Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

Các Thầy, “Nó” và “Chúng nó”


Cảm đông vì những hồi ức của bạn TMQ về các Thầy cô giáo cũ, mình bổ sung thêm chút ít nhé - PTB - 25/4/2011


Thầy Huy: Chúng nó choáng váng khi Thầy Huy yêu cầu kiểm tra Sử 15 phút. Nhưng nhiều đứa chúng nó cũng không phải không nghĩ ra cách để làm bài. Hồi đấy, việc mở sách vở ra quay cóp là việc “hiếm có, khó tìm” nhưng không phải là không có, nhất là những lúc “nước sôi, lửa bỏng”. Thầy cũng “tế nhị” quay ra phía cửa sổ lập là (dãy cửa sổ phía hành lang). Cứ thầy quay ra cửa là chúng nó “tranh thủ” mở sách vở ra ngó một tí. Thầy cứ đứng “mân mê” cửa, chúng nó thích lắm, càng mở sách vở với tốc độ “nhanh và chính xác” hơn. Thỉnh thoảng Thầy lại lấy tay miết miết, lau cửa. Hết giờ kiểm tra, Thầy quay về phía chúng nó và không nói câu nào. Chúng nó chỉ kịp nhận ra là Thầy rất buồn, nhưng không hiểu vì sao. Hết tiết học, chúng nó xông ra chỗ cửa sổ Thầy đã đứng, cũng kéo cửa, di tay. Ôi thôi, cửa như cái gương, phản chiếu hết hình ảnh chúng nó ngồi trong lớp. Chúng nó mới chợt hiểu là Thầy buồn vì chúng nó không tự giác tí nào cả. Bài kiểm tra hôm đấy Thầy không chấm điểm. Đến giờ này, Thầy vẫn là người thầy mô phạm nhất mà nó đã từng được học.

Thầy Cường: Nhiều đứa là “nạn nhân” của món “trứng ngỗng” triền miên của Thầy. Mới vào lớp 10, nó “ngơ ngơ, ngác ngác”. Nó là một trong số vài đứa không phải là dân "chuyên ngữ” cũ, nghe các bạn báo cáo trực nhật bằng tiếng Nga làu làu ‘Севодня я дежурная...” đã choáng váng lắm. Thầy bảo là đứa nào nói chuyện riêng trong lớp sẽ bị điểm 0. Nó chưa kịp nghe ra, quay sang hỏi cái Châu Giang ngồi cạnh “Thầy nói gì đấy?” thì bị ngay điểm 0. Vốn đã không giỏi tiếng Nga, nó thi vào chuyên Nga chẳng qua vì hồi đấy muốn đựợc học ở trường Lý Thường Kiệt, gần nhà, lại học buổi chiều, đỡ phải dậy sớm (khi thi vào nó chẳng biết là rồi sẽ chuyển hết lên trường Ams). Sau cái điểm 0 đấy, chắc nó còn vài điểm 0 nữa vì những tội rất khác nhau. Nó cũng chẳng biết nó có được chuyển điểm 0 nào thành điểm 10 không (như sau này Thấy nói). Nhưng nó cũng đã quyết định sớm là “đằng nào cũng thế”, chỉ cần học tiếng Nga ở mức không bị đuổi ra trường ngoài, nó sẽ học những môn nó thích. Khi Thầy làm thêm công tác chủ nhiệm, sổ Liên lạc của nó luôn có dòng chữ “Tuần này không có chuyện gì xảy ra” (tức là không có điểm số, không có tội lỗi cũng như thành tích gì) để Thầy ký rồi mang về nhà cho bố mẹ ký. Ối lần nó cũng bị phạt vì quên không đưa sổ Liên lạc cho bố mẹ ký. Với nó Thầy là người “trái tính” nhất trong số các Thầy cô giáo hồi đấy. Thế mà bây giờ, Thầy của chúng nó đã dễ tính ra nhiều rồi đấy!

Thầy Lân: Chúng nó hay gọi là “Bố Lân”. Nó quý Bố Lân vì nó thích học Toán nhất và có lẽ nó khá Toán nhất trong tất cả các môn. Có một thời nó chỉ cần “cạnh tranh” học toán với Từ Minh Quang. Bố Lân hiền lành, vui tính, Bố có cái quần mầu xanh dương, ống rộng. Chúng nó cứ giải được bài toán khó nào là bố vui lắm, cười tủm tỉm suốt. Chúng nó cũng có “bắt nạt Bố”. Hôm ở trường tổ chức giải bóng ném các trường trung học, đội trường Ams thi đấu đúng tiết Toán của Bố, chúng nó nài bằng được để Bố cho nghỉ. Bố không đồng ý, chúng nó cứ “đẩy” Bố “ngã xiêu ngã vẹo” cho đến lúc cho chúng nó nghỉ thì thôi. Rất tiếc là chúng nó chẳng có cái ảnh nào chụp với Bố Lân cả. Chúng nó sẽ phải tìm lại Bố Lân!

Thầy Thụy: Chắc sau này “có tuổi” thì Thầy mới “khó tính” chứ nó vẫn nhớ hồi dạy chúng nó, Thầy vui vẻ lắm. Cứ đứa nào bị gọi lên bảng là Thầy lại “nhìn từ đầu đến chân một lượt”. Nó suýt nữa thi khối A vì do thích môn Toán của Thầy Lân, Cô Hoan và môn Hoá của Thầy Thuỵ. Chúng nó chẳng còn cái ảnh nào chụp với Thầy, nhưng nó còn chữ ký lưu bút của Thầy đây.

Thầy Thuỷ: Một người luôn cố gắng vui vẻ và kiên trì mặc dù chúng nó không mặn mà và giỏi dang gì môn Vật Lý là Thầy Thuỷ. Nhìn qua thì Thầy có vẻ khó tính nhưng đằng sau sự khó tính đấy là nụ cười tươi, hiền hậu. Nó thấy học Vật Lý chẳng dễ, nhưng ít ra nó cũng dể hiểu hơn môn Văn học nhiều.


Thầy Mỹ: Với nó, Thầy Mỹ dậy môn Địa lý hay nhất trong các thầy cô giáo dậy môn này mà nó  đã từng được học. Nó chưa thấy ai có thể sáng tạo ra cách vẽ bản đồ Việt Nam nhanh, chính xác và hiệu quả như cách vẽ kẻ ô như Thầy đã bảo chúng nó. Hôm nào nhất định nó sẽ đòi các bạn Nga2 thi vẽ lại bản đồ đấy xem có đứa nào nhớ không. Chắc vẽ lại, nó ít nhất cũng phải được 5 điểm. Nó không bao giờ quên hôm chúng nó cũng kiểm tra vẽ bản đồ 15 phút. Thầy phát hiện ra có đứa không vẽ được, đặt cái bản đồ vẽ sẵn dưới tờ giấy kiểm tra mà tô. Thầy buồn lắm, nhưng không “bắt”, “nói bóng, nói gió” nhưng xem chừng “chúng nó vẫn không hiểu”. Chắc đến mức “không chịu nổi”, Thầy mới nói đại khái là “lớp Nga mà không có nhiều cảm xúc bằng lớp Toán” (chắc nói mãi vẫn trơ ra) và Thầy đọc bài thơ “Mầu tím hoa sim” của Hữu Loan. Việc đọc bài thơ có vẻ không ăn nhập lúc đó lắm, nhưng sau này, cũng có đứa hiểu Thầy muốn nói gì.

Thầy Lập: Nó vốn không thích môn Văn. Nó chẳng nhớ bài thơ nào từ đầu đến cuối để làm bài Văn chứng minh, càng không biết làm thơ. Có lần bị gọi lên bảng kiểm tra bài cũ. Chẳng biết do nó run quá hay kém Văn thật, nó nói là “Chị Dậu ở làng Vũ Đại”. Chẳng thấy Thầy nó gì, còn các bạn nó ở dưới thì bấm bụng mà cười. Có thời chúng nó học Văn do Thầy Vĩnh (chúng nó vẫn gọi là Bu-Ra-Ti-Vĩnh vì đôi giầy Tây mõm nhọn của Thầy Vĩnh. Nó thấy Thầy Vĩnh nói có phần “nghiêm trọng” và cho nó nhiều nhất là 6,5 điểm Văn nên nó càng ngại học Văn. Đùng một cái, chúng nó có Thầy giáo Văn mới. Chúng nó chỉ nghe ai đó nói là Thầy Lập này đã từng viết cả kịch cho hội diễn gì đấy nên chắc cũng đặc biệt. Mà Thầy Lập đặt biệt thật. Bài văn phân tích một nhân vật, Thầy chẳng chỉ định một nhân vật nào cụ thể mà cho tuỳ chọn bất cứ nhân vật nào cũng được, kể cả nhân vật không có trong sách giáo khoa. Cho tự chọn thế mới khó. Nó cứ vừa thích nhân vật này, rồi lại đổi ra nhân vật kia. Nản quá, nó nghĩ ra cách viết ra môt loạt các nhân vật nó thích rồi “bắt thăm”. Cuối cùng nó “bắt thăm” được “Gã hà tiện”. Với kiểu học Văn đấy của nó, nó cũng choáng là điểm văn năm đấy của nó là: 5,5,5,9,9,9. Hơn 22 năm nó mới gặp lại Thầy Lập. Thầy đang làm “hàng xóm” của khu nhà nghỉ Hẹn Hò 2 (Ghi chú: "Hẹn Hò 2 có thang máy" – Biển quảng cáo chỗ rẽ vào nhà Thầy ghi thế nhé) nhưng nó không quên câu lưu bút Thầy viết cho nó ngày 19.5.1988, ngày cuối cùng ở trường: “Đừng bao giờ nghĩ rẳng tôi nói điều chua chát nhé!”.

Thầy giáo dậy môn kỹ thuật: Chắc chẳng ai trong chúng nó nhớ tên Thầy giáo dậy môn Kỹ thuật. Nó chỉ nhớ Thầy đeo kính cận. Cũng chẳng đứa nào trong lớp biết nó đã từng bị ghi tên vào Sổ đầu bài vì bài học “Tán đinh ri vê” của Thầy. Thầy hào hứng giảng, hướng dẫn chúng nó và giao bài tập “Về nhà lấy một cái xoong hoặc chảo thủng để thực hành bài tán đinh ri vê hàn chỗ thủng”. Nó nói với Thầy “Xoong thủng coi như hỏng!’. Thầy chẳng nói, chẳng rằng, ghi tên nó vào sổ đầu bài “Nói tự do trong lớp”.

Thầy Thân: Nó sợ nhất môn Thể dục. Nó chẳng chạy đựợc nhanh, bật xa thì về đau cơ hàng tuần, chống-đẩy thì toi hẳn. Thầy Thân hiền lành, ít nói. Thầy đã “nương tay” cho chúng nó mà cũng vẫn chật vật lắm. Thế mà Thầy Thân dậy chúng nó môn Bóng ném, chúng nó lại thích, lại chơi được. Nó cũng say sưa chạy, ném, náo loạn, hăng say lắm. Bạn Anh Hà lúc đấy được phân công làm thủ môn, bắt bóng dính ra phết. Đợt trường Ams đăng cai giải bóng ném các trường trung học, chúng nó chỉ mong ngóng được nghỉ học để đi cổ đông. Riêng môn hò hét, mà hò hét cổ động tại sân nhà thì chúng nó rất khá. Đợt đấy thế nào mà đội bóng của trường chúng nó thua, không được vào tiếp vòng trong, chúng nó buồn rũ rượi. Nó nhìn thấy đứa lớp khác còn buồn và tức tối hơn chúng nó, đạp đổ cả vài dẫy xe đạp. Có thầy cũng buồn tới mức nói là: “Hôm nay đội bóng trường mình thua cứ như học sinh Ams thi trượt đại học”.

Suýt nữa nó cũng trở thành giáo viên. Nhưng cuộc đời “đưa đẩy” thế nào, nó “mất dạy” ngay từ khi ra trường. Nhưng nó vẫn luôn nhớ các Thầy Cô giáo của mình, những người với những tính cách và tính cách khác nhau đã trang bị cho nó nhiều hành trang bước vào cuộc sống.

Kỳ sau: Các cô giáo

7 nhận xét:

  1. Ối giời , Thu Ba viết nhật ký từ ngày xửa ngày xưa hay sao mà nhớ thế không biết...

    Trả lờiXóa
  2. PTB và TMQ "song kiếm hợp bích" đây!
    Cứ tiếp tục đi nhé! Hay lắm!

    Trả lờiXóa
  3. Говоря о учительях, только когда мы уже возрослые, мы тогда понимаем, как они дорогие нам. Мы тогда сожалеем школьные дни.

    Учителья, которые как нашие подители воспитывали нас вставать хорошими и душевными людьми.

    Trả lờiXóa
  4. @PTB:

    Cảm ơn PTB bổ sung nhé. 2 hôm nay bận quá nên không "còm" được sớm.

    Háo hức chờ bài kỳ sau của TB!

    Trả lờiXóa
  5. @PTB:
    Đây không thể xem là "bổ sung" mà là một bài "hồi ký" có đủ "nhân chứng vật chứng".
    Về các cô giao là tớ chịu đấy!

    Trả lờiXóa
  6. @PTB:
    Đợi bài kỳ sau "Các cô giáo" của bạn!

    Trả lờiXóa
  7. @PTB:
    20-11 này mà có bài "Kỳ sau: Các cô giáo" của bạn thì tuyệt quá!

    Trả lờiXóa