Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Đi làm ngày mưa

             Khu TT Kim Liên, nước ngập đoạn sâu nhất khoảng 60cm.
 (7/6/2011 – Dân Trí)

Sau những cơn mưa đầu hè, hoa Phượng đã thưa hơn, Bằng lăng tím cũng đang nhạt dần, đường Hà Nội giờ đây không chỉ tắc nghẽn vì người, xe cộ và khói bụi mà sẽ thỉnh thoảng “Hà Nội mùa này phố cũng như sông”. Cơn mưa tối qua cũng đã khiến một số đoạn đường phố ở thủ đô rơi vào cảnh ngập sâu, nhiều xe chết máy phải cầu viện cứu hộ. Xin chia sẻ với Các bạn trải nghiệm “Đi làm ngày mưa” của mình trong mùa mưa năm ngoái nhé. Nó đặc biệt đến nỗi mà tớ “cá” là không phải ai cũng dám trải nghiệm thế này. PTB

 

Đã mấy tuần nay Hà Nội nắng chói chang. Theo dự báo thời tiết nhiệt độ cứ ngất ngưởng gần 40 độ nhưng mọi người kháo nhau là nhiệt độ ở mặt đường lên tới 50 độ là ít. Vài lần trời có giông, bụi mù mịt nhưng không mưa nổi. Cùng lắm là vài hạt nước bât ra rồi lại tắt lịm. Cảm giác không có mưa đã quen dần. Tối qua chị bạn đồng nghiệp nhắn tin “Trời mưa, không cất cánh được. Sau một tiếng ngồi trong máy bay, đang lục tục kéo nhau về sảnh đợi đây. Quá chán. Hà Nội mưa to không?” Lấy đâu ra mưa nhỉ? Hơi lạ đấy. Nội Bài cách Hà Nội có 40-50 km mà mưa đến mức máy bay không cất cánh nổi trong khi Hà Nội vẫn khô cong, oi ả, máy điều hòa nhiệt độ vẫn phải chạy hết công suất. Cái vụ máy bay không cất cánh được từ Nội Bài được thống nhất “đổ” tại câu chuyện xui xẻo “ngồi trong máy bay bốn tiếng đồng hồ vì bão ở Malina” được đồng nghiệp khác kể trưa ngày mùng một.

7h00 sáng: có tiếng mưa rơi. Ngó ra ngoài cho chắc. Mưa thật. Chắc không sao, “dọa mưa” mấy tuần nay rồi, tạnh ngay ấy mà. Con gái mắt nhắm mắt mở thẽ thọt “Mẹ ơi, cho con nghỉ học hôm nay được không? Tiếng mưa thế này đi đường con điếc tai lắm”. “Rõ vẽ chuyện. Hôm nay học tiếng Anh, rồi tập đánh trống hội ở lớp mẫu giáo, không nghỉ đươc.” Vừa dứt câu thì chồng gọi “Em cho con nghỉ ở nhà. Mưa to lắm.” Đúng là bố con phối hợp với nhau. Thấy không có tín hiệu của việc được nghỉ, con bổ xung thêm “Bạn Nhím lớp con nghỉ tập trống mấy hôm mà vẫn đánh tiếp được.” Cũng chẳng phải vì mưa mà nhìn con buồn ngủ quá, đành tặc lưỡi để con ăn xong rồi cho vào giường ngủ tiếp. Chẳng gì thì nó mới hơn 5 tuổi một tí.  Anh nó còn được nghỉ hè, được ngủ thêm buổi sáng trong khi nó buồn ngủ mà vẫn phải đi học. Cho nó nghỉ một hôm, anh em trông nhau.

8h20: Hóa ra mưa to thật. Nước ở cổng nhà G3 đã lên tới gần đầu gối, tràn vào nhà bà Dậu trông xe ở tầng 1. Quyết định không đi xe máy. Xe gầm thấp, nước vào, tắt máy, dắt thì chết, đi xe ôm cho tiện. Vẫn kịp nhắn tin cho đồng nghiệp chắc đang rời Huế để đi Quảng Trị “Trong đấy thế nào rồi? Hà Nội đang mưa tầm tã đây này.”

Mưa bắt đầu rất to và không có dấu hiệu ngớt. Loanh quanh mãi mới tìm được bác xe ôm trông mặt rất phúc hậu. Bác chân thành nói “Ngớt mưa rồi mới đi được, bây giờ cố cũng không được” Kể ra cũng có lý nhưng đứng một lúc mà chẳng thấy yên. Cái khu Trung Tự nổi tiếng là trũng mới thế này, chắc ra đến đường Kim Liên mới là ổn. Mình quyết định sẽ đi bộ tìm bác xe ôm dũng cảm hơn. Ngoài đường lớn, cảnh ô tô và xe máy nằm la liệt bắt đầu hiện ra. Rõ là dọa nhau. Máu anh hùng nổi lên, tự thách bản thân “Cùng lắm là đi bộ đến cơ quan chứ gì!” Chân vẫn bước đều. Cũng bắt đầu hoang mang một tí nhưng đã đi phải đến chứ ai lai bỏ cuộc giữa đường. Taxi thì toàn từ chối, ngồi một chỗ từ lâu, xe ôm cũng chẳng thấy đâu. Nghĩ bụng chắc thấy ai có vẻ không khó tính lắm thì đi nhờ xe máy một đoạn. Khổ nỗi ai cũng xùm xụp áo mưa, làm sao mà biết có dễ tính không. Đang căng mắt tìm người “dễ tính” thì nhìn thấy trên vỉa hè một bác, chắc chắn là xe ôm vì có thêm một cái mũ bảo hiểm nữa. Cẩn thận hỏi “Cháu muốn ra phố Trần Hưng Đạo. Bác bảo liệu có đi được không?” Sau một phút lưỡng lự, bác trả lời rất dứt khoát “Đi!” Đấy, phải quyết tâm như thế chứ và hành trình bắt đầu.

Đoạn đường Kim Liên mới và nửa đầu Khâm Thiên đầy hứa hẹn. Cố gắng ngồi chắc chắn để khỏi ngã thôi chứ lội thì chẳng mấy. Bỗng nhiên đoàn ô tô đứng yên hiện ra. Ô tô tắc đường là chuyện bình thường, xe máy năng động hơn. Không đi dưới lòng đường thì lên vỉa hè, chẳng ngại. Hai bác cháu vẫn vững bước tiến lên. Bác xe ôm tự tin rẽ vào đường ngõ đi cho chắc. Mình cũng là người “cẩn thận”, vọng hỏi anh thanh niên đi ngược chiều “Đường trong ngõ có ngập không anh?” Anh lắc đầu. Thế là ổn. Đúng là đi với xe ôm chuyên nghiệp có khác, đường nào cũng biết, thậm chí còn nắm được hệ thống thoát nước Hà Nội, biết đoạn nào ngập, đoạn nào không.

Thôi chết, đi kiểu gì thế nhỉ? Vòng vòng vèo vèo trong ngõ đến 20 phút đồng hồ rồi. Trộm nghĩ,  mình bị thả xuống đây bây giờ thì chắc không biết đi ra thế nào. Cứ như ma trận. . Cố ngó các biển hiệu, thì ra mình đang trong khu Văn Chương. Cũng chưa đến mức xa lắm. Đùng một cái nhìn thấy chữ ngõ Quốc Tử Giám. Sao lại đi xa thế nhỉ? Chưa kịp hỏi thì bác xe ôm đã bắt đầu rẽ sóng, chỉ kịp giải thích là đoạn này trũng nhất trong khu này. Chưa kịp phản ứng gì thì nước đã ngập gần hết bánh xe. Nín thở. Xe mà chết máy lúc này thì ngại quá. Nín thởi sâu, sau đó cũng không dám thở ra mạnh, xe vượt qua được đoạn trũng đấy an toàn. Chỉ khoảng 3 phút đã ra đến phố Quốc Tử Giám, gần đến ga Hà Nội. Ít nhất thì cũng thoát được cái ma trận ngõ, hẻm, nhà. Niềm vui chợt đến cũng chợt đi luôn. Cảnh tượng hiện ra trước mắt là ô tô ngổn ngang, người dắt xe máy thất thểu. Bác xe ôm vẫn kiên cường, tự tin len lỏi. Có anh dắt xe máy ngược lại tốt bụng nhắc nhở kiểu “van nài”: “Đừng đi tiếp, ngập không đi đươc đâu.” Hai bác cháu cố len thêm vài mét rồi quyết định quay lai hướng ra Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chẳng khá hơn. Dòng người đi trước càng thất thểu. Nhìn từ đằng sau thấy ai cũng liêu xiêu, chịu đựng. Xung quanh yên ắng, không có tiếng ầm ỹ thường ngày. Cũng phải thôi, ô tô thì nằm yên, xe máy thì chết máy lấy đâu ra tiếng ồn. Con người lúc đấy cũng chẳng có gì mà ầm ĩ, chẳng cáu được với ai, cũng chẳng phải lúc chuyện trò được. Mọi người cứ bảo là chỉ có đến dịp 30/4 hay Tết thì Hà Nội mới được thanh bình, yên ắng. Họ chẳng nhận ra là những ngày mưa lụt thế này cũng hiếm âm thanh hỗn độn hẳn và con người có vẻ tốt với nhau hơn, cũng giống như vào dịp Tết còn gì.

Phương án quay lại đường cũ có vẻ khả thi nhất. Tuy nhiên, vượt qua lại đoạn trũng cũng là mạo hiểm. Bác xe ôm trấn an mình “Thế này ăn thua gì. Lần trước tôi vừa đi, vừa bơi trong những cái ngõ này”. Chắc chắn có các cụ phù hộ, độ trì, bác xe ôm lại rẽ sóng qua được đoạn trũng sâu, lại ngập đến gần hết bánh xe mà không chết máy. Tiếp tục loanh quanh trong ma trận ngõ, hẻm, ngách, nhà của khu Văn Chương, qua những đoạn ngõ ngập quá đầu gối, có chỗ đường bé tí, tối om. Đi mãi thì cũng ra được chỗ có nhiều ánh sáng hơn. Bác xe ôm vẫn giữ vẻ tự tin, bình thản. Đi đường này chắc chắn sẽ ra được. Mình hoảng hốt “Lại ra ga ạ? Lúc nãy ngập có đi được đâu ạ?”. Bác bảo đoạn này khác. Đã cố gắng thì không lùi bước, hai bác cháu lai lên xe. Cảnh tượng không khác gì sau sóng thần Sunami.  Lại len lỏi. Một chú Tây cao ngồng không biết đi đâu, từ đâu ra cũng đang ngơ ngác len. “Thâm niên len lỏi” của chú thấp nên lóng ngóng lắm, hành động không cương quyết nên cứ nhô được lên nửa mét thì lại thụt lùi đến 1-2 m. Các đồng nghiệp ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và Kontum cứ tưởng “độc quyền” về lũ, lụt. Hà Nội mà lên phim chắc “oách” hơn nhiều.

Mưa đã ngớt. Nhìn qua làn nước, ngó vào các cửa kính lờ mờ của ô tô vẫn thấy được “các bác tài” ngồi ngao ngán.  Tiến chẳng được, lùi cũng chẳng xong, quá bằng ngồi trông ruột xe vô thời hạn. Có chú nào huých cho một cái bên ngoài thì chắc cũng chịu. Bây giờ mới thấy rõ lợi thế của xe máy và kỹ năng đi xe máy tốt thì hữu ích thế nào. Mình chợt nghĩ, nếu không đi được xe máy tiếp thì ít nhất mình cũng dắt được hoặc đi bộ. Cùng lắm là gửi xe vào đâu đó rồi đi bộ tiếp. Chứ các bác đi ô tô thì gửi ai bây giờ trong cảnh ngổn ngang thế này.

Nghĩ một tí thôi mà bác xe ôm đã len lỏi qua được đám ô tô và ra được đến Nguyễn Khuyến, lại thấy nước mênh mông. Đi ngươc chiều một tí nhưng chắc giờ này không sao. Mưa to, ngập thế này, đi được là may rồi chứ còn tính gì chiều đường. Thế mà vẫn thấy bóng chú công an chặn người đi ngược chiều. Bác xe ôm có chuyên môn cao, rẽ ngay. Lần đầu tiên trong đời mình được đi song song với đường sắt đoạn này. Gạch đá lổn nhổn, có thể ngã được bất cứ lúc nào nhưng bác xe ôm vẫn cương quyết là “Cứ ngồi yên, không sao”.

Qua được đoạn đường tàu đấy, thở phào nhẹ nhõm, coi như là xong. Từ đây đến cơ quan toàn “phố Nhớn”, chắc ổn. Nhưng đúng là đường Hà Nội chẳng biết thế nào mà lần. Đang cao bỗng thấp tụt xuống là chuyện bình thường. Nước lại ngập gần hết bánh xe. Thương bác xe ôm lại căng thẳng giữ ga, giữ thăng bằng, mình xuống xe, đi bộ đỡ bác. Bác nghĩ ngay ra phương án mới: “Cháu đi lên hè, bác đi dưới này, đến đầu đường ta lại đi tiếp”. Mình nhanh chóng thực hiện ngay. Chưa được 3 bước thì ụp một cái, chìm ngay nửa người dưới nước. Chưa kịp hiểu là cái gì, chỉ nghe thấy mỗi tiếng mọi người đứng trên hè thảng thốt “Thôi chết”. Câu chuyện bạn mình bị ngã xuống mương đợt lụt trước ùa ngay về. Nhưng mình “không sợ chết” như bạn, mình không hoảng loạnh, không kêu khóc mà từ từ dò chân, trèo ngay lên được. Tài thế chứ. Ướt hết đoạn nửa người dướt, phía trên không sao. Túi cũng không ướt. Cố gắng đi thật nhanh cho kịp bác xe ôm đã đến được đầu đường, nhẩy ngay lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Đường xá đục lung tung là cái bẫy lý tưởng trong những ngày mưa to và lụt lội.

Cứ tưởng thế là đủ. Không ngờ được 1 khúc đường ngắn phố Hai Bà Trưng, nước lại mênh mông. Đằng nào cũng đã ướt rồi, quyết định nhanh chóng để bác xe ôm quay về làm nhiệm vụ mới, còn mình sẽ lội. Cảm động trước sự tận tình, tinh thần lạc quan và vượt khó của bác xe ôm, biếu bác 200,000 đồng. Bác ngỡ ngàng lắm và từ chối. Đúng là người lao động chân chính không bao giờ tham. Đành phải năn nỉ bác: “Cháu không trả tiền xe ôm cho bác vì bác đã đưa cháu đến nơi đâu. Cháu biếu bác vì bác cháu mình vừa cùng nhau đi một cuộc hành trình thú vị. Cháu hiếm khi gặp người quả cảm như bác”. Cũng chẳng để bác kịp phản ứng, mình lao đi lội nước ngay.

Đường càng đến gần cơ quan càng khó khăn. Ô tô càng ngổn ngang, xe máy phải dắt càng nhiều. Mưa đã hết nhưng nước rút theo những đường chảy xiết. Đi đứng phải hết sức cẩn thận không có mất dép như chơi. Ý nghĩ duy nhất là làm thế nào để có quần áo khô. Tự trách mình không cẩn thận, đáng ra trời mưa phải có bộ dự trữ trong túi. Các phương án mua tạm bộ nào đó ở những cửa hàng trên đường đi bị phá sản vì tất cả đều im ỉm đóng cửa. Đành động viên bản thân bằng ý nghĩ “May mà mình không cố cho con đi học. May hơn nữa là mình quyết định không đi xe máy. Đi bộ vẫn còn tốt hơn chán là phải dắt xe máy lúc này”. Người Việt Nam nếu xếp loại phải được giải ‘Người lạc quan nhất thế giới” vì lúc nào cũng thấy “May”. Nhớ ngay đến chuyện đồng nghiệp bị tai nạn chệch xương háng, nhiều vết thương ở chân, vợ con xuýt xoa “May quá, đầu không sao”. Năm ngoái đến thăm mẹ một người bạn bị xe máy tông vào, cả nhà bạn hớt hải kể “May quá, chỉ bị vào đầu, bất tỉnh một ngày chứ không ra đi như thầy bói phán.”

