Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Bài hát Nga - Балалайка

Chắc các bạn cx k0 lạ gì cây đàn nổi tiếng Балалайка. Tiếng ròn tan và réo rắt lôi cuốn người Nga vào những giai điệu trữ tình cũng như những điệu nhẩy sôi động.
Các bạn cùng thưởng thức nhé!


Tháng Ba

Tháng ba. Vẫn là tháng của Mùa xuân. Trời ấm dần. Những cơn lạnh thập thò từ phương Bắc như kẻ chơi xấu thỉnh thoảng nghịch ngợm hắt tí hơi lạnh vào nhà mình, nay đang phải rụt tay lại vì thời tiết sắp vào hè. Người bảo khỏe ra, kẻ kêu mệt mỏi, ai cũng có cái lý do của mình. Âu cũng là ở thể trạng của từng người. Cũng có thể tại thời tiết chuyển mùa, cũng có thể vì các chuyện cơm áo gạo tiền. Gía cả chao đảo khốc liệt, không ốm không mệt mới là chuyện lạ .

Những ngày này, các bà mẹ đứng tuổi có kinh nghiệm thường dặn dò người nuôi con nhỏ: thời tiết cuối xuân thường độc, ra đường nhớ tránh cơn gió chiều. Cho con chơi rong đừng quên cái mũ che kín thóp. Bước vào mùa viêm nhiệt, không thể coi thường. Chúng chểnh mảng nghe câu được câu chăng. Gớm nói gì mà nhiều thế, cần gì những kinh nghiệm ấy. Việc ấy đã có nơi giữ trẻ, các bà bảo mẫu lo. Các bà mẹ trẻ ngày nay có mấy khi ẵm con đi chơi rong đâu. Đẩy xe nôi cũng là người giúp việc. Trẻ con ngày nay không còn biết đến tiếng ru vọng về từ ca dao, cũng như lớp trẻ cũng không cần lắm đến lời dạy dỗ. Kiến thức trên intenet như biển cả mênh mông, còn lời dạy những  kinh nghiệm xưa thì rỉ rách như những mạch nước ngầm đang cạn kiệt.

Tháng Ba, tháng cuối của mùa xuân ở nhiều vùng thôn quê vẫn còn í ới lễ hội. Còn nhớ các cụ vùng quê tôi nói về lễ hội thế này: Tháng hai Đông, tháng ba Đoài, tháng tư duyên hải. Các cụ ngồi nhớ vậy thôi. Cái chân cái sức không chiều được lòng người nữa rồi. Nhưng ngồi ôn lại cũng là thứ trẩy hội tinh thần, cũng cần lắm. Nhưng in ít thôi kẻo lại bị chê là càng già càng lẩm cẩm. Lũ trẻ bây giờ ngoan ngoãn không còn nhiều lắm, nhưng hư hỗn thì cũng không ít.

Riêng tôi tháng Ba rồi mà vẫn không quên ngày 17 tháng Hai 1979. Năm ấy biên giới phía bắc các thị xã tan nát, máu chảy tanh lờm. Ngày này không thấy ai nhắc nhở nhưng rải rác vùng biên nhiều đám giỗ nhắc nhở. Chắc miền xuôi cũng không ít. Người ta vẫn âm thầm nhớ, âm thầm xót thương vì nỗi đau vẫn ẩn sâu, đã khắc vào xương cốt.

…33 năm nay, Tháng Ba, ngày thanh minh, với người dân miền núi phía bắc đã phải chăm sóc thêm rất nhiều ngôi mộ mới mọc từ 1979, bon bành trướng Bắc Kinh gây ra. Mỗi lần nhớ tớiThanh minh là thêm một lần mặn lòng.

Trước đó, vào nửa cuối 1978, con gái tôi đã phải chuẩn bị ghi tắt lý lịch vào trên tấm thẻ nhôm để đeo vào cổ, chuẩn bị có lệnh là bốc hót lên xe lui về phía Nam, còn bố mẹ sẽ ở lại chuẩn bị đối mặt với chiến tranh. Bây giờ cháu đã là nhà báo. Hỏi lại chuyện ấy, nó bảo con không nhớ, bây giờ bố bảo con mới biết. Ghê thế cơ à. Làm sao con nhớ, lúc ấy con mới có 6 tuổi. Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ thù oán phải cởi bỏ, nhưng quên nỗi đau thì không thể.

Ôi tháng Ba, tháng chuyển mùa cho một năm mới lại bắt đầu...

Hoa gạo

Ảnh: Internet
1. Hoa gạo tiếng Hán là mộc miên, người Tây Nguyên ta gọi là pơ-lang, còn với dân đồng bằng thì chỉ đơn giản: hoa gạo. 

Hoa gạo không để ăn, thân gỗ gạo không thể làm nhà, thể chất của gạo không làm nên giá trị gì, nhưng về tinh thần thì hoa gạo trở thành biểu tượng của làng quê, là hình ảnh của đất nước. Mới hay ở đời người nào vật gì cũng có giá trị của nó. Chỉ có điều giá trị của nó sẽ  bộc lộ lúc nào, ở đâu……

Cây gạo đầu làng, đầu bản, cây gạo bên đình chùa đền miếu cầu quán trở thành thân quen với con người làng quê như hạt gạo làng ta.

Gạo  cũng như đa, là một phần hồn Việt mà chẳng cần ai phải kêu gọi giữ gìn bản sắc. Đi đâu xa, chỉ một gốc đa đầu đình, cây gạo trước cổng làng là đã đủ níu chặt tâm can mỗi người.

2. Hoa gạo từng đi vào ca dao mùa vụ  để nhà nông dễ nhớ

“Bao giờ cho đến tháng Ba
Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng…”

Năm nay nhuân (nhuận) tháng Tư, gạo ở vùng xuôi chưa nở nhưng miền biên viễn thì đã đỏ đồi. Ngọn nguồn suối Tráng Kìm trên đất Quản Bạ hoa gạo lây phây trong nắng, dưới làn gió xuân cánh hoa rung nhẹ giống như đàn dơi lửa đang vẫy cánh dưới cái nắng đầu mùa Xuân óng vàng tơ.


3. Thế là chị ơi…

Rụng bông hoa gạo…

Lời hát buồn buồn như gió thoảng  thấm vào người nghe man mác xa xăm. Không phải nhạc, cũng chẳng phải thơ, mà chính là bông hoa gạo. Vâng, rụng bông hoa gạo làm ta giật mình. Hoa gạo trong ca từ này là một cuộc chia ly với nỗi buồn đầy ắp của đời con gái.


4. Người ta nhớ cây gạo không hẳn vì dáng gạo bề thế, mà gạo giống như cột mốc đầu làng. Vài chục năm, vài trăm năm vật đổi sao rời, cây gạo vẫn đứng đó bền vững  như một nhân chứng lịch sử, như ngọn đèn  thắp sáng tâm hồn mỗi người để khi đi xa quê dù bao chục năm cũng không lạc lối. Cây gạo thành ngọn hải đăng dành cho người xa quê.


5. Mùa hoa gạo năm nay chậm với miền xuôi nhưng ở vùng núi như Hà Giang thì hoa đã nở đỏ trời. Nếu miền xuôi gạo đứng đơn côi thì vùng núi nơi biên ải này gạo xếp hàng dài hai bên đường bừng bừng sắc đỏ nhuộm lên màu chàm xanh của núi lại gợi lên một khí thế khác, khí thế của mùa Xuân bừng tỉnh giấc. Trong gió ngàn  hoa gạo xôn xao như những chàng trai người Mông chia nhau chén rượu đầu năm bước vào ngày hội vui bất tận…


6. Bởi thế mà hoa gạo, cây gạo luôn man mác trong cõi đời…Gần với tất cả mọi người. Tôi nhớ mùa hoa gạo vì đó là loài cây vẫy gọi mùa Hè quen thuộc từ tuổi bé thơ.


Đỗ Đức
Nguồn: TT&VH

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Tháng ba hoa gạo

Tháng ba, hoa gạo đã về, nụ cười con gái gieo vào trời xanh.

Vũ Thị Thanh Bình

Ngày nối ngày, mùa nối mùa, cứ thế trôi đi... có người con trai nào chợt nhớ đến mà hỏi em về màu hoa gạo? Tháng ba, hoa gạo đã về, nụ cười con gái gieo vào trời xanh. Ai bảo anh là tháng ba trời xanh? Tháng ba đỏng đảnh, khó chiều như một thiếu nữ đẹp người mới lớn, ý thức được cái đẹp của mình mà ra sức làm mình làm mẩy. Trời tháng ba lúc đầy nắng, lúc lại sương mù u ám. Ngày tháng ba lúc hanh hao, nóng nực, lúc lại nồm ẩm, lạnh run người.

Đi giữa tiết tháng ba, người ta dễ trở mình, dễ ốm vặt và nhiều khi bức bối vô cớ trong lòng mà giận lây người khác. Nhưng những thứ hờn giận đấy cũng sẽ chẳng lâu dài. Người ta nhanh chóng quên hết bực dọc khi nhìn thấy một nụ cười con gái duyên dáng, vô tư. Cũng như quên cả mưa nắng tháng ba thất thường khi thấy hoa gạo đỏ.

Em sẽ chẳng giận anh vì đã tham lam kéo thêm màu trời xanh gán vào tháng ba cho hợp với sắc hoa cháy bỏng. Em biết người đàn ông nào cũng thế, hay yếu lòng trước những cái đẹp vu vơ. Chỉ cần anh nhớ mỗi độ tháng ba về, có loài hoa đang thắp cả trái tim lên thành lửa. Hoa đã đỏ trên những cành khô, lửa khát khao, lửa dại khờ. Cháy vội hết cả mùa xuân tuổi trẻ.

Mùa hoa gạo sẽ qua nhanh lắm đấy. Một buổi anh giật mình trước góc cuối trời đã rực màu cánh hoa đỏ ánh lên, tự nhủ ngày mai, ngày kia sẽ tìm đến tận nơi xa xôi ấy. Thế mà mải miết với công việc, với những toan tính đời thường bất tận cuốn đi, chưa hết tháng ba, đến ngày mai, ngày kia đó của anh, cả mùa hoa đã tan biến tự lúc nào.

Anh đừng vội lầm màu hoa ngạo nghễ cháy như thách thức đất trời ấy, cánh hoa cứng cáp dãi dầu sương gió trên những cành cao trơ trụi ấy với sự trường tồn. Đã sinh ra trong thân phận một loài hoa, làm sao tránh khỏi sự vô thường? Tưởng rằng cứ gan góc, cứ lỳ lợm, cứ kiêu hãnh ngẩng cao đầu là sẽ bước qua hết những yếu đuối? Đến lúc tàn lụi, rụng rơi mới biết là mình cũng dễ vỡ, dễ đau. Đóa hoa mới rụng còn đẫm sương đêm vẫn run rẩy giữa tay người.

Hoa tàn rồi còn nuối tiếc cháy đỏ trên cỏ xuân mươn mướt, cho tận một kiếp đời. Tháng ba, mùa hoa gạo, nhắc em về trái tim mình cũng có lúc mong manh, yếu đuối, nhắc anh về nụ cười có lúc đã cháy, đã tắt như một giấc mơ.

Vài nét về tác giả:

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Yêu và Trọng


Sáng đầu tuần, cô tạp vụ nghỉ ốm, thế là mất suất cà phê sáng. Cố nhịn, rồi không chịu nổi, tôi bỏ việc lượn ra đầu phố ngồi uống cà phê. Cạnh bàn, mấy chàng đang ngồi gác chân lên ghế tán chuyện:
Chàng già: – Mẹ, đang vui thì mày bỏ về.
Chàng trẻ: – Vợ em nó ốm nghén nằm bẹp. Em phải về xem nó ăn uống thế nào.
Chàng già:- Mày đúng là thằng núp váy vợ. Bảo nó mua phở về mà ăn. Mất mẹ nó một chân phỏm, vỡ cả trận.
Chàng béo: - Mày đội nó lên đầu thế, rồi có ngày nó vặt hết cả râu lẫn tóc mày đi.

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Mừng Blog "Lớp Nga 2 và Bè bạn" tròn 1 tuổi!


Chào các bạn,

Cảm ơn các bạn đã đóng góp và theo dõi blog "Lớp Nga 2 và Bè bạn" trong 1 năm vừa qua!
Chúng tôi mong nhận được từ các bạn những lời động viên như hình ảnh bên trên và sẽ luôn cố gắng để xứng đáng được như vậy.

Thân mến.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Bài hát Nga - Катюша

Bản tinh ca viết về người con gái Nga xinh xắn dịu hiền luôn nhớ về người yêu xa nơi chiến trường ác liệt. Không hiểu sao người Nga đặt tên cho loại vũ khí hủy diệt của họ bằng cách gọi trìu mến người con gái. Là âm vang, niềm kiêu hãnh của quân đội Xô Viết trong những năm chống phát xít. Cả pháo phản lực BM-13 lẫn bài hát "Катюша" đều vô cùng nổi tiếng. Đến bây giờ người Nga vẫn coi "Катюша" là một bài hát chiến tranh. Mặc dù, nếu "mổ xẻ" bài hát, thì đó hoàn toàn không phải bài hát chiến trận, mà là một bài hát trữ tình.

Các bạn nghe hai giọng ca nhí thể hiện suất sắc bài hát này trong dịp lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng 2007.


Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Ám ảnh từ những đôi mắt trong veo

Ánh mắt trong vắt của em bé xã Mậu Duệ (Yên Minh, Hà Giang)
Những đôi mắt trong vắt của trẻ được nhìn thấy ở nơi con người và thiên nhiên hòa làm một, hay ở vùng gian khó, không chỉ gây ấn tượng cho người đối diện mà chính là thứ lưu lại lâu nhất trong lòng khách lạ.
Hút vào ánh mắt đó là sự trong sáng tuổi thơ. Còn trong sâu thẳm, thấy cả nỗi ám ảnh từ những đôi mắt ấy. Dù chỉ là ngôn ngữ cảm xúc không lời thay cho điều không thể nói, thì vẫn cảm nhận đầy đủ cả niềm vui tuổi thơ, nỗi buồn man mác và những ao ước của một đứa trẻ nơi nghèo khó nhọc nhằn.


Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Tháng 3: Hoa xoan - Hoa sầu đâu


"Tháng Ba nở trắng hoa xoan
Sáng ra mặt đất lan tràn mùi hương
Không em anh chẳng qua vườn
Sợ mùi hương...sợ mùi hương... nhắc mình" 

Loài hoa của làng quê ấy đã đi vào thơ và sống trọn vẹn trong lòng nhiều người yêu nó. Thế nhưng loài hoa tôi nhớ đến lúc này không phải là hoa xoan. Hoa xoan của tháng Ba chỉ nhắc tôi nhớ đến một loài hoa khác ở quê mình - hoa sầu đâu. 

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Bài hát Nga - Было, Но Прошло

Đã từng nhưng không phải qua đi. Lời bài hát thật đáng yêu và da diết. Các bạn cùng nghe bai hát này nhé



Chế tạo đàn bà


Ông vua xe hơi, Henry Ford sau khi chết được đưa lên thiên đàng. Tại cổng thiên đàng có Thánh St Peter chờ sẵn để đón Ford. Vừa gặp Ford, Thánh Peter cho biết:

"Ford, hồi còn sống, ngươi đã làm nhiều việc công ích cho xã hội, như sáng chế phương pháp làm việc dây chuyền cho kỹ nghệ xe hơi làm thay đổi cả thế giới. Với thành quả như vậy , ngươi sẽ được một ân huệ là có thể chuyện trò với bất cứ ai ở thiên đàng này."

Suy nghĩ vài giây, Ford xin được gặp Thượng Đế. Thánh Peter dẫn Ford đến gặp Thượng Đế. Vừa gặp Thượng Đế , Ford hỏi ngay :
"Thưa Ngài, lúc ngài chế tạo ra đàn bà , ngài đã suy nghĩ gì?"

Thượng Đế nghe xong bèn hỏi lại: "Ngươi hỏi như vậy là ý gì?"

Ford liền trả lời: "Trong sáng chế của ngài có quá nhiều sơ sót:

* Phía trước thì bị phồng lên
* Phía sau thì bị nhô ra
* Máy thường kêu to khi chạy nhanh
* Tiền bảo trì và nuôi dưỡng quá cao
* Thường xuyên đòi hỏi nước sơn mới
* Cứ đi 28 ngày là lại bị chảy nhớt và không làm việc được
* Chỗ bơm xăng và ống xả lại quá gần nhau
* Đèn trước thì quá nhỏ
* Tiêu thụ nhiên liệu thì nhiều khủng khiếp."

Thượng Đế nghe qua liền bảo: "Ngươi hãy đợi một chốc lát để ta xem lại bản thiết kế."

Ngài bèn cho gọi toàn bộ kỹ sư thiết kế và cơ khí trên thiên đàng lại để xem lại quá trình
Sau một thời gian họ đã trình lên cho Thượng Đế bản báo cáo. Xem xong, ngài bèn phán rằng: " Những lời ngươi vừa nói hoàn toàn đúng , bằng sáng chế của ta thật có nhiều sai sót , nhưng nếu tính trên phương diện kinh tế thì hiệu quả lại rất cao ...Có gần 98% đàn ông trên thế giới xài ... sản phẩm do ta chế tạo. Trong khi chỉ chưa đầy 10% đàn ông xài ... sản phẩm của ngươi."
(ST)

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Vô tình



















Trần Tiến

Cám ơn mặt trời cho tôi một chiều
Cám ơn cuộc đời cho tôi một người
Người bước vào đền trong tim ta im vắng
Chiều bước vào đền cho tim ta chút nắng

Rồi người cứ vô tình người đi
Rồi chiều cứ vô tình chiều qua
Rồi người cứ vô tình người xa
Rồi chiều cũng vô tình chiều quên

Giữ sao được người đi qua cuộc đời
Giữ sao được chiều đi qua mặt trời
Người cứ đi người mang theo bóng
Chiều cứ qua chiều mang theo nắng

Cám ơn mặt trời cho tôi một chiều
Cám ơn một chiều cho tôi một người
Cám ơn một người cho tôi một lần biết yêu

Giữ sao người đừng đi?
Giữ sao chiều đừng qua?
Giữ sao người đừng xa?
Giữ sao chiều đừng quên?

Nguồn: BMM Blog

Đàn ông gửi đàn ông nhân ngày 8/3

Lại một lần nữa, cái ngày đáng sợ ấy sắp tới. Không thể thoát được nó, không thể hoãn được nó, càng không thể chạy trốn nó. Vậy chúng ta hãy đứng sát vào nhau, hãy nắm chặt tay và đối diện với nó một cách anh hùng

Chúc mừng các bạn Nữ nhân ngày 8-3!

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

TS.Alan Phan: Dạy con phụ thuộc hên xui!

Dạy con thì khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp, và đau đầu hơn nhiều vì không thể "làm lại được"
Chia sẻ với chúng tôi về chuyện con cái, Alan Phan bảo: "Khi làm ăn thua cuộc, tôi thường nói "mình ngu rồi, làm lại thôi". Nhưng dạy con thì khó hơn chục lần điều hành doanh nghiệp, và đau đầu hơn nhiều vì không thể "làm lại được".
Có thể gọi ông là triệu phú Việt kiều, cũng có thể chẳng cần quan tâm đến điều đó, vì Alan Phan nói rằng, lúc hết tiền cũng như có tiền, ông thấy không có gì khác nhau lắm. TS Alan Phan nhắc đi nhắc lại với phóng viên rằng, ông không có ý khuyên bảo gì trong vấn đề dạy con, vì mục tiêu của mỗi cha mẹ rất khác nhau. "Tôi không phải là nhà giáo dục, không phải là chuyên gia về dạy con hay người có thẩm quyền nói về đề tài này chuyên sâu", ông nói.

Xài tiền khó hơn kiếm tiền?


GIẢN TƯ TRUNG

Nếu như kiếm tiền là việc rất khó, thì xài tiền, lại càng khó hơn. Nếu không, thì doanh nhân vĩ đại trong thế kỷ trước, vua thép Andrew Carnegie, đã chẳng phải thốt lên: “Chết trong sự giàu có là một cái chết đáng hổ thẹn”. Hội nhập toàn cầu, liệu ta có nên hội nhập cả cái văn hóa nhà giàu đáng nể trọng và cái cách xài tiền đầy trí tuệ của những người giàu thế giới?

Khi người Trung Quốc nói “không”

Chuyện kiếm tiền, đương nhiên là rất khó, cho dù kiếm bằng cách nào đi chăng nữa. Thế nhưng, khi kiếm tiền vượt qua ngưỡng của những nhu cầu tiêu dùng cho bản thân, gia đình và cộng đồng nhỏ xung quanh mình, thì việc ứng xử với một “núi” tiền lại là một thách thức không nhỏ đối với những người giàu và những người rất giàu.

Một câu chuyện điển hình là cách đây không lâu,  khi hai trong số những người giàu nhất thế giới là Bill Gates và Warren Buffet khởi xướng chiến dịch “Giving Pledge” (tạm dịch là “Cam kết cho đi”) nhằm kêu gọi các tỉ phú Mỹ dành phần lớn số tài sản của mình để góp phần thay đổi xã hội thông qua con đường từ thiện; họ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những “đồng nghiệp” của mình. Đến nay, đã có hơn 70 tỉ phú Mỹ tham gia chiến dịch “cho đi” này. Những món tiền trị giá hơn một nửa hoặc gần như trọn vẹn tài sản của những doanh nhân thành đạt lần lượt được hiến tặng vì mục đích xã hội. Thế nhưng, khi bước chân sang Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới với hàng loạt hiện tượng “siêu giàu” đang  nổi lên, công cuộc thuyết phục của hai người đàn ông huyền thoại này lại không được dễ dàng như thế.

Bởi không phải tỉ phú Trung Quốc nào được mời tham dự “buổi tiệc lớn” của hai ông cũng sẵn sàng hay tỏ ra hào hứng với lời mời. “Sợ bị xin tiền” - đó là bình luận phổ biến nhất trên báo chí khi tường thuật lại cuộc thuyết phục chưa thành của Bill Gates và Warren Buffet tại Trung Quốc. Rõ ràng quan niệm về cách xài tiền ở một quốc gia Á Đông khác xa so với nước Mỹ. Người Á Đông thường vẫn mong muốn tích lũy tài sản của mình, nhất là tài sản hữu hình, cho con cháu của họ. Và vì thế, triết lý “vì xã hội” đã không thuyết phục được nhà giàu mới tại Trung Quốc.

Liệu có chăng sự khác biệt về mặt suy nghĩ giữa nhà giàu Đông và Tây?

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Bài hát Nga - Жаль

Mưa lạnh! Các bạn cùng nghe bài hát Жаль của Алла Пугачева nhé!


Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Nhan sắc tháng Ba

Phan Thanh Bình

Qua email em hỏi :” Tháng ba, Hà Nội có màu gì anh nhỉ? “. Tôi bật cười trước màn hình vi tính vì câu hỏi vẫn vẹn nguyên sự lãng mạn ở nơi em, dù giờ đây không còn ở lứa tuổi hai mươi, cũng chẳng còn ở chung trong không gian cư xá. Lại hiển hiện trong tôi là khuôn mặt trái xoan, đôi má lúm đồng tiền cùng mái tóc thề luôn xoã ngang vai. Hồi đó, tuy không ngồi cùng bàn nhưng ngày nào chúng tôi cũng nhìn thấy nhau vì cả hai cùng học một khu giảng đường. Ra chơi em thường lúng liếng đôi mắt nghuýt dài mỗi khi thấy tôi đứng hàn huyên với những cô bạn cùng lớp. Thưở ấy…Cách đây quãng chừng sáu năm, trong lớp em vẫn nổi tiếng là cô gái lãng mạn: thích đi trong mưa, thích sướt mướt trong những tiểu thuyết tình cảm đẫm đầy nước mắt cùng vô số cử chỉ của một nàng tiểu thư được gia đình cưng chiều. Em thường viết những tản văn về màu của trời tháng Tư, của âm thanh gió mùa Đông bắc, của màu nắng xuân và mưa phùn trong cư xá – nơi em sống, gắn bó với bao kỷ niệm. Nói chung, em hay nghĩ về những điều mà bạn bè cùng trang lứa không nghĩ đến hoặc đúng hơn, không buồn nghĩ đến. Em yêu sự viển vông, thích sống trong hoài niệm với những điều tựa như là hư không. Sự lãng mạn của tuổi hai mươi ấy đã khiến em trở thành nổi tiếng trong khoa, được nhiều chàng trai săn đón…

…Bây giờ đối diện với màn hình vi tính, trước câu hỏi mênh mông của em tôi hồi hộp nhớ lại những trang đời ký ức đi qua…Thế là đã lâu lắm rồi tưởng chẳng còn duyên may gặp gỡ, bởi em ra trường lại lập tức đi du học nước ngoài, thế mà hôm nay check mail tình cờ lại nhân được thư của em. ” Tháng ba Hà Nội có màu gì anh nhỉ? “. Bức thư viết không dài, nhưng vừa giống một lời trách thầm vừa như một “thông điệp” cho biết rằng em vẫn nhớ…Thư viết tròn trịa như một đoản văn với vài ba thông tin và một câu hỏi như thôi thúc người nhận phải viết dài, viết kỹ về một tiết trời bảng lảng mưa xuân mỗi khắc đêm về. Về một Hà Nội ngàn xưa với lớp lang văn hiến mà có đi sâu cắt nghĩa cũng khó bao giờ thoả lòng mong ước. Câu hỏi như một lời trần tình muốn trải lòng mình trong không gian quên hương từng phôi thai biết bao kỷ niệm. Qua email, tôi không nhớ rõ mình đã gõ những gì lúc đó để gửi nhanh cho một người bạn thân xưa. Không nhớ kỹ nhưng vẫn còn nhớ rằng mình đã viết về Hà Nội còn đậm hương xuân. Một Hà Nội của những phố cây ngăn ngắt xanh, thi thoảng lại được điểm tô bằng mấy cây hoa sưa trắng muốt. Một Hà Nội vẫn có nắng, gió, và cữ này, những cây hoa sữa dọc quanh các phố đã buông chùm quả tựa những cánh mành buông hờ hứng gió. Còn những cây bàng góc phố đã thôi thời lá đỏ để dồn nhựa sống cho những chồi non đang nhú. Trời tháng ba không biếc xanh nhưng sắc hồng của những đôi má thiếu nữ Hà Thành đang thướt tha váy áo, rộn rã tiếng cười thì vẫn làm nôn nao lòng người, vẫn làm đắm say biết bao kẻ vẫn tự cho mình là phái mạnh. Thời tiết tháng Ba Hà Nội như một cô thiếu nữ có nhan sắc nhưng đỏng đảnh : lúc bừng sáng mỹ miều, khi lại trầm tư thâm u bí ẩn…

Tháng Ba, Hà Nội có quá nhiều điều thay đổi, có quá nhiều cái mới. Những quán xá, những cửa hiệu sang trọng mọc lên, những sửa chữa tôn tạo, và thành phố bắt đầu thực hiện dự án kè bờ sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ… Không biết sẽ kể gì để thỏa một người bạn đã có ít nhiều kỷ niệm với Hà Nội giờ đang ở xa. Nhưng tháng Ba Hà Nội, chắc chắn không thể thiếu màu của hoa, nhất là hoa hồng. Ở cái ngưỡng cửa bước vào thiên niên kỷ mới này, Hà Nội cũng ngập tràn trong nhan sắc của các loài hoa đến từ những quốc tịch khác nhau đua chen quanh phố. Chỉ một bông hồng thôi nhưng chỗ này là hồng Đà Lạt, bên kia là hồng Hà Lan, góc này là hoa của vùng Nghi Tàm, chếch ra chút nữa là hoa của vùng Mê Linh – Vĩnh Phúc. Hoa có mắt ở khắp nơi: trong công viên, trên ngã tư ngã năm đường phố, hoa chen đua trên những chiếc xe đạp lách quanh phố xá, hoa nhẩn nha thả bộ cùng bước chân người gánh hàng hoa vào chợ. Hoa đua sắc trong những cửa hiệu chuyên bán hoa tươi ở phố Kim Liên, Hai Bà Trưng, Ngô Thì Nhậm, Lê Hồng Phong… rồi trước các cổng trường đại học, trong khuôn viên cư xá sinh viên. Ở Hà Nội, tháng Ba có thể coi là tháng của hoa. Trong năm, dường như chưa bao giờ Hà Nội lại ngập tràn trong hương sắc của muôn hoa như bây giờ. Hoa hân hoan trong tay các chàng trai, cô gái để hòa vào niềm hạnh phúc của ngày mùng Tám tháng Ba. Sắc màu của tháng Ba khó có thể vẽ đủ trong một bức tranh mà lại bị khuôn định bởi kích thước rộng dài. Chỉ thấy lấp lóa, chói gắt hoặc điệu đàng lãng mạn khi những người đàn ông xúc động dâng hoa tặng bà, tặng mẹ, tặng chị, tặng người yêu…

Còn một thứ hoa nữa tôi nhớ đã viết trong phần cuối bức thư. Đó là sắc đỏ tinh khôi của những bông hoa gạo. Mới chớm bước vào tháng ba, những cây hoa gạo hiếm hoi còn sót lại trong lòng thành phố như ở mép Hồ Gươm, trong khuôn viên trường Trần Phú cũng chưa bung hoa rực rỡ. Ngước nhìn cây gạo đầu tháng ba thi thoảng mới gặp màu hồng le lói…Tôi có nhắc tới những bông hoa gạo ấy trong email, bởi biết chắc rằng, ở nơi em đang sống khó mà tìm ra một bóng hình cây gạo. Và hơn thế, để gửi một niềm hy vọng làm ấm lên những kỷ niệm quê hương nơi trái tim của một con người xa quê và lãng mạn…

” Tháng ba Hà Nội có màu gì anh nhỉ? “.

Lời rằng, tháng Ba, Hà Nội vẫn có một đóa hồng nhung thắm đỏ…

Nguồn: BMM Blog