Đã khi nào bạn viết thư tay cho một ai đó chưa?
Đã khi nào bạn mong chờ một bức thư tay chưa?
Câu trả lời chắc chắn :- “đã từng”.
Và…Mình cũng vậy!
Thư ngày nay đã khác xa ngày trước. Gõ một lúc, bấm một nút là thư bay từ người nọ tới người kia. Thậm chí ngoài thư liên quan đến công việc, không nhiều người còn viết thư mà “chat chít” cho nhanh. Nhưng nhân có “một việc” và một người bạn “tư nguyện” làm “Người chuyển phát nhanh và bảo đảm”, mình chợt nhớ đến những lá thư tay và cái Bưu điện đặc biệt của bọn mình một thời ….thời học sinh.
Viết thư và Nhận thư:
Hè lớp 10
Hè năm đấy là một mùa hè hiếm có trong thời đi học. Một mùa hè “rảnh rang” không bị áp lực thi đầu vào hoặc thi chuyển đi đâu nên mình được đi chơi một chuyến xa, 12 ngày đi Sài Gòn cùng gia đình. Sung sướng và phấn khích vô cùng. 12 ngày đó đã trở thành một mùa hè không thể nào quên. Ngày đó, tuy đã học hết năm đầu của cấp 3 nhưng tình thân của mình với “Tứ quái” cấp 2 vẫn còn sâu đậm lắm. Mặc dù đi có 12 ngày nhưng hôm lên tàu, chia tay các bạn quả thật là bịn rịn. Bọn chúng nó bảo “Đi xa thế, sướng nhé!”. Để “làm quà” và “bù đắp” cho cái lũ ở nhà hưởng những ngày hè “vô vị”, chúng nó đưa ra một “mệnh lệnh” hết sức ngắn gọn và súc tích: “Ngày nào mày cũng phải viết cho mỗi đứa bọn tao một bức thư nhé! Càng dài càng tốt. Cấm viết ngắn.” Chà, gay đây nhưng sẽ thực hiện, hết lòng vì các bạn mà.
Thế là hàng ngày, cứ ăn sáng xong, lúc cả nhà bác đi vắng hết, mình bắt đầu “khai bút”. Phải công nhận mình chăm chỉ và nhiệt huyết làm sao. Nội dung thì nghèo thôi, tình tiết chỉ giới hạn trong một “nhân vật “ mà phải truyền đặt tới tận 3 “nhân” cơ, tránh sao được việc “Copy - Paste” nội dung từ đứa này sang cho đứa khác. Nhưng thời đấy hoàn toàn theo phương pháp “thủ công” nên phải gọi là “Nhìn và Chép”. Để tránh “mâu thuẫn nội bộ”, thư nào mình cũng “bố trí” độ dài ngang nhau, khoảng 4 trang vở ô ly học sinh. (Mua sẵn vở ô ly để xé dần ra viết thư nhé. Kinh!). Bức đầu tiên….nắn nót, bức thứ 2…chữ thẳng chữ nghiêng, bức thứ 3…chữ xiêu vẹo cả. Thành thật mà nói, các bức thư sau có phần xao lãng và cẩu thả hơn. Nhưng không hề gì, viết được từng đấy cũng phải là “mình phục mình quá cơ” rồi. Có những ngày, mình đã mất cả buổi sáng để hoàn tất 3 bức thư. Tay cứng đờ, phóng xe như bay ra Bưu điện Phú Nhuận gửi cho kịp nhưng niềm vui thì trọn vẹn cùng sư mơ màng tưởng tượng cảnh các bạn háo hức thế nào khi nhận được thư. Kết thúc kỳ nghỉ, mình cũng không thể tưởng tượng nổi là trong gần 2 tuần mình đã viết bao nhiêu thư nữa, cũng không thể nhớ hết đã đi những đâu, gặp những ai, chỉ biết rằng, đó thực sự là những ngày hè vô cùng ý nghĩa. Ông trời cũng thương mình, mùa hè năm đó mình có thêm bao nhiêu người bạn mới từ anh em, họ hàng. Cũng từ đó, sáng sáng, mình mong chờ những bức thư từ Phương nam đầy nắng với một niềm hạnh phúc lạ kỳ.
“Hộp thư chết”
Hè lớp 12
Thời gian này, các nhóm bạn thân đã được “định hình” rõ nét. Mình thân với nhóm thuộc “Quân khu Hai Bà Trưng” và kết nạp thêm một bạn “Quân khu thủ đô”. Theo tiêu chuẩn thời đó, thuộc “Quân khu thủ đô” tức là ở quận Hoàn Kiếm. Những ngày cuối cấp thật buồn và đầy tiếc nuối. Loanh quanh việc lưu bút, chụp hình và nhật ký đã làm bao nhiêu nước mắt phải rơi. Mình và 2 cô bạn thân quyết định phải giữ lại một chút gì đó thật ấn tượng về tuổi học trò vì sau này dễ gì còn gặp được nhau thường xuyên nữa, mà cũng chẳng biết rồi sẽ vui buồn thế nào khi thi đại học. Tí lãng mạn cộng ảnh hưởng của phim “tình yêu, tình báo” của Đức thời bấy giờ đã dẫn đến quyết định viết và nhận thư qua một “Hộp thư chết”.
Địa điểm cho “Bưu điện” bí mật này mới là một vấn đề. Ngày đấy, đối diện Chợ Hôm có một Bưu điện nho nhỏ. Nhỏ thế thôi nhưng cũng có đủ thứ “tạp phí lù”, từ báo, tem, bưu ảnh, dịch vụ điện thoại, điện tín …Trước cửa Bưu điện, các bà các cô còn tranh thủ buôn thêm hàng xén. Các mặt hàng chiến lược thời đó là kim chỉ, kim băng, cặp tăm, cặp ba lá, cặp bấm, lược bí…loanh quanh lại còn có một số các chị “phe” mời chào khách. Mình cũng chả nhớ kỹ là mời mua gì nữa, có lẽ là đổi vải vóc hay tút thuốc lá được phân phối gì đó. Lúc đầu, cả bọn định lấy Bưu điện làm nơi đặt “Hộp thư chết”. Nhưng sau khi “khảo sát” thì chỗ đấy chật hẹp, dễ bị phát hiện. Cuối cùng, Cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp góc Phố Huế và Trần Nhân Tông được lựa chọn. Lý do đơn giản, chỗ đấy vừa rộng rãi, vừa có nhiều ngưòi qua lại, tránh đươc sự chú ý, tò mò của thiên hạ. Thêm vào đó, cửa hàng có những tận 2 cửa “thoát hiểm”, một ra Phố Huế, một ra Trần Nhân Tông. Một hốc nhỏ, sát lề cánh cửa màu xanh, đằng sau chị to béo, mang bộ mặt “cảnh sát hình sự” tọa lạc với ngành nghề kinh doanh “Bánh mỳ.” trở thành nơi lý tưởng.
Cực kỳ háo hức, cực kỳ hội hộp và cực kỳ vui. Không thể diễn tả nổi các cảm xúc hàng ngày trao và nhận những bức thư được viết trên những tờ giấy được xé vội từ những trang vở, nham nhở, những nét chữ viết vội vàng, nguệch ngoạc … đã thành món ăn tinh thần không thể thiếu tuy nội dung thư khi thì là những quan niệm, suy nghĩ về tình bạn, khi thì là những hờn giận, dỗi hờn. Ngày nào có thư, ngày đó là một ngày hạnh phúc…Dù phải chạy bộ từ Bùi Thị Xuận, qua Triệu Việt Vương hoặc Mai Hắc Đế, ra tận Trần Nhân Tông để nhận và gửi thư nhưng đối với mình, cảm xúc đó không bao giờ rời xa ký ức. Vừa đi vừa hồi hộp đọc, tim đập thình thình mà sao vui thế không biết. “Hộp thư chết” đó tồn tại được mấy tháng cho đến ngày chúng mình thực sự bước vào kỳ thi Đại học.
Kỷ niệm yêu dấu của thời đi học đã lâu lắm rồi nhưng hôm nay lại ùa về. Cảm giác đọc những nét chữ của những lá thư tay giờ không còn nhiều nhưng cảm xúc và ký ức về những lá thư tay vẫn còn đó. Người Gửi mang cả tình cảm và tính cách của mình vào từng con chữ. Người Nhận nâng niu, nhấm nháp từng từ, từng câu. Thú vị vô cùng! Mình khẳng định rằng lúc nào đó, khi đọc lai những lá thư tay đang được cất giữ một cách trân trọng, bạn sẽ lấy lại được những cảm xúc của năm xưa. Những ký ức về tình bạn vẫn dịu dàng nhưng không kém phần mạnh mẽ, quyết liệt và sâu sắc mà Thư điện tử ngày nay khó có thể đem lại được.
12/6/2011 - TNY
Quả là những kỷ niệm rất đẹp và đáng lưu giữ.
Trả lờiXóaMình nhớ cái bưu điện ở chợ Hôm. Nó có lúc còn bán cả sách, thế là nó thành địa điểm dạo chơi thường xuyên của mình một thời.
Trả lờiXóaMình chẳng biết là người ta bỏ cái bưu điện chợ hôm từ lúc nào, chỉ nghĩ là người ta thu nhỏ lại hoặc bổ xung thêm những hàng khác phía trước, xung quanh. Lâu lắm không ra đấy, hôm trước cần gửi thư giúp một bạn, loanh quanh mấy vòng tìm. Thế có chán không. Bưu điện ở phố Nguyễn Du cũng bị "xóa sổ". Cuối cùng phải lên tận Bưu điện Bờ Hồ.
Trả lờiXóa