Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Quảng Trị 11-2010

Phải chăng những người “sống chậm” hơn lại có những niềm vui mà những người “sống nhanh” hơn đang dần để tuột mất?

Mở đầu bao câu chuyện cổ tích dành cho trẻ con hay có câu “Ngày xửa, ngày xưa…” Tức là đã lâu lắm lắm rồi, không ai còn nhớ chính xác là bao giờ nữa. Chẳng phải tự nhiên người ta hay dùng những chuyện “Ngày xửa ngày xưa” để kể cho con trẻ. Có lẽ vì nó quá đẹp và người lớn muốn trẻ nghe và mơ ước tới. Còn “Ngày nảy, ngày nay”, khi hồi tưởng về những gì xảy ra mươi, mười lăm năm trước thôi, người thường hay nói “Ngày xưa thế nọ, ngày xưa thế kia…” Cái gọi là “Ngày xưa…”, phải chăng có điều gì đó của những ngày xưa đầy khó khăn, vất vả vẫn còn làm cho người “Ngày nay” nuối tiếc? Có những lúc trong cuộc sống nhanh, rất nhanh này, ở một nơi nào đó, ta như tìm lại được những thứ “Ngày xửa, ngày xưa...”, từ những con người “sống chậm hơn” những người khác.


Chúng tôi trở lại Dakrong, Quảng Trị sau hơn một năm kể từ ngày bão Ketsana gần như san phẳng cả một vùng rộng lớn. Nhà cửa, trường học, ruộng vườn, cây cối và tài sản của những con người đã từng chịu quá nhiều khó khăn đã lại bị con lũ cướp đi sau một đêm. Cuộc sống nơi đây như càng thêm khốn khó. Những hình ảnh lớp học chỉ còn lại một phần của bức tường phía trước, người đàn ông hiền lành lặng lẽ trước ngôi nhà dựng tạm sau khi ngôi nhà gỗ được coi là đẹp nhất trong khu vực mà cả nhà ky cóp cả đời mới có, nơi anh em Plan chúng tôi thường ghé vào xin nghỉ một lúc trên đường đi công tác đã bị cuốn đi không còn lại dấu vết. Những đứa trẻ quẩn quanh với ánh mắt …cứ luôn ám ảnh chúng tôi. Năm nay lũ lụt nặng nề đã “chuyển” sang tỉnh bên nhưng không có nghĩa là Quảng Trị chẳng sao. Mưa vẫn rơi. Trời vẫn xám xịt. Vì đã thêm chút kinh nghiệm từ năm trước, vài người trong nhóm chúng tôi kịp ghé vào chợ ven thị xã “sắm thêm đôi ủng cao su để có thể “lội” trên đường đi. Tôi thì chẳng quên chiếc mũ tai bèo đã từng theo tôi trong vài chuyến đi.

Đón chúng tôi vào ngôi nhà sàn phong cách mới được dựng sau lũ: mái tôn, tường cót ép, cột chống bê tông là một nhóm chị em trong buổi sinh hoạt nhóm “Tiết kiệm và Vốn vay thôn bản”, một hoạt động dự án của tổ chức Plan đã triển khai được ở thôn hơn 6 tháng. Trời mưa, đường lầy lội nhiều ngày nay nhưng vì có khách đến chơi nên chắc ai cũng cố để dành một bộ quần áo đẹp nhất của mình để đón khách. Những nụ cười và một bài hát bằng tiếng bản địa thay cho lời chào. Cũng vì cái vốn tiếng bản địa số 0 của mình, chúng tôi trở thành “dân tộc thiểu số”. Nhiều người trong số chúng tôi vừa nghe, vừa nhìn, vừa đoán. Tiếng cười giòn tan của các chị, bài hát lúc ngân nga, lúc dồn dập trong nhịp vỗ tay mang lại ngay cảm giác ấm áp cho những người nơi xa đến. Không ít người chúng tôi đã từng nghe về những nhóm sinh hoạt này này lâu nay. Ai cũng tò mò là ở những nơi thế này, kiếm được tiền để trang trải những cái tối thiểu nhất của gia đình đã là không dễ, nói gì đến tiết kiệm và cho người khác vay. Nỗi hoài nghi về hoạt động nặng tính lý thuyết và chắc không tránh khỏi sự ‘trình diễn” để làm đẹp lòng người.

Những điều tưởng chừng như không thể đã ùa đến làm chúng tôi ngỡ ngàng. Những người phụ nữ vẫn thường chỉ quẩn quanh ngôi nhà, ruộng vườn của mình đã cùng nhau thử làm và họ đang làm được. Chỉ sau vài tháng, cùng chia sẻ mối quan tâm làm cho cuộc sống của mình và gia đình tốt hơn, họ đã trở thành người tiết kiệm, gửi tiền, cũng là “ngân hàng” cũng là người cho vay. Người chưa biết đếm thì đếm cùng người đã biết, người chưa đọc được chữ sẽ đọc cùng người đã biết hơn. Họ cùng quyết định và quyết tâm mỗi tháng mỗi người sẽ tiết kiệm được ít nhất từ 10,000-20,000 đồng để đóng vào “ngân hàng” của nhóm mình. Tháng nào “bội thu” từ nương sắn, vườn rau, con số có thể gấp 3-4 lần thế. Chẳng có chữ ký, cũng chẳng có hệ thống máy tính hiện đại, mỗi 10,000 đồng gửi “ngân hàng” tương đương với  một con dấu màu đỏ hình mũi tên được đóng vào sỗ làm tin. Cứ đếm số lượng dấu là biết mình đã tiết kiệm được bao nhiêu. Cả 12 chị em cùng chứng kiến đóng dấu, đếm tiền, đồng thanh nói to số tiền hàng tháng cả nhóm tiết kiệm được, đố mà sai lệch đi đâu. Rồi cũng chính họ cùng nhau quyết định số tiền sẽ được ưu tiên cho ai vay để đầu tư trồng trọt chăn nuôi hoặc làm việc nhà trước. Tiền còn lại và toàn bộ sổ sách liên quan được cho vào “két” nhôm có hẳn 3 khóa ở 3 góc. “Két” này chỉ có thể mở khi có 3 người. Sự rõ ràng minh bạch hiếm thấy ở những nơi được cho là chuyên nghiệp và phát triển nhất. Tháng này, chính họ cũng khó có thể tin là họ đã tiết kiệm cùng nhau được những 1,350,000 đồng. Đó là kết quả của nữa tháng tích góp dành dụm tiết kiệm của 12 con người. Họ hồ hởi khoe tháng này được thế vì thu được nhiều sắn. Số tiền ở Hà Nội có lẽ chưa mua đủ 2 bát phở, loại nghe nói là dùng thịt bò ở tận Tây về nhưng là một gia tài không nhỏ của người dân nơi đây.




Mỗi chị em cũng không quên mỗi tháng dành ra 2,000 đồng đóng vào Quỹ Xã hội của nhóm để có thể sử dụng thăm hỏi nhau khi trái nắng, trở trời. Nhưng hơn thế nhiều, buổi sinh hoạt của họ tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Ngày sinh hoạt nhóm là cơ hội hiếm hoi trong cả tháng lao động vất vả họ được thực sự gặp nhau chuyện trò, ca hát, thăm hỏi, động viên nhau, và chia sẻ việc nhà. Nồi sắn mới dỡ, buồng chuối chín dở từ vườn nhà làm không khí cộng đồng bình dị nhưng vô cùng ấm cúng. Không hiếm người trong số họ mới lần đầu tiên trong đời được “tập phát biểu ý kiến” của mình trước một nhóm đông như thế. Họ cứ mong đến buổi sinh hoạt nhóm một cách háo hức lạ kỳ. Trộm nghĩ nơi thành phố mình đang sống, nơi có hệ thống ngân hàng phát triển mạnh, đếm tiền không phải là một kỹ năng khó, nhưng hàng xóm láng giềng chẳng mấy khi sang nhà nhau, thậm chí không hiếm người ở cùng dãy phố hay cùng khu tập thể với nhau đến hơn 10 năm mà cũng “chẳng biết ai vào ai”, có nhiều thú vui ở nhiều nơi khác thì làm gì có chuyện “hàng xóm, láng tỏi” cùng nhau tiết kiệm, vay nhau và vui cùng nhau thế này. Các kiểu sinh hoạt khối phố đã là chuyện của “Ngày xưa”. “Ngày nay” có chăng sót lại cũng chỉ được dành cho các cụ bô lão, về hưu “độc quyền”. Mà không phải cụ nào cũng được tham gia. Ngoài lý do sức khỏe, không hiếm cụ cũng ngại ngùng vì con cháu bảo “rách việc”. Nhiều người nhất là người trẻ còn có cảm giác ngại ngùng hoặc sợ khi vừa ra khỏi cửa nhà bị hàng xóm hỏi mấy câu. Muốn biết nhiều thông tin hơn chút về những người xung quanh thì may ra chỉ có từ “trung tâm thông tin vỉa hè” của mấy bà hàng nước đầu ngõ, cuối phố. Dần dần, “gần nhà, xa ngõ” làm những con người phải “sống nhanh” hơn ở nơi phố phường sầm uất cứ phải đi “tẩn đẩu, tận đâu” để tìm niềm vui.

Ngoài sân, trời vẫn mưa, sân nhà vẫn trong bùn lép nhép nhưng tràn ngập tiếng cười của con trẻ. Các cô bé đầu ướt sượt nhưng không quên làm điệu. Hai cậu bé thay phiên nhau khoác cái áo hồng có mũ để chụp ảnh. Cái áo này chắc gia đình đã nhận được từ đợt cứu trợ sau lũ lụt năm ngoái vì nó rất khác áo người dân nơi đây vẫn măc. “Có gì mặc nấy”, chẳng câu nệ gì. Con tôi cũng trạc tuổi những đứa trẻ này nên tôi không quên hỏi “Các con chơi ở dưới trời mưa thế này, không sợ ốm à?” Câu hỏi đấy chắc là thừa và “vô duyên” nên bọn trẻ chẳng trả lời, chỉ cười. Chắc chúng nó chẳng có khái niệm ốm khi chơi thế này. Tự nhiên tôi cũng cảm thấy đôi ủng cao su to lù của mình trở nên lạc lõng trong khung cảnh khi con người quá gần gũi với thiên nhiên, với nhau và nhiều tiếng cười thế này. Với thời tiết thế này, trẻ em thành phố chắc đang ngồi trong phòng xem phim hoạt hình, chơi trò chơi điện tử hoặc ít nhất cũng hì hụi ngồi tự chơi nếu bố mẹ chúng nó còn đang quá bận với “cơm áo, gạo tiền”. Làm gì có chuyện được ra ngoài chơi dưới mưa. Chơi thế thì có mà ốm cả tháng à?  Rồi đợi, lại đợi, để đến những ngày nghỉ dài hơn, các nhà “chen vai thích cánh” ở đường cao tốc cho con đi ra khỏi thành phố “cho trẻ có chỗ chạy nhẩy một tí”.

Dường như không có gì phải vội vàng nơi đây. Tôi tự hỏi, có phải chúng tôi đang cố gắng cùng họ để có cuộc sống tốt đẹp hơn hay chúng tôi mới là người cần phải học từ họ “sống chậm lại” để níu lại những niềm vui trong cộng đồng mà bấy lâu nay chúng tôi dường như đã để tuột mất.



PTB - 1/5/2011
(Một ngày ở Hà Nội, sau chuyến đi tập huấn cùng anh em Plan Quảng Trị,
nhớ chuyến đi DaKrong, Quảng Trị  tháng 11/2010)





4 nhận xét:

  1. @PTB:

    Tranh thủ "sống nhanh" nốt mấy ngày nghỉ lễ nên bây giờ mới đọc lại thật kỹ, suy ngẫm và viết "còm". Vẫn là người đầu tiên, sau tác giả!

    Tôi thích câu này: "...những con người phải “sống nhanh” hơn ở nơi phố phường sầm uất cứ phải đi “tận đẩu, tận đâu” để tìm niềm vui..." Nhưng đi xa như PTB để được chia sẻ niềm vui với những người dân, phụ nữ và em nhỏ ở Dakrong chẳng phải là đáng đi lắm sao!

    Tôi mong có ngày được đi tới vùng cao Trung Bộ và Tây Nguyên.

    Trả lờiXóa
  2. Thu Ba oi, hieu duoc nhung tsm tu cua Ba, nhung de cham lai nhip dieu cong viec, cuoc song, thay kho qua. COn trai ut cua minh dang o do tuoi de thuong nhat - 2 thang nua chau sinh nhat 2 tuoi - ma me chau suot ngy de chau o nha voi ba trong tre de di lo viec "nuoc" day.

    Trả lờiXóa
  3. @PTB:Đọc thấy cảm xúc của bạn mình chân thành và cảm động quá. Việc làm của bạn và tổ chức còn mang lại ý nghĩa nhiều hơn thế. Tự thấy hơi "xấu hổ" với bản thân chút.
    @ TTH:Quy luật mà. Giờ "sống gấp" vì vẫn còn sức để chinh chiến.Con bé cty tao con mới 2 tháng đã phải đi làm rồi cơ ( Làm cả ngày luôn ).Tùy điều kiện và hoàn cảnh. Vài năm nữa đến tuổi...tha hồ mà "sống chậm", lúc đó có muốn "gấp" cũng không đuợc.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn các bạn đã quan tâm nhé. Có một bạn khi đọc bài này có chia sẻ với Thu Ba một câu chuyện như sau:

    Có một gia đình rất giàu có sống sung túc ở thành phố. Gia đình này có duy nhất môt cậu con trai nên được cả gia đình cưng chiều, nâng niu và quan tâm. Vào dịp mùa hè, năm cậu lên 10 tuổi, gia đình đưa cậu về quê nội ở nông thôn thăm ông, bà, anh em họ hàng. Một tháng sau, khi bố mẹ cậu về quê đón lên thành phố để đi học, ông bố rất hỏi rằng:

    - Con thích ở nhà ông bà nội hay về nhà mình ở thành phố?

    - Cậu bé trả lời: Con thích ở quê hơn vì ở quê giàu hơn ở thành phố!

    - Ông bố lại hỏi: Vì sao con bảo là ở quê giàu hơn!

    - Cậu bé trả lời: Vì ở quê có ao cá to hơn ao cá nhà mình (bể cá cảnh), được tắm mát và bơi đùa thỏa thích; có cánh đồng rộng mênh mông, bát ngát mà có thể nhìn đến tận chân trời (to hơn vườn cây cảnh); có cả những đàn chim khuyên, chim sáo, đàn có bay thẳng cánh (mà không cần lồng phải nhốt); mỗi nhà có một ngõ riêng vào nhà mà không phải chen lấn; không phải khóa cửa, khóa cổng khi ra vào nhà; khi đêm đến thì thắp cả trăm nghìn bóng điện lung linh với cơn gió thổi mát lành (không cần phải điều hòa, quạt gió,…)

    Khi đó, người bố mới giật mình nghĩ lại và nói với cậu con trai rằng:

    - Ừ, nhà mình và cuộc sống ở thành phố nghèo và khổ thật con ạ!!!

    Trả lờiXóa