Thế mà đã vào giữa đông. Đâu đâu cũng thấy tuyết phủ trắng đường. Thỉnh thoảng lại thấy tuyết được vun lên từng đống. Nếu không người và xe cộ khó mà đi lại được. Người đi ngoài đường mũ lông xùm xụp, cổ rụt trong áo lông, cả khuôn mặt chỉ hở ra nửa má trên và đôi mắt. Lạnh là thế, nhưng sao nước da của họ cứ đỏ hồng lên, chứ không rét đến trắng bệch mặt như người nhà mình. Có lẽ họ to béo, lắm mỡ! Chị em ta nhận xét một cách chủ quan đến như vậy. Ta thanh mảnh nhẹ nhàng biết bao. Tự hào thế chứ! Lúc nào ta cũng lạc quan và huyễn hoặc thế. Có biết đâu rằng, họ nhìn ta với con mắt tò mò có pha chút thương cảm. Khổ thân họ, họ đến từ đất nước nghèo đói, kiệt quệ sau chiến tranh. Gầy gò là phải. Các cô gái ơi, chỉ cần ở đây 3 tháng, các cô sẽ béo trắng lên mà xem!
Đã cuối tháng 12. Cửa hàng nào cũng bày bán đồ trang trí cho cây thông Noel, màu sắc sặc sỡ. Quân nhà ta thích thú nhất là mấy cái đèn nhấp nháy. Những cái đèn này mà mang về nhà treo cành đào thì thật tuyệt, hàng xóm chỉ có mà lác mắt. Nhà ta ngày ấy chả mấy ai quan tâm tới Noel. Vào cửa hàng nào cũng chăm chắm nhìn vào cái đèn ấy. Tiếng Nga thì bập bõm, nhưng ngôn ngữ cử chỉ thì vô cùng đa dạng. Hai bên chả hiểu, cứ cùng nhau chỉ trỏ, rồi cười lăn. Câu cửa miệng "Làm ơn cho xem cái này!", luôn túc trực. Còn người bán hàng thì chả hiểu "cái này" là cái gì. Họ cứ mẫn cán đưa tay chỉ hết mặt hàng này đến mặt hàng kia đến vẹo cả cổ cho tới khi người mua gật đầu. Giao dịch chỉ có thế mà cả hai bên đều mệt, bơ phờ. Đã có chuyện mà ai cũng tưởng như đùa, bịa đặt. Nhưng lại là thật một trăm phần trăm. Có người muốn mua phích cắm cho đồ điện ở nhà, nhưng không biết từ phích cắm tiếng Nga là gì, ngặt nỗi cái phích cắm không được bầy trong tủ kính, giải thích thế nào, vặn vẹo tay chân như thế nào, người bán không thể hiểu nổi, thở dài sườn sượt vì mệt. Cái khó ló cái khôn, các cụ nhà ta từng nói vậy. Người mua như sực tỉnh, mắt sáng long lanh, làm động tác có một không hai ở trên đời này. Người mua giơ hai ngón tay là ngón trỏ và ngón giữa, gây sự chú y của người bán rồi vụt một cái đưa cả hai ngón vào hai lỗ mũi! Tuyệt chiêu! Hai bên cười ha hả. Người bán cười ngả cười nghiêng, cười chảy cả nước mắt, rồi mang ra một lô xích xông các loại ổ cắm khác nhau. Trời đất, có thế mà không nghĩ ra ngay từ đầu nhỉ. Nhiệm vụ đã hoàn thành! Tuyệt quá!
Cả ốp mới có 1 cây thông Noel do các bạn Nga mua về bầy trong góc đỏ. Đoàn thanh niên đã phân công người trang trí. Còn từng phòng, tùy thích, ai muốn trang trí thế nào cũng được. Nhưng hay nhất là các ô cửa kính được vẽ sơn trắng, sơn màu từ năm ngoái vẫn được giữ nguyên. Nào là bông tuyết trắng, nào là hoa Chiu pan, mà nhà ta hay gọi là hoa tuy líp, nhưng hình vẽ chủ yếu trên các ô cửa kính vẫn là hình con thỏ ngộ nghĩnh với nhiều sắc thái khác nhau. Hóa ra là năm nay là năm thỏ (ở nhà ta gọi là năm mèo), nên dấu tích từ hồi đầu năm còn để lại. Người Nga không có 12 con giáp như xứ ta, nhưng họ có các con vật tượng trưng cho cung hoàng đạo. Nhìn chung các con vật ấy cũng na ná như các con vật của người Trung Quốc. Cửa kính các khu nhà khác của người Nga đã được rửa sạch, thay vào đó là hình vẽ ông già Noel và công chúa tuyết. Còn khu nhà của quân ta, dù cửa và phòng đã được sơn lại, nhưng có lẽ, vì tiếc cái ô cửa sổ được vẽ đẹp chả ai muốn xóa nó đi cả.
Mùa đông đầu tiên ở xứ người, tâm trạng người xa xứ buồn nhiều hơn vui, nhất là đối với những ai đã có gia đình, con nhỏ và người yêu ở nhà. Cánh thanh niên mới lớn, mới rời ghế nhà trường, vô lo vô nghĩ hơn cả. Họ đón Noel trên đất bạn đầy vẻ háo hức và tò mò. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ tổ chức một đêm liên hoan văn nghệ cuối tuần cho các đội mới đến. Tinh thần văn nghệ cây nhà lá vườn sẽ được phát huy hết công xuất. Các đội thi đua, phân công nhau tập luyện. Các chị già, tạm gọi là thế, vì cứ ai nhiều tuổi, có chồng con đều được phong làm chị già hết, cũng vui lây với cái vui của bọn trẻ. Những cơn khóc thầm cũng thưa thớt dần. Mấy chị giáo dục viên Valentina, Natalia, Tachiana tất bật lên xuống cùng với quân ta cắt dán, trang trí cây thông, mượn quần áo ông già Noel và trang trí quần áo cho công chúa tuyết. Đêm văn nghệ sẽ diễn ra sớm, trước Noel vài ngày. Chả cần biết Noel sớm hay muộn, cứ được vui là thích lắm rồi. Buổi lễ diễn ra vào lúc 7h tối, sau màn chào hỏi quen thuộc, phát biểu của lãnh đạo nhà máy, đại diện Đoàn Thanh niên Côm Xô Môn, Đoàn Thanh niên CSHCM sẽ là màn biểu diễn ca hát và nhảy nhót. Chả phải bàn, câu kết của bất kỳ bài phát biểu nào cũng là "Chúc các bạn sức khỏe, hạnh phúc và bầu trời xanh hòa bình mãi mãi ở trên đầu chúng ta!". Ông già Noel, do chị Valentina đóng, người to béo, đẫy đà, nên mặc đồ ông già là hợp nhất. Công chúa Tuyết là chị phiên dịch người Việt. Hai người tung hứng với nhau ăn y lắm. Những tràng vỗ tay liên tục tán thưởng. Ông già Noel và Công chúa Tuyết vác túi quà đi chia đều cho mọi người. Quà là những gói kẹo Sô cô la được bọc bằng giấy bóng kính rất đẹp. Ai cũng hào hứng, cười đùa vui vẻ, giật áo Ông già Noel và Công chúa Tuyết, nhắc nhở chia quà. Thậm chí, có người nhận quà rồi, vẫn nghịch ngợm, ra hiệu là chưa nhận được quà, mọi người phát hiện, ê ê váng cả phòng, rồi đấm nhau thùm thụp, cười ngả cười nghiêng. Các tiết mục hát bài Việt và bài Nga liên tục đan xen nhau không dứt. Tiếng cười, tiếng nói qua micro cứ choang choang. Chả sao. Có Micro mới oách.
Hát hết các bài thì đến tiết mục dẹp ghế vào để nhảy. Đèn màu được bật lên, nhấp nháy theo tiếng nhạc. Đèn Nê ông thì đã tắt. Trong phòng chỉ còn tiếng nhạc và ánh đèn màu. Cánh thanh niên được dịp nhảy hết mình. Giữa mùa đông lạnh toát ở ngoài kia, trong này, cánh thanh niên chỉ mặc áo phông hoặc cộc tay, quần bò và dép lê nhảy tưng bừng. Chả ai để y đến sự buồn cười của trang phục: áo phông cành mai, áo sơ mi cộc tay, quần bò, dép lê… chả giống ai, nhảy cười loạn xạ. Còn các bạn Nga tích cực hướng dẫn những ai chưa biết nhảy. Thỉnh thoảng lại có tiếng kêu chóe lên "mày lại dẫm vào chân tao rồi!". Cứ như thế, ồn ào, vui nhộn đến tận nửa đêm.
Dư âm đêm liên hoan kéo dài đến mấy hôm sau. Cho dù học tiếng Nga cấp tốc đến mấy, thì cũng chỉ lắp bắp, ngắt đoạn tiếng nọ tiếng kia để diễn tả những điều muốn nói, muốn khoe. Tuy nhiên, hồn nhiên vô tư vẫn là bản tính vốn có của bạn trẻ. Họ đem cái vui đấy kể lại cho các bạn người Nga, các bạn trưởng ca, những người cùng theo họ giúp đỡ học tiếng Nga từ sáng đến chiều trong suốt thời gian qua. Cái hồn nhiên trong sáng ấy lan tỏa sang các bạn Nga, chả hiểu gì cũng cười. Bản tính tốt bụng và chất phác của các bạn làm quân ta cảm động. Biết quân ta vui là thế, nhưng vẫn buồn nhớ nhà mỗi khi đêm về. Các bạn rủ đi khu công viên giải trí vào đêm giao thừa Noel. Đi thì đi, đi cho biết chứ. Với lại, các bạn nhiệt tình đến thế cơ mà. Tối đến, bạn Vê - ra đã chờ sẵn ở cửa ốp để dẫn đi. Ríu rít, chào bà trực ốp, mấy bạn trẻ mặc rõ ấm hứng khởi ra đường. Hỏi Vê – ra để người yêu đâu, Vê ra bảo rằng, ngày nào mà chả gặp, hôm nay cho người yêu ở nhà để đi với các bạn Việt Nam . Thế mới biết, bạn nhiệt tình và tốt biết bao. Vừa đi, vừa đẩy nhau cười đùa ran cả phố. Cái đống tuyết ban ngày bị vun đống ở bên đường tưởng là vô tác dụng, nhưng chiều tối nay trở thành công cụ trêu đùa của các bạn trẻ. Chỉ rình nhau không để ý, đi qua đống tuyết, thể nào cũng có kẻ bị đẩy vục đầu vào đống tuyết. Mất đà, ngã cả người vào tuyết, cười ngặt cười nghẽo mãi mới đứng dậy được bởi cái ủng nặng và cái áo pan tô to đùng. Cứ như thế nhóm người vui đùa với nhau từ nhà, lên xe buýt cho đến công viên. Chà, công viên đông vui náo nhiệt, vui như đi trẩy hội. Góc đằng này, một nhóm thanh niên vo tuyết thành những quả bóng con, ném nhau bùm bụp. Đầu, mặt, cổ tai đầy tuyết. Tuyết rơi vào cổ, vào gáy, người bị ném nhảy tưng tưng như con gà cồ. Thế là phải tìm cách ném trả, chạy quanh, chả còn cảm giác rét lạnh nữa. Góc kia, một nhóm người tụ nhau lại nặn người tuyết. Cái mình hai khúc như quả bầu tiên. Mũi được đắp dài loằng ngoằng như mũi thằng bé gỗ Bu-ra-ti-nô trong truyện tranh. Nhóm bạn Nga Việt thì rủ nhau đi cầu trượt tuyết. Trông hình dạng chẳng khác gì chiếc cầu trượt của trẻ con ở vườn Bách thảo nhà mình. Chỉ khác là cái cầu trượt này được mài bằng tuyết rất trơn, rất lạnh. Cảm giác leo lên không sợ bằng cảm giác bị người sau đẩy. Đang loay hoay leo lên đỉnh cầu trượt, phắt một cái, cả nhóm người bị đẩy lao rầm rầm xuống dưới. Vừa sợ vừa buồn cười. Chả cần phải biết nhau từ trước. Bất cứ ai leo được lên vị trí của đỉnh cầu trượt, là sẽ bị người sau đẩy ngã, bất kể ở vị trí nào. Sau một hồi 'rút kinh nghiệm' an toàn nhất là phải kiếm được một miếng bìa cát tông, nhanh tay đặt vào mông đít, nếu có bị đẩy thì trượt mông theo miếng cát tông ấy. Tuy nhiên, 'kinh nghiệm' là thế, nhưng phần thực hành thì chả mấy thành công. Làm gì có thời gian mà chuẩn bị. Chỉ cần mò lên tới đỉnh, thì bị người sau đẩy ngay. Mọi người bị trượt ở mọi tư thế. Chơi chán, cả đoàn dừng lại vì mệt, vì nóng. Họ nhìn nhau rồi cười rũ rượi, trông chả giống ai. Mũ thì xộc xệch, áo pan tô thì tuột cúc. Thôi thì đủ cả, may mà có cái áo dài che quá mông, chứ không có kẻ phải diện cả quần rách đũng về nhà! -
NTT - 2011
"Công chúa Tuyết" ơi, hay lắm.
Trả lờiXóa