Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Chuyến tầu đi ngược thời gian "Cửa hàng Ăn uống Mậu dịch số 37"

"Hí hửng đến cửa hàng bao cấp, tưởng vắng khách, hóa ra đông như thời bao cấp thật. Well, I give up, have something else instead... Next time then!" (Thôi, mình bỏ cuộc, đi ăn gì khác vậy… Để lần sau!), một khách hàng hụt của "Cửa hàng Ăn uống Mậu dịch số 37", khai trương đầu tháng 8 ở phố Nam Tràng đã treo status như vậy trên Facebook.

Cô khách hàng này có lẽ không biết rằng tâm trạng chán một phút của cô hôm nay chỉ là phần nhỏ so với điều gì đó như niềm tuyệt vọng ngày hôm qua, khi bao công chức nhà nước huy động các thành viên lớn bé trong gia đình dậy từ mờ sang ra cửa hàng mậu dịch xếp chỗ mua gạo, cá, thịt hay các nhu yếu phẩm khác trong những năm 80 thế kỷ trước. Mất công hàng giờ, rồi tới khi chưa đến lượt, cô mậu dịch viên mặt lạnh lên tiếng: "Hết gạo rồi!" Đó là lúc nỗi thất vọng tràn đến, lại thêm một ngày nữa không đủ cơm, nhai miếng sắn độn mà nghẹn trong cổ…

Chọn một con phố nhỏ từng là khu làng xưa ven hồ Trúc Bạch, ông chủ quán đã bỏ tương đối nhiều công sức phục dựng phần nào khung cảnh cùng các đồ vật mang nhiều nỗi niềm của miền Bắc Việt Nam thời bao cấp. Từ cái giá sắt cho chiếc xe đạp Thống Nhất thòng bánh trước dựng cạnh cửa đến cái quạt "tai voi" Liên Xô oai phong trước "Quầy Giao Tế", từ tiếng rọt rẹt từ đài phát thanh bản tin thời sự Tiếng nói Việt Nam tới những đôi dép "đúc", "tông Lào", hòn gạch xếp hàng trên tường -- bắt khách phải nghiêng đầu, ngoẹo cổ dấu dòng nước mắt ngắm vết tích của một thuở ai có thẻ Thương binh hay quen biết cô mậu dịch là chắc chắn sẽ mua được hàng -- đến những tấm tem phiếu hay sổ gạo đã từng là một phần linh hồn của cả gia đình, nay được bày trang trọng trong tủ kính… Mới chỉ chừng ấy thôi cũng đã đủ làm rưng rưng lòng người, đủ gợi lại một thời khốn khó mà giờ nhớ lại dễ thấy rùng mình, chợt nghĩ "Sao mình sống được qua thời đó mà yêu nhau đến thế!".
Nhiều hiện vật khác trong căn phòng chừng 20 mét vuông dùng làm nơi kê bàn ăn cho khách, chen cạnh quầy rượu, có dòng chữ Quầy Giao Tế trên cái hộp kính bày mấy chai rượu mạnh. Hàng xóm với rượu ắt là tủ thuốc lá, rồi dàn nghe nhạc băng cối AKAI, chiếc tivi đen trắng hiệu National cửa lùa choãi chân… những vật chứng thời văn minh phương Tây ùa ra miền Bắc sau 1975. Có bài báo viết ông chủ cửa hàng đã mất nhiều thời gian và tiền bạc để có được các hiện vật ấy.

Thực khách muốn kiếm tìm không khí ngày xưa sẽ không phải thất vọng khi thấy món mình gọi mãi không ra, có lẽ vì nhiều bàn đặt cùng một món, cũng có lẽ vì chủ quán cố tình nhắc lại cái phong thái phục vụ "không đi đâu mà vội" của mậu dịch Hà Nội 30 năm về trước. Hoặc giả, có vị khách gọi món "Thịt ba chỉ rang cháy cạnh", trong khi nhà bếp không thể liên hệ với cửa hàng thực phẩm để cung cấp đủ, nên vị khách nọ phải vui vẻ nhận lại tiền.

Cần nói thêm là cách thanh toán của cửa hàng rất "ngày xưa". Khách gọi món, nhân viên ghi tên món và giá tiền vào một cái phiếu nhỏ in theo mẫu tem phiêú ngày xưa, mỗi món một tem. Sau đó nhân viên dùng chức năng máy tính trên điện thoại di động cộng tổng tiền, thu tiền của khách và để lại nắm tem phiếu ấy trên bàn, tới khi món ăn được bưng ra trên chiếc mâm nhôm thì cửa hàng mới thu lại tem để hạch toán sổ sách.

Giờ trưa, sau nhạc hiệu và bản tin thời sự của đài phát thanh, không khí ăn uống hào hứng có điều hòa nhiệt độ hỗ trợ trong một trưa tháng 8 chợt khựng lại vì … mất điện! Xem ra sự cố này lẽ ra đã phải là một phần của kịch bản "Bữa Cơm Thời Bao Cấp", mà theo đó chủ quán sẽ tiến ra phát quạt nan phục vụ khách…

Cái hí hửng mong được ăn nốt bữa cơm canh mồng tơi cua cà, kèm dưa chua xào tóp mỡ và đổ mồ hôi thành dòng đã qua đi rất nhanh! Có điện, điều hòa lại chạy, đài lại rọt rẹt…


Nhiều khách trẻ tuổi đến Cửa hàng 37 nếu không chuẩn bị trước cho bản thân một chút hiểu biết về thời của cha anh thì có thể sẽ có cùng tâm trạng với cô gái nêu ở đầu bài. Tâm trạng này không phải là cá biệt, sau khi rất nhiều người biết tin đã tìm đến quán, phần vì tò mò, phần muốn nhấm nháp lại cái không khí ngày xưa cũ. Đám trẻ tới nhanh và cũng sẵn sàng bỏ đi, bởi cùng trong xóm có nhiều quán phở cuốn. Họ không biết đã lỡ chuyến tàu đi ngược thời gian về với những ngày đói khổ, nuốt nước mắt vào trong…
by Ho Binh Minh on Friday, September 14, 2012 at 10:24am

3 nhận xét:

  1. @Ho Binh Minh:
    Có lẽ cũng phải thông cảm với những bạn trẻ không sống qua thời bao cấp đó. Cũng giống như mình, không thể hiểu hết những gì đọc được từ nhật ký của bố và nghe ông kể lại về những ngày tháng của "Cải cách ruộng đất".

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bạn Ho Binh Minh đã kể cho mọi người nghe một câu chuyện thú vị. Mình nhớ là hôm đấy khi bạn Minh đang mải "tác nghiệp" thì bọn mình ăn hết mất tóp mỡ của dưa xào rồi, khi bạn Minh nhìn ra thì lại thành "dưa xào không người lái"

    Trả lờiXóa
  3. Tớ cũng nghĩ giống như bạn: Quán đó không nên chạy điều hòa vào mùa hè, thay vào đó, nên là một hai cái quạt máy cũ hoặc vài ba các quạt nan cho mỗi bàn ăn.

    Trả lờiXóa