Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Hoa của Tháng Tư

Tháng Tư có hoa loa kèn đẹp bình dị và thanh khiết và có ngày 30/4. Ngày giang sơn thu về một mối, ngày hoà hợp của cả dân tộc, ngày lễ trọng của cả dân tộc và của cả gia đình bé nhỏ của tôi.

Mỗi lần cắm những bông hoa loa kèn, tôi đều thấy mình thật cẩn trọng, thật nâng niu, thật thiêng liêng, cẩn trọng như một nghi thức, một nghi lễ với những bông hoa của Tháng Tư.

Tháng Tư. Loại hoa này chỉ nở khi tháng Tư về, tựa như hoa đào, chỉ nở mỗi lượt xuân đến. Hoa loa kèn e ấp xuất hiện như một loài hoa. E ấp trong những chiếc thúng nan rộng chở sau những chiếc xe đạp cà tàng của những người đàn bà ngoại thành nhàu nhĩ, nhễ nhại bụi đường. E ấp trong những ki-ốt hoa Cửa Nam, Đội Cấn, Hàng Bè... bên sắc màu lộng lẫy đỏ nhung của hoa hồng, vàng rực rỡ của hoa cúc, tím dịu dàng của lưu ly... là cái màu trắng thanh khiết, ngời sáng và kiêu hãnh - hoa loa kèn.  

Nhưng hoá ra người ta vẫn nhớ đến loài hoa thanh khiết ấy. Như cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống này dù đắng cay, gai góc vẫn cứ nảy mầm. Buổi sáng đi chợ, một bà cụ già rất đẹp lão nhìn gánh hàng hoa qua đường, nói một mình: “Sắp đến mùa loa kèn rồi đây”.

Tôi giật mình, câu nói của bà cụ như chạm vào nỗi nhớ. Mỗi năm tháng tư về, tôi lại ngóng, lại có ý đợi, như ngóng đợi người tình, loài hoa còn có cái tên rất lãng mạn - hoa huệ tây, nhưng tôi chỉ thích gọi một cách giản dị thôi, là hoa của tháng tư. Đã bao lần, tôi cứ lặng lẽ ngắm những bông hoa trắng muốt, thơm thoảng dịu nhẹ, điểm xuyết chút nhị vàng, tựa những chiếc loa kèn, khi nhớ đến cái Ngày 30/4 lịch sử của Năm 1975 ấy. Đang đi bộ trên vỉa hè Tràng Tiền cùng một anh bạn đồng nghiệp, sau ca trực tự vệ ở cơ quan toà soạn báo, bỗng đường phố như xáo trộn, như có một luồng gió lớn. Người đi trên đường truyền tin cho nhau: “Giải phóng Sài Gòn rồi!”, “Giải phóng miền nam rồi!”. “Thật không?”. “Thật rồi!”. “Đúng rồi!”. Rồi bỗng tiếng loa ở đâu rất lớn, cất lên: “Thưa đồng bào, chiến sĩ cả nước...”. Thôi, đúng thật rồi.

Một cảm giác hân hoan, sung sướng ngất ngây. Trong cái phút giây ngỡ ngàng đến nghẹt thở ấy, tôi vụt nghĩ ngay đến con, thầm thì với con tôi lúc đó mới được ba tháng còn năm trong bụng mẹ: “Con ơi, thế là từ nay con được sống trong hoà bình rồi!”. Cố len vao đám đông người người đang hớn hở, chen chúc nhau trong cái ki-ốt hoa Bờ Hồ, đối diện với cửa hàng Bách hoá Tổng hợp Tràng Tiền, để mua kỳ được một bó hoa loa kèn trắng muốt. Đấy cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa loa kèn, không phải chỉ là chiêm ngưỡng và cảm nhận hương thơm thanh khiết toả ra từ cả vóc ngồi của người thiếu nữ và những bông hoa thanh sạch, thánh thiện đến kỳ lạ trong bức tranh tuyệt vời“ Thiếu nữ bên hoa huệ” của hoạ sĩ tài danh Tô Ngọc Vân, mà là những bông huệ tây, những bông loa kèn có thực, trắng muốt, cứng cáp như còn ngậm những viên ngọc, những hạt sương đêm của đất trời. Mà sao khi ấy, nhiều hoa loa kèn đến thế. Có cảm giác, cả Hà Nội không chỉ ngợp trong cờ đỏ sao vàng, trong cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam, ngợp trong khúc khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...”, mà còn ngợp cả trong rừng hoa loa kèn, những bông hoa như những chiếc loa nhỏ xinh báo tin vui chiến thắng.

Mẹ tôi, dì ruột tôi, những người đàn bà Hà Nội cổ xưa một thời tóc vấn trần, ra đường là phải mặc áo dài, xách ví đầm, đi những đôi guốc, đôi hài nhung kiểu cách. Cuộc sống đã dạy cho họ những trải nghiệm và cả gian nan của một thời sau tiếp quản Thủ đô và hiểu cả sư khốc liệt của chiến tranh qua những năm tháng sơ tán về những vùng quê xa. Bấy giờ mẹ tôi, dì tôi trông chẳng khác gì những người đàn bà  lao động lam lũ, khác chăng là vẫn giữ cái nếp sống của người Hà Nội, đói no chẳng ai biết, ai hay, lúc nào cũng tươm tất. Mẹ và dì đón bó hoa loa kèn từ tay tôi, ai cũng cười mà ai nấy mắt cũng đỏ hoe, ngân ngấn nước. Mẹ tôi bảo: “Mợ nghĩ, chỉ cần hoà bình rồi, có ăn cháo cũng được!”. Rồi mẹ trịnh trọng lấy chiếc lọ lục bình cổ, mỗi năm chỉ mang ra một lần cắm hoa đào vào đúng dịp tết. Những bông hoa loa kèn nở tươi rạng rỡ, như cười, như đồng cảm với nỗi hân hoan của lòng người.

Nhưng tôi không thể nghĩ rằng cái câu nói “có ăn cháo cũng được” của mẹ lại linh nghiệm đến thế.  Chỉ có một điều này, hiển nhiên như chân lý, rằng con người ta không thể cam chịu mãi, rằng muốn sống cho ra con người, ngoài cái ăn còn cần nhiều thứ lắm.

Tôi, đứa con gái của mẹ, đứa con gái Hà Nội vốn sách vở, mơ mộng, nhút nhát  nhưng lại dễ tổn thương, dễ cả tin và khờ khạo, đã phải đối mặt với sự nghiệt ngã của số phận và cuộc sống những năm dài sau hoà bình. Không chỉ có tôi, gia đình tôi, mà còn rất nhiều gia đình, hơn thế,  cả xã hội. Không chỉ ăn cháo, mà rất nhiều bữa, gia đình tôi, hai vợ chồng trẻ, phải ăn sắn luộc trừ bữa, phải nhịn đói đi làm. Lương hai vợ chồng nhà báo, với một đứa con trai nhỏ chỉ đủ ăn một tuần, ba tuần còn lại chẳng biết bấu víu vào đâu.

Thiếu nữ bên hoa huệ  (Tô Ngọc Vân)
Ngày ấy, tôi đèo đứa con trai nhỏ bằng chiếc xe đạp Thống Nhất nam của chồng, tài sản có giá trị lớn duy nhất, được gọi là xe “cởi truồng”, bởi xe không chuông, không phanh, không cả chắn bùn... Cổ phốt xe còn được buộc chằng bằng một chiếc dây cao su đèo hàng to tướng.

Chồng tôi thỉnh thoảng tranh thủ viết cho báo bạn, kiếm được một chút nhuận bút còm, nhưng phải ký tên khác, bởi nếu cơ quan biết, sẽ bị kết tội “ngoại tình”, bị phê phán, bị định kiến. Cuộc sống khốn khổ đến vậy mà sao vẫn nơm nớp, mong manh, bất ổn. Nghĩ lại những năm tháng “ Đêm trước đổi mới” ấy, có lúc, thấy thật kinh hoàng, và không hiểu sao con người ta vẫn có thể sống tốt được, sống tử tế được, mà không tha hoá di, không thấp hèn đi, không vụ lợi đi?

Điều tôi giữ lại cho riêng mình, dù sống cực nhọc, vất vả, ấy là chút mơ mộng, chút lãng mạn cuối cùng trong cái góc khuất rất riêng tư của tâm hồn, như không thể mất đi, không thể chết đi, là tôi vẫn rất thích hoa, thích cắm hoa. Cái sở thích vô hại ấy, có lúc người ta còn bảo: “Sống theo kiểu tư sản”. Tôi nghe thấy mà đau. Dù vậy, cứ mỗi tháng một lần, vào ngày chủ nhật, tôi cố dành riêng vài đồng tiền chợ ít ỏi để mua hoa. Đến nỗi bác hàng xóm nhà bên cứ ngó vào nhà mà trêu: “Cái nhà này nhịn ăn để cắm hoa hay sao ấy?”. Tôi không biết, nhưng tôi thấy thảnh thơi mỗi  khi được nhìn những bông hoa đẹp, quà tặng của trời đất cho lao động của con người.

Nhưng nhất là mỗi năm, vào dịp 30/4, trong nhà tôi không thể thiếu một bình hoa loa kèn. Những bông hoa loa kèn sang trọng được cắm trong vỏ đạn pháo bình dị, đầy hơi thở chiến trường,  kỷ niệm duy nhất của chồng tôi những tháng năm chiến tranh khốc liệt đi làm phóng viên thường trú ở Quảng Bình, có một ý nghĩa và vẻ đẹp đặc biệt. Ngày 30/4, không chỉ là ngày thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, mà còn là ngày hoà hợp của cả dân tộc cùng máu đỏ da vàng, Ngày Lễ trọng của cả dân tộc, trong đó có gia đình bé nhỏ của tôi.

Giờ đây, khi đời sống đã nhiều đổi thay; tươm tất, dễ chịu, yên ấm, khi môi trường đã thông thoáng và thuận lợi hơn cho lao động sáng tạo trong nghề nghiệp, tôi vẫn kể về những năm tháng chiến tranh, cái sống cái chết mong manh gang tấc, về những năm tháng bao cấp với cái đói, cái nghèo nặng nề u uất cho con trai tôi, một kiến trúc sư, thế hệ của năm 1975 lịch sử, không hề biết đến chiến tranh, đến tiếng còi báo động và tem phiếu, và nó cứ mắt tròn, mắt dẹt. Nó đặc biệt chăm chú lắng nghe câu chuyện về cái Ngày 30/4 trọng đại, về cái cảm giác của tôi khi nghe tin giải phóng miền nam và về những bông hoa loa kèn mà tôi yêu thích. Có lần, vào tháng tư, con tôi nhắc: “Mẹ chưa mua hoa loa kèn à?”.

Không, tôi không quên, làm sao quên được cái Ngày của cả dân tộc bước ra khỏi chiến tranh để được sống trong hoà bình, cũng như không quên lời nói “mợ nghĩ, chỉ cần hoà bình…” của mẹ tôi. Không có hoà bình, không có thống nhất, làm sao có sự phát triển, có hai mươi năm đổi mới với những đổi thay trên đất nước, trong mỗi cuộc đời.

Nhưng tôi vẫn đợi, có ý đợi, như đã đợi bao năm, gần giáp Ngày 30/4, mới mua hoa, và chỉ mua một lần, tựa như mỗi năm chỉ khi xuân về, người ta mới cắm đào. Dường như những loài hoa càng hiếm gặp lại càng quý.
          
Mẹ tôi mất rồi. Chiếc lọ lục bình em gái tôi muốn giữ, như muốn giữ chút hình bóng của mẹ. Chiếc vỏ đạn pháo năm xưa cũng đã đi vào dĩ vãng. Hoa loa kèn giờ được cắm trong bình pha lê, quà tặng của một nhà giáo với gia đình nhân dịp Ngày Báo chí 21/6. Sự thanh khiết gặp màu thanh khiết. Riêng tôi, mỗi lần cắm những bông hoa loa kèn, tôi đều thấy mình thật cẩn trọng, thật nâng niu, thật thiêng liêng, cẩn trọng như một nghi thức, một nghi lễ với những bông hoa của Tháng Tư.

Kim Dung.
(Nguồn: Hiệu Minh Blog http://www.hieuminh.org/)

TMQ đăng lại.

2 nhận xét:

  1. Tác giả bài viết đã nhắc đến ki-ốt bán hoa Cửa Nam. Tiếc là chúng tôi không tìm thấy ảnh của địa điểm này (mặt tiền chợ Cửa Nam cũ).
    Tuy nhiên bạn nào nhớ Hà Nội xưa sẽ nhớ tấm ảnh sau ở đâu trong thành phố.

    http://img256.imageshack.us/img256/1007/ha81632010.jpg

    Trả lờiXóa
  2. @HBM: Chả hiểu sao link này ko cho hình ảnh nào cả hình như bị block hay hack gì đó. Hay là cậu upload luôn ảnh mọi người xem cho tiện.

    Trả lờiXóa