Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Lễ hội Xuân (3)

Đạo Phật du nhập vào nước ta ngay từ những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất. Rồi từ thời kỳ nước nhà giành được Độc Lập (939), nhất là vào đời nhà Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400), đạo Phật đã giữ một địa vị quan trọng trong đời sống tâm linh và thế tục của dân tộc ta. Do đó, tinh thần Phật Giáo đã thấm nhuần vào tâm hồn dân tộc một cách sâu sắc. Có thể nói trong thời kỳ nầy, và ngay cả nhiều thế kỷ về sau, người Việt Nam nào cũng có thể tự xem mình là con Phật. Hầu như làng nào cũng có một ngôi chùa, chí ít cũng là một ngôi thảo am để thờ Phật, làm nơi lui tới chiêm bái của thiện nam tín nữ. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Khi đến lứa tuổi bốn, năm mươi trở lên, các bà thường đến chùa vào ngày mộng Một, ngày Rằm để nghe câu kinh, tiếng kệ. 

Tục ta tin rằng trong ngày Rằm tháng Giêng, Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ Phật Giáo. Trong dịp nầy, chùa nào cũng đông người đến chiêm bái.”

Thế nên trong dân gian đã có câu :
                        Lễ Phật quanh năm,
                        Không bằng hội Rằm tháng Giêng!

Đất Bắc là nơi có nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng, quanh năm không lúc nào vắng hương khói. Đặc biệt là vào những ngày lễ hội mùa Xuân, khách thập phương qui tụ về chùa càng đông, hoặc để dâng hương lễ Phật, hoặc để nghe các sư giảng Pháp, hoặc đến chùa để ngoạn cảnh và thưởng thức các thú vui trong các dịp hội Xuân.

Ngôi chùa nổi tiếng vì phong cảnh đẹp bậc nhất đất Bắc đó là chùa Hương :
                        Bối Khê, Tiên Lữ, Chùa Thầy
                        Đẹp thì tuyệt đẹp chưa tày chùa Hương.
           
 Tiên Lữ còn gọi là chùa Trăm Gian ở tỉnh Tây.

Chùa Thầy nằm trên núi Sài Sơn cũng thuộc tỉnh Sơn Tây. Chùa Hương tức chùa Hương Tích, dân địa phương vẫn gọi bằng cái tên nôm na quen thuộc là chùa Trong để đối với chùa Ngoài chức chùa Thiên Trù nằm ở đầu lối vào cửa động. Chùa Hương Tích nằm trong một cái động thạch nhũ cùng tên được mệnh danh là “Nam Thiên Đệ Nhất Động” được khắc ngay lối vào cửa động với nét chữ sắc sảo, bay bướm của ông Chúa đa tình Trịnh Sâm tức Tĩnh Đô Vương (1767-1782).

Trong ngôn ngữ thường dùng, chùa Hương gần như đồng nghĩa với toàn bộ cảnh đẹp Hương Sơn. Nói “đi chùa Hương” tức là nói “vào thăm cảnh Hương Sơn nói chung” chứ không riêng gì động Hương Tích.

Quả vậy, chùa Hương là điểm chính của một tập hợp nhiều thắng cảnh mang di tích Phật Giáo của vùng núi non Hương Sơn. Từ chùa Ngoài (Thiên Trù) vào đến chùa Trong (Hương Tích) khách hành hương ngoạn cảnh lần lượt viếng thăm các thắng cảnh ngoạn mục khác : đó là chùa Tiên nằm trên núi Tiên, chùa Giải Oan với suối nước trong thiên nhiên tuyệt vời, rồi am Phật Tích, động Tuyết Quỳnh, đến đền Trần Song tức cửa Võng thờ Bà Chúa Thượng Ngàn.

Chùa Hương nằm trong địa phận tỉnh Hà Đông. Lễ Hội chính thức là vào ngày Rằm tháng Hai, nhưng theo tục lệ, ngay từ ngày 6 tháng Giêng người ta đã làm lễ mở cửa rừng cho dân chúng vào làm ăn và khách thập phương ngoạn cảnh chùa vào những ngày đầu năm.

Hội Chùa Hương thu hút khá đông khách thập phương trước là để lễ Phật, sau là để ngoạn cảnh.
Ngày Xuân con én xôn xao
Nam thanh, nữ tú ra vào chùa Hương
Chim đưa lối, vượn đưa đường
Nam Mô Di Phật bốn phương chùa nầy!

Còn khách đa tình tìm đến nơi nước non kỳ thú nầy để giải tỏa tâm tình :
Ai đi trẩy hội chùa Hương
Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm
Mớ rau sắng, quả mơ non
Mơ chua, sắng ngọt biết còn thương chăng?

Hội chùa Hương quyến rũ lòng người nhờ phong cảnh thiên nhiên kỳ thú thì hội chùa Thầy cũng làm say đắm lòng người bởi phong cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ không kém :
Nhớ ngày mồng bảy tháng Ba,
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.
           
Chùa Thầy tức Thiên Phúc Tự  nằm trên núi Thầy tức Sài Sơn thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Chùa Thầy, tên gọi của dân gian địa phương là chùa Cả – là ngôi chùa chính trong vùng có nhiều di tích kiến trúc Phật Giáo nổi tiếng, gồm có chùa Thầy tức chùa Cả , chùa Cao, chùa Một Mái hay chùa Bụt Mọc, hang Thánh Hóa, hang Cắc Cớ . . .

Hàng năm chùa Thầy tổ chức hội Xuân từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng Ba. Ngày mồng 7 tháng Ba được xem là ngày Thiền Sư Từ  Đạo Hạnh sau khi tu hành đắc đạo đã “hóa” trong một hang động mà về sau dân gian đã gọi là hang Thánh Hóa.
           
Vào ngày khai hội, một đàn tràng được dựng lên trước sân chùa Thầy. Các nhà Sư trình diễn điệu “múa lượn” nhịp nhàng theo dàn nhạc đệm và tiếng chuông, tiếng mõ tụng kinh.
           
Sau thời lễ Phật khai hội là những trò vui Xuân. Khách thập phương tạo nên một dòng người đầy sắc và hương đi từ chùa Cả, qua chùa Cao . . . đến hang Thánh Hóa, hang Cắc Cớ, động Gió Lùa rồi lại quay về chùa Cả để xem trò “múa rối nước” – một nghệ thuật dân gian độc đáo. Tương truyền Từ  Đạo Hạnh là Tổ sư của trò “múa rối nước” nầy.
           
Hội Láng được tổ chức ở ngôi chùa làng Láng nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long. Chùa Láng cũng thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và cũng khai hội vào ngày mồng 7 tháng Ba. Điểm đặc biệt của hội Láng là diễn lại sự tích của Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên.
           
Tương truyền Pháp sư Đại Điên dùng bùa phép đánh chết Từ Vinh là thân phụ của Từ Đạo Hạnh. Để trả mối phụ thù, Từ Đạo Hạnh cũng đã luyện tập bùa phép và cuối cùng đã triệt hạ được Pháp sư Đại Điên. Do sự tích nầy nên vào ngày Hội, dân làng Láng rước kiệu Từ Đạo Hạnh đi ngang qua đình làng Thụy Hương là nơi thờ Pháp sư Đại Điên, đám rước hướng ngọn cờ vào đền Đại Điên, đốt pháo thăng thiên giả bộ gây sự để diễn lại sự tích xung đột thuở sinh thời giữa hai ông.
           
Cũng bởi chùa Thầy khá nổi tiếng, nên những chùa quanh vùng cũng muốn tạo một sự so sánh để được tiếng thơm lây:
Nhất vui là hội chùa Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tày chùa Ngo
Chùa Ngo khánh đá chuông đồng
Muốn chơi thì trả của chồng mà chơi.
           
Những kẻ yêu nhau cũng muốn được so sánh với niềm vui của hội chùa Thầy :
                        Nhất vui là hội chùa Thầy
                        Vui thì vui vậy sao tày đôi ta!
            Lại có câu :
                        Chẳng vui cung hội chùa Thầy
                        Chẳng trong cũng thể Hồ Tây xứ Đoài!
           
Xứ Đoài là tên gọi nôm na của tỉnh Sơn Tây ngày xưa. Hồ Tây nằm trong kinh thành Thăng Long, nhưng bờ phía tây của hồ này lại thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây ngày xưa.
           
Động chùa Thầy có hang Cắc Cớ thật nổi tiếng và hấp dẫn :
                        Động chùa Thầy có hang Cắc Cớ
                        Trai chưa vợ thì nhớ chùa Thầy
            Lại có câu:
                        Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ
                        Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy
            Hay:    
Mồng bảy tháng Ba
Vui thay Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy
Gái không chồng nhớ ngày mà đi!
           
Đã đi hội chùa Thầy phải nhớ đời hang Cắc Cớ – dân địa phương còn gọi là hang Thần. Mà cắc cớ thật! Bởi lẽ, muốn vào thăm hang Cắc Cớ, khách phải men theo con đường độc đạo sát vách hang mà đi, vô ý sẩy chân là sa xuống vực sâu. Kẻ xuôi, người ngược, muốn qua mặt nhau phải ôm lấy nhau để khỏi phải sẩy chân xuống hố! “Trai chưa vợ nhớ hội cchùa Thầy” và “Gái không chồng nhớ ngày mà đi” là vì vậy đó !
           
Cũng thuộc tỉnh Sơn Tây còn có một ngôi chùa nữa cũng thật nổi tiếng, đó là chùa Tây Phương :
                        Ấy ngày mồng sáu tháng Ba
                        Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây !

Chùa Tây tức chùa Tây Phương, tên chữ  là Sùng Phước Tự, nằm trên núi Tây Phương thuộc huyện Thạch Thất. Đây là ngôi chùa cổ khá nổi tiếng với pho tượng Tuyết Sơn và 77 pho tượng lớn nhỏ khác được điêu khắc bằng gỗ mít. Chùa có lối kiến trúc thật đặc biệt với ba dãy nhà có mái hai tầng. Chùa mở hội vào ngày mồng 6 tháng Ba thu hút đông đảo khách thập phương đến lễ Phật và chiêm bái các  pho tượng quý hiếm.
           
Ở Thái Bình cũng có một ngôi cổ tự nổi tiếng không kém. Đó là chùa Keo, tên chữ là Thần Quang Tự, tọa lạc tại làng Giao Thủy, tục gọi là làng Keo. Chùa Keo được quốc sư Dương Không Lộ (1016-1094) người làng Giao Thủy cho xây dựng vào năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Chùa Keo tổ chức một năm hai lần hội : Hội Xuân tổ chức vào ngày mồng 4 Tết với các lễ nghi và trò chơi mang đặc tính nông nghiệp như thi thổi cơm, thi bắt vịt, thi ném pháo . . .
           
Hội Thu được xem là hội chính tổ chức từ ngày 13 đến ngày Rằm tháng Chín. Đây là một ngày hội Chùa thật tưng bừng với nhiều nghi thức trọng thể từ lễ dựng phướn, lễ tắm tượng, lễ rước tượng Tổ Dương Không Lộ đến cuộc thi bơi thuyền rồng trên sông Trà Lĩnh. Thế nên dân gian đã truyền tụng câu ca dao :
                        Cho dù cha đánh, mẹ treo
                        Cũng không bỏ  hội chùa Keo hôm rằm!
           
Ở Hà Nôi có chùa Liên Trì, tục gọi là chùa Quan Thượng do Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Ninh Bình) Nguyễn Đăng Giai, thường gọi là quan Thượng Giai, cho xây vào năm 1846. Chùa xây cạnh Hồ Tây, trong chùa có đào 9 cái giếng nên còn gọi là chùa Cửu Tỉnh. Vào những ngày đầu Xuân, dân chúng Hà Thành lũ lượt kéo nhau về chùa để lễ Phật. Rất tiếc là chùa đã bị người Pháp cho triệt hạ để lấy đất xây phủ Thống Sứ. Ngày nay chỉ còn lại ngọn tháp gọi là tháp Liên Trì :
Gần xa nao nức tưng bừng
Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên.
Lầu chuông, gác tía đôi bên,
Trông ra chợ Mới, Tràng Tiền kinh đô.
Khen ai khéo họa địa đồ,
Trước sông Nhị Thủy, sau hồ Hoàn Gươm.
Phong quang cảnh trí trăm đường,
Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng . . .

(Còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Cám ơn bạn vì bài lịch sử và văn hóa đầu năm nhé. Nhiều điều hay quá.

    Trả lờiXóa