Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Cúi nhưng không thấp

Từ nay tới 21/9/2013, ngày kỷ niệm 40 năm Quan hệ Việt - Nhật, còn hơn 2 tháng. Sẽ là 1 ý tưởng không tồi nếu mở 1 chủ đề nho nhỏ về đất nước Nhật Bản vì có 1 số thành viên của Lớp Nga 2 có liên quan tới đất nước này. Xin bắt đầu bằng bài post trích từ blog Góc nhìn Alan.

Cái nghiêng mình quen thuộc khi người Nhật chào khách.
Ở đất nước mặt trời mọc, hình ảnh nghiêng gập người cúi chào thể hiện cả một nền văn hóa Nhật Bản: Cúi nhưng không hạ mình. Sự nhún nhường chỉ làm tăng thêm sự nể trọng của người đối diện.
Trên các chuyến bay của hãng hàng không Japan Airlines, nụ cười luôn nở trên môi các tiếp viên.  Họ sẵn sàng ngồi, chính xác là “quỳ xuống”, giúp khách sửa tư thế của đôi chân tê mỏi.  Họ niềm nở, vui vẻ tiếp nhận yêu cầu của hành khách khó tính nhất.  Không phải chất lượng máy bay khiến hành khách hài lòng mà chính cách phục vụ của tiếp viên khiến mọi người nghĩ tốt về người Nhật.  Chỉ vài phút khởi hành muộn, toàn bộ nhân viên phục vụ mặt đất và tiếp viên, phi công dàn thành hàng ngang, cúi rạp người xin lỗi khách.

Họ thật sự đã thành công khi để lại ấn tượng sâu sắc về một nước Nhật vô cùng hiếu khách và nghệ thuật giao tiếp tuyệt vời.

Trung thực:
Ở Nhật, bạn khó có cơ hội bắt taxi để đi một cuốc đường dài. Vì sao?  Các tài xế sẽ tự chở bạn thẳng đến nhà ga tàu điện ngầm, kèm lời hướng dẫn “Hãy đi tàu điện ngầm cho rẻ”.

Sự trung thực của người Nhật in đậm nét ở những “mini shop không người bán” tại Osaka.

Hệ thống tự tính tiền tại siêu thị Nhật, người mua tự phục vụ, tự scan mã vạch, tự trả tiền.
 Nhiều vùng ở Nhật không có nông dân.  Ban ngày họ vẫn đến công sở, ngoài giờ làm họ trồng trọt thêm.  Sau khi thu hoạch, họ đóng gói sản phẩm, dán giá và để thùng tiền bên cạnh cho người mua cứ theo giá niêm yết mà tự bỏ tiền vào thùng.  Cuối ngày, trên đường đi làm về, họ ghé đem thùng tiền về nhà.  Nhẹ nhàng và đơn giản.

Các con đường mua sắm, các đại siêu thị ở Hokkaido, Sapporo hay Osaka… cũng không nơi nào bạn phải gửi giỏ/túi xách.  Quầy thanh toán cũng không đặt ngay cổng ra vào.  Người Nhật tự hào khẳng định động từ “ăn cắp vặt” gần như đã biến mất trong từ điển.

Nếu bạn đến Nhật, toàn bộ các cửa hàng sẽ tự động trừ thuế, giảm 5 – 10% khi biết bạn là khách nước ngoài.

 No noise” – không ồn:
Nguyên tắc không gây tiếng ồn được áp dụng triệt để tại Nhật.  Tất cả đường cao tốc đều phải xây dựng hàng rào cách âm, để nhà dân không bị ảnh hưởng bởi xe lưu thông trên đường.  bỏ ra 18 tỷ USD xây hẳn một hòn đảo nhân tạo để làm phi trường rộng hơn 500ha ngay trên biển.  Lý do đơn giản chỉ vì “người dân không chịu nổi tiếng ồn khi máy bay lên xuống”.

 Tại các cửa hàng mua sắm, dù đang vào mùa quảng cáo, cũng không một cửa hàng nào được đặt máy phát ra tiếng.  Tuyệt đối không được bật nhạc làm ồn sang cửa hàng bên cạnh.  Muốn quảng cáo và thu hút thì cách duy nhất là thuê một nhân viên dùng loa tay, quảng cáo với từng khách.

Nhân bản:
  Vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên, không thu hoạch?  Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn “để phần”  5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.

Bình đẳng:
Mọi đứa trẻ đều được dạy về sự bình đẳng.  Để không có tình trạng phân biệt giàu nghèo ngay từ nhỏ, mọi trẻ em đều được khuyến khích đi bộ đến trường.  Nếu nhà xa thì xe đưa đón của trường là chọn lựa duy nhất.  Các trường không chấp nhận cho phụ huynh đưa con đến lớp bằng xe hơi.

Việc mặc đồng phục vest đen từ người quét đường đến tất cả nhân viên, công chức cho thấy một nước Nhật không khoảng cách.  Những ngày tuyết phủ trắng nước Nhật, từ trên cao nhìn xuống, những công dân Nhật như những chấm đen nhỏ di chuyển nhanh trên đường.  Tất cả họ là một nước Nhật chung ý chí, chung tinh thần lao động.

Văn hóa xếp hàng thấm đẫm vào nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nhật.  Không có bất cứ sự ưu tiên nào.  Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một ngày bạn thấy người xếp hàng ngay sau lưng mình chính là Thủ tướng.

Ở Nhật, nội trợ là một nghề.  Hàng tháng chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ.  Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các chế độ y như một người đi làm.  Về già vẫn hưởng đầy đủ lương hưu.

Nội trợ là một nghề và vẫn được hưởng lương hưu
 Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào thẳng tài khoản của vợ.  Vai trò của người phụ nữ trong gia đình vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.

Cúi nhưng không thấp: Ở đất nước mặt trời mọc, mọi người đều hiểu sâu sắc lý do khiến nước Nhật tan hoang sau chiến tranh thế giới thứ II, bật dậy mạnh mẽ trở thành cường quốc khiến cả thế giới phải nghiêng mình.

Nguồn: Alan Phan Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét