Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Sự khác biệt giữa luyện “gà nòi” ở Việt Nam và Mỹ



Tác giả Lê Quang Tiến. VNE.
Tác giả Lê Quang Tiến. VNE.

Bài viết trên VNE. Những năm cuối 1980 đầu 1990, chủ blog từng tham gia chấm thi Olympic Tin học toàn quốc, luyện gà nòi xứ Việt đi thi quốc tế, và đã ở Mỹ 10 năm, nên có thể  công nhận những gì anh Tiến viết là chuẩn xác. 

Phải thừa nhận rằng nền giáo dục Mỹ tốt hơn Việt Nam. Chúng ta thường gửi con đi Mỹ học, không thấy người Mỹ nào xin học ở Việt Nam.

Sự phát triển của một người phụ thuộc hai yếu tố: di truyền và môi trường. Do các yếu tố di truyền nên người Việt Nam khó có thể ganh đua với người Mỹ trong các môn sức mạnh cơ bắp như chạy, nhảy… Nhưng với các môn thuần túy đầu óc và không cần đầu tư nhiều tiền thì có thể ngang ngửa như cờ, toán…

Về lý thuyết thì người Việt Nam cũng có số tế bào não như các dân tộc khác. Kiến thức cơ bản của nhân loại đã tích lũy được qua hàng triệu năm tiến hóa thì chúng ta có điều kiện tiếp cận như Mỹ nhờ có Internet.

Tóm lại nếu chỉ thi bằng bút chì và bàn phím, không thi vật tay thì Việt Nam có điều kiện ngang ngửa với Mỹ.

Còn môi trường, có lẽ cái này Việt Nam luôn thiếu.

Một ví dụ điển hình là việc Việt Nam tham gia thi Toán quốc tế từ năm 1974. Chúng ta tự hào là một nước bị chiến tranh tàn phá 20 năm mà vẫn đạt được huy chương này nọ, chỉ thua Liên Xô, Đông Đức và sau này thua Mỹ…

Thực ra là thế nào?

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

20-11-2013: “Gặp mặt Thượng đỉnh Xô - Mỹ”


TMQ
(Trực tiếp từ  Nhà hàng "Hợp Tác Xã", số 46 An Dương - Hà Nội)

Hoa Kỳ và Liên xô (cũ), một ở tây bán cầu – một ở đông bán cầu, tuy là 2 siêu cường đối đầu nhau nhưng cả 2 đều là con của cùng một Mẹ - Trái đất.

Lớp Anh 2 và lớp Nga 2, khóa 1985 – 1988, Trường PTTH Hà Nội – Amsterdam, cũng có thể được ví như vậy – chuyên 2 thứ tiếng đại diện cho 2 quốc gia và có cùng chung các thầy cô giáo dạy hầu hết các môn học trong suốt cả 3 năm học cấp 3. Chỉ khác là, 2 lớp chưa bao giờ có "chiến tranh lạnh", khi còn đi học!

Tuy vậy, phải tới ngày hôm nay, 23-11-2013, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, lần đầu tiên sau 25 năm kể từ khi tốt nghiệp cấp 3, toàn thể hai lớp mới có dịp hội họp với nhau, với sự có mặt của gần như đầy đủ các thầy cô giáo cũ tại Nhà hàng “Hợp Tác Xã”, số 46 An Dương – Yên Phụ - Ba Đình – Hà Nội. 

Chưa từng có dịp 20-11 nào, các thầy cô giáo lại tới dự đông và vui như lần này!

Cả thảy có 10 thầy cô tới dự: cô Liên (dạy tiếng Anh), cô Ước (dạy tiếng Nga), thầy Lân và cô Hoan (dạy Toán), thầy Huy (dạy Sử), thầy Lập, cô Bảo và thầy Vĩnh (dạy Văn), cô Tâm (dạy Lý), thầy Thân (dạy Thể dục. Có 3 thầy vì lý đo đặc biệt đã không tới được: thầy Cường (dạy tiếng Nga) bị ốm, thầy Thủy (dạy Lý) bị lớp khác ở Trường Đoàn Kết hẹn trước, thầy Thái (dạy Văn) phải về quê đột xuất.

Về sáng kiến cùng tổ chức và lựa chọn địa điểm, hãy dành lời cảm ơn tới Lớp trưởng lớp Nga 2 - bạn Phạm Thu Ba, 1 trong 2 "mì chính cánh" của lớp Anh 2 - bạn Hoàng Tiến Hùng và các bạn trong Ban liên lạc của lớp Anh 2. Đây thực sự là 1 ý tưởng tổ chức rất hay và 1 địa điểm gặp mặt không thể phù hợp hơn, nhất là đối với các thầy các cô thuộc thế hệ 4x và 5x, những người đã sống nửa cuộc đời qua thời bao cấp khó khăn nhưng vô tư, giàu tình người; cũng như đối với hơn 40 đứa học trò cũ của 2 lớp, thuộc thế hệ 7x, vốn cũng từng được nếm mùi gạo bán theo sổ, thực phẩm cấp phát theo tem phiếu,…

Về các công tác tổ chức khác như liên lạc, mời và đưa đón các thầy cô, chuẩn bị quà lưu niệm,... hãy dành lời cảm ơn tới các bạn trong Ban liên lạc của 2 lớp và tất cả các bạn của Lớp Anh 2, nhà tài trợ quà tặng cho ngày vui hôm nay.

Trở lại với chuyện ngày xưa, hồi học cấp 3, của 2 lớp.

Hai lớp được Nhà trường bố trí cạnh nhau, lúc thì ở tầng 2 hay tầng 3, khi thì lên tầng 4. Thời khóa biểu của 2 lớp cũng hao hao giống nhau về các tiết học trong ngày và trong tuần, chỉ khác là, một lớp học môn này trước và học môn kia sau, còn một lớp thì ngược lại. 

Cách sắp xếp này của Nhà trường chắc hẳn để giúp cho các thầy các cô thuận tiện bố trí thời gian tới trường mỗi ngày trên những chiếc xe đạp cà tàng của mình. Hầu hết, các thầy các cô trước đây dạy học ở các trường quanh khu vực trung tâm Hà Nội như Lý Thường Kiệt, Việt Đức, Trần Phú, Hoàn Kiếm, Chu Văn An,… Chẳng mấy khi phải đi dạy học ở xa, tít mãi tận hồ Giảng Võ, nơi tọa lạc của Trường Ams cũ. Nhớ lại hồi đó, duy nhất đường Giảng Võ là đường đôi 2 chiều, do ăn theo Trung tâm Triển lãm Giảng Võ. Còn lại, đường Kim Mã, bé nhỏ chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 hiện tại. Phố Núi Trúc, ngay bên hông của Trườn Ams cũ, chỉ là 1 con đường rải nhựa sơ sài với 1 bên là mương thoát nước công cộng và những khóm tre, vốn chỉ thường thấy ở vùng ven đô hay nông thôn.

Nhưng chính cách sắp xếp này đã giúp cho những đứa học trò của 2 lớp, không hổ danh khi được xếp hạng chỉ sau “ma quỉ”, đã nghĩ ra đủ mọi cách để “qua mặt” các thầy các cô, đối phó với các buổi kiểm tra đột xuất 15 phút, “bắt tủ” các bài kiểm tra 1 tiết, v.v. Hồi đó, có thầy cô nghiêm khắc có thể không thực sự hài lòng với những chiêu trò của bọn trẻ, có thầy cô hiền hơn thì cho qua,… nhưng đó lại chính là những kỷ niệm đẹp, khó phải mờ, của một thời đi học, để giờ đây, khi kể lại với các thầy các cô tại buổi liên hoan gặp mặt năm nay, cả thầy lẫn trò dường như trẻ ra tới gần 30 tuổi và được sống lại những ngày tháng của thuở hàn vi, nghèo về vật chất nhưng giàu về tình cảm.

Bài viết này xin được kết thúc mở ở đây, để dành cho các bạn của 2 lớp viết thêm về những kỷ niệm của mình với các thầy cô giáo cấp 3 bằng cách gửi nhận xét (comment) ở cuối bài.

Trước khi kết thúc, mời các bạn cùng nhìn lại hình ảnh của học trò 2 lớp Anh 2 và Nga 2, cùng với các thầy cô giáo, thời 1985 – 1988. Ảnh chụp trước lúc ra trường.

Thân mến và xin mời các bạn ...

Lớp Anh 2, Khóa 1985 - 1988, Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam
Lớp Nga 2, Khóa 1985 - 1988, Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Cách mạng Nga 1917 qua ảnh tư liệu


Một dự án với mục đích truyền bá kỹ thuật nhiếp ảnh và đặc biệt là trong phòng tối khi tráng và rửa phim, trước khi có ảnh kỹ thuật số được Anton Orlov thực hiện mang tên ‘The Photo Palace Bus’, từ San Diego, Hoa Kỳ. Ảnh: Rahill và ba trẻ em Nga tại một ngôi làng nhỏ.

image
Dự án nhằm truyền bá kiến thức liên quan tới lịch sử kỹ thuật nhiếp ảnh qua các triển lãm trên thế giới. Qua dự án này năm 2005 ông đã phát hiện một bộ sưu tập ảnh quý giá về Cách mạng 1917 tại Nga. Ảnh: Thành viên YMCA mua vui cho người đi tàu.

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Phiên chợ Tam Đường Đất (Lai Châu), sáng thứ Năm, Chủ nhật.

Gửi tặng mọi người những hình ảnh chợ phiên Tam Đường Đất tại Lai Châu, nơi mình tôi đã may mắn có được 30 phút dạo quanh cách đây chưa tròn tháng. Phiên chợ là điểm "đến hẹn lại lên" vào mỗi sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần như một bức tranh sống động giữa núi rừng Tây Bắc ngút ngàn. - PTB
Những thứ được bà con mang xuống chợ bán đa phần đều là "cây nhà lá vườn" hay "của nhà trồng được" như mớ rau, nải chuối, búp măng đắng, củ khoai, củ sắn cho đến lợn cắp nách, gà xách tay, nấm hương, mục nhĩ…Nhưng nhớ là phải đi chợ sớm. Đến 8-9h sáng là chợ vãn rồi.

Ngó cái nào. Xấu à? Không, rất đẹp :-)

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Nói với con

Còn năm nữa là con vào lớp 1. Ba đã thăm dò mọi người thì tầm này con đã phải đi học thêm để thuộc mặt chữ và số. Ba cũng nhớ lại cái thời của ba, lúc học lớp một. Nói là nhớ nhưng thực ra ba chẳng nhớ được cái quái gì! Cả cái lớp một của ba chỉ đọng lại là cảnh ông nội con thắp đèn bằng đất đèn cho ba tập viết. Cái bàn học là hộp quân dụng màu xanh, to hơn quyển vở một chút, được đặt ở giữa nhà.

Hồi nhỏ ba cũng ham chơi và chểnh mảng chuyện học hành, giống con bây giờ. Vì vậy, ba phải nói với con. Hết năm nay, con sẽ bước vào giai đoạn cực kỳ kinh khủng. Ba nghĩ thế… Các cô giáo sẽ cho con các câu hỏi đánh đố về tình huống ứng xử hay câu chữ. Điều này sẽ gây khó dễ cho con. Bởi con giống ba, vừa tồ vừa ngố. Bài thi toán sẽ kết hợp các kiến thức tiếng việt trong câu hỏi. Và ngược lại, bài thi tiếng việt sẽ bắt con viết số 10 thành (mười). Các môn con sắp học sẽ kết hợp các kỹ năng về IQ, EQ và linh tinh các chữ Q khác mà đến ba cũng loạn.

Thế hệ của ba bị áp lực bởi các kỳ thi, bởi bằng cấp. Trong hiệu sách đầy rẫy sách làm giàu, sách dạy thành công và trên mạng thì bạt ngàn các tâm gương thành đạt. Suy cho cùng, thi cử và bằng cấp mà các kiến thức, kỹ năng không thấm vào người thì cũng tốn công. Ai đọc sách hay học tập các tâm gương mà thành đạt thì xã hội sẽ thành thiên đường và người người giống nhau như rô bốt.

Lúc còn thanh niên, ba cũng chẳng khác mấy thằng tỉ phú hồi trẻ. Nào là chịu khó va chạm, nào là lăn lộn. Nào là ban ngày thì cày cuốc mà tối tối đọc sách làm giàu. Vậy mà, đến giờ ba vẫn cày cuốc và lăn lộn còn sách làm giàu thì ba vất đi từ hồi nảo hồi nào. Đương nhiên, cái mơ ước là tỉ phú vẫn chưa đến.

Ba nghĩ, thành công là những gì đang có. Như là, tối tối ba con mình xem mèo orggy và chiều chiều hai ba con ra hồ chém gió. Hay là, thi thoảng mẹ mắng con vì tranh đồ của em và càu nhàu với ba chuyện nhậu nhẹt về khuya.

Bởi vậy, con hãy cứ là con. Tuổi của con là phải được vui chơi, hát hò, vẽ vời, xem phim hoạt hình hay làm những gì con thích. Ba nghĩ những thứ ấy sẽ ngấm vào con tốt hơn.

Còn con chữ và con số, để sang năm ba con mình tính tiếp.

Nguồn: cobosg.wordpress.com


Đọc thêm: http://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-vao-lop-1-bi-tam-than-oan-613636.htm

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Lần Đầu Tiên Làm Cha


Tác giả: Cội Thông Già

Lần đầu tiên làm cha
chao ôi, hồi hộp nha!!
thời gian như ngừng đọng
khi con khóc oa oa!!

bé gái xinh thật xinh
Ừ, đôi mắt giống mình
to tròn và đen láy
thêm cái trán thông minh

cái miệng nhỏ đáng yêu
giống mẹ mi nói nhiều
toàn những lời đường mật
để cha khổ vì yêu!!

còn chân mày này đây
nhìn vào là biết ngay
con của riêng cha đó
bởi rậm như rễ mây

chao ơi mái tóc đen
loăn xoăn thật đáng yêu
mẹ mi thường hù dọa
tóc quăn như mỹ đen

hôm nay được làm cha
cảm ơn mẹ đó nha!
cho cha thiên thần nhỏ
gia đình thêm thiết tha...

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Sắc màu mùa thu nước Nga

Mùa thu nước nga là khoảng thời gian đẹp nhất với gam màu vàng ươm. Thu về nhuộm bao sắc màu, nhuộm bao tấm lòng, đặc biệt là lúc những chiếc lá rơi xuống dòng đường và phủ lên một lớp màu lá vàng rực rỡ. Mùa thu nước Nga đã để lại trong tôi ấn tượng và cảm xúc khó phai. Đi dưới những con đường nhìn cảnh vật xung quanh một màu vàng làm cho lòng tôi lại xao xuyến hơn. Lá nhuộm vàng những con đường những cánh rừng tô điểm thêm cho hương vị cuộc sống. Dường như chỉ có đến mùa thu, lá cây mới khoe hết được những vẻ đẹp rực rỡ của nó.Thu nước Nga đã từng làm say đắm hàng triệu con người và tôi cũng thế, chắc hẳn ai đã từng đến nước Nga và cảm nhận được mùa thu thì sẽ không bao giờ quên được "Mùa thu vàng nước Nga".


Bộ ảnh của Phan Công Đức, hiện là sinh viên năm 2 trường đại học giao thông vận tải đường bộ Moscow - Ảnh chụp ngày 13.10.2013 tại Moscow gửi tham gia cuộc thi ảnh "Mùa thu vàng nước Nga" được tổ chức trên website Baonga.com.































Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Ngày Quốc tế xóa đói nghèo 17/10.

17 khác biệt trong tư duy của người giàu và người nghèo. Bạn có cùng quan điểm không? Nói như thế này có quá bất công với người nghèo không?

Tự tạo ra cuộc đời mình, sẵn sàng đón nhận cơ hội, tham gia cuộc chơi tiền bạc để giành chiến thắng... là những tư duy của một người giàu có, trái ngược hoàn toàn với góc nhìn của người nghèo.

Người giàu: Tôi tạo ra cuộc đời tôi.
Người nghèo: Cuộc sống toàn những việc bất ngờ xảy đến với tôi.

Bộ tranh được chuyển thể từ nội dung cuốn "Bí quyết Tư duy triệu phú" của tác giả T. Harv Eker. Mỗi tâm thức được chuyển thể thành một bức vẽ riêng, thể hiện rõ thái độ, lập trường của hai nhân vật Giàu và Nghèo.

Người giàu: Tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng.Người nghèo: Tham gia cuộc chơi tiền bạc chỉ để không bị thua.
"Bí quyết Tư duy triệu phú" nhanh chóng thành Best-seller và đã làm thay đổi tư duy của hàng triệu người trên thế giới.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cháu trai Võ Thành Trung. Ảnh: Internet
Cụ Võ Nguyên Giáp sinh năm Tân Hơi - 1911, hơn chúng ta đúng 1 hoa giáp - 60 năm - tính theo âm lich

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Hà Nội qua những mảnh ghép thời gian

Sau 1000 năm, Thăng Long Hà Nội còn bao dấu tích? có khi nào bạn hỏi cái này có từ bao giờ, ngày xưa có khác gì không?", xuất phát từ câu hỏi này, độc giả Vũ Mạnh Hùng đã táo bạo thực hiện một dự án ảnh để dự thi Hà Nội của tôi.
"Tôi thực hiện bộ ảnh này cùng bạn bè. Chúng tôi cùng nhau chụp lại những hình ảnh của Hà Nội hiện đại rồi dùng ứng dụng máy tính ghép với hình ảnh xưa cũ từng được chụp ở đúng góc đó", anh Hùng cho biết. "Đây được coi như là bộ ảnh để chào mừng thủ đô Hà Nội nghìn năm tuổi của chúng tôi".

Cuộc thi ảnh Hà Nội của tôi đã đi đến những ngày nhận ảnh cuối cùng. Trong số hàng trăm bộ ảnh được các độc giả gửi về chương trình, có khoảng 260 bộ, tương đương với hơn 1.000 tấm ảnh được chọn lọc để gửi đến ban giám khảo. Cuộc thi vẫn tiếp tục nhận ảnh tham dự của độc giả đến hết ngày 2/10/2010. Đến ngày 5/10, danh sách top 30 ảnh có cơ hội nhận giải sẽ được ban giám khảo công bố. Lễ trao giải diễn ra ngày 12/10 tại ở Hà Nội.
Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 16 triệu đồng, trong đó người đoạt giải nhất sẽ nhận được 6 triệu, giải nhì 4 triệu, giải ba 2 triệu và 2 giải khuyến khích.

Bộ ảnh Hà Nội qua những mảnh ghép thời gian của Vũ Mạnh Hùng

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

Đoản khúc tháng Mười


Tháng 10 về
Tôi cõng vầng trăng đi về phía ước mơ
Ném về phía mặt trời những tủi hờn con gái
Nỗi buồn hôm qua dường như thôi trở lại
Mắt long lanh tôi hát khúc ân tình.

Tháng 10 về trong những sớm bình minh
Hoa cúc vàng cháy rực màu lửa nhớ
Còn lại gì phía đằng sau hơi thở
Khi trái tim người đã khắc mãi trong tim

Tháng 10 về
Tôi vẽ hoàng hôn trong đôi mắt lim dim
Rồi khép bờ mi thả hồn trôi trong gió
Thèm một lần được như vạt cỏ
Xanh thắm trời cho mơn mát ngày qua

Tháng 10 về nắng ủ những thiết tha
Mà mong mây về ngủ yên trên tóc
Trong cô đơn phút chạnh lòng tôi khóc
Tháng 10 về. Thương lắm tháng 10 ơi.

Nguồn: BMM Blog

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Nhật Bản khác ta những gì?

Nước ta có hơn 90 triệu người, đứng thứ 13 trong 200 nước trên thế giới, nếu kể cả Việt kiều là trên 94 triệu người. Như vậy chắc chắn không phải là nước nhỏ.

Chúng ta có một lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã đánh bại chiến tranh xâm lược của hầu hết các cường quốc trên thế giới. Chắc chắn không phải là nước yếu. Thế hệ trẻ Việt Nam vứt vào môi trường Đại học nào ở nước ngoài đều học giỏi và rất nhiều người gốc Việt đang giữ các trọng trách tại các Trung tâm khoa học và công nghệ tiên tiến ở các nước phát triển . Chắc chắn trí tuệ dân mình chẳng chịu thua ai khi có điều kiện phát huy.


Nhưng chúng ta là nước nghèo và kém phát triển so với rất nhiều nước trên thế giới. GDP/PPP bình quân đầu người chỉ được có 1168 USD (2010). Mỗi năm hiện nay bình quân còn phải trả nợ nhiều tỷ USD và càng ngày càng nhiều hơn nữa (!)

Do điều kiện công tác tôi có nhiều dịp sang Nhật Bản và lần nào tôi cũng không thể không tự hỏi: Vì sao nước Nhật có thể phát triển nhanh đến như vậy ?

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Đèn Trung Thu


Những đốm sáng trung thu,

Chẳng phải là cổ tích đâu, cũng mới đây thôi… đám trẻ còn đuổi theo những bóng đom đóm trong đêm chấp chới đi vào những vòm cây tối âm âm, u u.  Cả đám kháo nhau rằng đốm sáng ấy chính là ma chơi! Trong tiếng vạc sành những đêm sáng trăng nhuốm chút huyền bí lúc trầm lúc bổng. Những đứa trẻ rắn mắt  thi nhau lao vào vòm cây tối để đuổi bắt những đốm sáng xanh lu lu ấy.  Chúng khum đôi bàn tay vào nhau và những đốm sáng chớp tắt tỏa ra qua những kẽ ngón tay. Chúng bước ra từ bóng tối như một nghi thức cùng với chiến lợi phẩm. Và đám bạn còn lại tròn mắt thán phục, chen nhau gỡ từng ngón tay của người hùng, và giải thoát cho đốm sáng vụt qua rồi lại chớp tắt trêu ngươi. Những ngày này, vầng mây xuống thấp, tỏa vào không trung những bụi nước li ti mát lạnh, thấm vào tóc, vào tay ướt đậm. Cây lá ung dung và trầm mặc. Đêm thực là đêm.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

ПОДМОСКОВНЫЕ ВЕЧЕРА - CHIỀU MATXCƠVA


Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn bản dịch bài hát nổi tiếng "Подмосковные вечера" của thầy Vũ Thế Khôi. Thầy dịch bài này để kỷ niệm 50 năm đến Matxcơva học tiếng Nga.(1954-2004)

Не слышны в саду... даже шорохи: Rừng dương đứng lặng im không một tiếng rì rào
Всё здесь замерло до утра! Màn đêm đang buông xuống im ắng sao!
Если б знали вы, Bạn ơi biết chăng là
Как мне дороги Chiều ngoại ô Matxcơva
Подмосковные вечера. Với tôi sâu nặng tình nghĩa ngày nào

Речка движется и не движется: Dòng sông vẫn cuộn trôi hay dừng bước lững lờ
Вся из лунного серебра. Bàng bạc trăng suông chiếu sáng đôi bờ
Песня слышится Vẳng trong gió mơ hồ
И не слышится Bài tình ca tha thiết
В эти тихие вечера. Tiếng ngân xa đêm hè lặng như tờ.

Что ж ты, милая, смотришь искоса, Này em gái người Nga sao lặng lẽ mơ màng
Низко голову наклоня. Nhìn nghiêng nghiêng mái tóc óng tơ vàng
Трудно высказать Làm anh xốn xang lòng
И не высказать Ngập ngừng không lời nói
Всё, что на сердце у меня. Nói chi đây khi lòng chứa chan tình.

А рассвет уже всё заметнее Bình minh sắp bừng lên: chân trời nhuốm ánh hồng
Так пожалуйста, будь добра: a) Người anh thương yêu ơi! Xin ghi lòng
Не забудь же ты Từng giây phút tâm đồng
Эти летние Bên rừng dương thanh vắng
Подмосковные вечера Matxcơva đêm hè xuống thanh bình

b) Người anh thương yêu ơi! Xin chớ quên
Từng giây phút êm đềm
Bên rừng dương thanh vắng
Matxcơva đêm hè xuống bình yên.


Bài hát http://www.youtube.com/watch?v=KairmsARpyo



Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Người Việt - Người Nhật.


Rất nhiều người Việt nam gán cho người Nhật một câu so sánh giữa người Nhật và người Việt mà chính tôi dù quen biết khá nhiều người Nhật chưa bao giờ nghe họ nói: "Một người Việt hơn một người Nhật, nhưng ba người Việt nam hợp lại thua ba người Nhật". Câu nói đó có vẻ như một nhận xét khiêm nhường, nhìn nhận sự thua kém về khả năng làm việc tập thể của người Việt,nhìn nhận khuyết điềm chính của người Việt là thiếu đoàn kết. Tuy vậy trong cách nói vẫn có sự thỏa mãn : "Một người Việt hơn một người Nhật", vế đầu này có vẻ được nhấn mạnh hơn vế sau.

Nếu quả thực người Nhật nào đã có nói câu đó thì nó cũng chỉ là một câu khẳng định sự hơn hẳn của dân tộc Nhật, nó phải được hiểu là: "Ngay cả nếu một người Việt nam có hơn một người Nhật đi nữa, thì ba người Việt nam hợp lại vẫn thua ba người Nhật". Nói một cách khác, sự thua kém của dân tộc Việt nam so với dân tộc Nhật là tuyệt vọng, hết thuốc chữa. Còn một người Việt nam có hơn một người Nhật hay không lại là một vấn đề khác. Tôi tin là không, theo nhưng kinh nghiệm sống.

Lúc còn đi học và ở cư xá đại học Paris, tôi đã có dịp làm quen với nhiều bạn Nhật.

Trước hết họ là những người đáng tin. Họ hứa điều gì, họ làm hết sức để giữ lời hứa, rủi làm không xong họ khiêm tốn và thành thực nhận lỗi, không viện dẫn một lý do nào cả. Thứ hai là họ thực sự chuyên cần, làm cái gì đều làm đến nơi đến chốn, học cái gì đều cố gắng học cho hiểu thật tường tận, không như người mình chỉ làm cho xong, học tắt, học tủ đẻ thi đậu, bất chấp có thực sự hiểu hay không. Người Nhật hiểu biết một cách chắc chắn, vì họ học đễ lấy kiến thức, nhưng thi có thể thua người Việt vì người Việt học để đi thi lấy bằng. Bằng cấp của người Nhật có thể thấp hơn bằng cấp của người Việt mà sự hiểu biết của họ vẫn hơn. Tôi có được đọc một luận án của một sinh viên Nhật về xã hội Việt nam dưới thời Tự Đức. Anh ta dày công sưu tập tài liệu, suy nghĩ chín chắn và nhận định rất chính xác. ít có một công trình biên khảo nào của người Việt về nước Việt có giá trị như thế, nhưng luận án của anh chỉ là một luận án tiến sĩ đệ tam cấp, nghĩa là một bằng cấp tiến sĩ thấp nhất trong thứ bậc các bằng tiến sĩ, và anh ta ghi rõ như vậy trong luận án. Dầu vậy, luận án của anh ta được đánh giá cao, và được một nhà xuất bản Pháp in, được quần chúng Pháp đọc, trong khi nhiều luận án tiến sĩ quốc gia, cấp tiến sĩ cao nhất, của người Việt về nước Việt không được như vậy.

Người Nhật rất yêu nước, và vì yêu nước họ học hỏi rất kỹ về những khả năng của đất nước họ. Các bạn Nhật của tôi thường nói: Nước Nhật chúng tôi kẹt lắm, đất hẹp, người đông, tài nguyên thiên nhiên không có, con người lại không thông minh, chúng tôi cố gắng làm cũng không thể bằng được các nước khác . Nhờ sự lo âu thường trực đó mà họ đã xây dựng ra cường quốc số một tại châu á, và trên nhiều địa hạt cũng số một trên thế giới. Họ không tự hào là có giang sơn gấm vóc, dân tộc tinh anh.

Nhưng trên thực tế họ rất thông minh. Tôi đã đọc trên tuần báo Newsweek, một bài so sánh hệ số thông minh (I.Q.) của các dân tộc, và thấy người Nhật đứng đầu khá xa. Tuy vậy tôi chưa hề gặp một người Nhật nào tự hào dân tộc họ là thông minh. Thì ra họ vừa thông minh vừa khiêm tốn. Sự khiêm lốn đó tôi đã thấy ngay trong các bạn Nhật của tôi.

Trong cư xá đại học tôi có một cô bạn người Nhật là Ichiko học về hội họa và điêu khắc. Thân nhau rồi, Ichiko rủ tôi về phòng và cho tôi xem các tác phẩm của cô, con mắt mỹ thuật kém cỏi của tôi cũng phải bắt buộc tôi nhìn nhận đó là những tác phẩm rất hay. Tôi rủ một người bạn Pháp mê hội họa và điêu khắc tới xem, ra về anh ta tấm tắc khen hay. Thế nhưng khi tôi bảo Ichiko nên làm triển lãm thì cô dẫy nẩy từ chối, bảo rằng mình còn dở quá. Dầu vậy, Ichiko có lý do để tin mình không dở, cô đã được giải nhất về điêu khắc trong một cuộc triển lãm của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật.

Người Việt nam, nhất là đám sinh viên Việt nam tại Paris chúng tôi, thường hay chê người Nhật là kém về ngôn ngữ. Quả thật họ nói tiếng Pháp rất dở. Ông thày dạy võ của tôi chẳng hạn, sang Pháp đã mười mấy năm mà tiếng Pháp chẳng ra đâu vào đâu cả. Ông nói những tiếng thật tức cười như levez pieds (nhắc chân lên), baissez bras. Nhưng khi tới thăm ông, tôi gặp ông đang đọc một cuốn sách tiếng Nhật, hỏi ra thì được biết thú tiêu khiền chính của ông là đọc sách tiếng Nhật. Nhìn cách bố trí căn phòng có thể thấy ngay là ông chuẩn bị rất chu đáo đẻ tận hưởng thú đọc sách. Ông có cả một cái bàn thấp để ngòi xếp bằng đọc sách, trên bàn là một cái giá sách nghiêng do ông đóng lấy. Cách sắp xếp trong phòng rõ ràng là để có thể đọc sách trong những điều kiện tốt nhất. Các bạn Nhật của tôi đâu nói tiếng Pháp kém cả, nhưng bù lại họ nói rất dề hiểu, bởi vì họ hiểu rõ những gì họ nói và khi không hiểu họ nói rõ ràng không hiểu chỗ nào. Dần dần tôi hiểu rằng họ không nói giỏi tiếng Pháp là vì họ chú trọng học lấy kiến thức và vì họ coi trọng văn hóa của họ. Là một dân tộc lớn, họ cho học tiếng mẹ đẻ là quan trọng hơn cả, họ học hỏi tiếng nước ngoài như một phương tiện đễ hiểu và học hỏi người khác. Người Nhật chác chắn không phải là một dân tộc có biệt tài về hùng biện, nhưng tôi phải thú nhận họ diễn tả rõ ràng và mạch lạc hơn người Việt. Người Việt là một trong những dân tộc dở về truyền thông nhất, điêu này tôi sẽ có dịp đề cập đến.

Nhưng hãy trở lại với người Việt mình. Nếu ngay cả lấy ba người Việt có khả năng hơn ba người Nhật mà kết quả cũng chỉ là để tạo ra một nhóm ba người dở hơn nhóm của ba người Nhật kia thì chắc chắn là người Việt mình không có khả năng làm việc chung. Mà đã không cố khả năng làm việc chung được thì không thể nói là mình hay được bởi vì khả năng quan trọng nhất, khó khăn nhất chính là khả năng làm việc chung. Nó đòi hỏi trước hết sự lương thiện, bơi vì một tập hợp của chung con người chơi gian, chơi xấu, chơi gác nhau không thể kéo dài. Nó cũng đòi hỏi vô số đức tính khác : nhạy cảm, biết lắng nghe, biết truyền đạt ý kiến, có ý kiến hay, đủ bao dung để hiểu cái lý của người khác và nhất là đủ thông minh đễ thấy sự cần thiết của tổ chức và để thích ứng quyền lợi của mình với quyền lợi của tổ chức. Nếu con người chỉ sống và làm việc một mình thôi thì sự hay dở có lẽ không đặt ra, mình làm mình hưởng, mình làm mình biết, làm sao đánh giá được hay, dở? Cái trí thông minh lớn nhất chính là khả năng làm việc chung. Đã không biết làm việc trong khuôn khổ một tổ chức thì không thể nói là mình thông minh.

~ Trích "Tổ Quốc Ăn Năn", Nguyễn Gia Kiểng

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Thứ Sáu


 
Tác giả: Cội Thông Già


Sáng thứ sáu dường như những gương mặt

Trông rạng rỡ hơn những gương mặt thường ngày

Thứ sáu chẳng ai hay câu nệ

Những bực mình, phiền muộn đã xa bay



Thứ sáu dẫu có việc nhiều thì cũng vậy

Chẳng ai vội vã, hối thúc để làm gì ?

Ngay cả boss cũng dễ dàng hơn thường nhật

chẳng bắt lỗi nhân viên dù có những điểm sai



Thứ sáu chả ai thèm mang lunch theo ăn cả ?

Cả nhóm xúm nhau order tại nhà hàng

Thứ sáu: ngày lãnh lương nên chả việc gì phải tiết kiệm

cả một tuần vất vả, nay chơi một bữa - xài sang !



Thứ sáu, thời gian bỗng qua nhanh như gió

Ngày ngắn đi, thóang chốc đã tới giờ về

Những bước chân rộn rã niềm vui tìm về mái ấm

Nơi đó có sự đợi chờ của

- vợ,

- chồng,

- con cái.....và những người thân....



Thứ sáu, bao giờ cũng là ngày rất đẹp

chỉ riêng một người, thứ sáu.....chẳng thiết thân....

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Áo dài Việt Nam trong truyện tranh Nhật Bản

Nhật Bản Today - Các họa sỹ Nhật đã đưa áo dài truyền thống Việt Nam vào truyện tranh Manga và hoạt hình. 
 

Áo tứ thân, áo dài cung đình và áo dài nữ sinh

Manga/Anime Nhật Bản không còn xa lạ đối với người Việt Nam. Cuộc sống đa dạng được tái hiện dưới những nét vẽ ngộ nghĩnh, độc đáo đã làm mê hoặc hàng triệu người trên thế giới. Đây được xem như là một cách PR khôn ngoan của nước Nhật khi mang văn hóa Nhật, con người Nhật đến gần hơn với bạn bè thế giới.

Đa phần manga/anime Nhật tập trung phác họa đất nước của họ, nhưng ít ai biết rằng, Việt Nam cũng được các họa sĩ Nhật lấy làm cảm hứng sáng tác. Thậm chí, hình ảnh Việt Nam được thể hiện theo phong cách Nhật Bản khiến không ít người Việt phải ngỡ ngàng bởi sự mới lạ và độc đáo.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Gặp lại Thầy cô và các bạn ở Đám cưới Con gái Thầy Huy

Bộ ảnh này đã được chụp từ hôm đám cưới con Thầy Huy từ tháng 4/2013, giờ đưa lên đây hơi muộn nhưng cũng lưu lại những hình ảnh mình gặp lại được nhiều Thầy Cô cũ và các bạn  - PTB

Bức thư ngỏ của Ams K1 nhân ngày khai trường

Thời gian trôi thật nhanh. Cũng đã 25 năm kể từ ngày ra trường mình mới có dịp quay lại trường cùng các bạn, hát Quốc ca chào cờ và nghe tiếng trống trường ngày khai giảng. Cảm xúc thật khó tả...Cảm ơn các Thầy Cô và các Bạn đã dành cho mình "Một vé đi Tuổi thơ".
Bức thư này được bạn Phan Phương Đạt – "Cậu bé vàng" thời đấy và giờ là "Bang Trưởng" của Ams K1 "anh chị cả" có 3 năm học trọn vẹn đầu tiên ở trường Hà Nội – Amsterdam viết theo đề nghị của cô Lê Thị Oanh - tân Hiệu trưởng nhà trường và có sự tham gia góp ý của các bạn trong Ban liên lạc. Thư được đọc sáng qua, 5/9 tại Lễ Khai giảng của trường. Mình vẫn nghĩ là Đạt viết không phải chỉ cho các em học sinh năm học 2013-2014 mà cho cả chúng mình. Xin phép bạn Đạt và các bạn cho mình tiếp tục đọc và chia sẻ bức thư này. – PTB 06/09/2013

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Chuyện học của 'người phi thường' Nguyễn Ngọc Ký

Cái tên Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành điển hình cho tấm gương vượt khó không chỉ cho ngành giáo dục từ những năm 60-70 ở miền Bắc mà đã trở thành “thương hiệu” vượt qua nghịch cảnh mọi lúc, mọi nơi khắp cả nước ta. Thậm chí, trên thế giới, cái tên Nguyễn Ngọc Ký không phải xa lạ bên cạnh những tấm gương phi thường như nhà vật lý người Mỹ Stephan Hawking

Thầy Ký tâm sự: Tôi còn nhớ như in buổi sáng thức dậy sau cơn bạo bệnh.
Năm ấy 4 tuổi, tôi bước ra sân. Mẹ tôi đưa quả cam, tôi đưa tay cầm nhưng lạ quá, cánh tay tôi không cử động được.

Tôi cố nhấc bàn tay lấy quả cam nhưng cánh tay tôi không chịu nghe lời tôi, tôi cố mấy nó cũng buông thõng, lủng lẳng.
Từ cậu bé Nguyễn Ngọc Ký ngày nào vượt lên số phận
Tôi òa khóc, mẹ tôi ôm chầm lấy tôi. Sau này tôi mới biết, mẹ tôi còn khóc nhiều hơn tôi.
Nhiều lúc tôi phát hiện mẹ khóc, thấy tôi, mẹ vội lau nước mắt, ôm chặt tôi vào lòng. Mắt mẹ đỏ hoe.
Có lần, mẹ không kiềm chế, khóc nức nở: “Con ơi, mai kia bố mẹ mất con làm gì để sống đây hả con?”.

Nước mắt của mẹ rơi xuống vai tôi. Tôi nghẹn ngào khóc theo, định đưa tay ôm chặt mẹ mà không được, cánh tay mềm nhũn cứ thõng xuống.

Mẹ cầm và ôm cánh tay tôi: “Trời ơi, sao cánh tay con tôi ra nông nỗi thế này hả trời? Nếu tôi có tội, hãy bắt tôi chịu, cho con tôi lành lặn cánh tay, để tôi chịu liệt cho!”.

Lúc ấy, tôi thèm ôm lấy mẹ như trước kia vô cùng, hay nắm lấy tay mẹ cũng được. Nhưng cánh tay nào có hiểu cho lòng tôi. Bất lực, tôi dụi đầu vào lòng mẹ, nước mắt mẹ ướt đẫm tóc tôi. Mẹ con tôi khóc rất lâu.
Tối hôm đó, trong bữa cơm mẹ nói: “Tôi sẽ để mấy sào ruộng cho chị cả, sau này chị làm và nuôi em. Mai mốt chị có chồng, nhớ luôn quan tâm đến em nhé”. 

…đến thầy giáo, nhà văn, nhà tư vấn Nguyễn Ngọc Ký hiện nay là cả một quá trình nỗ lực vượt lên chính mình.
Gần nhà có ông thầy chấm tử vi, ông đến xem cho tôi và bảo với mẹ tôi: “Thằng Ký bị liệt 2 tay nhưng nó sẽ nên người, sau này nó sẽ có nhà to hơn nhà bà!”.

Mẹ tôi: “Ôi giời ơi, người ta lành lặn, chưa biết ra sao, huống chi em nó bị liệt mất 2 tay. Tôi chỉ mong chị nó cưu mang , thương em, đùm bọc cho em sau khi tôi mất!”.

Thầy tử vi: “Ấy, vậy mà sau này nó giúp chị nó đấy!”. Ai nghe cũng cười vì cứ nghĩ ông thầy an ủi, động viên tôi và mẹ tôi….

Có một thời như thế


Có một thời như thế-Thời của chúng tôi
Ký ức chiến tranh còn hằn trên nét mặt
Cơm ăn chưa no, áo chưa đủ ấm
Nhưng con người sống thực sự vì nhau.
***
Có một thời như thế-Thời của chúng tôi
Tay trong tay sóng bước tới trường
Mái trường thân yêu-lớp tôi ở đó
Chẳng bao giờ vắng tiếng cười vang.
***
Có một thời như thế-Thời của chúng tôi
Mồ hôi thầy thẫm ướt trên lưng áo
Những áng văn hay, những vần thơ đẹp,
Thầy dạy chúng tôi cốt cách làm Người
***
Có một thời như thế-Thời của chúng tôi
Mắt bất chợt nhìn nhau, đủ làm bối rối
Dòng lưu bút viết còn đang dang dở
Nụ hôn đầu mới chỉ dám trong mơ.
***
Có một thời như thế-Thời của chúng tôi
Trống trường điểm –giờ chia ly đã đến
Im lặng nhìn nhau, mắt long lanh ngấn lệ
Biết có ai còn nhớ tới ai không?
***
Chúng tôi giờ mỗi đứa một phương
Nhưng vẫn sẻ chia những vui buồn, hạnh phúc
Bởi trái tim vẫn hòa chung nhịp đập
Về một thời như thế- Thời của chúng tôi...


Nguồn: Phạm Thanh Xuân, Lớp Nga 1, Khóa 1985-1988, Trường PTTH Hà Nội - Amsterdam
http://www.facebook.com/groups/477172682320795/permalink/478044395566957/