Đi bộ lại thành ra có nhiều thời gian nhìn ngó xung quanh. Lần này mình nhìn thấy các chú công an mặc đồng phục nhưng lại đi chân đất để điều khiển giao thông. Khi những người khác đang vật lộn với đường tắc và tìm cách vượt qua chỗ nước ngập thì vẫn có người hồn nhiên tranh thủ cơn mưa mang hoa nhựa ra rửa. Có bác photocopy vắng khách ra ngắm đường, chỉ cho mọi người cách tránh cái hố đang đào bên đường. Đằng nào cũng đã ướt hết, cứ thế tự tin mà đi tiếp. Càng nhìn sang xung quanh càng thấy nhiều cái hay. Mấy anh phóng viên lôi nhau ra giữa đường để chụp ảnh, phỏng vấn. Chắc lại làm phóng sự chửi bới hệ thống thoát nước của Hà Nội. Cách đấy chục mét, một anh Tây đẹp trai một tay giơ cao đôi giầy da, một tay dắt cô bạn gái. Lúc đấy có thể đánh giá là đôi giầy và cô bạn gái có giá trị như nhau. Nhưng được dăm bước thì đôi giầy có vẻ được giá hơn. Đôi giầy được giơ lên cao hơn tránh nước do một số người “cố kiết” đi xe cho “chết máy mới thôi” tạo ra sóng đánh vào. Mải giơ cao giầy, tay dắt cô bạn gái cũng buông ra luôn, cô bạn gái vị tụt luôn lại phía sau. Phải đi chừng vài bước anh Tây mới “sực tỉnh”, đứng lại đơi. Thường thì hàng đã bị hạ giá thì khó có thể lên giá lại. Chẳng biết hôm nay anh Tây có làm sao không.

Đi mãi rồi cũng đến. Văn phòng mình nằm phải chỗ trũng nhất ở phố Trần Hưng Đạo. Cứ mỗi đợt mưa lụt lớn ở Hà Nội là xe máy lại nổi lềnh phềnh. Vào đến thang máy vẫn có chuyện để nghe. Một anh thanh niên không cao lắm nhưng sáng sủa bắt đầu “mở bài” thể hiện với một cô bạn đồng nghiệp bằng cách khoe khéo “May quá hôm nay anh không đi ô tô mà anh đi taxi”. Cao trào được đẩy lên ở “thân bài” bằng sự quan tâm “Tí nữa lên văn phòng em nhớ rửa chân nhé. Nước ngoài đường là rất kinh đấy”. Chưa kịp để cô đồng nghiệp nói câu nào thì anh “kết luận” luôn ‘Em mà chân dài thì có phải hôm nay đi đỡ khổ không. Chân ngắn thì mới bị ướt thế này”. Chắc phần đấy là phần kết vì từ đấy đến lúc thang máy mở cửa mình không nghe được gì thêm nữa.

10h00: Văn phòng vắng như chùa bà đanh. Cảnh tả còn được vài bóng chứ cánh hữu thì không môt bóng người. Sếp thì khoái chí là đi làm từ rất sớm nên không bị mưa. Các đồng nghiệp thì cũng người ướt người khô kể cho nhau nghe chuyện “vượt vũ môn” đến cơ quan. Đang khó chịu vì quần áo ướt, đành ngồi xuống ghế thì nhận ngay được câu hỏi qua của người bạn đã lâu không gặp “Cậu đang ở bên Mỹ à? Đang học tiến sỹ à?”. Đúng là hoang tưởng thật. Bữa trưa được các đồng nghiệp tốt bụng “tiếp tế”. Số cơm nắm và số bánh mỳ đã được “vét” hết ở “Fast Food Restaurants” hoặc siêu thị. Đặc biệt là có món pate “của nhà trồng được”. Được cái chủ nhân món pate cẩn thận dặn trước là món đấy sẽ được khuyến mại thêm món Béc bê rin. Thường thì ai cũng háo hức khi nghe thấy khuyến mại nhưng lần này có vẻ “ngãng ra”, chưa thấy ai nói gì. Nhớ là ngày hôm sau là hết khuyến mại.

Công việc lại như bình thường, lại e-mail, lại báo cáo, lại proposal, lại giải trình…. “Chuyện thường ngày ở Huyện” lại diễn ra…tẻ nhạt hơn đoạn lội nước đến cơ quan nhiều. Cũng chẳng tẻ nhạt mãi được. Con trai gọi điện hồ hởi báo cáo: “Con làm được mỳ úp rồi. Ngon mẹ ạ.” Thế là thêm được một kỹ năng sống mới mà không cần giảng giải nhiều.
 13/7/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét