Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Lễ hội Xuân (tiếp theo và hết)


Ở Bắc Ninh, các hội hát “quan họ” thường gắn liền với các sinh hoạt của chùa chiền, tức Hội Chùa. Bắt đầu từ ngày mồng 4 Tết, các làng lần lượt kế tiếp nhau mở hội Xuân. Trong 2 tháng Giêng và Hai, có nơi sang tháng Ba, các làng phân bố các ngày hội Xuân sao cho không trùng nhau để dân chúng có dịp tham gia nhiều hội của nhiều làng khác nhau :
Mồng bốn là hội Kéo Co
Mồng Nam hội Ó chẳng cho nhau về.
Mồng sáu đi hội Bồ Đề,
Mồng bảy trở về đi hội Đống Cao . . .
           
Làng Hữu Chấp huyện Võ Giàng và làng Tích Sơn huyện Tam Dương đều mở hội vào ngày mồng bốn Tết với tục nam nữ “kéo co”.
           
Làng Ó  tức làng Vân Ổ huyện Võ Giàng.
           
Ở Sơn Tây các hội “quan họ” cũng được phân bố như ở Bắc Ninh :
                        Mười một thì hội Hương Nha
                        Mười hai Gia Dụ, mười ba hội Hiền . . .
           
Hát “quan họ” đối với dân chúng miền Bắc quả có một sức quyến rũ kỳ lạ. Ta hãy nghe một cô gái Bắc Ninh mô tả niềm say mê hát “quan họ” như thế nào :
Mồng năm hội Ó,
Quan họ dồn về.
Hội vui lắm lắm,
Chưa kịp đi tắm,
Chưa kịp chải đầu.
Trầu chưa kịp têm,
Cau chưa kịp bổ.
Miếng lành, miếng sổ,
Miếng lại quên vôi.
Người có yêu tôi,
Thì người cầm lấy.
           
Trong các hội “quan họ” Bắc Ninh, tuy không phải là “hội Cả” nhưng hội Lim lại rất nổi tiếng :
Hôm nay là buổi hội Lim,
Nhớ em nên phải đi tìm em đây.
Nhất niên nhất lệ một ngày,
Đôi ta tỏ nỗi niềm tây tự tình!
           
Hội Lim được tổ chức trên đồi Lim, tức Hồng Vân Sơn, nằm trên địa phận 3 xã : Duệ Đông, Lũng Sơn và Lũng Giang, tổng Nội Duệ, huyện Tiên Du. Trên núi có chùa gọi là Hồng Vân Tự với quả đại hồng chung đúc từ đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) và lăng ngài Hiếu Trung Hầu, một vị hoạn quan dưới thời Lê Cảnh Hưng. Vì không con cái, Ngài hiến dâng tài sản để xây đình cho mấy xã thuộc tổng Nội Duệ. Thế nên, để nhớ công ơn Ngài, hàng năm đến ngày 13 tháng Giêng, dân Nội Duệ mở hội Xuân tại lăng của Ngài. Ngày hội nầy được gọi là ngày Hội Lim. Ngoài các trò chơi Xuân, hội nổi tiếng với tục hát “quan họ”. Hội Lim đã thu hút khá đông khách thập phương về tham dự, đặc biệt là các chàng trai trẻ đất Hà Nội. Sở dĩ Hội Lim đã thu hút được nhiều người, một phần do phong cảnh hữu tình của đồi Lim, nhưng phần khác có lẽ vì sức quyến rũ mê hồn của các cô gái vùng nầy. Tục ngữ đã chẳng có câu: “Trai Cầu Vồng, Yên Thế ; Gái Nội Duệ, Cầu Lim” đó sao!

Và sau đây là một số hội Xuân mang những sắc thái phong tục kỳ lạ. Đáng kể hơn cả là tục “rã đám” của làng La :
                        Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy,
                        Vui thì vui vậy chẳng tày rã La!
           
Làng Đăm là tên thông tục của làng Tây Tựu xưa thuộc tỉnh Hà Đông. Làng này có hội Tế Thần vào ngày mồng 9 tháng Ba. Trong ngày lễ hội này, làng Đăm có lệ thi bởi trải thật linh đình.
           
Làng Giá là tên thông tục của làng Yên Sở thuộc huyện Đan Phượng, Hà Đông. Đình làng này thờ Lý Nam Đế (544-548) làm Thành Hoàng. Trong lễ hội đầu năm, dân làng Giá tổ chức cuộc rước Thần thật trọng thể.
           
Hội Thầy tức hội chùa Thầy.
           
Làng La tức làng La Khê thuộc phủ Hoai Đức, tỉnh Hà Đông. Theo thần tích, Thành hoàng làng La Khê nguyên là một tay đạo chích lại dâm bôn, chết nhằm giờ thiêng nên được dân làng thờ phụng. Làng vào đám hội Xuân từ ngày mồng 6 đến ngày 12 tháng Giêng. Ngoài các cuộc tế lễ, rước xách và các trò vui Xuân bình thường, làng lại có một tục lệ thật kỳ lạ : tục “rã đám”. Vào ngày 12 tháng Giêng, làng tổ chức rước thần  Thành Hoàng vào lúc chạng vạng với sự tham dự  đông đủ của dân làng. Khi kiệu rước thần  vào đình làng, đèn đuốc được thắp lên để tế lễ. Cuộc tế vừa dứt, tất cả đèn đuốc trong đình, ngoài sân đều tắt. Trong bóng đêm, mọi người không kể già trẻ đều được tha hồ sờ soạng nhau, ôm ấp nhau. Đó là “hèm” diễn lại trò của thần “ăn trộm dâm bôn” mà! Họ “tự do” cho đến khi đèn đuốc được thắp lên trở lại. Lệ “rã đám” của làng La chấm dứt!
           
Dân làng La vẫn tin đây là một biểu lộ mang tính cách tín ngưỡng. Họ tin rằng, nếu làng không thực hiện lệ “rã đám” như thường lệ, trong năm đó dân làng sẽ gặp nhiều điều không may mắn!
           
Dân làng Văn Trưng, tục gọi là làng Dưng thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên lại bày tỏ hình thức luyến ái bằng một cách khác với tục “bắt chạch trong chum”. Dân gian đã có câu ca dao nói lên sự hấp dẫn kỳ thú của tục lệ nầy:
                        Bỏ con bỏ cháu,
                        Không ai bỏ hội mồng sáu chợ Dưng!
           
Xưa làng Văn Trưng có một ngôi chợ thật lớn, mỗi tháng họp sáu phiên thu hút đông đảo dân chúng quanh vùng, tục gọi là chợ Dưng. Chợ Dưng nằm gần đình làng. Chợ Dưng mở phiên đầu năm vào ngày mồng 6 tháng Giêng. Đây cũng là ngày làng cho tổ chức hội Xuân với nhiều trò chơi thú vị như leo cầu phao, chơi cờ bỏi, đốt pháo thi, đua thuyền trên đầm Dưng, và đặc biệt nhất là tục “bắt chạch trong chum”.
           
Vào ngày hội, một dãy chum độ 5 hay 6 chiếc được đặt trước sân đình làng. Miệng chum nhỏ vừa đủ cho một cánh tay thò vào trong. Nước chứa hai phần chum. Trong chum thả một con cá chạch. Khách tham dự : mỗi chum cho một đôi trai gái đã quen thân nhau từ trước. Các cặp này, một tay phải ôm choàng lấy nhau, tay còn lại thay phiên nhau khoắng vào chum để bắt chạch. Các chàng trai lợi dụng cơ hội ngàn vàng này để sờ soạng nhũ hoa của các cô gái. Các cô không hề phản đối. Mà ngay cả cha mẹ họ chứng kiến cuộc thi cũng khuyến khích họ tự do biểu lộ tình cảm. Tục lệ mà ! Cặp nào bắt được chạch mang ra khỏi chum trước thì thắng cuộc.
           
Làng Dưng ở Vĩnh Yên có tục thi “bắt chạch trong chum” thì làng Me ở Sơn Tây có tục thi “đánh cá” ở ao làng. Đây là một hội Xuân cũng khá hấp dẫn, đến nỗi dân địa phương đã hãnh diện so sánh trò vui của làng Me với những hội Xuân nổi tiếng khắp một vùng đất Bắc :
Nhất hội Hương Tích,
Nhì hội Phủ Giầy,
Vui thì vui vậy chẳng tày đánh cá làng Me !
           
Làng Me là tên thông tục của làng Cung Thuận, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Làng Cung Thuận thờ Tản Viên Sơn Thần. Hàng năm làng mở hội Xuân từ ngày mồng 2 đến ngày mồng 10 tháng Hai với nhiều trò vui như hát đúm – một thể loại dân ca của địa phương, tổ tôm điếm . . . và đặc biệt nhất là tục “đánh cá” được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Hai.
           
Đình làng có một cái ao thật lớn được thả các loài cá như: trôi, mè, trắm, chép. Suốt năm không ai được đánh bắt cá ở ao làng. Để rồi vào sáng sớm ngày mồng 4 tháng Hai, hàng trăm trai tráng trong làng với nơm, vó trong tay đứng chực sẵn quanh ao. Sau lưng họ là người nhà và dân chúng quanh vùng đứng xem. Hồi trống báo hiệu cuộc thi bắt đầu vừa dứt, tất cả trai tráng dự thi nhảy ào xuống ao thi nhau đánh bắt cá. Tiếng nơm, vó khuấy trong nước, tiếng reo mùng của kẻ bắt được cá hòa lẫn với tiếng reo hò cổ vũ của khách đi xem vang dậy cả một góc trời. Sau nửa buổi, một tràng pháo nổ giòn báo hiệu cuộc thi chấm dứt. Tất cả cá bắt được đem nộp cho làng. Ai nhiều cá được thưởng. Ai ít cá bị phạt. Người bị phạt phải nhận cá  của làng đem nướng để tế Thần. Lễ xong, số cá còn lại được đem chia đều cho tất cả các gia đình trong làng.
           
Làng Me có tục thi đánh cá ở ao làng rồi lấy cá chia cho dân làng thì làng Sơn Đồng ở Hà Đông lại có tục dùng lễ vật cúng Thần để biếu cho các làng lân cận:
                        Sơn Đồng có tục “múa mo”,
                        Bánh dầy, bánh cuốn đem cho các làng.
           
Hàng năm làng Sơn Đồng thường tổ chức hội Xuân thật linh đình vào ngày mồng 6 tháng Hai. Trong các lễ vật dùng để cúng Thần phải có bánh dầy và bánh cuốn. Sau khi tế Thần xong, bánh dầy và bánh cuốn được đem biếu cho các làng lân cận để cầu mong năm sau làm ăn sung túc hơn. Ngoài tục lệ biếu xén này, làng còn có tục “múa mo” vào ngày Hội. Đây là một tục lệ mang màu sắc tín ngưỡng: câu mong sự sinh sản. “Múa mo” chỉ dành riêng cho trai chưa vợ, gái chưa chồng. Trai cầm kiếm vót bằng tre được sơn son. Gái cầm bông cũng được vót bằng tre tạo xơ thành 4 tầng nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng. Họ vừa múa, vừa hát theo điệu “chầu văn” với ý nguyện cầu mong tình duyên và sự sinh sôi sung mãn.
           
Ngày xưa, vào những năm trời làm hạn hán, ở Triều đình cũng như trong dân gian đều tổ chức lễ “đảo vũ” (cầu mưa) thật trọng thể để cầu xin trời mưa.
           
Làng Diềm ở Bắc Ninh tổ chức hội Xuân vào ngày Rằm tháng Giêng tại đình làng Diềm. Cạnh đình có một cái miếu thờ Vua Bà, một nhân vật huyền thoại được dân làng Diềm rất sùng bái. Vào ngày hội, ban ngày tổ chức các trò chơi, đặc biệt là trò chơi cướp quả cầu nước, ban đêm hát “quan họ” ngay ở sân đình làng. Thế nhưng, vào những năm hạn hán, cần phải làm lễ “đảo vũ” để cầu trời mưa thì hội “quan họ”  lại được tổ chức ở miếu thờ Vua Bà thay vì ở đình làng với lời hát như sau :
Trước đền có một cây đa,
Vương mẫu hạ giới thực bà chúa Tiên.
Trăm năm hương hỏa còn truyền,
Dân vì hạn hán mở đền cầu mưa . . .
           
Ý niệm về Quê Cha Đất Tổ vẫn hằng in sâu trong tâm khảm của con dân đất Việt.
           
Xưa dân 13 trại ở kinh đô Thăng Long có lệ trở về quê cũ là làng Lệ Mật để mở hội Xuân :
Đợi ngày hăm ba tháng Ba
Dân Trại ta vượt Nhị Hà thăm quê.
Kinh quán, cựu quán đề huề,
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây.
           
Lệ Mật xưa là một ngôi làng nhỏ bé nằm xa về phía tả ngạn sông Hồng (còn được gọi là sông Nhị). Theo thần tích đình làng Lệ Mật thì vào thời nhà Lý (1010-1225) có một chàng trai họ Hoàng người làng Lệ Mật đã có công trạng cứu một nàng công chúa khỏi bị chết đuối trên sông Thiên Đức tức sông Đuống. Để đền công cho chàng trai, nhà vua muốn ban chức tước cùng ngọc ngà châu báu cho chàng. Thế nhưng, chàng đã khéo léo từ chối mọi sự đền ơn hậu hĩnh cho cá nhân chàng, và chàng chỉ xin cho dân làng Lệ Mật được đến khai khẩn vùng đất bỏ hoang ở phía tây kinh đô Thăng Long và lập ra 13 trại. Dân 13 trại luôn nghĩ là mình có 2 quê hương: một ở Lệ Mật là cựu quán và một ở Thang Long là kinh quán. Hàng năm, đến ngày 23 tháng Ba là ngày húy kị của vị Thần Hoàng họ Hoàng, dân kinh quán lại vê cựu quán Lệ Mật để làm giỗ vị ân nhân họ Hoàng đồng thời mở hội Xuân thật tưng bừng với dân làng Lệ Mật. Tương truyền vào ngày này, cá ở Hồ Tây kinh đô Thăng Long đã nương theo mây bay về đầy giếng nước ở đình làng Lệ Mật (!).
           
Lễ Hội Mùa Xuân là dịp để cho dân làng có cơ hội nghỉ ngơi vui chơi sau những tháng ngày làm lụng vất vả :
                        Bao giờ cho đến tháng Hai,
                        Cho làng vào đám, cho ai xem chèo.
           
Lễ Hội Mùa Xuân là dịp để cho dân làng tỏ lòng tôn kính và đặt niềm tin tưởng vào các đấng thần linh mà làng đã thờ phụng với những điều ước ao tốt đẹp:
                        Làng ta mở  hội vui mừng,
                        Chuông kêu, trống gióng vang lừng đôi bên.
                        Long ngai Thánh ngự ở trên,
                        Tả văn, hữu võ, bốn bên rồng chầu.
                        Sinh ra nam tử công hầu,
                        Sinh ra con gái vào chầu thánh quân.
           
Lễ hội mùa Xuân cũng còn là dịp để trai gái bộc lộ niềm khát khao luyến ái tự do, không bị ràng buộc bởi những lễ nghi phiền toái của Nho Giáo:
Ăn chơi cho hết tháng Hai,
Cho làng đóng đám, cho trai dọn đình.
Trong thì chiêng trống rập rình,
Ngoài thì trai gái trự tình cùng nhau.
           
Trên đây là một số Lễ Hội Mùa Xuân được nhắc đến qua một số ca dao mà chúng tôi sưu tầm được. Những lê hội này phần lớn đã trở thành dĩ vãng từ những năm cuối cùng của cuộc Thế Chiến Thứ hai (1939-1945). Có nhiều lễ  hội đã biến mất không biết từ bao giờ và chỉ còn ghi lại trong sách vở cũ hoặc chỉ còn lưu lại trong trí nhớ  dân gian qua mấy vần ca dao ngắn ngủi.
           
Ngày nay, dù ở rải rác khắp thế giới, người Việt Nam chúng ta vẫn tổ chức Lễ Hội Mùa Xuân, thực chất là những hội chợ Tết, không còn những trò vui Xuân mang sắc thái địa phương làng xã như  xưa nữa.
           
Có một diều may mắn là chúng ta vẫn còn giữ  được ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Giỗ Trận Đống Đa, ngày Giỗ Hai Bà Trưngdù rằng những lễ hội này chỉ được tổ chức một cách hạn chế về khung cảnh cũng như nhân sự.

ĐÀO  ĐỨC NHUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét