Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Hai câu chuyện về cái “tủ sách” và cái “tủ rượu”

Hôm rồi tôi có dịp ghé nhà một ông tá hải quân cùng quê chơi. Ông hiện phụ trách quân lực của cả một vùng. Ông vừa cất xong ngôi nhà (biệt thự thì đúng hơn) và sắm xe hơi mới. Bước vào phòng khách ngôi nhà, ập vào mắt tôi chính là chiếc tủ rượu hoành tráng được gắn sát chiếm diện tích gần nửa bức tường chính diện. Thôi thì đủ thương hiệu rượu danh tiếng: từ Chivas, Hennessy, Napoleon, Johnnie Walker cho tới Vodka xịn tận bên Nga… được gia chủ bày khá ngay ngắn trên kệ. Ông đi giới thiệu cho chúng tôi xuất xứ từng chai rượu: chai này thằng bạn đi nước ngoài về tặng, chai kia đồng nghiệp cho, chai nọ do cấp dưới biếu với giọng khá hào hứng cũng như thể hiện sự am hiểu về rượu ngoại. 

Sau khi dẫn chúng tôi đi tham quan quanh khuôn viên nhà, cùng với mấy câu chuyện hỏi thăm nhạt thếch, ông tá nhanh chóng nhập sòng oánh “phỏm” với mấy “thằng đệ”. Trong lúc mấy vị đang say sưa sát phạt, chúng tôi cũng đang ngó nghiêng thứ này thứ kia của căn nhà thì xảy ra một chuyện. Thằng con đầu (con vợ hai, ông đã ly dị vợ cả, hiện đang sống với cô vợ hai kém mình cỡ vài chục tuổi) của ông, tầm 8 tuổi, tranh thủ lúc mọi người trong nhà đang tập trung chuyên môn, lén vào phòng lục túi bố nó lấy mấy tờ 500 ngàn và bị bà nội tóm cổ xách ra báo với phụ huynh.
 

image
 
Một điều khiến chúng tôi khá bất ngờ, đó là lòng “vị tha” của quý phụ huynh. Ông chỉ đánh nó mấy cái nhè nhẹ (chắc sợ thằng bé đau) và mắng nó mấy câu quen thuộc rồi lại tiếp tục lao vào sòng, cách xử lý của ông khiến tôi có lý do để tin thằng bé thực hiện hành động này không phải lần đầu và chắc chắn không bao giờ là lần cuối.
Câu chuyện thứ hai tôi muốn đề cập với các bạn thói quen đọc sách của người Do Thái.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Ngày đầu tiên ở nước Nga (Tiếp theo và hết)

Bước vào bên trong ga, tôi cẩn thận đứng nép vào một góc để quan sát mọi chuyển động. Hình như cái máu du kích đã ngấm sâu vào mỗi chúng ta từ thời anh hùng Núp, thấy tây chui ngay vào bụi. Tôi nhận ra vài điều: người Nga chăm xếp hàng, không nói to, đi khá nhanh nhưng không hề dẫm phải chân nhau. Để vào ga, đầu tiên họ xếp hàng ở quầy bán vé, mua đồng giê-tôn tròn bằng nhựa(giờ là thẻ từ bằng giấy) sau đó dùng tay phải nhét sâu vào khe máy tự động để đi qua một trong gần chục cửa vào có gắn thiết bị cảm biến. Quan trọng nhất phải vào đúng cửa mình, nhầm cửa khác là hai càng cua bằng sắt bọc cao su sẽ từ trong phi ra sập khá đau. Tây cao, hai cái càng ấy ra khoảng ngang đùi hoặc đầu gối họ, Việt Nam mình thấp nên sẽ bị sập ở đoạn hông với Nam và khoảng bụng với Nữ. Nhiều người hay đi trốn vé bị sập lâu thành quen rồi cũng hết đau, nhưng về sau khó sinh nở mà chả biết tại sao. Hồi ấy cái công đoạn bố của giản đơn này với tôi ngang bị nhốt dưới khoang tàu ngầm kilo bây giờ. Hóa ra kiến thức nhiều khi đơn giản chỉ là sự bắt chước đến thành thục. Nhờ xem nhuyễn bộ phim "Hãy liệu hồn đấy" tôi qua cửa sập khá dễ dàng, theo thang cuốn xuống lòng ga sâu dưới mặt đất khoảng 15-20 mét. Nhớ lời dặn của thằng em tôi đứng bên phải thang cuốn bởi lề bên trái dành cho những khách vội, muốn tranh thủ thời gian. Thay đổi thói quen cố hữu phải nói là rất khó. Bên ta hễ lên xe là phóng vút, đi bộ lại cực thong thả kể cả lúc đi làm. Bên này tây đi bộ thoăn thoắt như chạy, không guồng nhanh theo họ rất khó đi. Sau này có lần tôi chia sẻ với mấy người bạn Nga về sự khác biệt này, họ rất ngạc nhiên: "Hình như các anh bị ngược, đi bộ mới cần nhanh để tiết kiệm thời gian, đi xe nhanh làm gì cho nguy hiểm". Ngẫm thấy có khi bạn nói đúng: nhà mình bị ngược, không chỉ riêng chuyện đi lại. Xuống đến lòng ga, trái với những gì được đọc về những công trình hội họa - kiến trúc tuyệt đẹp trong những nhà ga xe điện ngầm của Mátxcơva, tôi chỉ thấy có hai hàng cột xù xì,khô khan, vuông vức chạy từ đầu đến cuối. Sàn và tường lát gạch men màu cháo lòng. Sau mới biết chỉ trong trung tâm mới đẹp, các ga khác đơn điệu và xấu như ga Hàng Cỏ. Chả có gì để ngắm tôi chuyển sang việc định hướng. Không khó lắm vì đã có chỉ dẫn của ông bạn sang trước mấy năm: "Nhớ nhé, khi tàu chạy vào trung tâm thành phố giọng trên loa phát thanh sẽ là giọng Nam, còn từ trung tâm ra sẽ là giọng Nữ". Thế mà bảo tây nó không trọng Nam khinh Nữ. Toa tàu điện ngầm hồi ấy bao giờ cũng có 3 cửa, khi đỗ phải đợi khách bên trong ra hết mới được vào. Bên trong, cũng theo cẩm nang của ông bạn, tôi tìm chỗ trống ở phần toa không ghi dòng: "Dành cho người cao tuổi, phụ nữ có thai và khách có trẻ em đi cùng". Chợt nhớ chuyện vui: "Một bà cụ kêu đau chân nài nỉ cậu thanh niên nhường chỗ trên tàu. Cậu thanh niên vặn vẹo: - Thế hồi bằng tuổi cháu bà có nhường chỗ cho người già không? – Có chứ, chưa kịp hỏi bà đã nhường. – Đấy, vì thế mà giờ bà bị đau chân đấy. – Nói xong cậu thanh niên thản nhiên cúi xuống đọc sách tiếp". Thực tế không như vậy, tôi để ý thấy ở đây chuyện nhường chỗ cho người già và phụ nữ trên tàu xe là mặc định. Đó cũng là một những điểm lạc hậu của nước Nga so với Việt Nam. Bên ta người già không bao giờ đi phương tiện công cộng, phụ nữ thì lên tàu xe là được tán tỉnh mời ngồi, không ngồi đố yên thân.

Định bụng sẽ chu du bằng tàu điện ngầm khắp thủ đô nhưng tôi buộc phải thay đổi kế hoạch vì choáng ngợp trước quy mô và độ phức tạp của "Thành phố ngầm". Hệ thống tàu điện ngầm(Metro) của Mátxcơva khi đó đã 57 tuổi, dài 240km, gồm 8 đường nhánh, 1 đường tròn nối các đường nhánh với nhau, 150 ga. Riêng tổng chiều dài các thang bộ và thang cuốn lên xuống đã bằng từ Hà Nội xuống Hải Dương. Vào giờ cao điểm, trung bình các đoàn tàu với 8 toa xuất phát cách nhau có 85 giây. Đảm bảo cho hoạt động cường độ cao và chính xờ xác như đồng hồ của cả hệ thống Metro chuyên chở tới hơn 8 triệu lượt khách/ngày này là gần 25 nghìn nhân viên. Nói chung là choáng hết cả váng. 

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Những ngày đầu tiên ở nước Nga

(Thân tặng bạn tôi nhân ngày Sinh nhật 16/4 với hy vọng những cảm xúc đầu tiên trên đất nước này sẽ theo bạn suốt cuộc đời như những kỷ niệm đẹp nhất) (Tác giả là 1 cựu sinh viên của SPNN)

Tháng 9 năm 1992 tôi bước chân tới nước Nga. Ngoài giờ đi học phải làm thuê cho thằng em ruột. Nó nuôi ăn ở, mua quần áo giày dép, cho thêm tiền tiêu vặt, trả lương và chỉ cách cưa mấy đứa con gái tây. Đến giờ tôi vẫn chả thấy ở đâu cái mô hình hay như thế, người làm công mà vật chất thừa mứa, tinh thần no nê.

Ngày đầu tiên xuống phố chơi, mọi cảm xúc đều gói gọn trong hai từ "ngỡ ngàng". Mátxcơva đang tiết thu, lá xanh, lá nâu, lá đỏ và nhiều nhất vẫn là lá vàng rực rỡ khắp nơi tương phản cực đẹp với thảm cỏ còn xanh mướt. Ngay dưới chân nhà là một tốp bốn năm người đàn ông què cụt, với những khuôn mặt phong trần điểm sẹo cùng các vết thâm tím đang trò chuyện. Tôi đoán đó là các cựu chiến binh vệ quốc vĩ đại nên chủ động bày tỏ lòng kính trọng bằng cách tiến đến chào, bắt tay và mời thuốc. Họ thân thiện ngoài sức tưởng tượng, những cái ôm siết chặt kèm những câu rưng rưng "Việt Nam anh hùng! Việt Nam giỏi lắm! Chúng mày đuổi được cả Mỹ về nhà…". Biết đuổi xong mình lại cố sang nhà nó chơi chắc họ buồn cười lắm. Loáng chưa đầy 1 phút, bao Marlboro đỏ đã nhẵn thín. Kiểu điếu hút điếu dắt tai của Việt Nam mình hóa ra chỉ là trò mèo. Mải khôn vặt thế thảo nào lâu lên đến CNXH. Nhẩm lại: bao thuốc vừa bóc có 20 điếu, 5 đồng chí cựu chiến binh, riêng tôi kính cẩn dâng chứ đâu dám hỗn hào hút cùng. Như vậy trung bình 1 đồng chí phập hết 4 điếu. Mới biết sao gọi là Gấu Nga, què rồi mà thể lực vẫn tốt thật. Hết thuốc, tôi từ biệt những con người đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại để lên nhà lấy bao khác, còn đi chơi tiếp.

Ở Nga các chung cư 5 tầng không lắp thang máy. Cuốc bộ lên đến tầng 4 gặp ông hàng xóm đang hút thuốc, dưới chân là chú mèo giống Ba-tư lông dài trắng muốt lười nhác nằm. Người Nga quả thực là dân tộc hiếu khách, chưa nghe hết tiếng chào hổn hển của tôi, ông tây đã chìa bàn tay to đúng bằng cái bảng học sinh ra bắt. Thuốc lá của ông chắc hàng nội địa nên khá khét, nhưng chú mèo đẹp quá níu tôi không muốn rời. Như đoán bắt được ý nghĩ trong đầu tôi, ông hàng xóm hào hiệp hỏi: "Cậu có thích nó không, tôi bán cho". Nghẹn mất hơn phút tôi mới lắp bắp "Ông… ông không thích mèo nữa à?". - "Tôi yêu súc vật lắm, nhưng gặp cậu tôi quý tôi bán rẻ, thỉnh thoảng cậu cho phép tôi đến thăm nó chứ?". Cuống cà kê vì món quà bất ngờ tôi hứa bừa: "Tất nhiên rồi, ông hãy đến bất kỳ lúc nào ông muốn nhé" . Con mèo được bán với giá 100 rúp tương đương 5 bao thuốc Marlboro. Ông hàng xóm bịn rịn hôn chia tay súc vật cưng của mình, phim Hàn Quốc bây giờ chắc chắn không lâm li bằng. Đãi chú mèo bữa tân gia với sữa tươi và giò xong tôi mới khóa cửa, bắt đầu chuyến tham quan Mátxcơva đầu tiên trong đời.

Từ căn hộ thuê ra ga tàu điện ngầm rất gần, chắc chưa đầy 3 phút đi bộ song tôi phải mất hơn 15 phút vì ngắm thêm cảnh. Phố rộng, đường phẳng lì, cây cối hai bên um tùm như công viên. Hà Nội mình đã được gọi là Thành phố Xanh thì đây biết gọi là Thành phố gì bây giờ. Chợt nhớ câu các cụ "Phấn đòi bì với Vôi". Như thế là nhà mình cũng trắng rồi nhưng bên này họ trắng hơn nhiều thôi. Thỏa đáng với lời giải tôi bước xuống lối ngầm qua đường, thứ mà Việt Nam mình hồi ấy chưa có. Sang đến bên kia phố là ga tàu điện ngầm, phần trên cao như tòa nhà 3 tầng, lối vào, lối ra riêng biệt. Xung quanh ga rất rộng với nhiều kiot bán hàng và một chợ cóc nhỏ. Trong chợ bán đủ thứ thực phẩm, hoa quả, đồ uống đóng chai và vô số các loại hạt gì đó nhiều màu rất đẹp, ăn được. Tôi tiến đến góc chợ, nơi có khoảng mươi cụ già đứng bán hoa quả. Đây có lẽ là các cụ hưu trí đem sản phẩm vườn nhà ra tiêu thụ rồi. Cụ nào trông cũng phúc hậu như bà tôi vậy, mỗi to béo hơn nhiều. Những trái táo to, căng mọng chỉ từng thấy trong phim giờ sờ sờ trước mắt khiến tuyến nước bọt của tôi được kích hoạt tức thì. "Bà ơi bán cho cháu mấy quả táo" – tôi hỏi ướm vì chả biết ở đây họ bán táo theo cân hay quả. "Ừ, cháu người Trung Quốc à?" – bà cụ đon đả. – "Không, cháu từ Việt Nam sang" – tôi ghét người Trung Quốc không phải vì trong lịch sử họ hay chiếm đoạt mình, mà vì những hồi ức thời thơ ấu. Nhà tôi ngay sát nhà vợ chồng ba tàu bán mỳ vằn thắn. Mấy lần mẹ tôi vác cặp lồng không về vì họ nhất khoát không chịu bán cho bát nước dùng. Mấy anh em tôi lại phải xơi cơm nguội với tóp mỡ dầm nước mắm.

Nói tiếp chuyện bà cụ Nga. Sau khi biết tôi là người Việt Nam bà mừng lắm: "Bà biết các cháu khổ vì bị hết nước ác này đến nước ác kia nó đánh, chiến tranh liên miên thế lấy táo đâu mà ăn" – bà cụ chứng tỏ sự hiểu biết khá sâu rộng về lịch sử cũng như dinh dưỡng học. "Cháu ăn thử đi, táo vườn nhà bà đấy, ngon lắm, bà giết sâu bằng tay chứ không bao giờ phun thuốc…" – vừa nói bà cụ vừa đưa cho tôi một miếng trong quả táo đã bổ sẵn làm 64 miếng nhỏ, mỏng ngang giấy pô-luya. Với định lượng như vậy khó thẩm định chính xác chất lượng. Nhưng đời tôi đã bao giờ được ngoạm miếng ấy vào mồm mà biết suy xét. Vì thế tôi từ chối ngay: "Không cần đâu bà ơi, nhìn bà là cháu hình dung ra táo của bà thế nào rồi". Bà cụ thấy thế càng xởi lởi: "Riêng Việt Nam các cháu bà bán như tặng thôi nhé, 10 rúp 3 quả cháu lấy mấy quả?". Nhắm thấy hành trình còn dài, tôi quyết định mua tạm 3 quả để ăn đường.

(Còn nữa)


Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Sự tích hoa Anh Đào

Sakura là quốc hoa của Nhật bản. Đặc điểm của nó là rơi trong khi còn đương độ tươi thắm. Hoa Anh đào tượng trưng cho tinh thần võ sĩ đạo – samurai – biết chết một cách cao đẹp.
Chuyện kể rằng, ngày xưa ở xứ Phù tang (Nhật bản) chưa có hoa Anh đào như bây giờ. Tại một ngôi làng xinh xinh ven núi Phú Sĩ, có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dũng cảm khác thường.
Năm chàng mới tròn một tuổi, có một Đạo sĩ phiêu bạt ghé qua nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người cha thanh sắt đen bóng rồi lặng lẽ ra đi. Lúc đấy đang mùa đông tuyết rơi tầm tã, vị Đạo sĩ đi khuất trong mưa tuyết rồi, mà người cha vẫn thẫn thờ nhìn trông theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như thì thầm: ”Hãy cất kỹ và giao thanh sắt này lại cho con trai chúng ta khi nó tròn 14 tuổi. Số phận đã an bài nó sẽ trở thành một kiếm sĩ lừng danh”.
image
Sau đó, cha cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Thanh sắt đen bóng được giao lại cho chàng trai năm cậu tròn 14 tuổi. Cậu rùng mình vuốt ve kỹ vật huyền bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ, một khát khao khó hiểu tràn ngập vào cơ thể tươi non dũng mãnh của cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã run rẫy thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào: “Ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này”. Chàng trai đến rạp đầu xin thụ giáo một Võ sĩ đạo lừng danh.
Vị Samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp thuận. Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến với người kiếm sĩ. Tay kiếm của chàng khiến những Samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt? Chàng đã tự mình rèn nó thành thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực, nhưng chưa được. Một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày khai trận. Biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen?
image
Lúc này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi. Cô gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm xưa là người thân yêu còn lại duy nhất của chàng. Mỗi ngày khi nắng đã tàn lụi trên núi Phú sĩ, đêm đã tràn ngập trên xóm núi, cô gái lại buồn bã nhìn chàng ngồi bất động, trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa, mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước mơ ngày nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo kiếm vô địch thiên hạ.

- Anh thân yêu! Có phải chăng đối với anh thanh kiếm này là tất cả? Nếu nó không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng, thì anh sẽ mãi mãi buồn đau?

image
Nhìn vào bếp lửa, chàng trai vuốt ve thanh kiếm trong lòng, và nói chậm rãi rất quả quyết:

- Chỉ buồn đau thôi ư? Không đâu! Đối với anh, thanh kiếm là sự nghiệp, là cuộc sống, là tất cả…..làm sao anh có thể coi mình là một Võ sĩ đạo chân chính khi thanh kiếm của anh chưa từng no say trong máu? Trời ơi! Anh chết mất! Sao thời buổi này yên bình đến thế? Sao không có kẻ cướp nào thúc giục anh xuống kiếm, không có kẻ cuồng ngông nào thách đấu với anh?

Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định quyết tâm của mình thôi.

- Anh thân yêu! Cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút thôi.

Cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh cô gái nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm, rồi đột ngột đâm thẳng vào tim. Máu trào ra ướt đẫm tấm thân mảnh dẻ của nàng, nhuộm đỏ chiếc áo Kimono trắng nõn, trinh bạch. Chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang loé lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được no mình trong máu!
image 
Nhưng từ đó, chàng trai hoàn toàn cô độc. Không Samurai nào thèm kết bạn với anh. Họ nhìn sang chỗ khác khi đối mặt trên con đường hẹp. Họ rời khỏi quán trà khi anh bước vào. Họ từ chối khi anh thách đấu.
Cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông, khi những bông tuyết đầu mùa vừa rơi, chàng trai ôm thanh kiếm đến bên mộ cô gái. Chàng thì thầm :”Tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…”. Chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng rạch một đường mạnh mẽ và rút kiếm ra nằm gục bên cạnh mộ. 

Thanh bảo kiếm cắm sâu vào mộ đất….tuyết không ngừng rơi….đến sáng. Tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Chỉ còn lại một cây hoa lạ, mơn mởn vươn lên tươi cười, hồng thắm. Không ai biết hoa hoá thân từ thanh kiếm ấy. Người ta dặt tên hoa là Anh đào. Hoa Anh đào có nhiều loại mọc được ở nhiều nơi. Nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa được ươm mầm, và trổ bông ở vùng núi Phú sĩ.

image
Nhật Bản có câu : “A flower is a cherry blossom, a person is a Samurai” (Nếu là hoa, xin làm hoa Anh đào. Nếu là người, xin làm một Võ sĩ đạo) . Điều đó có nghĩa là, khi một Võ sĩ đạo đối mặt với hiểm nguy, anh ta không run sợ trước cái chết, bởi vì, giống như hoa Anh đào, anh ta sẽ tự đâm mình và gục xuống ngay lập tức, không ngần ngại.
Nhiều người tự hỏi có phài hoa Anh đào là 1 loài hoa Tình yêu hay không? Một Tình yêu mãnh liệt vào đạo, vào sự nghiệp Võ sĩ.
image
Đối với người Nhật Bản, hoa Anh đào không chỉ tượng trưng cho vẻ đẹp thanh cao, mà còn là nỗi buồn về sự ngắn ngủi, phù dung, và tính khiêm nhường, nhẫn nhịn. Cây hoa Anh đào đem tặng được xem như biểu tượng hòa bình của nước Nhật với các nước khác trên thế giới. Hoa Anh đào mọc ở Triều Tiên, và Mỹ không có mùi hương. Trong khi đó, ở Nhật Bản, người ta ngợi ca hương thơm của hoa Anh đào trong những vần thơ. Trong ngôn ngữ Nhật, nhất là trong thơ ca, chữ ”hana” (hoa) và ”sakura” hầu như đồng nghĩa.

image
Hoa Anh đào nở báo hiệu mùa xuân đến. Suốt tuần lễ thứ hai của tháng Tư, lễ hội hoa Anh đào được tổ chức khắp nơi đón mùa xuân mới, và mọi người tụ tập trong các buổi tiệc ngắm hoa ”ohanami”.

Nguồn: BM Blog

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Tháng Tư về ( Thơ : Lê Mai Thao )



Ừ nhỉ!  Tháng tư
Hoa loa kèn loang trên phố
Màu trắng như nỗi nhớ
Tháng tư .

Ừ nhỉ ! Đã tháng tư
Em không thích nàng Bân với vẻ dịu dàng diệu vợi
Đan cho cho chồng một mùa nông nổi
Một mùa bóng tối
Khi hết heo may

Ừ nhỉ !Tháng tư
Chút lạnh về trên nhánh gầy của loa kèn đầu vụ
Những bông hoa thành phố
Thiếu gió
Thiếu sương
Thật đáng thương.!
Em mang về nhà cả tháng tư
Những nhánh loa kèn oằn mình trên bình sứ
Nhụy vàng hay bụi phố?
Nửa thèm giá sương nửa khát nắng hanh

Ừ nhỉ tháng tư!
Sáng nay em cẩu thả
Tấm áo khoác bỏ quên trên mắc
Anh không mặc
Khi sông đầy gió
Tháng tư về
Còn lạnh không anh?

 ( TNY sưu tầm )