Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

"Chợ nhân dân"

Bia hơi 11 Đường Thành. Ảnh: Internet
Như đã hẹn với thầy Vĩnh, chúng nó có mặt tại "chợ nhân dân" số 11 Đường Thành vào tối hôm qua.

Cùng với thầy Lập chỉ có 4 đứa tới: PTB, TKO, TNY và TMQ, nhưng được tăng cường thêm 2 chàng rể, chồng của TB và NY. Tuy vậy, thầy Vĩnh vẫn có thể vui khi giới thiệu với bạn bè chiến hữu về thầy Lập, người thầy và người đồng nghiệp cũ ở Trường Ams, và đám học trò từ 26 năm trước. Thế chẳng phải quí lắm sao khi mà bản thân thầy Vĩnh đã thôi nghề nhà giáo từ 13 năm trước!

Lúc đầu dãy bàn chỉ có 6 người đến từ trước 18h. Dần dà mọi người lục tục kéo đến, lúc cao điểm nhất đã lên tới 18 người. Đấy là chưa kể ít nhất 1 người bạn nữa của thầy Vĩnh đang trên đường từ quê Hưng Yên ra, bị kẹt xe trên Quốc lộ 5.

"Bia vào nhời ra", mọi người chắc đã biết, nhưng trong số các thành viên của "chợ nhân dân" có một vài người thực sự có tài ăn nói và văn nghệ, có kiến thức sống khá sâu rộng và đủ sức cuốn hút mọi người và khấy động bàn nhậu bằng những câu chuyện, bài thơ, bài hát, điệu hò,... Có người, thậm chí còn được phong danh hiệu "Nghệ sĩ lớn của chợ nhân dân nhỏ"! Bởi thế mà, nghe nói, có những người tới tham gia "chợ" dăm bảy lần và xin được trả tiền nhậu cho cả bàn mà vẫn chưa một lần được như ý. Chẳng phải vì các thành viên của "chợ nhân dân" có nhiều tiền quá. Cũng chẳng do bia hơi và đồ nhậu ở đây quá rẻ tới mức ai cũng có thể trả tiền được. Mà bởi đây là nơi mà rất nhiều người, đặc biệt các bác vốn là quan chức tại các cơ quan công quyền địa phương của Thủ đô, tới để xả xì-trét sau mỗi ngày, mỗi tuần làm việc căng thẳng, nhiều áp lực, phải nhìn trước ngó sau, nhòm trên nghé dưới,... Ra "chợ nhân dân" đã là một cái "được" mà nhiều người muốn!

Ngồi châm tửu và hầu chuyện các bác - thực ra là nghe các bác nói là chính - từ lúc mở cửa đến khi tan chợ lúc 22h đêm, có thể kiếm được khối tư liệu hay để post lên blog cho mọi người xả stress. Nói vậy không có nghĩa là những tư liệu đó toàn chỉ là mấy trò hài hước gây cười mà thực ra đều là những suy tư, đúc kết từ cuộc sống. Có những điều còn chẳng dám đưa lên mạng vì thấy nhạy cảm quá. Chỉ nghe tai này, cười thật sảng khoái, rồi cho qua tai bên kia ra ngoài.

Dưới đây là một vài món đồ nho nhỏ nhặt nhạnh từ "chợ nhân dân".

"Chợ nhân dân" - theo lời thầy Vính - không có thưởng có phạt, với phương châm là "năng lực có hạn, nhiệt tình vô hạn" nên không ai ép ăn ép uống; mọi người tùy tâm tùy ý. Đây là điều hay so với nhiều bàn nhậu khác khi anh em cứ phải "1,2,3 dzô" liên tục, bị nhắc nhở khi còn để lại "long đen" dày quá, bị mời hoặc ép "trăm phần trăm" vì những lý do chẳng phải lý do,... Vây nên "chợ nhân dân" có câu:

"Trăm năm trong cõi người ta,
Ăn nhiều còn chết nữa là không ăn"

"Năng ăn năng hát, Giáp Bát còn xa,
Không ăn không chơi, Cầu Bươu rẽ trái"

Uống bia hơi thì hẳn phải thỉnh thoảng đứng lên khỏi bàn, đi thăm anh "NAM". Có nhiều nơi anh nào đi sớm và đi nhiều thì bị chúng bạn chê bài là thế nọ thế chai, cái này yếu cái kia không khỏe,... Ở đây thì không bị như vậy.

"Đường đi Văn Điển đầy hoa.
Hoa nhiều hoa ít cũng là đi thôi
Đi trước còn có bạn đời.
Đi sau chết tiệt những người tri ân." 

Nghe thầy Vĩnh nói, có mấy bà vợ còn mò ra tận "chợ nhân dân" để xem chồng mình làm sao mà chiều thứ Sáu nào cũng ra đó. Tham gia 1 hồi xong, các chị đều ra về mà phán rằng chẳng có chỗ nào lành mạnh hơn chỗ này. Nhưng để phòng bị cho các anh em mới, "chợ nhân dân" phổ biến vài "chiêu" để anh em dùng khi bị vợ "đánh" mỗi khi đi uống bia hơi về muộn. Thay vì trình bày, quát tháo, xin lỗi, làm lành, hay đem gối ra ngoài phòng khách ngủ một mình... thì hãy ca lên mấy câu này.

"Chồng như cây cảnh giữa nhà
Để trong thì vướng, để ngoài mất ngay!"

"Nếu phải cách xa em, anh còn nhiều chỗ khác.
Nếu phải cách xa em, anh còn nhiều chỗ nữa."

Và sẽ được an ủi như thế này:

"Ai bảo nhậu lai rai là khổ
Tôi mơ màng, men rượu bốc lên cao
Có những ngày say xỉn trượt cầu thang
Vợ bắt gặp, chưa mắng câu nào đã khóc
Cô bé nhà bên nhìn tôi cười khúc khích
Chị giận anh rồi... sang ngủ với em!"

Chuyện quanh bàn nhậu thì nhiều. Thơ thì còn thơ về thời cuộc, quan trường, cuộc sống nghỉ hưu... Hát hò thì có hò sông Mã, hát then, hát tuồng,... Thầy Lập, trước khi kết thúc, có góp 1 câu thơ này. Thầy bảo thầy đọc cho học trò mà hình như chúng nó chưa được nghe bao giờ hồi còn học ở Trường Ams gần 30 năm trước:

"Mành mành che nắng che mưa
Nắng không gắt nữa, mưa thưa, mành thừa"

Tạm 1 vài thứ như vậy kẻo mọi người bội thực. Lần sau sẽ viết tiếp. Tư liệu còn nhiều, đủ dùng dễ đến vài tháng. Mà nếu có thiếu cũng chả lo. Lại ra "chợ nhân dân"!

Nhưng đọc xong bài viết này hoặc ra "chợ nhân dân" một lần rồi về, không ít người hẳn sẽ có suy nghĩ

"Đêm về nghĩ mãi không ra
Tại sao thằng ấy lại là nhà thơ?"

... Vậy mà "chợ nhân dân" vẫn đông, nhất là phiên họp chính lúc 17h30 những ngày thứ Sáu hàng tuần!

(Còn tiếp...)

Bài liên quan
20.11.2011

2 nhận xét:

  1. Hình như Lớp Nga 2 không thích uống bia?

    Trả lờiXóa
  2. Có người thích nhưng không nói ra. Có người không thích cũng chẳng nói. Có người vừa thích vừa không thích cũng im lặng. Có người còn chẳng biết là mình thích hay không thích nữa thì nói gì đây. Không phỏng đoán được.

    Trả lờiXóa