Những người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưõng mưa sao băng Perseids (Anh Tiên) trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm với mật độ lên đến 80 vệt mỗi giờ.
Mật độ và độ sáng của những vệt sao băng Perseids bắt đầu tăng lên từ tuần thứ hai của tháng 8. Ảnh: Fox News. |
Mưa sao băng Perseids đã bắt đầu xuất hiện từ ngày 17/7, song các vệt của nó rất mờ và phân bố rải rác nên ít người thấy. Độ sáng và mật độ của các vệt sao băng Perseids bắt đầu tăng mạnh từ tuần thứ hai của tháng 8 tới khi đạt đỉnh vào tối 12 và rạng sáng ngày 13/8, National Geographic cho hay.
Trang Khoa học dẫn lời ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ nhiệm CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam, cho biết, theo tính toán, khoảng tầm 1 - 3h sáng ngày 13/8 là thời điểm mưa sao băng xuất hiện nhiều nhất. Người quan sát nên nhìn về chân trời phía đông vì trận mưa sao băng này xuất phát từ chòm sao Perseids (chòm sao này mọc vào khoảng sau 12h đêm) ở chân trời phía đông.
So với các trận mưa sao băng khác trong năm, Perseids diễn ra trong thời gian rất dài, với khá nhiều vệt. Thông thường đối với những trận mưa sao băng ngắn, một vệt sao băng chỉ xuất hiện trong khoảng 1/3 đến nửa giây. Trong trận mưa sao băng sắp tới, một vệt mưa sao băng có thể tồn tại từ 2 - 3 giây.
Ảnh mưa sao băng Anh Tiên năm 2011 |
Mặt trăng sẽ trở thành "kẻ phá bĩnh" đối với những người muốn quan sát sao băng Perseids năm nay, bởi trăng sẽ tròn vào ngày 13/8, Space nhận định. Tuy nhiên, do mưa sao băng rơi vào gần cuối tháng lịch âm nên trăng lúc đó thường lên muộn mà không quá sáng. Vì thế, nếu các điều kiện thời tiết thuận lợi như trời quang mây, không mưa thì người dân vẫn có thể quan sát sao băng. Trong trường hợp trời tối hoàn toàn, người quan sát có thể đếm được tới 80 -100 vệt sao băng mỗi giờ.
Sao băng là hiện tượng thiên nhiên bình thường, không phải là dấu hiệu báo trước điểm gở hay may mắn. Nhặt được sao băng dưới đất là chuyện rất hiếm, vì chúng lao vào bầu khí quyển với vận tốc rất nhanh và thường bốc cháy ở khoảng cách vài chục km trước khi tới mặt đất. Tất nhiên, đối với những sao băng có kích thước lớn (hay còn gọi là thiên thạch), có thể chúng sẽ không cháy hết. Song một khi thiên thạch rơi xuống đất thì chúng thường gây ra những hậu quả lớn. Chẳng hạn, năm 1908, một mảnh thiên thạch từng làm cháy cả một khu rừng của Nga.
Minh Long
Theo VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét