Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Tết Việt đầu tiên ở nước Nga

Thấm thoắt đã 27 năm kể từ ngày những cô gái Việt đón Tết đầu tiên xa nhà nhưng ký ức gần như còn nguyên vẹn. Xin chia sẻ với các bạn một trong những câu chuyện đó qua lời kể của Công chúa Tuyết trong câu chuyện "Noel đầu tiên ở nước Nga.", người đã gắn bó với Blog này lâu nay.
Ảnh mang tính chất minh họa (nguồn Internet)
          Trời cuối tháng giêng. Tuyết rơi trắng đường. Những ụ tuyết to tướng được người ta dọn, đánh thành đống ở hai bên đường. Ngoài đường người đi lại vội vã, ai cũng muốn đi thật nhanh để lên được xe, tàu, vào cửa hàng hoặc về nhà thật nhanh cho đỡ rét. Nhiệt độ ngoài trời khoảng âm 15 – 200C, nhưng không có cảm giác rét buốt, cắt da cắt thịt như ở nhà ta. Việc đi bộ nhanh cũng làm nóng người, quần áo, giày ủng. mũ lông cũng đủ ấm. Hơn nữa, trên các phương tiện công cộng, hoặc trong các cửa hàng, hệ thống sưởi chạy liên tục, ở ốp cũng thế. Còn nhà ta, chúng ta phải chịu đựng cái rét 24/24. Càng nghĩ càng thấy thương người ở nhà, lò sưởi không, quần áo cũng không đủ ấm.
          Lòng người lại trĩu nặng cô đơn khi lần đầu tiên phải đón Tết xa nhà. Bước chân đi vào nhà máy cũng phần nào chậm lại theo trạng thái tinh thần. Nhiều khi đứng ở bên xe, nhưng có một vài người chả nhìn biển số tàu điện, xe buýt, xe điện bánh hơi...  vẫn nhẩm tính hôm nay là ngày bao nhiêu Tết, nhỡ xe, nhỡ tàu điện đến ngớ ngẩn. Có khi phải có mấy cánh tay lắc lắc, giật giật thì mới giật mình nhớ ra mình phải đi đâu làm gì. Những cánh thư bay đi, bay lại không khoả lấp đuợc nỗi niềm nhớ nhung của ngần đấy con người. Các chị em có gia đình thì vẫn khóc thầm mỗi đêm, nhớ nhà, nhớ con rồi đem ảnh gia đình ra ngắm. Các em trẻ vô tư hơn, nhớ nhung cha mẹ, rồi người yêu ở nhà. Nhưng nhớ là thế, đã có một số người bắt đầu có cảm tình với những bạn mới.
          Đoàn thanh niên tích cực huy động các đoàn viên của mình tập văn nghệ để biểu diễn văn nghệ toàn vùng và văn nghệ của ốp. Không khí thật là náo nhiệt. Cánh trẻ tham gia rất tích cực, đủ loại hình văn hoá văn nghệ được phát huy: múa trống cơm, múa theo nhạc nền của bài hát, hát cải lương.... tập hát các bài hát Nga, rồi bài hát Việt, rộn ràng cả Góc đỏ dưới tầng một. Vì đi làm trái ca kíp nhau, nên các buổi tập luyện cũng vào giờ trái khoáy, nửa đêm! Họp đoàn thanh niên toàn đơn vị có cố gắng mấy cũng chỉ được 2/3 số lượng, còn số kia phải đi làm ca kíp. Ngày biểu diễn 'cây nhà lá vườn' cũng vắng 1/3 số công nhân. Chỉ có ngày biểu diễn của toàn vùng, nghĩa là toàn công nhân thành phố cũng vắng một phần ba. Những ai được tham gia biểu diễn sẽ được nhà máy tạo điều kiện hết sức để đổi ca, hoặc sẽ làm bù sau. Năm đầu tiên, quân nhà ta được sinh hoạt văn nghệ theo kiểu ngày, nên rất hứng khởi. Chị em tập mải miết, vui vẻ quên hết cả nhọc nhằn ca kíp và bớt đi nỗi nhớ nhà dày vò. Chả gì cũng là năm đầu tiên. Vẫn có chị, ban ngày thì tỏ ra cứng rắn, nhưng lại khóc lén vào ban đêm. Một số em gái có dịp chứng tỏ bàn tay khéo léo của mình. Họ đi kiếm mấy cành bạch dương khô mang về. Quấn giấy màu quanh cành cây, trên đó có dán những cánh đào giấy, nhụy vàng, điểm vài cái lá xanh trông thật dễ thương. Căn phòng được trang trí bằng cành đào giấy, với những bưu thiệp vui nhộn. Đấy là trọng tâm chính của căn phòng. Việc chụp ảnh gửi về nhà vẫn là trào lưu ở đây, nhất là đối với những người mới sang. Dịp Tết này, mấy anh thợ ảnh màu tha hồ kiếm. Trung bình mỗi người cũng vài kiểu, mỗi kiểu in ra vài cái để gửi về nhà, gửi cho bạn bè người thân. Những bức thư gửi về nhà có kèm theo ảnh lúc ấy là món quà quy với người nhà.
