Tháng 7 âm lịch, tôi về ngõ chợ Khâm Thiên làm giỗ bố.
Cơm nước đã xong, buồn chân, tôi lang thang quanh các ngõ hẹp và tối của cái nơi vừa là ngõ vừa là chợ, ngày và đêm đều sôi sùng sục những giằng xé mưu sinh.
Ngõ chợ Khâm Thiên vốn là khu ả đào thời Pháp thuộc. Bên trong là làng Trung Phụng, xưa chuyên trồng rau muống xơ mới bán lên chợ Hôm với chợ Hàng Bè. Ngõ gồm một trục lớn nằm giữa, cũng là chợ chính, nối thẳng từ phố Khâm Thiên lên đê La Thành. Hai bên tỏa ra vô số ngõ nhỏ, mỗi ngõ lại phân thành chi chít ngõ con, như những mạch máu đen nhằng nhịt, ăn thông ra đường Lê Duẩn và Phố Khâm Thiên. Những ngõ nhỏ ấy là đường thoát thân của dân trộm cướp, là đường tẩu hàng của dân buôn đen-trắng, là nơi ngủ ngày của gái bán hoa, là chỗ lũ trẻ chúng tôi nhảy nhô chơi "công an bắt con buôn" và rình các cặp trai gái hôn nhau.
Đó là nơi đã nuôi tôi lớn bằng những lấm cùng lem.
Tôi vòng qua chợ chính, miệng thèm miếng cà bát muối nén dầm mắm ớt. Bỗng nghe có giọng người gọi giật: " Hà, có phải Hà không?".
Bên kia đường là cô bạn cũ, tóc búi tó, mặt tròn, da trắng ửng hồng. Dáng người đã có chút xồ xề trong bộ quần áo hoa đã cũ. Hai tay đeo găng cao su thoăn thoắt xếp lại hàng trên cái phản ngất ngư gà vịt cởi chuồng, đầu chổng vào, phao câu chổng ra.
- "Lan Anh!"
Lan Anh từng là hoa khôi ngõ chợ. Nhà nó ở cuối ngõ 6. Bố mẹ Lan Anh đều là dân buôn bán nhỏ, lao động lương thiện, bán sức nuôi con. Điều đó rất quan trọng với bố. Bởi bố chia dân ngõ chợ làm 5 hạng:
• Hạng sống bằng việc bán mạng mình cho người khác (dân đâm thuê, chém mướn): Có thể chơi nhưng không thể thân
• Hạng sống bằng cách bán mạng người khác (dân buôn hàng đen, hàng trắng, buôn súng dưới Phòng lên): Không thể đến gần, không thể kết giao
• Hạng bán thân nuôi miệng: có thể giúp, không thể chơi
• Hạng cho vay nặng lãi, dùng quyền ép người ra tiền: Không kết oán, lại càng không kết giao
• Nhóm bán sức nuôi mình, nuôi con: càng thân càng quý, càng giúp càng gần
Bố tôi sống được với cả 5 nhóm người ngõ chợ, nhưng lại chỉ cho con mình chơi với nhóm thứ 5. Vì thế mà tôi chơi với Lan Anh từ nhỏ, giống như tôi chơi với những Vân mồm thối, Thắng gấu, Năm mọ, Quyết khùng, Hải bột, Tuấn Anh din tưởng, Bảo Long thọt và Tống hôi nách.
Lên cấp ba, khi tôi vẫn quần đùi áo may ô chạy chơi với lũ con trai khắp ngõ, Lan Anh đã biết làm duyên, mỗi ngày một kiểu tết tóc, áo hoa vi-ni-lon với cổ lá sen. Lớp 11, tôi còn đang lo học, bạn tôi đã dập dìu các anh lớp trên tán tỉnh. Đùng cái, bọn bạn trong ngõ rủ tôi gom tiền ăn sáng đi thăm nó bị bố giam trong nhà. Hóa ra Lan Anh yêu một tay đầu gấu ngõ 7. Thằng trai to cao, hảo hớn lượn quanh nhà bạn tôi ngày bẩy lượt, ương ổi trợn mắt nhìn, đứng yên cho bố người yêu phang khi ông vác cọc giường đuổi đánh. Bố mẹ bạn tôi khuyên con không được, cấm đoán không xong, đành giam nó lại. Rồi đùng cái, Lan Anh qua nhà tôi mời cưới. Người yêu nó đến xin cưới bằng cách cầm dao phay chặt đứt ngón út, cứ để máu chảy ròng ròng, mặt tỉnh bơ: "Hai bác cho con lấy Lan Anh, không thì con thà chặt hết ngón tay".
Thoắt đã hai mấy năm, tôi đi lấy chồng, rồi bố mất. Ngõ chợ vẫn gầm gào cuồn cuộn những cuộc mua bán mưu sinh. Ngày là buôn thúng bán mẹt, đêm lại buôn phấn bán hương. Những đứa nhóc ngày xưa sợ tôi bằng phép, giờ đã đứa dựa cột, thằng đại gia. Tôi không còn vấn vương ngõ chợ, cũng đã là người xứ khác, cả tâm tưởng lẫn con người.
Hai đứa tôi ôm nhau giữa chợ, Lan Anh bảo: "Tao vừa gọi vừa run, nhỡ nhầm mẹ nó đứa nào thì chết." Nó hớn hở liên thiên về bọn bạn cũ lớp tôi. Một lúc, có cậu thanh niên cao to đi tới, bạn tôi lôi dưới gầm phản hàng ra một túi đầy rau với thịt đưa cho cậu chàng, mồm liến thoắng: " Cô Hà học với mẹ ngày xưa, lớp trưởng đấy. Tao mà không bập phải bố mày á, có khi giờ cũng thành cô giáo."
Bạn tôi hạnh phúc. Điều đó hiển hiện trong ánh mắt. Cái thằng cha đầu gấu ngày xưa hóa ra lại thương và sợ vợ. Hắn chăm chỉ dậy sớm lấy hàng, làm gà vịt cho bạn tôi ngồi bán. Cái thằng cha tự tay chặt thịt mình hóa ra rất biết xót con, hắn chăm con còn kỹ hơn cả vợ. Nhà cửa chẳng giầu nhưng đủ sống. Lũ trẻ không giỏi giang nhưng cũng chẳng hư thân. Bạn tôi lam lũ nhưng mãn nguyện và thanh thản.
Cả đêm hôm ấy tôi thao thức. Rõ ràng, tôi vẫn là người ngõ chợ Khâm Thiên. Rõ ràng, ai biết đủ, giời đều cho được đủ.
Hà Nội, ngày 4 tháng 8 năm 2011
by Ha Pham on Tuesday, August 9, 2011 at 5:25am
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét