Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Tháng 7 nói về lễ Tanabata ở Nhật Bản

Lễ Tanabata – tức lễ Thất Tịch – là ngày lễ đẹp và lãng mạn nhất trong các lễ hội Nhật Bản. Ngày lễ này có nguồn gốc từ Trung Hoa và được biết đến ở khá nhiều nước, nhưng không nơi nào trên thê giới lại có được một ngày lễ thi vị như ở đây. 

Vốn còn có tên là Lễ hội Sao, nó từng được tổ chức vào ngày 7 tháng Bảy Âm lịch, nhưng khi người Nhật Bản đổi sang dùng Dương lịch thì Lễ hội Sao cũng thay đổi theo, chuyển thành ngày 7 tháng Bảy hay ngày 7 tháng Tám, tùy theo từng địa phương. Lễ Tanabata mang truyền thuyết về người con gái đã dệt nên dải Ngân Hà, về một mối tình bị chia cắt, vì chỉ duy nhất trong ngày 7 tháng 7 này, hai ngôi sao Altair và Vega ở hai đầu dải Ngân Hà mới được trùng phùng. Với những cặp tình nhân Nhật Bản, ngày lễ này cũng quan trọng như lễ Valentine du nhập từ Châu Âu, nhưng nó đậm màu sắc Á Đông và lãng mạn hơn nhiều.

Tháng Bảy Âm lịch ở Việt Nam còn được gọi là tháng Ngâu đấy. Và hẳn các bạn cũng đã được nghe ông bà nhắc đến "ông Ngâu", "bà Ngâu", hay là chữ "vợ chồng Ngâu" để chỉ những cặp vợ chồng tình duyên trắc trở, không được sống gần nhau rồi nhỉ.


Truyền thuyết kể rằng, Ngọc Hoàng Thượng Đế có người con gái rất được yêu chiều tên là Orihime (Chức Nữ – "chức" là con thoi trên khung cửi). Nàng dệt lụa rất đẹp, và làm chăm chỉ suốt ngày đêm đến nỗi không gặp được chàng trai nào để tính chuyện se tơ kết tóc. Lo lắng cho con, Ngọc Hoàng bèn đưa một chàng trai tên gọi Hikoboshi (Khiên Ngưu, hay Ngưu Lang như ông bà ta thường kể) đến gặp nàng. Hikoboshi là một người chăn bò sống ở bờ bên kia của dải Ngân Hà (Ama no gawa). Hai người vừa gặp mặt đã phải lòng nhau, và họ đã cưới nhau ngay sau đó. Nhưng rồi, vì quá say mê nhau, hai vợ chồng suốt ngày quấn quít, chẳng chịu làm việc gì cả. Orihime bỏ khung cửi lạnh tanh, còn Hikoboshi cũng để mặc đàn bò không ai chăn dắt. Ngọc Hoàng thấy vậy bèn nổi trận lôi đình, ra lệnh cho hai người phải rời nhau đến sống ở hai bờ cách biệt của sông Ngân, suốt đời không được gặp lại. Thế nhưng, mềm lòng trước nước mắt con gái, ngài lại cho phép họ gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7 tháng Bảy. Có điều dải Ngân Hà rộng mênh mông, lại không có chiếc cầu nào bắc ngang, làm sao vợ chồng nàng qua nổi?! Thương người con gái đau khổ khóc than, đàn chim ô thước sống bên bờ sông đã lấy thân mình làm cầu cho nàng vượt sông đến gặp chồng.


Người Việt Nam mình bảo "mưa Ngâu tháng Bảy là nước mắt của hai người trong niềm vui được gặp lại". Còn người Nhật Bản lại cho rằng "nếu trời mưa thì nước sông Ngân sẽ dâng cao, đàn chim không thể bắc cầu nên Ngưu Lang và Chức Nữ sẽ không được gặp gỡ". Chính vì vậy, mọi người đều thành tâm cầu nguyện cho trời đừng mưa, để chàng trai và cô gái được trùng phùng.



Truyền thuyết kể lại là như thế, còn theo các nhà sử học, thì xưa kia ở Nhật từng tồn tại một nghi lễ gọi là Tanabata .Chữ "棚"(Tana/bằng) có nghĩa là cái "gác" hay "bàn", còn chữ "幡" (hata/phiên) có nghĩa lá lá cờ hiệu vì khi lập bàn thờ người Nhật có tục dựng cây "sasa" (笹・trúc) như biểu tượng cho cờ. Ngoài ra "Tanabata" còn được viết qua 2 chữ khác là "棚機" (bằng cơ) – tức là cái khung cửi hay "máy dệt".


Trong nghi lễ này, một Miko (cô gái sống trong đền thờ đạo Shinto) sẽ dệt một tấm vải đặc biệt rồi dâng lên thần linh để cầu cho mùa màng bội thu. Thật vô tình, cái tên Tanabata lại có chung cách đọc với hai chữ Thất Tịch, được dùng để chỉ lễ Ngưu Lang – Chức Nữ của người Trung Hoa. Thế là dần dần hai lễ hội này bị đồng hóa, và nhập lại với một nghi lễ khác để cầu xin sự khéo léo trong công việc. Vì vậy nên mới có tục viết điều ước vào giấy treo trên cành trúc ở cổng mỗi nhà. Xưa kia, trong lễ hội này phụ nữ xin cho mình có được sự khéo léo trong nghề dệt cửi hoặc may vá, thủ công. Còn nam giới mong cho mình được văn hay chữ tốt.


Thời nay, vào ngày này hàng năm, người dân Nhật Bản lại trồng trước cổng những cành trúc hoặc tre tươi, được trang trí bằng những dải giấy tanzaku ( giấy ngũ sắc hình chữ nhật). Người ta viết ước nguyện của mình trên những dải giấy đó, thành tâm cầu nguyện, mong nó sẽ trở thành sự thật. Nếu trời không mưa, các cặp tình nhân sẽ đưa nhau đến những ngôi đền thờ đạo Shinto (gọi là Jinza, hay Thần Xã) để cầu nguyện. Còn những người độc thân cũng đến chắp tay, mong tìm thấy trung nhân cho mình.
http://files.myopera.com/ptkiet/blog/Starlovers.jpg

Lễ Tanabata được tổ chức rầm rộ ở nhiều địa phương, với những con đường gần đền thờ chăng đèn kết hoa rực rỡ, những cành trúc hoặc tre lớn treo đầy vật trang trí bằng giấy ngũ sắc cùng những lời ước nguyện, đôi khi tạo thành một mái vòm rực rỡ um tùm trên đầu những thiếu nữ đi xem hội mặc áo yukata. Lễ hội Tanabata lớn nhất Nhật Bản được tổ chức ở Ichinomya thuộc tỉnh Aichi.
 
Tại đây, nó đã được hòa làm một với lễ Obon (lễ Xá tội vong nhân), nên những cành trúc la đà lại rủ trên từng đoàn người múa Bon Odori diễu hành trên phố, tạo nên một cảnh tượng đẹp mắt vô cùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét