Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

“Ba chàng ngự lâm pháo thủ”


Hôm nay là ngày đặc biệt của tôi, xin gửi các bạn bài tạp văn tiếp theo viết về 3 thành viên nam – có bạn gái gọi là 3 bạn “rai” – của Lớp Nga 2.

Con trai chuyên ngữ không mấy khi được đánh giá cao như con trai chuyên toán-lý-hóa vì, người ta cho rằng, con trai học trong môi trường nhiều con gái như vậy thì thường kém “nam tính”. Con trai cũng ít khi chọn học chuyên ngữ vì có lẽ không phù hợp với môn chuyên “lắm mồm” này. Vậy nên, người ta cũng hay ví von con trai chuyên ngữ là “mì chính cánh”, hàm ý là của hiếm – chỉ ngày xưa thôi nhé, giờ không ai xài mì chính nữa, chuyển qua knor hết rồi!

Lớp Nga 2 có 3 “mì chính cánh”, xếp theo thứ tự trong danh sách lớp, là: Long, Quang và Sơn. May mắn, 3 thằng được học cùng nhau liên tục trong suốt 3 năm học cấp 3 mà không đứa nào phải hoặc thích chuyển ra trường ngoài.

Về tiểu sử, Long và Sơn đã từng có 3 năm học chuyên ngữ với nhau hồi cấp 2 ở trường Trưng Vương, thế nên, ít nhiều, hai thằng này thân nhau hơn một chút trong thời gian đầu học lớp 10. Quang nhập học muộn gần nhất lớp nhưng cũng nhanh chóng gia nhập đám “đồng minh cùng giới” ấy.

Long, khi đó, bé nhỏ và trầm tính nhất, có nickname là “Bụt” vì đã từng đóng vai ông Bụt trong 1 tiết mục ngoại khóa thời cấp 2. Hồi đó, chắc chẳng đứa con gái nào nghĩ Long “Bụt” sẽ trở nên phong độ và đẹp trai như bây giờ! Cứ giở lại ảnh cũ mà xem!

Sơn trông cũng bé nhỏ trong 2 năm đầu. Đến năm lớp 12, có một lần 3 thằng đứng ở cửa lớp, nhìn qua cửa kính mới chợt thấy nó cao vụt lên từ khi nào, hơn hẳn 2 thằng kia. Năm đó, trường và lớp “cơ cấu” để kết nạp nó vào Đoàn, cho đủ tiêu chuẩn thi đại học. Hồi đó, Sơn có biệt danh là Sơn “Dứa”. Giống như Long “Bụt”, thằng Sơn có cái tên này từ khi học cấp 2. Sau này, khi học đại học, nó còn có thêm vài tên nick khác nữa.

Quang cao hơn cả trong năm lớp 10 và 11, rồi tụt xuống vị trí thứ 2 trong năm cuối cùng. Còn nhớ, 3 thằng đã từng kéo ống quần lên xem bắp chân thằng nào to, ống chân thằng nào dài, để đoán xem thằng nào đã hết tuổi cao, thằng nào còn cao thêm nữa. Bây giờ, bước sang tuổi 40, Sơn vẫn cao nhất, Long và Quang sàn sàn như nhau, thuộc tuýp “người tầm thước”. Thằng Quang vốn chưa có nickname, sau một lần 2 thằng kia tới nhà nó để vẽ bản đồ Việt Nam cho môn địa lý, nó được gọi là Quang “Gà”. Chẳng biết từ đâu mà ra, có thể là từ chữ “Куанга”, tức là chữ Quang viết bằng tiếng Nga ở Cách 2 – Sở hữu cách, hay “quáng gà” nói trại đi, hay…

Thú vui tiêu khiển của 3 thằng, hồi đó, là đá cầu, trò chơi mà chúng nó thích nhất và chơi lâu nhất trong suốt 3 năm học cấp 3. Nhưng trước khi biết đến đá cầu, chúng nó chơi cờ ca-rô. Nam Sơn còn có thêm trò viết thư, bỏ trong ngăn bàn, gửi cho thằng Phong học lớp Nga 1 buổi sáng bằng “hệ thống” mật mã sử dụng chữ số. Ví dụ, 2 chữ cái đầu tên của vợ chồng thằng Sơn bây giờ, có thể được mã hóa như sau: S = 5, H = 76, SH = 576.

Hồi đó có phong trào đá cầu. Không phải là loại cầu chinh làm bằng 2 đồng chinh chì với lông cầu làm bằng giấy bóng kính hoặc ni-lông cứng, mà là loại cầu mới với đế cầu là 3 miếng cao su tròn và lông cầu là túm sợi nhựa ny-lông. Kỹ thuật đá cầu, vì thế, cũng thay đổi. Có thêm những kỹ thuật mới như vít cầu, đạp cầu hay móc cầu kiểu “xe đạp chổng ngược”… những kỹ thuật không dễ thực hiện với cầu chinh chì.

Lúc đầu, khi học ở tầng 1 dãy nhà 2 tầng, gần khu trồng nấm, chúng nó  đá cầu ở cuối lớp. Khi chuyển lên tầng 2, rồi tầng 3 tòa nhà học đường chính, chúng nó đá ở sảnh tầng. Thật may mắn vì sảnh tầng lại rộng như vậy, nên cứ hết mỗi tiết học, 3 thằng lại nhanh nhanh chóng chóng chạy ra đó, quăng dép và đá cầu chân đất cho tới khi thấy thầy cô giáo tiết sau lên lớp.

Chúng nó đã từng tham gia giải đá cầu của trường, nhưng bị thua lớp Toán 2, có thằng Tú “lùn” và 1 thằng nữa đá cầu rất khá. Sơn, chơi tốt nhất trong 3 thằng, giận lắm vì Long và Quang đã không chơi tốt, để đội bị thua như vậy. Rồi mọi bực tức cũng qua đi, trái cầu lại cuốn hút chúng nó mỗi giờ nghỉ giải lao, đến mức chúng nó chẳng quan tâm gì tới bọn con gái trong lớp.

Thời trang của 3 thằng hồi đó cũng là chi tiết đáng phải nhắc lại để nhớ. “Trên mũ cối, dưới dép lốp”. Long là thằng đầu tiên đội mũ cối đi học, hai thằng kia cũng bắt chước theo. Rồi chẳng đứa nào bảo đứa nào, mỗi thằng lại sắm lấy 1 đôi dép cao su, loại dép làm từ lốp ô tô cũ hỏng mà bây giờ chắc chỉ có Bảo tàng Dân tộc học còn lưu giữ. Đã đi dép lốp thì nhất định phải có 1 cái rút dép làm bằng thép, bỏ trong túi quần. Ngày ấy chưa có trẻ em đánh giầy như bây giờ, chứ nếu không, cứ 10 người gặp chúng nó, chắc hẳn 11 người đoán chúng nó là trẻ đánh giày dạo! (Xin lỗi các cháu bé đánh giầy, người viết chỉ có ý so sánh về bộ dạng bên ngoài, chứ không có ý gì khác. – TMQ)

3 thằng đi 3 cái xe đạp cà tàng. Lúc đi học thì không cùng nhau vì mỗi thằng nhà một nơi, nhưng lúc về là dàn hàng ngang, rong ruổi theo đường Giảng Võ, Cát Linh, Trịnh Hoài Đức, Trần Phú… tới ngã tư Cửa Nam thì chia tay. Dọc đường, thú vui của chúng nó là đếm xem có bao nhiêu chiếc ô tô “xịn”. Khi đó, xe của Liên Xô cũ như Volga, Niva, Mackôvíc… đã là xịn rồi, họa hoằn lắm mới thấy được một hai chiếc Toyota hay Honda... Chẳng bù cho bây giờ, đếm những chiếc xe cũ, xấu, “đời ơ kìa”, còn khó hơn đếm xe xịn chạy trên đường phố Hà Nội. Một đất nước gần 90 triệu dân, với tỷ lệ người nghèo còn khá cao, thu nhập bình quân đầu người vừa mới đạt 1.000 đô la Mỹ - mới đấy nhất, vào cuối tháng 4 vừa rồi, có tới hơn 240 ngàn người còn thiếu đói - mà bỏ ra tiền triệu, thậm chí tiền tỷ, đô la Mỹ để nhập khẩu về đủ các loại xe sang trọng của thế giới với giá thường đắt gấp 2-3 lần giá ở chính quốc. Trong đống xe xịn đó, có không ít xe công mua sắm cho các bộ và cơ quan chính phủ, Tây du lịch tới Hà Nội cũng phải “choáng” về điều này!

Ngày đó, 3 thằng “vừa nhỏ người vừa trẻ nết” thế nhưng cứ thích gọi nhau bằng “ông” xưng “tôi”. Không biết đứa nào khởi xướng nhưng, hình như, Long và Sơn đã gọi nhau như vậy từ cấp 2. Quang tham gia vào, đơn giản chỉ “nhập gia tùy tục”. Bây giờ, khi đã bước qua tuổi 40, chúng nó lại xưng hô bằng “anh anh, em em”. Lại còn bắt con cái chào và gọi đứa kia bằng chú cho trẻ. Tất cả là chú hết! Muốn níu kéo tuổi tác đây mà! Con nít thì thích đi giày dép của bố mẹ, người lớn lại thích “chơi trống bỏi”!

Đã có nhiều tranh luận, phân tích, lý giải vì sao tình bạn trong trường phổ thông, đặc biệt là trong 3 năm học cấp 3, thường đẹp và bền lâu, có thể đi cùng nhiều người suốt chặng đường đời.  Nào là sự vô tư, trong sáng, hồn nhiên và chân thành của tuổi học trò. Nào là sự bình đẳng, không phụ thuộc ai về kinh tế, không phân biệt giàu – nghèo,… Nào là đồng niên nên dễ đồng cảm, hiểu và gần gũi nhau, dễ tha thứ cho nhau... Nào là đồng hương, cùng là dân Hà Nội, nên không có sự "phân biệt đối xử", không có tình trạng "đồng hương đồng khói", chia bè kéo cánh,... Nhưng hơn cả có lẽ bởi đây là quãng thời gian đẹp nhất trong đời 1 con người – quãng thời gian không bao giờ trở lại – mà mỗi người nên và phải giữ gìn. Và đó còn là một “chốn bình yên” để mỗi người có thể tìm đến sau những mỏi mệt trên đường đời.

Ngẫm từ bản thân thấy có lý. 3 thằng giờ đây vẫn thân nhau như thời phổ thông, dù sau khi tốt nghiệp, mỗi thằng học 1 trường đại học. Hàng tuần vẫn gặp nhau khi chơi chung trong 1 đội tennis kể từ những năm cuối của thế kỷ trước; thỉnh thoảng lại bia bọt dù cả 3 chẳng phải loại nghiền bia hơi; vào hè cũng có dịp đi du lịch cùng nhau; dịp sinh nhật thì phải gặp nhau ăn uống hát hò karaoke; cuối năm tụ tập nhậu thịt chó xả xui; và chiều mồng 1 Tết thì không thể không làm 1 vòng qua từng nhà, chúc tết và dừng chân ở 1 nhà nào đó để ăn “cỗ khai niên”.

Chẳng phải bây giờ mới nghĩ lại chuyện của 26 năm trước mà, từ hồi đó, chúng nó đã thấy rằng, trong mấy năm học, 3 thằng đã không hòa đồng với bọn con gái trong lớp cho lắm. Trong lưu bút trước khi ra trường, có đứa trong chúng nó đã viết về điều này. Không rõ lý do vì sao? Có thể do nhút nhát, khác biệt về tâm sinh lý lứa tuổi và giới tính,… hay những lý do nào khác.

Suốt cả 3 năm cấp 3, chỉ có duy nhất 1 lần lớp có dạ hội tiếng Nga, tổ chức vào học kỳ 2 năm lớp 10, dưới thời cô Dương Thu Hương dạy tiếng Nga. Trước đó, có 1 lần lớp, cùng toàn trường, tổ chức cắm trại tại … sân trường. Đó có lẽ là những hoạt động ngoại khóa duy nhất mà lớp tổ chức hay tham gia. Lần đó, 3 thằng có tham gia cùng một số bạn gái đóng 1 vở kịch, nhưng theo ý kiến chủ quan, vở kịch đó không thành công, cả về chuyên môn tiếng Nga lẫn diễn xuất. Một phần vì tiếng Nga còn kém, phần lớn vì 3 thằng còn nhút nhát quá, không thể diễn một cách tự nhiên như cô Hương đã dày công đạo diễn.

Năm lớp 11, lớp có đi chơi Ao Vua, nhưng không đủ mặt 3 thằng. Quang, đứa có vẻ lập dị nhất hồi đó, không tham gia.

Sang năm học lớp 12, cả lớp đi thăm quan Thủy Điện Hòa Bình, cả 3 thằng đều không tham gia. Đổi lại, chúng nó, mỗi thằng 1 cặp lồng cơm, đạp xe đạp đi lang thang sang khắp thành phố, rồi sang mãi tận bên kia sông Hồng suốt 1 ngày.

Đến bây giờ, 3 thằng vẫn chưa hiểu hết vì sao, hồi ấy, chúng nó lại như vậy. Có lẽ, lý do chính là lớp thiếu một người lớn tuổi hơn, cụ thể là 1 thầy hoặc 1 cô giáo – tốt nhất là thầy, mà phải là thầy chủ nhiệm – có thể làm cầu nối gắn kết cả lớp với nhau. Sống trong một xã hội chưa “thoáng” và cởi mở như bây giờ, lại bước sang tuổi mới lớn, có nhiều thay đổi và phát triển về tâm sinh lý giới tính, con trai và con gái khó hoặc ngại gần gũi nhau một cách tự nhiên. Con trai hồi đó còn rất không thích bị chế hay gán ghép với 1 bạn gái nào đó. Nói như vậy không biết có phải là bao biện không vì  hồi đó có mấy thằng lớp Lý 2 sang “cưa cẩm” mấy đứa con gái trong lớp Nga 2 này. Tuy không thành đôi những mấy đứa đó vẫn chơi với nhau cho tới tận bây giờ. Mãi về sau này mới nghe nói là chính mấy đứa con gái lớp Nga 2 sang “chài” mấy thằng con trai bên đó trước.

Hồi đó, thầy Huy và cô Hoan làm chủ nhiệm chỉ là tình thế. Thầy Cường dạy môn chuyên nhưng lại không làm chủ nhiệm và không theo lớp liên tục. 1 học kỳ học cô Hương, một người trẻ trung, sôi nổi và ưa hoạt động đã giúp lớp có tiến bộ phần nào nhưng, dù sao, cô Hương vẫn là nữ và chỉ dạy 1 thời gian quá ngắn ngủi.

Giá mà, hồi ấy, thầy Cường dạy môn chuyên và làm chủ nhiệm đủ 3 năm học, cũng như không “trái tính” – như một đứa trong lớp bây giờ nói vậy – sống ít nội tâm và hướng ngoại hơn, và có một cuộc sống riêng êm ấm hơn, có lẽ Thầy đã có thể giúp lớp hoạt động tập thể nhiều hơn, qua đó gắn kết nhau hơn và đã có thể là một Đác-ta-nhang (D’Artagnan) bổ sung thêm sức mạnh cho “Ba chàng ngự lâm” là 3 thằng con trai.

Giờ đây, mỗi khi lớp tụ tập, 3 thằng không còn “lép vế” như trước nữa. Chúng nó, thậm chí còn già mồm hơn bọn con gái. Lại là con trai nên cũng bạo mồm hơn nữa, khiến bọn con gái, vì dù sao vẫn phải ý tứ, không thể đối đáp lại. 3 thằng thường hay “đánh lẻ”, không rủ các bạn gái đi cùng, để tới chơi với thầy Cường. Thường đã tới nhà thầy là ngồi tới rất khuya, xem phim, nghe nhạc, uống trà đặc, hút thuốc lá… và tán chuyện trên trời dưới biển. Câu chuyện nhiều khi không còn ranh giới thầy trò mà là những câu chuyện giữa những người đàn ông với nhau hay những người bạn vong niên.

Mì chính cánh là thứ dễ hòa tan. Chắc người ta ví von như vậy không phải có ngụ ý là con trai chuyên ngữ dễ bị “hòa tan” trong môi trường “âm thịnh dương suy”, nhiều nữ tính thiếu nam tính. Mà nếu có muốn ngụ ý như vậy thì chưa chắc đúng. Giống như câu ví von về con gái học ĐH Bách khoa hay Tổng hợp như sau: “Quỉ Bách khoa. Ma Tổng hợp”, ý nói con gái của 2 trường đó xấu như quỉ như ma. Đâu có đúng! Chẳng nói đâu xa, ngay lớp Nga 2 cũng có mấy bạn học Tổng hợp đấy, nhưng xinh phết, chẳng xấu như ma. Có phải không nhỉ?

Hỡi 3 thằng, đừng là “Mì chính cánh”, hãy là “Ba chàng ngự lâm pháo thủ”!


TMQ. 7 tháng 5 năm 2011.
Viết cho ngày đặc biệt 14/5/2011.

4 nhận xét:

  1. Một ghi chép hay của TMQ! Tuy nhiên sau khi đọc phần về thầy Cường và phần kết, mình đang tự hỏi ai có thể là Aramis trong ba người bạn.

    ... Vẫn đang tìm kiếm câu trả lời, và mình cảm ơn các bạn nếu ai đó giúp giải đáp thắc mắc. :)

    Trả lờiXóa
  2. @HBM:

    Haha... HBM rất thích "củ tỉ" mà đôi khi không thể cụ thể, tỉ mỉ được. Chắc mắc "bệnh nghề nghiệp" rồi!

    3 là 1, 1 là 3!

    Trả lờiXóa
  3. Hay,hay that!Bravo 3 chang ngu lam(dung keo T vao day nhe!)Gio moi he mo lo ra nhung tinh cam sau sac tham kin.Xem xong khoi fai di cafe gap go cuoi tuan.Bao gio viet tiep theo day?Chuyen con dai dai ma?

    Trả lờiXóa
  4. Ngày "chàng Ngự lâm" cuối cùng lấy vợ, cả lớp đến đông lắm. Bọn con gái bắt đầu tấm tắc khen "các Mì chính cánh" sau bao năm trông "phong độ, oách phết". "Chàng Ngự lâm đanh đá" không bỏ qua cơ hội phản công "Bọn con gái chúng mày ngày xưa không nhìn ra tiềm năng của bọn tao nên toàn chạy theo thằng nảo thằng nào, bây giờ thấy tiếc chưa?". Chằng biết có đứa con gái nào trong lớp tiếc không nhỉ?

    Trả lờiXóa