỳ: thi hương, thi hội và thi đình. Thi hương là kỳ thi ở địa phương, gồm một số tỉnh thi chung một trường, nhằm mục đích kén chọn người tài để vào dự thi hội và thi đình. Các trường miền Bắc thi hương khoảng tháng 10, miền Trung và Nam khoảng tháng 3 đến tháng 7.

Thi từ sáng sớm đến tối mịt

Trống điểm canh tư (chừng 1g sáng) thí sinh phải có mặt ở trường thi để nghe gọi tên, đến khoảng canh năm tám khắc (khoảng 5g sáng) thì thí sinh phải vào hết trong trường. Thí sinh làm bài cho đến giờ Thân (3-5 giờ chiều) thì bắt đầu nộp bài, hạn cuối là hết canh một (tức 19g). Vì vậy, thí sinh vào trường phải chuẩn bị đầy đủ lều, chõng, chiếu, tráp đựng nghiên, bút, giấy, mực, dao kéo... và thức ăn dùng trong một ngày.
Quan trọng nhất là chuẩn bị quyển thi (tức giấy làm bài thi đóng thành quyển), phải giữ gìn hết sức sạch sẽ. Quyển thi là do thí sinh đem nộp trước cho dinh đốc học để kiểm tra, đóng dấu. Khi quan trường gọi đúng tên, thí sinh phải “dạ” thật to rồi vào cổng trường thi để nhận lại quyển thi. Vào trường thi, thí sinh tìm chỗ cắm lều, đặt chõng, đến khi sáng rõ mặt thì xong để chuẩn bị làm bài thi.

Tứ trường và thiên kinh vạn quyển

Theo Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, thi hương có khi thi ba vòng (người xưa gọi tam trường) có khi thi bốn vòng (tứ trường). Vòng một thi kinh nghĩa (tức các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo), vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ, dụ...), vòng ba thi thơ phú (sáng tác theo chủ đề của đề thi), vòng bốn thi văn sách (tương tự như thi tự luận).

Vòng thi kinh nghĩa tương đối dễ với thí sinh, chỉ cần thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh và trình bày cho đúng ý của người xưa. Vòng thi chiếu biểu phải thuộc hàng trăm bài loại này rồi chắt lọc tinh hoa để viết thành bài thi. Dễ làm và khó đỗ nhất là kỳ thi thơ phú. Dễ vì suốt cả ngày chỉ cần sáng tác một bài thơ tối đa 16 câu và một bài phú tám câu, nhưng cái khó là phải hay, vì cái hay nó vô cùng.

Vòng bốn thi văn sách thì tự do trình bày theo kiến giải riêng của mình, tương tự như thi tự luận ngày nay. Muốn qua được vòng thi này, không những phải làu thông kinh sử mà còn phải biết vận dụng sở học của mình để trình bày những kiến giải mới lạ. Đề thi thường hỏi đủ mọi lĩnh vực: thiên văn, địa lý, bói toán, y học...; đặc biệt là những câu hỏi về thời sự, đòi hỏi thí sinh phải có những kiến giải độc đáo và đưa ra giải pháp khả thi. Thi tứ trường nhưng phải học thiên kinh vạn quyển là thế!

Quang cảnh trường thi Nam Định khoa thi năm Nhâm Tý (1912) với chòi canh và lều chõng của thí sinh - Ảnh tư liệu

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Dạo quanh ngôi làng nhỏ ở Thạch Lâm, Vân Nam, Trung Quốc


Nằm chen giữa nhưng khách sạn mới cũ và một tổ hợp nhà cao tầng đang được xây dựng ồn ã là một ngôi làng nhỏ nhắn như bao ngôi làng khác đang dần được bê tông hóa, đô thị hóa. Nhưng điều thú vị là ở trên tường của mỗi ngôi nhà là một bức tranh cổ động mô tả cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây. Ta có thể tìm thấy rất nhiều hình ảnh về những cảnh sinh hoạt và những trò chơi dân gian mà Việt Nam cũng có. Nhiều người trong số chúng ta đã từng chơi những trò này. 

Các bạn xem nhé. 

PTB 7/2012 
(Ảnh: mình xin của bạn bên cạnh nhé).


Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Cuộc gặp mặt “trù bị” mừng bạn tiếp tục được làm Công chức

Điện thoại giọng hối hả "Trưa nay đi ăn với nhau nhé.  Luôn nhé!" Chắc chắn bạn mình có gì mới nên mới gọi như thế. Tất nhiên là mình đi chứ vì cũng dễ gì gặp được nhau đâu. Hóa ra bạn mình chuyển cơ quan, lại tiếp tục được làm Công chức. Chắc là được vị trí cao hơn chứ thấp hơn thì chắc chẳng gọi thế này. Mấy đứa thống nhất là bữa trưa nhanh gọn chỉ được tính tầm "trù bị", còn bạn nếu nói là "khao" thì chưa "xứng tầm". Hết đoạn hỏi thăm con cái học hành, thi cử, tranh luận tí ti về việc học của các con trường nọ, lớp kia mới đến hỏi thăm nhau. Trong câu chuyện rôm rả ấy, mình nhặt được vài câu thoại giữa một Công chức lâu năm, một Luật sư kỳ cựu và một Dân làm thuê:
 ….
Công chức: Bọn mày nói thế nào chứ tao hiền nhất.
Luật sư: Ô, nếu mày hiền nhất thì tao phải được coi là gầy nhất trong số chúng mày (Ghi chú: Luật sư đang ở chế độ ăn kiêng nghiêm túc để giảm cân vì nguyên bản nặng nhất so với những đứa còn lại)
….
Dân làm thuê: Mày bảo mày sang cơ quan mới, làm ở Phòng X. Phòng mày trực thuộc Cục chứ không phải Bộ à? Thế Cục to hơn hay Bộ to hơn?
Công chức: Bộ phải to hơn Cục chứ.
Dân làm thuê: đã được làm Công chức đâu mà biết.
Luật sư: Bó tay. Thôi chết, không phải là Công chức nhưng không biết Cục to hơn hay Bộ to hơn cũng hơi gay nhỉ.
….
Dân làm thuê: Mày làm xúc tiến gì đấy, biết nhiều, mày tìm giúp tao mối nhập thực phẩm giá cả hợp lý cho chuỗi nhà hàng được không?
Công chức: Nói cho nhanh thì chỉ có mua đồ "nước láng giềng" mới có "giá hợp lý" thôi.
Dân làm thuê: Bọn tao dùng nhiều thiết bị của "nước láng giềng" nhưng thực phẩm thì toàn nhập đồ từ nước A, nước B…
Công chức: Thế thì chịu, làm gì có cái gọi là "giá hợp lý"
Luật sư: Hehehe, chắc nước A, nước B…là tên gọi khác của "nước láng giềng".
….
Luật sư: Mày không thích ăn kem à? Thế thì đưa xuất kem của mày cho tao (Ghi chú: Luật sư vẫn chưa  tuyên bố bỏ chế độ ăn kiêng nghiêm túc để giảm cân đâu đấy nên từ chối ăn cơm nhưng kem thì thêm cũng được)
Dân làm thuê: Tao không thích lắm nhưng không có nghĩa là tao không ăn kem nhé. 

Những câu chuyện tưởng chừng như vô thưởng vô phạt  giữa những ngày làm việc bận rộn và đầy lo toan của cuộc sống lại làm tất cả thấy vui và mong hay được gặp nhau. 

6/7/2012



Lều chõng ngày xưa - Kỳ 1: Sĩ tử thời xưa

Thi cử đã xuất hiện ở VN từ gần 1.000 năm rồi, kể từ khoa thi đầu tiên năm Ất Mão 1075 đời Lý. Nhân kỳ thi Đại học năm 2012, chúng ta cùng xem lại việc thi cử ngày xưa tổ chức như thế nào; sĩ tử học hành, ứng thí ra sao; trường thi ngày xưa, việc chấm thi và công bố kết quả...

Độc giả hãy cùng chúng tôi lùi lại quá khứ để tìm hiểu về chuyện thi cử dưới thời Nguyễn, là triều đại kế thừa nền tảng khoa cử từ các thời trước và xây dựng thành hệ thống khoa cử hoàn chỉnh nhất.


Quan bắc loa gọi tên thí sinh vào trường thi - Ảnh tư liệu
Chúng tôi trở lại Văn Miếu (Huế) vào một ngày cuối tháng 6, nắng hè như đổ lửa. Bên trong nhà thờ các vị học trò Khổng Tử thì râm mát hơn nên các cô cậu thí sinh vào tránh nắng để tranh thủ ôn bài.

Bên ngoài sân, một vài vị du khách đang lúi húi với những dòng chữ Nho trên hàng bia tiến sĩ. Có lẽ họ đang đi tìm dấu tích của tiền bối đã đỗ đạt dưới thời Nguyễn.

Thí sinh ngày đó học gì?

Bắt đầu là học chữ Nho với các thầy đồ (gọi là sơ học), với các sách Tam thiên tự, Tam tự kinh, Hiếu kinh, Ấu học quỳnh lâm...

“...Các bậc thánh đế minh vương không ai không lấy việc nuôi nấng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc ưu tiên...”.
Đó là những dòng trong bài văn bia nổi tiếng khắc trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu (Hà Nội) ghi tên những tiến sĩ khoa thi năm 1442 dưới triều Lê. Muốn chọn hiền tài tất phải thông qua thi cử. Triều Nguyễn cũng kế tục và phát triển quan điểm đó.
Lớn lên chừng 10 tuổi bắt đầu làm quen những sách kinh điển của Nho giáo, như bộ Tứ thư (Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung), lần lần đến Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân thu), rồi Bắc sử (sử Trung Quốc), Nam sử (sử nước ta).

Ngoài ra, còn phải đọc sách của Bách gia chư tử, tức sách của các triết gia Trung Quốc thời cổ đại; học thêm Đường thi, Tống thi, các áng văn tiêu biểu trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam; nghiền ngẫm những bài văn sách danh tiếng qua các đời...

Đó là nội dung cơ bản của việc học. Tất thảy phải thuộc lòng, quên một chữ là phải tìm thầy để hỏi. Thử hình dung một khối lượng khổng lồ tri thức như vậy, hoàn toàn bằng chữ Hán, việc học gian nan biết chừng nào, hẳn sĩ tử phải học bằng quyết tâm sống còn mới có thể ra trường thi.

Nhưng kiến thức trên mới là phần cứng, còn làm bài thi lại là một sự vận dụng linh hoạt, đòi hỏi tài năng sáng tạo. Việc hành văn thì từ nhỏ đã tập viết, tập làm thơ. Khi đã thông làu kinh sử thì tập viết những bài văn. Khi bước chân vào kỳ hạch (khảo khóa, tức sơ khảo) ở địa phương, các thể loại kinh, văn sách, thi phú, văn tứ lục (tức các loại văn bản hành chính: chiếu, biểu...) thí sinh đã phải tường tận lắm rồi mới mong vượt được kỳ sơ khảo này.

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

15 món ngon Việt được đề cử kỷ lục châu Á

Phở, chả cá, bún chả Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, gỏi cuốn Sài Gòn... vượt qua hàng trăm món ăn khác của Việt Nam để được chọn vào danh sách đề cử 15 món ngon nhận kỷ lục châu Á.

Danh sách đề cử 15 món ngon Việt gồm có: Phở - bún chả - chả cá Lã Vọng - bún thang của Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mì Quảng, phở khô Gia Lai, bánh canh Trảng Bàng, bánh khọt Vũng Tàu, gỏi cuốn và cơm tấm Sài Gòn, bánh cóng Sóc Trăng. Đây được xem là những món ăn chỉ ở Việt Nam mới có khi so sánh với các nước khu vực châu Á.
* Ảnh: Vẻ bắt mắt của món ngon Việt được đề cử kỷ lục châu Á
Phở hấp dẫn người ăn vì nước dùng (nước lèo) có hương vị rất ngon và bổ dưỡng do được phối hợp từ nhiều loại gia vị, nguyên liệu khác nhau, kết hợp với bánh phở vừa mềm vừa dai ăn rất hấp dẫn.