Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Forever young


MÀ VẪN KHÔNG GIÀ THÊM,
NHỮNG CHỒI NON VẪN NHÚ LÊN

Hình như càng lớn thì người ta càng ngán Tết nhất, lễ lạc. Hồi nhỏ, tôi nghe người lớn trong nhà hát đùa “Chết chết chết Tết đến rồi…”, bèn lấy làm ngạc nhiên dễ sợ. Tết đến thì vui chớ gì đâu mà chết?!

Nhưng đúng là càng lớn người ta càng sợ Tết. Ừ thì vì  phải chi tiêu hầm bà lằng nào quà cáp họ hàng, mua sắm, chơi bời… cho đủ lễ bộ ngày xuân, không sợ sao được? Rồi Tết như những hạt cát của cái đồng hồ cát vậy, rỉ rả một vài đôi bận là mình đã nhăn trán, mồi da bây giờ, hôm qua còn nhảy nhót ca hát tay cầm ly rượu, dám ngày mai đã thấy mình ngồi ghế bành giở coi hình thời trẻ lắm; không ngán sao được?

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại mới thấy còn thêm một lý do nữa, rằng càng già đi, người ta càng mất đi niềm hi vọng. Hồi nhỏ mùa xuân tới là áo mới, tiền lì xì rủng rẻng, tha hồ đi chơi lô tô và thức khuya uýnh bài… Đối với con nít như vậy chẳng phải thần tiên lắm hay sao? Giờ già đầu rồi, tự lo cho thân mình, nên chẳng còn nhiều đợi mong và ao ước nữa. Thích áo mới thì đi mua, thích tiền rủng rẻng thì ráng mà cày, thích đi chơi lô tô hay uýnh bài thì cứ việc, mắc gì phải chờ đến mùa xuân? Những mong muốn được đáp ứng quá dễ dàng, quá tức thời. Và dần dần, chúng ta mất đi niềm hân hoan chờ đợi cuộc đời theo cách ấy.

Nhưng mùa màng – bản thân nó vẫn còn nguyên đó, dù người ta có bi quan kiểu gì đi nữa. Dù đã chán chường dặn lòng năm nay chẳng Tết nhất gì, nhưng cứ bò khỏi căn gác trọ tối om là mùa xuân đã ập vào người, không thể chống đỡ. Thế là mắt lại phải lung linh, môi lại phải khẽ cười cho nó đúng hoàn cảnh, dù mình không hề cố gắng. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” là câu nói cho có chuyện mà nói, chứ Thúy Kiều đang buồn trong lầu mà thả ra núi đồi mùa xuân bát ngát, gió mát hoa thơm, thử coi có gác chuyện nhớ mẹ lại mà nhảy chân sáo đuổi bướm hái hoa không?  Mùa xuân mà vác mặt buồn đi ra phố là thấy sai concept rồi, thà ở nhà cho xong. Nói chung mùa xuân là phải vui, y như mùa thu phải có lá bay và mùa hạ tất nhiên là ve ran phượng đỏ, cũng như gia đình văn hóa hay treo ảnh Bác Hồ, mẹ làm giáo viên cha làm bộ đội còn con là đội viên gương mẫu… Mọi thứ nó có khuôn phép sẵn rồi, cứ thế  mà thực hành, dù có khi “Trời sắp Tết nhưng hồn mình không Tết”. Dù lòng mình đã trải nhiều nhọc mệt, nhưng cái cảm thức mùa màng trong mình vẫn mãnh liệt, y như cái cây già tám lớp vỏ sần cũng chỉ đợi đến mùa xuân là bật tung ra những nhành lộc mới. Những nhánh non trong tim mình cũng vậy, vào lúc mình hoàn toàn không biết, không ngờ, chỉ là vì thời điểm đến – mùa xuân của chúng đến, là chúng đội lớp vỏ tháng ngày buồn tẻ của mình mà bung lên, xanh mướt, lạ lùng.

Tôi còn nhớ y nguyên bài ca hồi mẫu giáo hay hát mỗi dịp Tết về, rằng  mùa xuân đã về đây hàng cây thêm một tuổi, mà vẫn không già thêm những chồi non vẫn nhú lên. Trẻ em như búp trên cành, thì mùa xuân đến vui ca nhảy nhót là chuyện đã đành. Còn chúng mình thì đã là cây hai ba mươi năm trong khu rừng đời, cứ mùa xuân là thêm già, thêm tuổi. Cho nên chỉ chúc nhau niềm hi vọng, để dù có ngày ngày tháng tháng, sáng sáng chiều chiều thì “vẫn không già thêm, những chồi non vẫn nhú lên”.

Nguyễn Thiên Ngân
Nguồn: BMM Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét