Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Bitcoin: thông minh nhưng vô dụng?

Hầu hết mọi người, kể cả những “kẻ thù” của Bitcoin, đều phải công nhận Bitcoin là một sản phẩm của trí tuệ đặc biệt thông minh. Bitcoin là gì? Nói nôm na, Bitcoin có thể hiểu là một loại tiền điện tử do một số cá nhân tạo ra, không liên quan đến bất cứ chính phủ nào.

Trên nguyên tắc, ai nếu muốn cũng có thể tạo ra một loại tiền điện tử, vấn đề là nó có được người khác chấp nhận hay không. Trước Bitcoin cũng có nhiều loại tiền điện tử, ngay cả Facebook cũng tạo ra một loại tiền điện tử là Facebook Credits, tuy nhiên đều không thành công. Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên thành công ở góc độ nó hấp dẫn một lượng lớn số người khắp nơi trên thế giới.

Nó hơn gì các loại tiền điện tử khác? Và tại sao nó lại được coi là thông minh? Nếu xem lại khởi thuỷ của ý tưởng này, từ sách trắng của Satoshi Nakamoto (người sáng lập Bitcoin) được đưa lên mạng năm 2008, có thể thấy mục tiêu ban đầu của Satoshi không phải là tạo ra một hệ thống tiền tệ mới thay thế các hệ thống tiền tệ truyền thống (như nhiều đệ tử nhiệt thành của Bitcoin vẫn hay ca tụng). Satoshi chỉ muốn tạo ra một hệ thống thanh toán, chuyển tiền online an toàn, rẻ, và không cần đến các định chế tài chính can thiệp vào, và hướng đến các giao dịch online có giá trị nhỏ.

Đứng trên góc độ này, dễ thấy việc chuyển tiền, nhất là chuyển từ nước này sang nước khác, và giữa các hệ thống ngân hàng khác nhau, khá tốn kém. Các “bên thứ ba” như các ngân hàng, các công ty tín dụng (Visa, Master Card, American Express…) hay các công ty chuyển tiền (như Western Union) đều tính phí cao và mất nhiều thời gian. Một hệ thống như Satoshi đề xuất sẽ làm cho mức phí này giảm đến mức tối thiểu (thậm chí miễn phí) và thời gian chuyển tiền nhanh hơn rất nhiều. Vì thế, trên nguyên tắc nếu triển khai thành công thì nó là một sự đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.

Thực ra ý tưởng của Satoshi về hệ thống thanh toán online trực tiếp (không qua các trung gian định chế tài chính) trên thực tế không cần phải tạo ra một loại tiền mới. Nó có thể vận hành với một loại tiền có sẵn (thí dụ USD). Tuy nhiên, Satoshi đã thành lập Bitcoin, và tạo ra một loại tiền mới.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Tại sao đeo nhẫn cưới ở ngón áp út?

Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao người ta lại đeo nhẫn cưới ở ngón áp út chưa? Người Trung Quốc có một cách giải thích rất thú vị và thuyết phục. Theo họ, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón tay trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là chính bạn, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời của bạn, và ngón út tượng trưng cho con cái của bạn.
Bây giờ bạn hãy để hai bàn tay đối diện nhau, gập ngón tay giữa lại và áp sát chúng vào nhau, đồng thời cho hai bàn tay mở ra nhưng các ngón tay còn lại chống vào nhau ở đầu mút ngón tay.  

Bây giờ bạn hãy thử tách hai ngón tay cái, rồi sau đó ngón tay trỏ và ngón út rời nhau ra… (xem hình). Bạn sẽ thấy chúng tách nhau ra dễ dàng. Đó là bởi cha mẹ bạn không thể sống suốt đời với bạn. Anh em bạn cũng sẽ có gia đình riêng và sẽ rời xa bạn. Cuối cùng con cái bạn cũng vậy, chúng sẽ tạo dựng cuộc sống của riêng mình chứ không thể sống cùng bạn mãi mãi.
 

Thế còn ngón áp út thì sao? Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi bạn không thể tách rời chúng ra khỏi nhau! Là vì bạn cùng người bạn đời được số phận mang đến với nhau để hòa quyện, gắn bó với nhau không thể tách rời suốt cả cuộc đời. Cho dù tất cả thế giới này bỏ hai bạn ra đi và cuộc sống của hai người có trải qua bao thăng trầm, ngọt đắng đến thế nào đi nữa.
 

Đó chính là lý do tại sao người ta lại đeo nhẫn cưới ở ngón áp út.


Nguồn: BM Blog

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Rượu vodka Nga - 100 gram khổ đau, hạnh phúc

Thứ Ba, ngày 03 tháng 1 năm 2012
Một lần, khi tôi còn là sinh viên học ở Nga, anh bạn người Nga của tôi nửa đùa nửa thật hỏi tôi có biết vì sao người Nga lúc nào cũng trữ rượu vodka trong nhà không, thậm chí là chai uống dở? Tôi đoán là do trời quá lạnh, họ luôn cần được sưởi ấm. Anh bạn cười cười, bảo: "Đã bao giờ mày cảm thấy thất vọng với mình, với cuộc đời đến độ không muốn sống nữa chưa? Một khoảnh khắc, sẵn sàng chết! Lý trí tê liệt. Cho nên đừng có mắng mỏ người muốn chết rằng Anh ta đang ích kỷ, ngớ ngẩn, không biết nghĩ! Lúc đó còn gì để nghĩ mà cũng đã quá sợ nghĩ ngợi rồi mới đi đến quyết định tiêu cực ấy. Như một sự cứu rỗi. Thế rồi trước khi giã biệt với những gì từng quen thuộc với mình, Anh ta nhìn quanh một lượt và chạm mắt vào chai rượu vodka uống dở để góc nhà. Một tia sáng loé lên: phải rồi, một phút để uống nốt chai rượu - rượu này dành cho tử biệt sinh ly! Uống xong, đầu óc bỗng trở nên sáng rõ. Cái khoảnh khắc muốn chết cao độ nhất đã trôi qua. Anh ta khóc. Vì thương mình. Vì thương những người quanh mình. Và có can đảm sống tiếp..."

Thú thật là khi ấy tôi đã cười vì sự tếu táo của ông bạn mà không hiểu rằng trong đó cũng có phần lớn sự thật. Để hiểu được những triết lý nhân sinh ở đời xung quanh một sự vật, hay dù chỉ là một thứ đồ uống tưởng chừng thông dụng đến độ chẳng cần quá ngẫm ngợi về nó như vodka của người Nga, cũng cần một sự trải nghiệm nhất định bằng tuổi tác, vốn sống.