Cây có cội, nước có nguồn, người có tổ tông. Dân ta không bao giờ quên nguồn gốc tổ tông của mình. Thế nên đã từ ngàn xưa, dân ta không bao giờ quên được ngày giỗ Tổ Hùng Vương:
Ai về Phú Thọ cùng ta,
Vui ngày Giỗ Tổ tháng Ba mồng mười.
Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ về Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba.
Và có lẽ cũng đã tự ngàn xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được xem là ngày Quốc lễ.
Hằng năm, tại Đền các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc phủ Lâm Thao tỉnh Phú Thọ, dân làng Cổ Tích vẫn theo cổ lệ tổ chức hội Giỗ Tổ từ ngày đầu tháng Ba mãi đến ngày chính lễ là ngày 10 tháng Ba mới rã đám. Dân bốn phương trong nước lũ lượt đổ về đây dự Hội để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn các vị Vua Hùng đã dày công khai sáng Tổ Quốc Việt Nam. Vào ngày chính lễ mồng mười tháng Ba có Quốc tế do đại diện triều đình cử về làm chủ tế. Về sau chính quan đầu tỉnh Phú Thọ thay mặt triều đình đứng chủ tế. Trong thời gian từ ngày khai hội đến ngày mãn hội, có nhiều trò chơi được tổ chức cho dân bốn phương về thưởng thức như trò đu tiên, leo giây, thả diều, đánh còn v.v . . .
Đu tiên mới dựng năm nay
Cô nào hay hát kỳ này hát lên.
Tháng Ba nô nức hội Đền
Nhớ ngày Giỗ Tổ bốn nghìn năm nay.
Dạo xem phong cảnh trời mây.
Lô Đà, Tam Đảo cũng quay đầu về.
Khắp nơi con cháu ba kỳ.
Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài.
Sở cầu như ý ai ai.
Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng Ba.
Ngày Giỗ Tổ cũng còn là dịp hẹn hò của bà con gần xa gặp nhau để nhắc nhở nhau giữ gìn nước Tổ, cầu chúc cho nhau những lời tốt đẹp mặn nồng:
Đến dây sum họp vui cười,
Trước là lễ Tổ viếng nơi mộ phần.
Sau là tài tử giai nhân
Hàn huyên kể nỗi kẻ gần người xa.
Gần xa ta cũng một nhà.
Cũng dòng Hồng Lạc, cũng là viêm bang.
Chúc rằng: phú quí thọ khang.
Tổ cho phúc trạch bình an muôn nhà.
Rời đất Tổ Phú Thọ, chúng ta hãy cùng nhau về thăm vùng đất phát tích vị anh hùng huyền thoại của Dân tộc: Đức Thánh Gióng tức Phù Đổng Thiên Vương:
Ai ơi, mồng chín tháng Tư,
Không đi hội Gióng cũng hư một đời.
Làng Gióng tức làng Phù Đổng thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội đền Phù Đổng Thiên Vương tục gọi là hội Gióng được tổ chức vào ngày mồng 9 tháng Tư với sự tham dự của dân 4 làng thuộc tổng Phù Đổng: Phù Đổng, Phù Dực, Đồng Viên và Đồng Xuyên. Hội tổ chức cuộc rước lịch sử với những hình ảnh thật rực rỡ diễn lại sự tích “đánh giặc Ân” của cậu bé làng Gióng mà về sau được các vua phong tặng là Phù Đổng Thiên Vương.
Trước ngày hội Gióng, các địa phương kế cận đã có hội Khám và hội Dâu :
Mồng bảy hội Khám,
Mồng tám hội Dâu,
Mồng chín đâu đâu
Thì về hội Gióng.
Hay: Râm râm hội Khám,
U ám hội Dâu,
Vỡ đầu hội Gióng.
Lại có câu :
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Khám tức làng Vân Khám xứ Kinh Bắc.
Dâu tức làng Dâu nay là xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Thiên Ứng Tự nằm trên đất làng Dâu nên dân gian quen gọi là chùa Dâu. Chùa Dâu nổi tiếng với bốn pho tượng gọi là tượng Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Chùa thờ Phật mẫu Man Nương, một nhân vật huyền thoại của Phật Giáo Việt Nam từ thời Bắc thuộc lần thứ nhất, dưới đời Sĩ Nhiếp làm Thái thú đất Giao Chỉ (187-226). Hội Dâu được tổ chức mỗi năm hai lần : một lần vào ngày 17 tháng Giêng tương truyền là ngày sinh của Man Nương với tục thi làm bánh dầy thật hấp dẫn. Ngày hội chính thức được tổ chức vào ngày Phật Đản (cũ) tức là ngày mồng tám tháng Tư với đám rước tượng Tứ Pháp thật linh đình, ngoạn mục.
Theo kinh nghiệm của dân chúng địa phương, vào những ngày đầu tháng Tư, bầu trời thường có mây đen vần vũ và sau đó là những cơn mưa đầu mùa Hạ, do đó mới có câu “râm râm hội Khám, u ám hội Dâu”. Hơn nữa, như trong tên gọi Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (mây, mưa, sấm, chớp) đã cho ta thấy hệ thống chùa Tứ Pháp trong giai đoạn hình thành đã nói lên một nhu cầu thiết yếu củasinh hoạt nông nghiệp: Mưa, và vì vậy, một số trò diễn trong các lễ hội mùa Xuân của hệ thống Tứ Pháp thường mang hình thức “rước nước cầu mưa” :
Ba bà trẩy hội chùa Un,
Mưa gió ùn ùn , thiên hạ lại dễ làm ăn.
Tục lệ rước tượng Tứ Pháp với những điệu múa dân gian đầy màu sắc ngoạn mục vào ngày mồng 8 tháng Tư luôn luôn là một hình ảnh đầy sức quyến ru:
Dù ai buôn bán đâu đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Hội Gióng là nơi qui tụ nhiều khách thập phương đến để xem diễn lại sự tích “Thánh Gióng đánh giặc Ân” và để tưởng nhớ lại công ơn của vị anh hùng Dân Tộc. Trẻ con trong làng và quanh vùng cũng bắt chước “diễn trận” nên mới sinh ra cái cảnh “vỡ đầu hội Gióng”.
Lại có câu:
Mồng bảy hội Khám,
Mồng tám hội Dâu,
Mồng mười hội Bưởi không đâu vui bằng.
Làng Bưởi là tên Nôm của làng Đại Bái, nay thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc. Làng này xưa nổi tiếng về nghề gò đồng, thờ ông Nguyễn Công Truyền làm tổ sư, gọi là Đại Bái tiên sư. Làng này có tục lệ tế Tiên sư thật đặc biệt, đó là lễ thắp hương của những người đồng niên canh.
“Tất cả dân làng và những người làng đã đi cư ngụ nơi khác, nếu có điều kiện về lại quê hương đều theo một quy ước chung: cứ đến tuổi 49 là tuổi ra lềnh, người nào cũng có nhiệm vụ thắp hương hàng ngày ở đền thờ Tổ. Lần lượt năm nay số người đồng hương đến lễ, năm sau sẽ là tốp người kế tiếp vào tuổi ấy, ra thắp hương từ sáng sớm. Người ở xa không về được, có thể gửi hương về nhờ bạn cùng lứa tuổi mình thắp hộ.”
Rời hội Bưởi của xứ Hà Bắc, chúng ta hãy về Hà Nam tham dự ngày hội tưởng nhớ công ơn của Triệu Quang Phục tức Triệu Việt Vương (549-571) người đã có công lãnh đạo dân ta kháng chiến chống lại tướng nhà Lương của Trung Hoa là Trần Bá Tiên, một tên Thái thú tàn ác đang cai trị đất Giao Châu:
Làng Đọ bơi trải,
Làng Nội lãi lèn,
Làng Chiền chạy ngựa.
Ba làng này thuộc xã Chung Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trên bờ sông Long Xuyên chảy qua ba làng có đền thờ Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục. Hằng năm vào những ngày đầu tháng Giêng, ba làng này mở hội Xuân để tưởng nhớ Triệu Việt Vương. Dân làng Đọ tổ chức bơi thuyền trải, một loại thuyền nhỏ và dài, còn gọi là thuyền ngo. Dân làng Nội thi hát “lãi lèn”, một điệu dân ca cổ của dân huyện Lý Nhân. Dân làng Chiền có tục thi múa ngựa giấy.
Nước ta có nhiều sông ngòi – sông thiên nhiên và sông đào. Do đó, tục đua thuyền vào các ngày lễ hội thường được nhiều làng thực hiện. Thuyền đua có hai hình thức : hoặc thuyền trải hoặc thuyền rồng – tức loại thuyền có chạm đầu rồng ở đầu thuyền hay cả hình rồng suốt lườn thuyền:
Cầu Quan vui lắm ai ơi,
Trên thì chợ họp, dưới bơi thuyền rồng.
Cầu Quan xưa là huyện lị của huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có chợ Thượng họp ngay trên bờ một con sông đào từ thời nhà Lê. Xưa kia, hằng năm đến đầu mùa Xuân, Cầu Quan có hội đua thuyền rồng cho trai tráng trong làng thi tài. Dân chúng kéo về chợ Thượng vào ngày đầu Xuân vừa mở hàng phiên chợ Tết, vừa được xem bơi thuyền rồng.
Hoặc như :
Quyển Sơn vui thú nhất đời,
Dốc lòng trên giặm, dưới bơi ta về.
Làng Quyển Sơn nằm trên bờ sông Đáy thuộc huyện Kim Bảng, tình Hà Nam là nơi có nhiều thắng cảnh kỳ thú. Hàng năm làng tổ chức hội Xuân vào tháng Giêng với tục thi hát giặm – một thể điệu dân ca miền Bắc và bắc Trung Phần, và thi bơi trải.
Làng Đạo Chân tức Kẻ Dầu tỉnh Bắc Ninh cũng có tục đua thuyền :
Kẻ Dầu có quán Đình Thanh,
Kẻ Hạc ta có ba đình, ba voi.
Mười tám cất thuyền xuống bơi,
Mười chín giã bánh, hai mươi rước Thần.
Rước Thần tức rước tượng thần Thành hoàng của làng.
Rời xứ Kinh Bắc đa tình, chúng ta hãy về thăm Ninh Bình, nơi dấy nghiệp của vị Vua đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: Đinh Tiên Hoàng.
Ai là con cháu Rồng Tiên,
Tháng Hai mở hội Trường Yên thì về.
Về thăm đất cũ Đinh Lê,
Non xanh, nước biếc bốn bề như xưa.
Làng Trường Yên thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là nơi có đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Hằng năm làng mở hội Xuân từ ngày 15 đến ngày 20 tháng Hai. Trong những ngày hội có nhiều trò vui chơi như thi thơ, hát chèo, chọi gà, bơi thuyền và đặc biệt nhất là diễn lại sự tích “cờ lau tập trận” của Đinh Bộ Lĩnh thuở hàn vi. Một số trẻ mục đồng được làng lựa chọn khoanh tay làm kiệu rước một trẻ mục đồng khác đóng vai Đinh Bộ Lĩnh. Trong cuộc diễn, họ cùng hát lại bài ca tương truyền là đã có từ thời Đinh Bộ Lĩnh còn chăn trâu và tổ chức tập trận bằng cờ lau:
Cỏ cây ấy, nước non này,
Nước non quanh quất, cỏ cây xanh rì.
Rừng hoang, cỏ rậm để chi,
Phen này ta quyết dọn đi cho rồi.
Này này chúng bạn ta ơi!
Ở trên là một số lễ hội mùa Xuân tiêu biểu nói lên lòng tín mộ và tri ân các bậc anh hùng liệt nữ đã dày công xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam thân yêu qua suốt dọc trường kỳ lịch sử của Dân Tộc. Có thể nói từ thời Quốc Tổ Hùng Vương qua thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bố Cái Đại Vương . . . thời kỳ Độc Lập với Ngộ Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung . . . đến thời kỳ kháng Pháp với Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu . . . hầu như không có một vị anh hùng Dân Tộc nào lại không được dân ta sùng bái, hương khói phụng thờ.
“Việc thờ cúng các danh nhân anh hùng chẳng những do lòng biết ơn các Ngài mà còn do thành tâm cầu xin các Ngài phù giúp dân làng họăc tiếp tục góp công bảo vệ đất nước.”
Trong hàng các nhân vật huyền thoại được dân ta thờ phụng như Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Tản Viên Sơn Thần thì Liễu Hạnh Công Chúa “tuy phải sinh sau ba vị kia cả ngàn năm, Thánh mẫu Liễu Hạnh lại được sùng kính tôn thờ như tín ngưỡng dân gian lan rộng khắp nơi, từ Phủ Giầy Nam Định đến chù Thiên Minh Lạng Sơn, vào đền Sòng Thanh Hóa, ra Tây Hồ Thăng Long, vào Sóc Hương Nghệ An đâu đâu cũng hiển linh thiêng liêng.”
Đã có nhiều câu ca dao ghi lại ngày hội Thánh mẫu Liễu Hạnh:
Tháng Tám giỗ Cha,
Tháng Ba giỗ Mẹ.
Hay: Nhất hội Hương Tích,
Nhì hội Phủ Giầy.
Giỗ Cha tức giỗ Đức Thánh Trần. Đức Thánh Trần là tên gọi cung kính của dân gian đối với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng Dân Tộc đã ba lần lãnh đạo nhân dân Việt Nam chống cuộc xâm lăng của giặc Nguyên dưới thời nhà Trần vào thế kỷ thứ 13.
Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh tục gọi là đền Phủ Giầy toạ lạc tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hằng năm đền mở hội từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 3 tháng Ba mới rã đám.
Hội Phủ Giày còn gọi là ngày hội Thánh Vân Hương thu hút hàng trăm ngàn người ở khắp các tỉnh miền trung du Bắc Việt và bắc Trung Việt. Đây được xem là ngày Hội Xuân lớn nhất đất Bắc và thời trước được xem là ngày quốc lễ. Vào ngày khai Hội, triều đình cử một vị quan Khâm Sai Đại Thần hoặc là quan Tổng Đốc Nam Định đứng làm chủ tế. Trong suốt thời gian lễ hội có nhiều trò vui chơi như ca hát, kéo chữ, đánh cờ . . . đặc biệt nhất là các cuộc tế lễ rất linh đình thu hút khá đông các “đồng cô, bóng cậu”. Tưng bừng và hấp dẫn nhất, đó là đám rước Thánh mẫu từ đền Phủ Giầy đến xã Phù Chính ở chân núi Gôi vào ngày mồng 6 tháng Ba. Đây là một đám rước đầy màu sắc và hương vị : màu sắc của cờ xì, áo quần, hương vị của các loại hoa quả và hương đèn của một rừng người kéo dài hàng năm bảy cây số ngàn.
Ở Thanh Hóa có đền Sòng thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh cũng là nơi được dân chúng đến chiêm bái rất đông, nhất là vào ngày húy kị mồng 8 tháng Ba của Đức Thánh Mẫu. Đền Sòng cũng tổ chức những trò vui chơi như ở đền Phủ Giầy. Phần lớn đệ tử của Mẫu Liễu Hạnh đến đền Sòng để cầu trừ tà ma và tật bệnh :
Tình cờ ta lại gặp ta
Vui bằng mở hội tháng ba đền Sòng.
(Còn tiếp)
Bạn nào viết đây nhỉ ? Hay lấy trên báo xuống mà không trích nguồn ? Mình khổ cái chưa bao giờ được lên đến tận đền Hùng, hồi cấp 2 thì xe nhà trường đi bị nổ lốp, các thầy cô phải đưa học trò vào xin ngủ ở doanh trại bộ đội. Đến năm vừa rồi được tham gia hội thảo, quốc tế hẳn hoi, đúng ngày chính hội, thế mà cũng không được lên đến tận đền, chỉ đứng ở dưới nhìn mọi người chen chúc trèo lên thôi ! Bạn nào có đi đền Hùng hay hội hè gì thì chịu khó kể chuyện nhé !
Trả lờiXóa@PN: Nguồn trích ở trong phần cuối. Bạn xem tiếp nhé, còn dài à.
Xóa