Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Đồ nhà quê

Tết vừa rồi hẳn nhiều người trong chúng ta đều về quê. Người về ăn Tết, về thăm cha mẹ, người thân và họ hàng; người về thanh minh tảo mộ,... Tết ra, nhiều nhà sẽ lại gặp vấn nạn "ô-sin", những người cũng ở các vùng quê mà ra, nhưng đã trở thành 1 phần không thể thiếu của thành phố.

Một bà chủ thời đổi mới mắng đứa giúp việc: Đồ nhà quê, ngu vừa vừa thôi!
 
Mắng thì mắng thế nhưng rồi vẫn phải vời “đồ nhà quê” về giúp việc. Toàn những việc mà không có “đồ nhà quê” thì mụ méo mặt. Mà tìm người thành phố ở mướn thì không tìm được. Ngẫm cho cùng thì không biết ai ngu!

Thời mở cửa nhà hàng quán ăn dài như trảy hội trên phố. Hãy nhìn biển hiệu các quán: Gà đồi, gà quê, vịt chạy đồng. Cô bán rong cũng hùa theo: bác mua nhãn quê này, đu đủ quê, cá quê, gạo quê này...

Nghe phải phì cười!

Lễ hội Xuân (tiếp theo và hết)


Ở Bắc Ninh, các hội hát “quan họ” thường gắn liền với các sinh hoạt của chùa chiền, tức Hội Chùa. Bắt đầu từ ngày mồng 4 Tết, các làng lần lượt kế tiếp nhau mở hội Xuân. Trong 2 tháng Giêng và Hai, có nơi sang tháng Ba, các làng phân bố các ngày hội Xuân sao cho không trùng nhau để dân chúng có dịp tham gia nhiều hội của nhiều làng khác nhau :
Mồng bốn là hội Kéo Co
Mồng Nam hội Ó chẳng cho nhau về.
Mồng sáu đi hội Bồ Đề,
Mồng bảy trở về đi hội Đống Cao . . .
           
Làng Hữu Chấp huyện Võ Giàng và làng Tích Sơn huyện Tam Dương đều mở hội vào ngày mồng bốn Tết với tục nam nữ “kéo co”.
           
Làng Ó  tức làng Vân Ổ huyện Võ Giàng.
           
Ở Sơn Tây các hội “quan họ” cũng được phân bố như ở Bắc Ninh :
                        Mười một thì hội Hương Nha
                        Mười hai Gia Dụ, mười ba hội Hiền . . .
           
Hát “quan họ” đối với dân chúng miền Bắc quả có một sức quyến rũ kỳ lạ. Ta hãy nghe một cô gái Bắc Ninh mô tả niềm say mê hát “quan họ” như thế nào :
Mồng năm hội Ó,
Quan họ dồn về.
Hội vui lắm lắm,
Chưa kịp đi tắm,
Chưa kịp chải đầu.
Trầu chưa kịp têm,
Cau chưa kịp bổ.
Miếng lành, miếng sổ,
Miếng lại quên vôi.
Người có yêu tôi,
Thì người cầm lấy.
           
Trong các hội “quan họ” Bắc Ninh, tuy không phải là “hội Cả” nhưng hội Lim lại rất nổi tiếng :
Hôm nay là buổi hội Lim,
Nhớ em nên phải đi tìm em đây.
Nhất niên nhất lệ một ngày,
Đôi ta tỏ nỗi niềm tây tự tình!
           
Hội Lim được tổ chức trên đồi Lim, tức Hồng Vân Sơn, nằm trên địa phận 3 xã : Duệ Đông, Lũng Sơn và Lũng Giang, tổng Nội Duệ, huyện Tiên Du. Trên núi có chùa gọi là Hồng Vân Tự với quả đại hồng chung đúc từ đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và lăng ngài Hiếu Trung Hầu, một vị hoạn quan dưới thời Lê Cảnh Hưng. Vì không con cái, Ngài hiến dâng tài sản để xây đình cho mấy xã thuộc tổng Nội Duệ. Thế nên, để nhớ công ơn Ngài, hàng năm đến ngày 13 tháng Giêng, dân Nội Duệ mở hội Xuân tại lăng của Ngài. Ngày hội nầy được gọi là ngày Hội Lim. Ngoài các trò chơi Xuân, hội nổi tiếng với tục hát “quan họ”. Hội Lim đã thu hút khá đông khách thập phương về tham dự, đặc biệt là các chàng trai trẻ đất Hà Nội. Sở dĩ Hội Lim đã thu hút được nhiều người, một phần do phong cảnh hữu tình của đồi Lim, nhưng phần khác có lẽ vì sức quyến rũ mê hồn của các cô gái vùng nầy. Tục ngữ đã chẳng có câu: “Trai Cầu Vồng, Yên Thế ; Gái Nội Duệ, Cầu Lim” đó sao!

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Lễ hội Xuân (3)

Đạo Phật du nhập vào nước ta ngay từ những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất. Rồi từ thời kỳ nước nhà giành được Độc Lập (939), nhất là vào đời nhà Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400), đạo Phật đã giữ một địa vị quan trọng trong đời sống tâm linh và thế tục của dân tộc ta. Do đó, tinh thần Phật Giáo đã thấm nhuần vào tâm hồn dân tộc một cách sâu sắc. Có thể nói trong thời kỳ nầy, và ngay cả nhiều thế kỷ về sau, người Việt Nam nào cũng có thể tự xem mình là con Phật. Hầu như làng nào cũng có một ngôi chùa, chí ít cũng là một ngôi thảo am để thờ Phật, làm nơi lui tới chiêm bái của thiện nam tín nữ. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Khi đến lứa tuổi bốn, năm mươi trở lên, các bà thường đến chùa vào ngày mộng Một, ngày Rằm để nghe câu kinh, tiếng kệ. 

Tục ta tin rằng trong ngày Rằm tháng Giêng, Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ Phật Giáo. Trong dịp nầy, chùa nào cũng đông người đến chiêm bái.”

Thế nên trong dân gian đã có câu :
                        Lễ Phật quanh năm,
                        Không bằng hội Rằm tháng Giêng!

Đất Bắc là nơi có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng, quanh năm không lúc nào vắng hương khói. Đặc biệt là vào những ngày lễ hội mùa Xuân, khách thập phương qui tụ về chùa càng đông, hoặc để dâng hương lễ Phật, hoặc để nghe các sư giảng Pháp, hoặc đến chùa để ngoạn cảnh và thưởng thức các thú vui trong các dịp hội Xuân.

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Lễ hội Xuân (2)


Cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông. Dân ta không bao giờ quên nguồn gốc tổ tông của mình. Thế nên đã từ ngàn xưa, dân ta không bao giờ quên được ngày giỗ Tổ Hùng Vương:
Ai về Phú Thọ cùng ta,
Vui ngày Giỗ Tổ tháng Ba mồng mười.
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ về Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba.

Và có lẽ cũng đã tự ngàn xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được xem là ngày Quốc lễ.

Hằng năm, tại Đền các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc phủ Lâm Thao tỉnh Phú Thọ, dân làng Cổ Tích vẫn theo cổ lệ tổ chức hội Giỗ Tổ từ ngày đầu tháng Ba mãi đến ngày chính lễ là ngày 10 tháng Ba mới rã đám. Dân bốn phương trong nước lũ lượt đổ về đây dự Hội để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn các vị Vua Hùng đã dày công khai sáng Tổ Quốc Việt Nam. Vào ngày chính lễ mồng mười tháng Ba có Quốc tế do đại diện triều đình cử về làm chủ tế. Về sau chính quan đầu tỉnh Phú Thọ thay mặt triều đình đứng chủ tế. Trong thời gian từ ngày khai hội đến ngày mãn hội, có nhiều trò chơi được tổ chức cho dân bốn phương về thưởng thức như trò đu tiên, leo giây, thả diều, đánh còn v.v . . .
Đu tiên mới dựng năm nay
Cô nào hay hát kỳ này hát lên.
Tháng Ba nô nức hội Đền
Nhớ ngày Giỗ Tổ bốn nghìn năm nay.
Dạo xem phong cảnh trời mây.
Lô Đà, Tam Đảo cũng quay đầu về.
Khắp nơi con cháu ba kỳ.
Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài.
Sở cầu như ý ai ai.
Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng Ba.

Ngày Giỗ Tổ cũng còn là dịp hẹn hò của bà con gần xa gặp nhau để nhắc nhở nhau giữ gìn nước Tổ, cầu chúc cho nhau những lời tốt đẹp mặn nồng:
Đến dây sum họp vui cười,
Trước là lễ Tổ viếng nơi mộ phần.
Sau là tài tử giai nhân
Hàn huyên kể nỗi kẻ gần người xa.
Gần xa ta cũng một nhà.
Cũng dòng Hồng Lạc, cũng là viêm bang.
Chúc rằng: phú quí thọ khang.
Tổ cho phúc trạch bình an muôn nhà.

Bài hát Nga - Арлекино

Năm mới! Chúc cá bạn sức khỏe và vạn điều may mắn!!!!

Hy vọng giai điệu vui nhộn của bài hát này sẽ mang niềm vui tới các bạn!!!



Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Lễ hội Xuân (1)


Ở nước ta, nhất là ở miền Bắc từ Nghệ Tĩnh trở ra, mùa Xuân là mùa của hội hè đình đám. Ca dao ta có câu:
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.

Thế nhưng, không phải chỉ có “tháng Ba hội hè” mà hội hè trải dài suốt cả mùa Xuân.

Đây là hội tháng Giêng:
Lễ Phật quanh năm,
Không bằng hội Rằm tháng Giêng.

Đây là hội tháng Hai:
Ai là con cháu Rồng Tiên
Tháng Hai mở hội Trường Yên thì về . . .

Đây là hội tháng Ba:
Tình cờ ta lại gặp ta,
Vui bằng mở hội tháng Ba đền Sòng.

Có những địa phương như vùng “quan họ” Bắc Ninh còn vạch ra lịch vui Xuân của từng làng để các làng tổ chức khỏi trùng nhau và dân chúng các vùng lân cận có thể tham gia:
Mồng bốn là hội Kéo Co,
Mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về.
Mồng sáu đi hội Bồ Đề,
Mồng bảy trở về đi hội Đống Cao . . .

Có một số hội Xuân lại được tổ chức vào thượng tuần tháng Tư:
Ai ơi, mồng chín tháng Tư,
Không đi hội Gióng cũng hư một đời!
Hay:   Mồng bảy hội Khám,
Mồng tám hội Dâu,
Mồng chín đâu đâu
Trở  về hội Gióng.

Ngày xuân nhớ lễ hội Grâuk Taox tại Pha Long, Mường Khương, Lào Cai những năm trước



Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Đầu xuân đố bạn

Theo bạn, đây là gì?
Gợi ý: các phù hiệu và biển có trong ảnh này (từ trên xuống dưới, từ trái sang phải):
1. Phù hiệu Công an;
2. Điểm tư vấn và giới thiệu việc làm thị xã Từ Sơn;
3. Trung tâm học tập cộng đồng phường Đông Ngàn;
4. Bảo hiểm quân đội;
5. Bảo hiểm nhân thọ Bắc Ninh;
6. Chùa Nhân Thọ.

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Tết Việt đầu tiên ở nước Nga

Thấm thoắt đã 27 năm kể từ ngày những cô gái Việt đón Tết đầu tiên xa nhà nhưng ký ức gần như còn nguyên vẹn. Xin chia sẻ với các bạn một trong những câu chuyện đó qua lời kể của Công chúa Tuyết trong câu chuyện "Noel đầu tiên ở nước Nga.", người đã gắn bó với Blog này lâu nay.
Ảnh mang tính chất minh họa (nguồn Internet)
          Trời cuối tháng giêng. Tuyết rơi trắng đường. Những ụ tuyết to tướng được người ta dọn, đánh thành đống ở hai bên đường. Ngoài đường người đi lại vội vã, ai cũng muốn đi thật nhanh để lên được xe, tàu, vào cửa hàng hoặc về nhà thật nhanh cho đỡ rét. Nhiệt độ ngoài trời khoảng âm 15 – 200C, nhưng không có cảm giác rét buốt, cắt da cắt thịt như ở nhà ta. Việc đi bộ nhanh cũng làm nóng người, quần áo, giày ủng. mũ lông cũng đủ ấm. Hơn nữa, trên các phương tiện công cộng, hoặc trong các cửa hàng, hệ thống sưởi chạy liên tục, ở ốp cũng thế. Còn nhà ta, chúng ta phải chịu đựng cái rét 24/24. Càng nghĩ càng thấy thương người ở nhà, lò sưởi không, quần áo cũng không đủ ấm.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Nhớ xoan

Min họa: Đỗ Đức
Xa quê lâu ngày nhưng có một loài cây tôi vẫn nhớ, đó là cây xoan.

Bảo là  nhớ đến xoan thì cũng không hẳn. Tôi nhớ đến cây xoan khi mùa đông tới, lá rụng chỉ trơ mấy cái cành chẽ ba ngược lên bầu trời như chạc cờ leo gẩy rơm sẵn sàng ngoắc vào không trung gẩy những mớ rơm chất quanh đâu đó…

Nhưng nhớ hơn cả là ngày đông giá rét, gió veo véo quất vào đầu hồi nhà thì trên ngọn xoan, một con chào mào co ro đậu, thỉnh thoảng cơn gió giật làm nó chao nhiêng, phất phơ chỏm lông đuôi lộ ra cái túm lông đỏ  quạch dưới phao câu cũng tẽ ra trước gió. Nó rướn người lấy lại thăng bằng, kiên nhẫn với chỗ đứng nó đã chọn.

Con chào mào đậu đó, cô đơn, thỉnh thoảng loét choét cất tiếng lảnh lót. Chào mào nhớ chỗ đậu của riêng nó như người Hà Nội nhớ quán phở sáng hoặc quán cà phê quen thuộc. Hầu như sáng nào cũng thấy nó ở đó, lúc co ro buồn bã lúc láo liêng chấm choét đưa tiếng hót vào không gian xám xịt chả biết để mơi ai …

Tháng giêng


Thơ Nguyễn Việt Chiến

Tháng giêng mưa ngoài phố
Mưa như là sương thôi
Những bóng cây dáng khói
Như mộng du bên trời


Tháng giêng ngày mỏng quá
Nỗi buồn nghe cũ rồi
Mà bên kia tờ lịch
Nỗi niềm mưa xót rơi


Tháng giêng mưa trên tóc
Những người đi lễ chùa
Theo giọt mưa cầu phúc
Tiếng chuông từ bi mơ


Tháng giêng mưa dưới bến
Mỏng mai cô lái đò
Mắt mưa em lúng liếng
Trói tôi bằng vu vơ


Tháng giêng mưa như cỏ
Non xanh đến tận trời
Trước vô cùng năm tháng
Thơ mình sương khói thôi


Nguồn bài: BMM Blog
Nguồn ảnh: Internet

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

Bài hát Nga - Этот мир придуман не мной

Mời các bạn nghe bài hát mà mình rất thích trong những bài hát của Алла. Mình yêu giai điệu bài hát này của bà.

Chúc các bạn một năm mới Sức Khỏe; Vui Vẻ và Hạnh Phúc!!!


Baku

Những cánh đồng đất Việt

Photo: Đặng Tuấn Trung 

Cánh đồng Bắc Cạn
Cánh đồng Bắc Cạn
Cánh đồng Cao Bằng
Cánh đồng Cao Bằng

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Rong ruổi Nepal – Phần 2

13-14/1/2012
32 tiếng đồng hồ rời Kathmandu đi Makawanpur, tỉnh kề sát thủ đô của Nepal mà như lạc vào một thế giới khác. Cách nhau một dãy núi cao, đi theo đường quốc lộ chắc mất gần một ngày cho đoạn đường dài 185km. Nhưng chọn con đường tắt 85km, đường "nhà nước và nhân dân cùng làm" chỉ mất khoảng 4 tiếng mỗi chiều. Cứ tưởng đường đi Hoàng Su Phì và Mèo Vạc – Hà Giang đã là quá khó khăn, không nhiều người dám đi và trải nghiệm, thì đoạn đường tắt 85 km Kathmandu –Makawanpur phải được gọi bằng "Cụ". Về lại được  Kathmandu, đồng nghiệp khảng khái nói "Về được đến đây là quá may rồi. Đi đường mà cứ như rơi xuống vực lúc nào không biết. Có tăng lương cho tôi gấp 10 lần tôi cũng không sang đây làm." Nghe có vẻ đanh đá quá nhưng quả không sai. Ngồi trong xe ô tô nếu không có dây an toàn giữ chặt thì chắc người ở trong xe bị tung lên, tung xuống như nổ bỏng ngô. Mặt trời cũng "đảo như rang lạc." Không ai kịp say xe vì tốc độ đảo chiều. Không ít đoạn đường các bác tài phải rất khéo để tránh rơi vào tình huống "Hai con dê qua cầu." Có lẽ người Nepal cũng đã quá quen với cái sự khó ấy nên họ điềm tĩnh, cam chịu và nhường nhịn nhau.
Cũng vì 32 tiếng đồng hồ ấy mà hiểu thêm được cuộc sống và con người Nepal, nơi rừng núi là đặc sản này. Âu cũng đáng. Những trẻ em và phụ nữ Nepal tôi được gặp ở 2 bên đường đi là người dân bản địa, khách bộ hành cũng dừng lại nghỉ giữa đường như tôi, dân di cư…nhưng hình dáng và ánh mắt của họ như đang kể  những câu chuyện sống động nhất về cuộc sống và con người nơi đây – PTB.
Chính giữa mùa đông, trời luôn nắng, khô nhưng rét đậm. Ngồi phơi nắng là cách giữ ấm tốt nhất của mọi người ở đây

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Bài hát Nga - Без меня

Hỡi anh thân yêu ơi có biết chăng
Chẳng còn gì khi vắng bóng em
Em chính là nửa kia còn lại
Một phần không thể thiếu trong anh

Thiếu vắng em - anh có biết chăng
Mặt đất là hòn đảo cô đơn
 Thiếu vắng em - anh có biết chăng
Con chim kia chỉ con một cánh
…….

Lời ca của tình yêu luôn làm tâm hồn ta lãng mạng hơn các bạn nhỉ. Hy vọng chút lửa này sẽ làm ấm một chút trong thời tiết giá lạnh này.
Mời các bạn cùng thưởng thức giai điệu ngọt ngào này nhé!
BAKU


Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Rong ruổi Nepal - Phần 1

11/01/2012

Đặt lịch đi đặt lịch lại, cuối cùng chuyến đi công tác Nepal hỗ trợ đồng nghiệp tại Plan Nepal cũng được bắt đầu. Nhiều người hỏi với ánh mắt ái ngại “Tết nhất đến nơi rồi mà vẫn đi công tác à?” Có người suy nghĩ tích cực hơn thì nói “Sướng nhỉ, lại được chu du, mà lần này tới tận đất Phật.” Nghĩ đến công việc trước mắt cần phải hoàn thành không khỏi lo lắng cho bản thân nhưng suy nghĩ tích cực vẫn hơn nên quyết định là chuyến đi công tác cũng sẽ được tối đa hóa bằng việc nhìn ngó xung quanh 8 ngày liền.

Đúng là cái sự đi không  bao giờ đơn giản. Không có chuyến bay thẳng Hà Nội – Kathmandu. Kiểu gì cũng phải đi lòng vòng, nối chuyện. Chuyến nối hợp lý nhất không còn chỗ vì quá sát Tết, đúng thời điểm chắc nhiều người về Việt Nam đón Tết nên đành đi chuyến nối không hợp lý. Khách sạn ở sân bay Bangkok đắt thế, mà cũng không còn chỗ, Vào thành phố thì đêm đã khuya, mai lại phải dậy sớm ra sân bay, đi đi lại lại cũng quá tội. Bàn bạc với đồng nghiệp một hồi, nhìn ngó xung quanh xem mọi người làm thế nào và quyết định mỗi người “chiếm” một cái ghế băng dài thành “khách sạn bla hiên” luôn, nhanh chân chứ không cũng hết chỗ cho phương án ấy. Đèn sáng chưng, người đi lại vẫn nhộn nhịp, vài phút lại có tiếng loa rõ to thông báo chuyến bay và gọi người lên máy bay đi khắp nơi trên thế giới nhưng bản chất của dân đi công tác nhiều là độ thích nghi cao nên rồi cũng không mất nhiều thời gian để chìm vào giấc ngủ.

12/01/202:

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

"Giao lưu Pháp Việt" - Trang blog của bạn Phương Ngọc


Mạn phép chính chủ, bạn Phương Ngọc, xin giới thiệu với các bạn trang blog do Phương Ngọc lập và quản trị, chuẩn bị cho "Năm Việt Nam tại Pháp - 2013".

Địa chỉ trang Blog: http://echangesfrancevietnam.blogspot.com/

Các bạn quan tâm, biết và yêu thích tiếng Pháp có thể ghé thăm.

Thân mến,
Admin.

Cháy xe ra mặt...chuột!

Cháy xe thì chưa rõ hẳn nguyên nhân nhưng nó giúp chúng ta nhìn lại xã hội đương đại đang có vấn đề gì. 

Đã có nhiều vụ cháy xe nhưng đến giờ nguyên nhân vẫn còn... mơ hồ. Cháy xe thì coi như cháy tài sản, cháy luôn cả những tài sản khác trên xe và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng tin tôi đi, cháy xe cũng có những lợi ích khác...

Lý do có khi rất gần
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2011 có 90 trường hợp cháy ô tô, xe máy trên cả nước. Ngoài thiệt hại về tài sản, cháy xe cũng đã làm 2 người chết và 2 người bị thương. Có rất nhiều lý do để xe máy bốc cháy như chuột gặm dây dẫn xăng, sự cố kỹ thuật của xe hoặc các nghi vấn khác như xăng dỏm. Có những trường hợp thì có trời mới biết lý do khi dựng xe nằm im một chỗ cũng cháy.

Thế nên trong khi chờ đợi, người viết chỉ xin có một thắc mắc rất cơ bản: Tại sao các loại xe khác nhau của các hãng sản xuất khác nhau lại cùng cháy. Người đa nghi đặt vấn đề liệu các hãng xe có "chơi" nhau không? Từng có trường hợp hình ảnh ghi lại sau khi xe bốc cháy chủ xe đã lẳng lặng ra đi đầy bí ẩn. Nhiều vụ xe cháy, chủ xe không trình báo với cơ quan chức năng mà thông tin với báo chí.

Những chuyện này chỉ có cơ quan điều tra mới trả lời được!

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Bài hát Nga - Дикие лебеди

Дикие лебеди là một trong các bài hát dân gian phổ biến nhất của bà. Cũng vẫn là giai điệu nhẹ nhàng trong sáng của dân ca Nga đưa chúng ta quay lại thủa lang thang bên nước Nga xinh đẹp.
Cùng nghe và cùng hát bạn nhé!

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Hà Nội một ngày mùa Đông

Lam Linh

Đông! Những góc nhỏ của Hà Nội vẫn còn đang trong giấc ngủ. Phố buổi sớm mang một nét đẹp khác. Giờ đi ra đường buổi sớm phải khoác thật ấm, vì cơn gió lạnh chạy vội vã trên con phố khiến kẻ đi trên phố không khỏi rùng mình, xuýt xoa.
Chợ hoa Nghi Tàm đã đông nghẹt những người. Kẻ đến bán hoa, kẻ mua buôn, người bán lẻ… tấp nập vào ra. Chợ cứ túm tụm từ tờ mờ sáng, nhốn nhốn nháo nháo, mua mua bán bán cho đến tận 6h. Sáng nào cũng có vài ba kẻ hữu tình ghé qua mà thưởng hoa, ngắm nghía thiên hạ, xoay xở chụp cho được vài tầm hình rồi mua lấy một vài bó hoa mang về trang trí cho căn phòng nhỏ hay thi vị ôm đến tặng một người bạn mến thương.

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Nguồn gốc của 7 ngày trong tuần



Tại sao tuần lễ lại có 7 ngày? Vì sao số 7 lại được coi là con số "mầu nhiệm"? Bởi vì nó được xuất phát từ quan niệm của người châu Âu và liên quan đến hiểu biết của các nhà khoa học thời ấy về vũ trụ.
Theo họ, trái đất là trung tâm của vũ trụ, có 7 hành tinh quay xung quanh nó là Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và ngày ấy con người cũng mới biết đến 7 nguyên tố kim loại là vàng, bạc, đồng, sắt, chì, kẽm và thủy ngân. Họ coi 7 nguyên tố đó tương ứng với 7 hành tinh trong hệ mặt Trời, nên đã lấy mỗi ngày tượng trưng cho một hành tinh mà theo thế giới quan của họ mỗi hành tinh là một vị thần và được đặc trưng bởi nguyên tố kim loại với những tính chất nhất định.