Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Đồ nhà quê

Tết vừa rồi hẳn nhiều người trong chúng ta đều về quê. Người về ăn Tết, về thăm cha mẹ, người thân và họ hàng; người về thanh minh tảo mộ,... Tết ra, nhiều nhà sẽ lại gặp vấn nạn "ô-sin", những người cũng ở các vùng quê mà ra, nhưng đã trở thành 1 phần không thể thiếu của thành phố.

Một bà chủ thời đổi mới mắng đứa giúp việc: Đồ nhà quê, ngu vừa vừa thôi!
 
Mắng thì mắng thế nhưng rồi vẫn phải vời “đồ nhà quê” về giúp việc. Toàn những việc mà không có “đồ nhà quê” thì mụ méo mặt. Mà tìm người thành phố ở mướn thì không tìm được. Ngẫm cho cùng thì không biết ai ngu!

Thời mở cửa nhà hàng quán ăn dài như trảy hội trên phố. Hãy nhìn biển hiệu các quán: Gà đồi, gà quê, vịt chạy đồng. Cô bán rong cũng hùa theo: bác mua nhãn quê này, đu đủ quê, cá quê, gạo quê này...

Nghe phải phì cười!

Mọi thứ  đồ ăn đều cố chứng minh là chính gốc nhà quê mới thiêng, nếu không thì cũng phải có nguồn gốc quê!

Tôi phát sốt, bảo: Phố thì có đường nhựa chứ có quái gì, làm gì có món gà phố, chim phố quả phố nào mà lo nhà quê bị lẫn.


Hóa ra chê người nhưng yêu của. Bây giờ ăn đồ nhà quê thấy ngon hơn, yên tâm hơn nên khoái “đồ nhà quê”! Ở chỗ ăn uống thì đồ nhà quê lên ngôi, người ta tin vào những món ăn của người nhà quê.

Gốc gác của đám con cái muốn ngoi lên “quí tộc” hôm nay (khi bố mẹ chúng vun vén được tí của), đều từ nhà quê ra chứ đâu. Không ngờ hậu duệ lại khinh bỉ lại chính nguồn gốc của mình mà cứ nhơn nhơn.

Một blogger viết: “Có loại trí thức giống hệt đứa con em: thường rất khó chịu khi thấy mẹ trò chuyện vui vẻ với một bác nông dân nào đó những lần đi chơi về nông thôn. Được cơm bưng nước rót, ở nhà lầu, chúng thường khinh thị và không hiểu giá trị của nông thôn. Chúng không biết rằng, chính những người nông dân và cánh đồng của họ đảm bảo cho cuộc sống của chúng không bị cái đói đe dọa. ..”

Thằng cháu rể tôi làm giám đốc một xí nghiệp lớn ở Hà Nội bảo: Tết ông ra cháu gửi cho vài cân thịt. Con lợn giống, cháu gửi nuôi ở quê chỉ chăn cám rau như ngày xưa, to gần tạ rồi. Mấy năm nay cháu không dám mua thịt ngoài chợ, kinh lắm.


Hóa ra cuộc sống tiến lên phía trước, “khoa học sống” lại lùi về phía sau!

Nguồn: Đông Ngàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét