Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Món quà cuối năm - Số phận kỳ lạ của Bài hát "Chiều ngoại ô Mat-xcơ-va"

Xin chia sẻ với các bạn một món quà cuối năm của anh Vũ Mạnh Cường (PTB)
TP - Nước Nga trong trí nhớ của những người Việt từng sống và học tập ở Nga cách đây mấy chục năm rất khác với nước Nga của những sinh viên Việt Nam bây giờ. Thế nhưng, bài hát "Chiều ngoại ô Matxcơva" có lẽ là một trong những điều "bất biến" trong cái "vạn biến" của thời thế, của lịch sử và xã hội.

Còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, khi lần đầu tiên nghe bố tôi hát bài hát này, tôi, khi ấy còn nhỏ, vẫn cảm thấy rất rõ sự xúc động của người.

Người hát như thoát ra khỏi hiện thực, trở về một nước Nga riêng trong lòng mình với những chiều hè thanh vắng, nơi có dòng sông dường như đang trôi, dường như đang đứng lặng, nơi có những vườn cây im phắc suốt canh dài, và tâm hồn có biết bao điều muốn nói.

Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào
Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu
Hỡi em, thấu chăng tình anh bao trìu mến
Mátxcơva bên em trong chiều vắng êm đềm

Dòng sông nước nhẹ trôi xuôi về phía chân trời
Màn đêm lung linh sáng ánh trăng soi
Vời vợi xa thoáng đưa lời đây bài ca đầm ấm
Matxcơva chứa chan vui trong chiều vắng yêu đời

Kìa em ngước nhìn ai đôi màu mắt nâu huyền
Dường như bao lưu luyến mối tơ duyên
Sao không nói nên lời, trong lòng anh nàng hỡi
Muốn chia em chung ngàn nỗi tâm tình

Vừng đông chiếu tràn lan, mây dần sáng sương tàn
Cầm tay nhau em nhé ta vui lên
Hỡi em nhớ chăng mình đêm hè bao đầm ấm
Matxcơva nhớ tới em trong chiều vắng thanh bình

Sau này, khi lớn lên, sang Nga và may mắn được ở một thành phố ngoại ô Matxcơva, tôi mới hiểu sâu sắc những cảm xúc mà bài ca mang lại. Tôi mới hiểu vì sao những người Việt như bố tôi và những thanh niên thế hệ sau này nữa, biết bao người đã hát và yêu mến "Chiều ngoại ô Matxcơva".

Và đương nhiên không chỉ người Việt chúng ta, mà bài hát còn được phổ biến khá rộng ở nhiều nước khác. Tại Matxcơva, chúng tôi đã từng cùng hát bài này với bạn bè quốc tế. Cùng một giai điệu, nhưng lời hát lẫn lộn tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Ấn, tiếng Anh…

Tôi còn nhớ, các cô giáo người Nga đã kinh ngạc và cảm động như thế nào khi nghe tiết mục trình diễn đặc biệt ấy!

Những người Nga cũng yêu bài ca này. Một thời, vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nó từng đứng vào top những ca khúc được đề nghị phát sóng nhiều nhất theo thư yêu cầu của thính giả.

Trên làn sóng của đài phát thanh "Mayak" (Ngọn hải đăng), có một dạo, bài hát được phát đi phát lại, cứ 15 phút một lần, và suốt nửa thế kỷ qua, giai điệu "Chiều ngoại ô Matxcơva" đã trở thành nhạc hiệu của đài, hơn thế nữa, là một trong những biểu tượng âm nhạc của đất nước Nga Xô viết.

Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, xuất xứ của ca khúc kỳ diệu ấy lại rất… bình thường. Lạ hơn, người ta đã từng nói về nó như một tác phẩm thất bại!

MỘT CA KHÚC ĐƯỢC CỨU TỪ SỌT RÁC

Năm 1955, người ta quay một bộ phim tài liệu về thể thao, và, trong bối cảnh những năm ấy, khán giả thường rất vắng bóng trên các sân vận động để theo dõi thi đấu điền kinh, những nhà làm phim sợ rằng, bộ phim sẽ không được để ý nếu không lồng vào đó đôi chút lãng mạn với những bản tình ca.

Chính vì thế, nhạc sĩ Vasily Soloviov-Sedoi (1907 - 1979) đã nhận được đơn đặt hàng: viết một số ca khúc cho bộ phim, trong đó có một bản tình ca êm dịu trên nền hình ảnh những vận động viên đang nghỉ ngơi tại một thành phố ngoại ô Matxcơva sau khi thi đấu.

Bấy giờ, nhạc sĩ Soloviov-Sedoi đang ở Komarovo, ngoại ô Leningrad. Ông đã cùng nhà thơ Mikhail Matusovsky (1915 - 1990) nhận và "làm" ca khúc theo đơn đặt hàng. Matusovsky vốn là nhà thơ viết lời cho rất nhiều bài hát trong phim, người có sở trường "lãng mạn hóa" bất kỳ một đề tài thời sự nóng bỏng nào.

Và cùng với 5 bài hát vui nhộn khác của bộ phim, "Chiều ngoại ô Matxcơva" đã ra đời với bốn khổ thơ nói về một buổi chiều hè yên tĩnh, một dòng sông đầy ắp ánh trăng bạc, một đôi trai gái tâm tình cho đến khi trời sáng. Cô gái ngước mắt nhìn người thương qua đôi bím tóc. Họ tâm tình bằng sự lặng im, chỉ có tâm hồn là nói với nhau nhiều điều.

Sau khi nghe bài hát, lãnh đạo xưởng phim tài liệu đã mời nhà thơ và nhạc sĩ đến Matxcơva dự họp. Họ bảo: "Thưa Vasily Pavlovich (Soloviov-Sedoi), ông là tác giả rất nhiều ca khúc phim hay mà lần này lại viết một bài ẻo lả yếu đuối quá, nên chúng tôi không chắc là có nên đưa bài hát này vào phim hay không" (Trích hồi ký của nhà thơ Matusovsky).

Cuối cùng, người ta vẫn đưa bài hát vào phim, nhưng nó gần như bị quên lãng, không ai nhắc tới.

Có lẽ, một tác phẩm nghệ thuật cũng có số phận như một con người, cần gặp thời, gặp thế, và cần có một cơ duyên để có thể sống được. Và cơ duyên của "Chiều ngoại ô Matxcơva" chính là ca sĩ nổi tiếng - nghệ sĩ nhân dân Nga Vladimir Konstantinovich Troshin (1926-2008). Ông là người đã "cứu" bài hát này.

Theo lời kể của nhà nghiên cứu âm nhạc Iury Biryukov, tí nữa thì nhạc sĩ Soloviov-Sedoi, cha đẻ của ca khúc, đã "ném đứa con tinh thần của mình vào sọt rác" vì quá thất vọng.

Nhưng khi ca sĩ Troshin nghe được bài hát, ông lập tức thuyết phục nhạc sĩ để ông thử hát bài này. Sau đó một thời gian, khi đài phát thanh đề nghị ghi âm một số ca khúc trong phim với sự trình bày của Troshin, ông đã đề nghị được hát "Chiều ngoại ô Matxcơva" bằng được.

Và "Chiều ngoại ô…" đã gặp thêm một cơ may nữa, đó là sự ủng hộ của Viktor Knushevitsky (1906-1974), nhạc trưởng, chỉ đạo nghệ thuật dàn nhạc của đài phát thanh toàn Liên bang. Ca sĩ hồi tưởng lại:

"Sau khi hát thử hết bài, tôi hỏi Knushevitsky: - Bây giờ ta thu thật chứ?

- Đã thu âm rồi.

- Sao? Chúng ta mới hát thử thôi mà…

- Tốt cả rồi. Cậu hãy về đi, sáng mai nghe bài hát của mình. Rồi sẽ có nhiều người gọi điện cho cậu đấy.

Và đúng là, ngay sáng hôm sau ca khúc "Chiều ngoại ô… " đã được phát… Rồi những cú điện thoại. Điện thoại của tôi bị nung bỏng cả lên.

- Bài hát kỳ diệu quá! Hay vô cùng!

Tất cả là nhờ Knushevitsky, người đã viết phối khí cho ca khúc, và điều khiển dàn đồng ca nữ kết hợp nhuần nhuyễn cùng giọng hát của tôi. Thật là thiên tài!".

Bài hát của tâm hồn giản dị

Những ai từng sống trên đất Nga, hoặc từng say mê văn hóa, văn học Nga, hẳn đều cảm nhận rõ điều này: hồn Nga, từ nếp nhà gỗ, bến sông, con đò… đến những cánh rừng bạt ngàn viền quanh các cánh đồng đất đen trải rộng… đều đẹp một vẻ đẹp giản dị, chân chất.

Đó cũng là bí quyết làm rung động lòng người của bài hát "Chiều ngoại ô Matxcơva". Troshin đã hát ca khúc ấy cùng sự giản dị trong tâm hồn Nga, vì thế mà ông đã thành công!

Sau khi đoạt giải thưởng lớn tại liên hoan thanh niên thế giới Matxcơva năm 1957, bài hát được khán thính giả trong và ngoài nước, trên mọi châu lục, biết đến. Thậm chí, người ta bắt đầu thay "ngoại ô Matxcơva" bằng … tên những tỉnh thành quê hương của mình.

Vì thế mà có những "Chiều ngoại ô Leningrad", "Chiều Volgagrad", "Chiều Krasnodar" v.v… trên nền ca khúc quen thuộc. Đối với nhạc sĩ, nhà thơ và ca sĩ, những người đã sáng tác và hết lòng nâng niu bài hát, thì điều này là một niềm vui.

Còn một giai thoại khá ngộ nghĩnh nữa gắn liền với bài hát này, do nhà thơ Evgheny Dolmatovsky kể lại. Trong số hàng ngàn bức thư tác giả "Chiều ngoại ô…" nhận được, có những dòng tâm sự của một người lính phục viên ở độ tuổi trung niên.

Ông ta kể về một buổi chiều đi trên tàu điện ra ngoại ô, phong cảnh hữu tình và êm dịu khiến lòng ông than thản, và ông đã cất tiếng hát về những điều "khó nói trong tim".

Một bài hát ngẫu hứng với giai điệu ngẫu hứng. Về sau, khi để ý xung quanh, ông nhận thấy có một người đàn ông cao gầy, đeo kính, đang chăm chú lắng nghe và ghi chép gì đó vào cuốn sổ.

Sau khi nghe "Chiều ngoại ô Matxcơva" trên làn sóng phát thanh, ông ta hiểu rằng, đó chính là bài ca xúc động chợt đến với mình hôm nào, và viết bức thư không phải để … căn vặn về bản quyền, mà để cảm ơn nhà thơ cùng nhạc sĩ, người đã khiến cho những cảm xúc của ông sống được một cách sinh động và tinh tế như thế.

Tác giả không giận mà còn công bố bức thư ấy với bạn bè, coi đó như một sự đồng cảm lớn lao giữa ông và những người dân Nga giản dị.

Quả đúng, bài hát này thực sự gần gũi với người dân Nga, với cả những người yêu mến họ. Lời thơ của Matusovky lấy chất liệu từ dân ca Nga với những điệp khúc rất quen thuộc, như gần như xa, mơ màng: "Con thuyền trôi hay không trôi" "Người thương yêu hay không yêu".

Âm nhạc của Soloviov-Sedoi cũng trung thành với sự giản dị ấy. Tiết tấu chậm rãi, không thay đổi trong cả bốn đoạn nhạc, nghe có vẻ buồn buồn, đều đều, nhưng kỳ thực, người nghe và người hát vẫn cảm được những thanh âm réo rắt ngay từ khi mới cất lời. Đó là điều vẫn xảy ra với tôi. Mỗi lần hát bài hát này, dù không có nhạc đệm, tôi đều như nghe thấy tiếng đàn balalaika vang lên đâu đó.

Nước Nga là một đất nước kỳ lạ. Trước đây, nó khiến người ta lưu luyến đã đành. Trong cuộc sống hiện đại xô bồ này, với nhiều người, nó chưa phải là một miền đất hoàn toàn hiền hậu, nhưng nó vẫn để lại trong những người đến đây từ những miền quê khác một tình yêu trong sự gắn bó khó hiểu, không bao giờ lý giải được. Giống như tôi bây giờ.

Ngồi nghe lại "Chiều ngoại ô Matxcơva", tiếng đàn balalaika réo rắt lại đưa tôi về những chiều bên sông, bên rừng của "miền đất xa xôi tuyệt vời". Những chiều ấy, tôi có thể đoán chắc rằng, trăm năm nữa vẫn thanh vắng, tĩnh lặng, trăm năm nữa vẫn khắc vào lòng người nhiều điều thương mến khó quên.

THỤY ANH (nhà thơ, dịch giả)

http://www.youtube.com/watch?v=R5xRAkhaX4s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét