Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Tháng 3 ngày 8 Dương lịch!

Có một anh chàng nọ
Làm quần quật luôn tay
Nên bỗng ghen với vợ
Được ở nhà suốt ngày

Anh chàng than với Chúa:
“Con khổ quá chúa ơi
Ngày phải làm 10 tiếng
Trong khi, vợ thảnh thơi

Con xin thành cô ấy
Còn cô ấy thành con
Cho nếm thử mùi vị
Thử làm chồng có ngon?”

Chúa thương tình đồng ý
Đổi giới tính hai người
Cô vợ không ý kiến
Còn chồng sung sướng cười

Sáng hôm sau tỉnh giấc
Chàng vội vã nấu ăn
Hò hét kêu con dậy
Rồi quýnh quáng gập chăn

Sắp từng cái quần áo
Cả bốn “đứa” trong nhà
Cho ăn, đèo đi học
Cuống lên vì trường xa

Rồi quay về đi chợ
Hoa quả với thức ăn
Đồ bẩn đem đi giặt
Kẻo “chồng” về cằn nhằn

Đoạn quay sang chế biến
Nấu ăn cho thật ngon
Tranh thủ chờ cơm chín
Phi tới trường đón con

Ăn xong lại rửa bát
Lau bếp núc sàn nhà
Tắm cho mèo, cho chó
Toàn những việc đàn bà

Chưa được nghỉ một tí
Lại phải đưa con đi
Học thêm và học nếm
Chuẩn bị thi học kỳ

Loanh quanh mà nháy mắt
Trời đã chuyển sang chiều
Lại đón con, nấu nướng
Rồi phục dịch “chồng” yêu

(Sau khi rửa xong bát
Thì đã 21 giờ
Anh “chồng” mà trước đó
Là vợ - cứ nằm chờ)

Một ngày thở ra khói
Vừa leo lên giường nằm
“Chồng” đã khều chân gãi:
Chúng mình chơi “đào hầm”!

Dù trong lòng không thích
Vì mệt rũ cả người
Nhưng vẫn cứ phải cố
Giúp chồng được “xả hơi”
*
* *
Sáng hôm sau gặp chúa
Anh vội vã khẩn cầu:
“Làm đàn bà mệt quá
Con không thích nữa đâu!

Con đã biết lỗi lớn
Có mắt mà như không
Giờ con mới thấy khổ
Xin trở lại làm chồng!”

Chúa vuốt râu cười lớn:
“Ta mới vui làm sao
Khi con đã hiểu rõ
Làm vợ mệt thế nào

Giờ con muốn trở lại
Ta có tiếc gì đâu
Nhưng phải sau 9 tháng
Vì con đã dính… “bầu”...”

PS:
Trước khi làm việc lớn
Hãy suy nghĩ thật sâu
Đi thì đơn giản lắm
Về không dễ thế đâu! 
(Sưu tầm trên Facebook)

Chuyện 4 bà vợ

Một thương nhân giàu có có 4 bà vợ. Ông yêu người vợ thứ tư nhất, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền. Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý.
Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn “khoe” vợ với bạn bè. Tuy nhiên, trong ông luôn thường trực nỗi lo sợ bà bỏ đi với người đàn ông khác.

Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp khúc mắc, ông đều tìm đến bà.

Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thuỷ, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.

Một ngày, ông ngã bệnh. Ông tự biết rằng mình sắp từ giã cõi trần. Ông nghĩ về cuộc sống giàu sang xa hoa và tự nhủ: “Hiện mình có 4 bà vợ. Nhưng khi mình chết, lại chỉ có một mình. Thật cô đơn làm sao!”.

Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: “Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?”.

“Không đâu” - Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi.

Câu trả lời như một nhát dao cứa vào. Ông hỏi người vợ thứ ba: “Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?”.

“Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn”. Trái tim ông run lên đau đớn.

Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: “Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?”.

Bà vợ thứ hai trả lời: “Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi”. Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. Ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông.

Bỗng có một giọng nói cất lên: “Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới”. Ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới.

Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: “Đáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa”.

Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ. Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết.

Còn bà vợ thứ ba? Đó chính là của cải, địa vị. Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác.

Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi.

Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời.

Tốt
 hơn hết là nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là “người” thân tín nhất bên ta. Đừng để phải hối hận vì đã lãng quên.


Nguồn: BM Blog

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Bitcoin: Công cụ làm giàu hay sáng tạo vô dụng?

Trong một phân tích đăng tải lần trước, tôi đã giới thiệu cỗ máy vận hành của Bitcoin, tại sao nó ra đời, và bản chất của nó là gì. Trong bài này tôi sẽ bàn thêm về giá trị của nó đối với cá nhân và xã hội.

Hai vấn đề lớn

Có hai vấn đề hóc búa đối với giải pháp của Satoshi: Thứ nhất là các cá nhân mua máy móc thiết bị để trở thành một node để làm gì? Họ đầu tư và họ phải được nhận thứ gì đó. Các ngân hàng trong thế giới bình thường đóng vai trò trung gian để hưởng phí giao dịch. Các chủ nhân của các node cũng phải được thù lao từ khoản đầu tư họ bỏ ra.

Satoshi đã nghĩ ra cách vừa để hệ thống tự tạo ra Bitcoin mới và vừa để tạo thù lao cho những người tham gia đóng vai trò xác thực giao dịch. Họ được gọi là các “thợ đào” (miners), lý do là họ có xác thực được một block hay không cũng tựa như có trúng số hay không, hay có may mắn đào được vàng hay không. Khi các thợ đào này xác thực được một giao dịch, hệ thống sẽ tạo ra một số Bitcoin thưởng cho họ. Thí dụ, tại thời điểm khởi nguồn của Bitcoin, một block được xác thực sẽ tạo ra 50 Bitcoin cho thợ đào thành công. Vì cứ mỗi 10 phút lại có một block được xác thực, mỗi ngày hệ thống tạo ra 720 nghìn Bitcoin mới, và một năm tạo ra 2,628 triệu Bitcoin mới.

Để khống chế số Bitcoin trong hệ thống không nhiều một cách vô tội vạ, Satoshi quy định cứ 4 năm số Bitcoin mới tạo ra cho một block được xác thực thành công sẽ giảm xuống còn một nửa. Với cách này, Satoshi khống chế số Bitcoin tối đa ở mức 21 triệu Bitcoin. Hệ thống sẽ đạt được con số này vào năm … 2140.

image 
Như vậy, câu hỏi đầu cơ bản được giải, các “thợ đào” đầu tư máy móc tham gia xác thực các giao dịch để hưởng Bitcoin thưởng khi họ xác thực thành công một block. Vì ngày càng nhiều người tham gia “đào” và số Bitcoin thưởng cho mỗi lần “đào” thành công giảm dần, việc kiếm Bitcoin thưởng ngày càng khó khăn.  Về lâu dài, để duy trì được nhiệt huyết của các “thợ đào”, người làm lệnh chuyển Bitcoin cho người khác sẽ phải trả phí giao dịch. Tuy nhiên hiện nay phí giao dịch vẫn bằng không.

Vấn đề khó khăn thứ hai là hệ thống Bitcoin có vẻ như chỉ bảo vệ người bán chứ không bảo vệ người mua. Người bán nhận được thông tin việc chuyển tiền từ bên mua đã được xác thực, và hệ thống của Bitcoin mô tả ở trên khiến cho bên bán không sợ bị lừa. Thế nhưng còn người mua thì sao? Làm sao người mua biết được rằng sau khi mình trả tiền rồi thì hàng sẽ đến tay?

Câu trả lời là...đã nhiều người mua bị ăn quả lừa từ phía người bán. Tiền chuyển đi mà hàng không về. Để bảo vệ người mua, Bitcoin có cơ chế “tài khoản phong toả” theo đó xuất hiện một bên thứ 3 đóng vai trò kiểm chứng. Người bán chỉ nhận được Bitcoin khi bên kiểm chứng xác nhận hàng đã chuyển. Tuy nhiên, cơ chế này lại đẻ ra cái mà hệ thống Bitcoin ngay từ đầu muốn xoá bỏ… đó là bên thứ 3. Lại phải xuất hiện một bên thứ 3 đủ uy tín mới bảo vệ được quyền lợi của bên mua và bên thứ 3 này lại sẽ tính phí dịch vụ. Nếu bên thứ 3 là đồ dỏm, bên thứ 3 có thể cấu kết với bên bán để lừa bên mua.

Bởi vì có phí kiểm chứng, người mua trong các giao dịch nhỏ thường không dùng dịch vụ kiểm chứng. Vì thế vẫn thường xảy ra là họ bị bên bán lừa không giao hàng sau khi đã nhận được tiền. Cũng vì chưa có bên thứ 3 nào đủ lớn, đủ uy tín để bảo lãnh, các giao dịch mua bán sử dụng Bitcoin cho tới nay vẫn là các giao dịch có giá trị rất nhỏ, rất vặt vãnh.

Họ đã kiếm tiền từ Bitcoin như thế nào?