Hãy hỏi bất kỳ người Nga nào rằng có loại cây nào ở nước Nga mà các nhà thơ dành cho nhiều bài thơ như vậy, còn nhân dân thì dành các bài hát về nó? Loài cây nào có thể coi là biểu tượng của nước Nga? Có lẽ tất cả sẽ đồng thanh: Cây Bạch Dương! Đối với người Nga không có loài cây nào thân thương hơn nó. Có lẽ vì thế mà Bạch Dương mọc khắp nơi trên đất Nga, từ vùng cực xa xôi đến tận biên giới phía Nam. Có lẽ vì Bạch Dương đem đến cho chúng ta sự hào phóng, vị tha của tâm hồn Nga?
Chúng ta gọi tên loài cây ấy bằng những tính ngữ đẹp đẽ, ngọt ngào. Trong trí nhớ lại vang lên những điệu Valse thời thơ ấu «Березка»: Средь сосен суровых, средь темных ракит
В серебряном платье березка стоит.
Склонились деревья, кусты и цветы,
Пред гордым величьем ее красоты! Dịch nghĩa:
Giữa những cây thông nghiêm nghị, giữa những cây liễu tối tăm
Là nàng bạch dương mặc váy bạc.
Cây cao, bụi cây và hoa đều nghiêng mình
Trước sắc đẹp kiêu hãnh và trang trọng của nàng!
Hoặc trong lời bài hát: Чуть солнце пригрело откосы и стало в лесу потеплей,
Березка зеленые косы развесила с тонких ветвей.
Вся в белое платье одета, в сережках, в листве кружевной
Встречает горячее лето она на опушке лесной. Dịch nghĩa:
Mặt trời vừa mới sưởi ấm sườn dốc, và trong rừng mới hơi ấm lên,
Thì bạch dương đã tết bím tóc xanh thả xuống từ những cành mảnh dẻ.
Nàng mặc váy trắng, đeo hoa tai, trong màn lá đăng ten
Và đón mùa hè nóng bỏ ở bìa rừng.
Bạch Dương – loài cây đỏm đáng và hoan hỉ. Tên của nó có gốc từ tiếng Slavơ cổ «брезньнъ» có nghĩa là "tháng tư". Còn từ berza có nghĩa là "cái gì đó lấp lánh, trắng sáng". Phát âm của "Bạch Dương" gần giống nhau trong tiếng Phổ, tiếng Lithuania, tiếng Ấn. Trong tiếng Ukraina, tháng ba gọi là «Березень» liên quan đến dòng nhựa chảy trong thân Bạch Dương. Trong tiếng Lithuania tháng sáu gọi là «биржалис», có nghĩa là "nhánh Bạch Dương". Tiền nhân của người Nga thì gọi nó một cách trìu mến là cô «веселкой». Trong các nghi thức tôn giáo xưa, nó là cây của lễ hội, cây "tháng năm"… Trong lễ hội mùa xuân, gắn với sự màu mỡ, phì nhiêu và vụ mùa bội thu sắp đến, người ta trang hoàng cho Bạch Dương bằng những dải ruy-băng nhiều màu sắc, các cô gái tóc thắt bím thật đẹp nhảy múa chung quanh. Ngày nay tập tục này hòa nhập cùng ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi thường diễn ra vào tháng 6 hàng năm (ngày thứ 50 sau ngày Lễ Phục Sinh). Tại buổi lễ 3 Ngôi này, nhà cửa cũng được trang hoàng bằng những nhành bạch dương, kết cùng những vòng hoa nhỏ. Những bó Bạch Dương được người ta mang đến Nhà Thờ, làm phép thánh và đem đặt tại nhà cho đến ngày hội lần sau. Trong các làng quê các cô gái trong điệu múa dân gian của bài ca «Во поле береза стояла, во поле кудрявая стояла...» (Trên cánh đồng có cây bạch dương, trên cánh đồng cây bạch dương lá loăn xoăn…).
Ở nước Nga, Bạch Dương còn là tên gọi các cửa hàng và các salon sắc đẹp (người lớn tuổi chắc còn nhớ đến các cửa hàng dùng ngoại tệ «Березка»). Ngoài ra còn có loại quặng tên là «березит» được cấu tạo từ thạch anh, anbit, sericit và pyrit. Sự hiện diện của berezit là dấu hiệu cho thấy có thể có quặng vàng tại đó.
Năm 1948 tại Moskva vũ đoàn "Bạch Dương" nổi tiếng thế giới đã được thành lập và đang tiếp tục đem niềm hân hoan tới mọi người yêu mến các vũ điệu dân gian Nga. Ở Nga còn có 2 thành phố mang tên Bạch Dương «Берёзовский» (Berezovsky), một ở vùng Sverdlovsk, một ở vùng Kemerovsk.
Các dân tộc Slavơ còn có tập tục trồng cây Bạch Dương trên mộ của người chiến sĩ hy sinh để cuộc sống của họ được tiếp tục tồn tại trong thân cây. Biết bao nhiêu những khu rừng Bạch Dương nhỏ đã được trồng sau Chiến tranh Vệ quốc! Tiếng xào xạc rì rào của những hàng Bạch Dương tại các Đài Tưởng Niệm ở Volgargrad, Minsk, St. Peterburg, Moskva, Berlin. "Trong công viên Treptov-Berlin những hàng Bạch Dương trông như những góa phụ Nga đang trông ngóng, đang rơi lệ trên nấm mồ những người chiến sĩ anh em".
Bạch Dương không chỉ là vẻ đẹp đối với ai thích chúng! Loài cây này còn mang trong chúng những tính chất hữu ích, cả như một loài thuốc chữa bệnh cho con người. Loại cây nào cho củi tốt nhất trong rừng? Tất nhiên – Bạch Dương: dễ cháy và cho lửa rất đượm, rất nồng. Tro củi Bạch Dương chứa đến 30 nguyên tố vi lượng, vì thế là một loại phân bón rất giá trị. Người nông dân từ xa xưa đã tích trữ thật nhiều củi Bạch Dương cho mùa Đông. Các chiết xuất từ lá Bạch Dương, tùy theo độ tuổi và số lượng sẽ nhuộm len, dạ, vải vóc thành các màu vàng, nâu đậm. vàng-xanh rất tuyệt vời. Bằng cách ấy, người xưa cũng đã nhuộm các loại vải dệt thủ công từ sợi lanh.
Gỗ Bạch Dương được sử dụng rộng rãi để chế tạo ván trượt (tuyết), đồ gỗ gia dụng và lấy nhựa. Chổi Bạch Dương không thể vắng mặt trong các nhà tắm hơi kiểu Nga. Còn vỏ cây Bạch Dương – các nghệ nhân đã tạo ra các hộp nhỏ, vỏ lọ muối, giỏ xách… Trên vỏ cây Bạch Dương nghệ nhân khắc những họa tiết tinh xảo tựa như đăng ten trên vải. Rất nhiều sản phẩm tuyệt đẹp từ vỏ cây Bạch Dương có thể thấy ở Belarussia, ở Novogorodsk, ở Arkhagelsk, ở Karelia. Có nhiều sản phẩm mỹ nghệ lưu niệm từ vỏ cây Bạch Dương cho khách du lịch gần bảo tàng kiến trúc gỗ của các dân tộc Slave ở Veliky Novgorod.
Thời xa xưa vỏ cây Bạch Dương còn được dùng thay cho giấy. Trên mảnh vỏ người ta dùng que nhọn bằng sừng để viết. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng trăm bức thư từ vỏ cây Bạch Dương trong vùng Novgorod, minh chứng cho trình độ chữ viết và văn hóa cao cách nay hơn 10 thế kỷ.
Tất cả chúng ta yêu thích loại thức uống chức năng – nước bạch dương. Vào tháng 3, khi dòng nhựa bạch dương bắt đầu lưu chuyển trong thân cây, những người yêu thích loại thức uống này lại tiến vào các cánh rừng bạch dương. Một cây bạch dương trưởng thành có thể cho đến 150 lít nước bạch dương. Tuy nhiên nếu đối với con người nước bạch dương là khởi nguồn của hưng phấn, của sung mãn thì đối với cây bạch dương nó lại là những giọt lệ đau buồn, đôi lúc là sự tiêu vong nếu khi lấy nhựa người ta không biết giữ gìn cây, gây cho nó những vết thương sâu hoắm. Những người có kinh nghiệm khuyên rằng: khi lấy nước bạch dương hãy dùng một cái khoan tay nhỏ khoan một lỗ sâu không quá 4-5cm trên thân cây, nhét vào đó một ống hút nhỏ sâu 2-3cm, nước bạch dương sẽ chảy ra và cứ thế mà hứng lấy. Bằng cách đó, các bạn thì thỏa mãn còn nàng bạch dương sẽ giữ được mạng sống của mình!
Bạch Dương – một loài cây thuốc của nước Nga. Có hàng chục căn bệnh khác nhau có thể chữa khỏi nhờ cây Bạch Dương. Trong các bộ phận khác nhau của cây có chứa các hoạt chất sinh học như: các loại dầu, ascorbic và acid nicotinic, glycosides, betulin, saponin, tannin, rượu triterpene,… Từ những chồi, lá, cành bạch dương non người ta chiết xuất ra các loại hoạt chất trị bệnh khác nhau.
Nhưng đặc biệt giá trị nhất là loài nấm «чага» (Inonotus obliquus). Nấm có thể thu hoạch quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa thu và mùa xuân, chỉ trên thân những cây bạch dương còn sống tốt chứ không được thu hoạch trên những thân cây bị khô, héo. Chế phẩm từ loại nấm «чага» này làm chậm sự phát triển các loại khối u khác nhau, cả u lành tính và u ác tính. Ai đã đọc cuốn sách của A. I Solzhenitsyn «Раковый корпус» (Ngôi nhà u quái) chắc sẽ nhớ rằng chính loại nấm "чага" đã cứu được nhân vật chính trong truyện. Ở nhiều địa phương "чага" được dùng uống thay trà và các bác sĩ đã nhận thấy rằng tại những nơi đó người ta không bị bệnh ung thư.
Nếu bạn quan tâm đến tính chất chữa bệnh của loài cây thú vị này, hãy xem qua bất kỳ quyển sổ tay thuốc thực vật nào, hãy tìm xem trong đó những dòng tựa như " Vì sao và thế nào - Nàng Bạch Dương – chữa được bệnh". Hãy luôn để "nàng" làm tất cả chúng ta phấn khích như là một biểu tượng tươi tắn của đất nước Nga!
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét