Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Câu chuyện cần nhiều phút hơn để đọc, nhưng thực sự cần nhiều giờ và nhiều ngày để làm được điều gì đó

Tiếp theo "Truyện 1 phút" của TNY chia sẻ, xin gửi tới các bạn câu chuyện cần nhiều phút hơn để đọc, nhưng thực sự cần nhiều giờ và nhiều ngày để làm được điều gì đó.

Xin chia sẻ với các bạn về công việc của mình và các đống nghiệp ở Tổ chức Plan  qua chia sẻ của một đồng nghiệp của bọn mình sau một chuyến đi công tác tại Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nhé.

PTB

"There are two ways to live. You can live as if nothing is miracle
or you can live as if everything is miracle"

"Có hai cách để sống. Ta có thể sống như thể chẳng có điều gì trên đời này là kỳ diệu
hoặc sống như hết thảy mọi điều đều kỳ diệu" 

(Albert Einstein)


Đoàn cán bộ dự án của tổ chức Plan chúng tôi lên công tác Mèo Vạc vào những ngày cuối năm giá lạnh. Cái lạnh tê tái của vùng cao đầy sương mù. Những cơn mưa phùn rả rích càng làm cho cái lạnh trở nên cắt da cắt thịt… Rong ruổi nơi đây, chúng tôi mới thực sự hiểu sao đồng bào H'mông trong những chiều đông lạnh giá lại đắm say chén rượu ngô, bát thắng cố đến vậy… và vì sao hình ảnh cô gái H'Mông bên bếp lửa hồng đã trở thành bất hủ đi vào thơ ca đến nao lòng như vậy !!!

Rời thành phố Hà Giang, gần 5 tiếng chạy xe qua hàng loạt những địa danh lẫy lừng. Dừng chân ngắm Núi Đôi nơi lưng đèo Quản Bạ, cả đoàn chúng tôi đều tấm tắc thầm "khen Trời khéo tạo nên tuyệt sắc". Đến đỉnh Mã Pì Lèng mây vờn lãng đãng, chúng tôi lại lặng mình nghe câu chuyện kể suốt 11 tháng ròng hàng ngàn công nhân đã dũng cảm phi thường, cần mẫn treo mình khoét núi mở đường. Băng qua cao nguyên đá sừng sững huyền thoại, chúng tôi như đắm mình tưởng tượng đến những câu chuyện cổ tích ngày xưa. Dinh Vua Mèo với những nét độc đáo về kiến trúc và địa thế cũng là nơi để lại trong lòng chúng tôi vô vàn những cung bậc cảm xúc.

Sáng sớm hôm sau, rời phố núi, chúng tôi lên đường đi xã. Đường đi gập ghềnh, cheo leo, ngoằn nghoèo với nhiều dốc dựng đứng khiến tay lái lụa Land Cruiser cũng đành phải bỏ cuộc. Trao đổi chớp nhoáng tại ủy ban xong, chúng tôi theo gót cán bộ xã leo núi lên thăm bà con. Đường mòn tuy xa nhưng dường như dễ đi hơn. Tuy nhiên để tiết kiệm thời gian, cán bộ xã cứ thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi đường tắt. Đó là những dốc đá lởm chởm cắt ngang. Cơn mưa bỗng dưng ập xuống khiến những mỏm đá chênh vênh trên đường trở nên trơn trượt một cách đáng sợ. Chúng tôi lặng lẽ leo, trèo. Mũi giày bám chặt vào từng hốc đá. Vết chân người nọ nối tiếp người kia, mải miết, nhẫn nại. Mồ hôi lấm tấm trên mỗi gương mặt, quên cả cái lạnh tê tái tới 4 độ C, có lẽ không chỉ vì mệt, mà còn vì sợ… Bàn tay nắm chặt bàn tay. Người kéo, kẻ đỡ. Có lẽ hơn lúc nào hết, cái tinh thần đồng đội được phát huy và thăng hoa mãnh liệt đến như vậy. "Em ơi ! Đỡ chị ! …Anh ơi, chờ em !!!.... Chị ơi, đi khéo nhé !!!"… Những thông điệp cực ngắn lại trở nên rất tình… và thi vị. Với những gót son chốn thị thành hoa lệ, đây thực sự là những trải nghiệm thú vị đến…rùng mình !!! Và những giọt nước mắt đã rơi…hòa cùng làn mưa bay trên đỉnh núi !

Ào vào trong lớp học mầm non nơi lưng chừng dốc, những gương mặt tươi xinh hớn hở đón chào chúng tôi. Các em bé H'Mông thật tuyệt đẹp! như những thiên thần..Lọ Lem. Các em hát, với vốn tiếng Kinh còn chưa sõi bài "Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ", khúc ca gần 40 năm về trước tôi cũng đã từng say sưa hát. Lớp học đơn sơ hiện hữu cái nghèo dai dẳng nhưng niềm hân hoan vẫn bừng lên trong những ánh mắt trong veo hồn nhiên. Ôi ! Các thiên thần …Lọ Lem ! Làn da trắng hồng vẫn hiện rõ đằng sau lớp bùn đất ngoem nguyếch trên những gương mặt ngây thơ… Đường xa, leo núi, đi bộ chân đất trong bùn lầy, mưa sa để đến lớp, cả vùng Mèo Vạc này thiếu nước quanh năm, đồng bào chẳng có thói quen rửa mặt hàng ngày cho con em mỗi khi đến lớp, có chăng chỉ duy nhất một lần trước khi đi ngủ…Cô giáo từ dưới xuôi lên ngậm ngùi tâm sự. … Thương đến xót lòng !!!

Gần 2 giờ đồng hồ leo núi, đoàn chúng tôi tách ra đi thăm bà con. Nhóm tôi ghé vào thăm gia đình một thiếu phụ trẻ. Em bỏ học từ lớp 9 để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Cô gái H'mông nhỏ nhắn, gương mặt trẻ măng, nước da căng tràn nhựa sống tuổi dậy thì nhưng sao đau đáu ánh mắt và nụ cười buồn luôn phảng phất trên môi. Bên bếp lửa hồng, ôm đứa con thơ còn đỏ hỏn chưa đầy tháng tuổi, e lặng lẽ tâm sự… Cuộc phỏng vấn bỗng biến thành những thước phim…quay chậm, về một cảnh đời éo le…với đầy nước mắt.. Em yêu chàng trai H'mông thôn Vàng Rào Tìa từ những năm cuối cấp. Giống như đa số các bạn gái cùng tuổi, em thấy quá khó khăn để ra huyện tiếp tục theo học cấp 3. Đám cưới vùng cao những tưởng sẽ đem lại hạnh phúc tràn trề cho đôi uyên ương thế nhưng « ngày vui ngắn chẳng tày gang », tai họa đã ập đến không ngờ. Chàng trai trẻ hàng ngày lên núi cắt cỏ về nuôi bò, dốc đá cheo leo là thế một ngày kia đã sảy chân ngã xuống. Gãy cột sống, vết thương quá nặng, giờ cuộc sống leo lét từng giây. Chúng tôi lặng người khi nhìn thấy chàng trai trẻ thoi thóp trên giường và đau đớn hiểu rằng cuộc mưu sinh của đồng bào vùng cao thật vô cùng gian nan với vô vàn hiểm họa luôn rình rập. Chia tay em gái và gia đình mà lòng nặng trĩu. Những lời động viên bỗng trở nên vô nghĩa. Chúng tôi hiểu rằng sẽ còn phải làm rất nhiều, từ những điều giản dị nhất để vơi bớt cái nhọc nhằn của người dân nơi đây…

Hôm sau, cũng khởi hành từ sáng sớm, sương mù dày đặc, đường vào thôn toàn đá hộc, xe phải bỏ cuộc giữa đường, chúng tôi cùng cô giáo vùng cao quyết định đi bộ. Thôn Tìa Cua Si được coi là « vựa rau » của cả huyện vì được trời ban cho 2 khe nước chảy suốt ngày đêm. Đường đến thôn vòng qua nhiều vách núi nhưng khá dễ đi vì bằng phẳng. Gió rít ù ù xuyên qua các khe núi, cái lạnh thấu xương… Sương dần tan, cảnh sắc bỗng hiện ra tuyệt đẹp như chốn bồng lai… Chúng tôi rảo bước trong mây. Mây vờn trôi trên đầu. Mây quấn quít theo từng bước chân. Chặng đường dài lắm, gần 6 km mới tới bản. Chúng tôi dừng chân ngắm dòng sông Nho Quế xanh biếc uốn lượn dưới chân núi, ôm ấp lấy những ruộng thang mềm mại của đồng bào Tày. Cô giáo vùng cao giải thích, người H'Mông thì cứ tìm núi thật cao để cư ngụ còn người Tày thì lại xuống nơi thấp có nước để canh tác. Lối sống thực ra có nguồn cơn lịch sử nhưng âu cũng là một sự phân bổ tài tình của Đấng Tạo hóa để người dân nơi đây chẳng bao giờ phải lo bon chen, cạnh tranh giành giật với cuộc mưu sinh. Mọi cái cứ diễn ra an nhiên, tự tại…. Cái nghèo, cái khổ dường như chẳng mảy may hiện hữu trong tâm trí người dân nơi đây. Họ đã quá quen rồi, hay còn bởi một niềm tin tâm linh bí hiểm nào đó cho họ sức mạnh tinh thần để mà luôn thanh thản, bao dung, hiền hòa….

Thày giáo tiểu học đón chúng tôi với đôi bàn tay lạnh cóng. Một gương mặt đàn ông đẹp, rất phong trần với nước da nâu mịn và đôi mắt sâu thẳm. Có lẽ vẻ ngỡ ngàng pha chút phấn chấn của tôi làm anh bối rối ! Anh cười, ánh mắt tinh nghịch, ấm áp. Anh lên vùng cao với trẻ đã 5 năm, một thời gian đủ dài để chiêm nghiệm những giá trị đích thực của cuộc sống. Tôi hiểu, chính ánh mắt dịu dàng và giọng nói ấm áp tình người của anh đã cuốn hút lũ trẻ chăm chỉ đến lớp. Chờ anh giây lát kết thúc bài giảng, chúng tôi lặng lẽ ngắm gian phòng kế bên nơi anh tá túc trong những ngày trực đêm. Bức tường vôi long tróc, nền nhà đất lồi lõm, ẩm thấp. Bếp củi lạnh ngắt nơi góc phòng, đối diện là chiếc giường đơn ọp ẹp. Tấm mền sạch sẽ nhưng đã sờn cũ, bạc phếch gấp vuông vắn, gọn gàng bên cạnh mấy cuốn sách giáo khoa. Cơn lốc đêm qua đã cuốn phăng mấy tấm tôn lợp mái mỏng mảnh, để lộ cả một khoảng trời xanh thẳm. Chốc chốc gió rít lại rung lên bần bật, kêu xủng xoảng. Cuộc sống đơn sơ đến đạm bạc. Ngọn lửa nhiệt tình đến từ nơi đâu, nếu chẳng phải là niềm đam mê với nghề và lòng yêu trẻ. Thấy dáng anh cứ tất bật, hối hả, thoăn thoắt từ lớp này sang lớp khác (anh dạy 1 ca hai lớp), khi chỉ dẫn nét chữ, lúc nhắc nhở chấm câu… chúng tôi hiểu rằng niềm vui sống của anh đã thấm đẫm tình người, tình đời….chẳng còn đâu thời gian cho những nỗi buồn cơm áo. Tôi chợt xấu hổ khi nhận ra rằng sự ái ngại, cám cảnh thoáng qua trong tâm trí mình thực sự chỉ là rỗng tuếch, nông cạn, hời hợt, thậm chí … tầm thường.

Quây quần bên các em trong giờ ra chơi, chúng tôi mới tường tận khung cảnh lớp học. Tuềnh toàng, rách nát. Bàn ghế sần sùi, nham nhở. Gió rít từng hồi chỉ trực bật tung các cánh cửa. Các em nép vào chúng tôi, run bắn vì lạnh, răng va lập cập, mũi giãi lòng thòng… Chúng tôi chia bánh kẹo cho các em mà xót xa nhìn những đôi bàn tay bé bỏng cứ run như cầy sấy. Thày giáo chia sẻ, nhà nước cho sách vở nhưng quần áo ấm là điều xa xỉ, lúc nào cũng thiếu. Các em dường như cả mùa đông chỉ có mỗi bộ quần áo rét tạm bợ này thôi. Những ngày hửng nắng là để giặt giũ, phơi phóng. Trẻ em vùng cao lao động vất vả lắm. Ngoài vô vàn những việc nhà thường ngày như chăn dê, bò, cắt cỏ, nấu cám cho lợn, gà, trông em, giặt giũ, nhiều em còn phải đảm đương những công việc nặng nhọc vất vả đầy hiểm nguy. Vào mùa khô, các em thường phải đi bộ xa vài tiếng đồng hồ để lấy nước. Hàng ngày oằn lưng gánh những bó củi còn to hơn người. Mà công việc kiếm củi là phải lên núi, vào rừng sâu với muôn vàn cực nhọc, hiểm nguy đe dọa…. Ngày hai bữa mèn mén lót dạ, những mùa khô cạn còn chẳng có rau để ăn, chúng tôi nghẹn lòng khi các em cười bẽn lẽn trả lời « thích ăn cơm với thịt »…. Chia tay chúng tôi, thầy giáo bùi ngùi « Hẹn các chị lên thăm lại một ngày. Các em rét lắm, nếu có quần áo ấm thì tốt quá !». Tôi tặng lại anh ánh mắt hứa hẹn… Vâng ! Xin hẹn anh một ngày không xa….

Phía bên kia núi, các đồng nghiệp của tôi cũng đang vui vầy với một nhóm các em học sinh dân tộc nội trú. Sau những phút đầu bỡ ngỡ, những câu chuyện vui, những bài hát hay lại được các em ríu rít chia sẻ… Nhưng song hành với niềm vui hân hoan rộn rã bên trẻ nhỏ là những cảm thương trĩu nặng khi bắt gặp hình ảnh các em trong giờ ăn trưa. Những bức ảnh chân thực được chụp lại đã thay lời các anh muốn nói. Tôi cảm nhận được sự quyết tâm và nhiệt huyết trong câu chuyện xúc động của các anh. Các anh chắc chắn sẽ bắt đầu…Và nhanh thôi !!! Sắp rồi !!!
   
Một tuần trôi qua, đã đến lúc phải nói lời tạm biệt với vùng cao thơ mộng và với cả những đồng nghiệp đáng kính của chúng tôi. Chặng đường tiễn đưa lại đầy ắp những câu chuyện thấm đẫm chất nhân văn về tâm hồn và nhân sinh quan của đồng bào H'Mông. Chúng tôi cười, đầy lưu luyến. Đây có lẽ là tuần đáng nhớ và đáng sống nhất đối với tôi trong cả năm vừa qua. Tôi chợt nhớ đến một câu nói của Bryan Dyson « Cuộc sống là một chặng đường mà chúng ta đi không phải để tiết kiệm thời gian mà là để thưởng thức nó. Hãy sống trọn vẹn từng ngày ! ». Cảm ơn các anh ! Và hẹn gặp lại !!!

"Mèo Vạc, ngày đông, trập trùng mưa
Đèo cao, lạnh vắng, khách lưa thưa
Liêu xiêu bóng mẹ chăn dê sớm
Tất bật hình cha cắt cỏ trưa
Cuộc sống âm thầm tay chới với
Mưu sinh lẳng lặng bước chân đưa
Chung sức, một ngày xua nghèo đói
Để đàn em được vui sớm trưa…"


Mèo Vạc, tháng 12, 2010
N.T.T.M - Cán bộ phòng bảo trợ tổ chức Plan tại Việt Nam

(Plan là một tổ chức phát triển nhân đạo quốc tế, phi chính phủ, phi chính trị, phi tôn giáo, tập trung vào trẻ em. Bảo trợ là nền tảng của tổ chức)

6 nhận xét:

  1. @PTB:

    Những công việc mà Tổ chức Plan đang làm cho trẻ em VN, nhất là trẻ em vùng cao, thật đáng quí. Nếu có những dịp, chương trình ủng hộ đóng góp giúp các em, PTB nhớ loan báo cho mọi người cùng chung tay nhé.

    Tôi đã có cơ hội đi các tỉnh biên giới phía Bắc, từ Tây sang Đông. Chỗ nào cũng vậy, lần nào cũng vậy, trẻ em vùng cao luôn làm cho tôi khó quên. Mỗi chuyến đi khoảng 4 ngày như thế chỉ kịp cho các em ít quà, là chút niềm vui thoảng qua cho các em.

    Tôi có 1 mong muốn một ngày sẽ cho con gái, khi đến tuổi đi học, lên Hà Giang - nơi tôi thích nhất trong số các tỉnh nói trên - để biết cuộc sống của trẻ em vùng cao như thế nào.

    Trả lờiXóa
  2. @ PTB và Các bạn,

    Nhân có bài đăng này, Admin mở thêm chủ đề "Tấm lòng nhân ái" để mong qui tụ những bài viết, thông tin tương tự, và, quan trọng hơn, tập hợp được tấm lòng của các bạn Lớp Nga 2 và Bè bạn dành cho trẻ em, nhất là các em nhỏ miền núi thiếu thốn đủ đường.

    Hy vọng PTB từ Tổ chức Plan là thành viên của Blog sẽ làm cầu nối.

    Trả lờiXóa
  3. помогатъ бедным - ты будешъ богатым в будушее!

    Trả lờiXóa
  4. Будущее - неясная вещь. Но уверен, раз помогаешь людям, душа твоя уже богата, даже, богаче, чем у других.

    Trả lờiXóa
  5. Rat cam on ban da chia se.

    Trả lờiXóa