          Đêm liên hoan văn nghệ diễn ra rộn ràng vui vẻ, cái Góc đỏ chật cứng người. Đại diện của nhà máy cũng tham gia. Nhà máy còn 'xịn' đến mức mời cả một dàn nhạc sống của bạn đến nhảy múa cùng. Thực ra 'dàn nhạc' này là của Đoàn thanh niên Côm xô môn thành phố đến vui cùng với công nhân ta. Lúc đầu quân ta còn lạ lẫm, nhưng rồi tiếng nhạc, tiếng trống của những bản nhạc vui nhộn nổi lên, các em trẻ chẳng 'nhịn' được, leo lên sân khấu nhảy tất. Cả bạn và cả ta, thi nhau hát hết bài nọ đến bài kia. Cuối cùng tất cả các ghế được dẹp hết lại, đèn màu bật lên, nhảy múa tưng bừng. Cái đêm sát Tết ta ấy, chắc mấy ai quên trong cuộc đời đi lao động xuất khẩu của mình. Còn một tuần là tới Tết ta. Tết nhà ta, quân ta cũng được nghỉ như luật lao động và theo thoả thuận ký kết giữa hai nước. Cái tuần sau đó, đoàn thanh niên của Vùng với đoàn thanh niên của Nga tổ chức liên quan văn nghệ giữa các ốp trong vùng với nhau. Âm thanh, ánh sáng thật tuyệt vời trong mắt những con người mới xa nhà. Đây cũng là dịp nam thanh nữ tú các vùng lân cận đến chơi rồi làm quen với nhau. Ở nhà nếu có cách nhau một con phố, hay cùng một xã, thì cũng chẳng ai biết đến ai. Bên này, đâu đâu cũng là đồng hương cả. Cùng phố, quá tốt, là đồng hương, cùng quận – là đồng hương, thậm chí cùng xã, huyện và cùng tỉnh cũng là đồng hương hết. Mọi người nhiệt thành chào đón lẫn nhau, cho nhau địa chỉ, mời nhau đến chơi nhà. Đâu cũng là anh em, đồng bào ta cả. Nhưng cũng có một câu nói của dân nhà ta ở bên đấy mà mãi sau này mới thấm "khổ vì bạn, khốn nạn vì đồng hương". Lúc đấy nghe thấy thế, ai cũng nhăn mặt. Gớm làm gì mà nói quá lên thế. Đương nhiên là có chuyện con sâu bỏ rầu nồi canh, nhưng làm gì đến nỗi. Xa nhà, chúng ta phải thương yêu nhau chứ. Nhưng thôi, bốn năm, chả ai biết đâu được, "không ai nắm tay từ tối đến sáng", mọi người vẫn nói với nhau như vậy. Câu này thì áp dụng gần như đúng trong mọi trường hợp, từ chuyện yêu đương, bỏ người yêu, yêu người mới, chơi bạn này, bỏ bạn kia, nói xấu lẫn nhau loạn xạ, nói xấu ta với tây.... Thế cho nên, những lưu học sinh học đại học bên này, nhìn nhận công nhân lao động nhà mình với ít thiện cảm. Sau này, khi người lao động nhà ta sang quá đông, sự giao lưu giữa các tầng lớp người Việt ở bên này mở rộng hơn, nên cái nhìn cũng thoáng hơn. Âu cũng là con người cả.
          Tết. Đồ ăn khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bánh đa được chế biến tối đa trong những ngày giáp Tết. Thức ăn bên này không thiếu, chỉ cần trích 1 tuần của lương tháng mua thức ăn trong dịp Tết thì ăn nhoè. Quân nhà ta kháo nhau thế. Phòng nào cũng nấu măng, không có móng giò thì thay vào bằng thịt chân giò (thiếu mỗi cái móng), gà dai 1,2 rúp ... tha hồ ninh nấu. Tiền điện không mất, nên bếp điện chung được ninh nấu suốt ngày đêm. Cứ một tầng thì có hai cái bếp chung. Mỗi bếp được bố trí 4 cái bếp điện to tướng. Ai ngày đấy mua được bếp điện này mà mang về nhà thì quả là một thành tích lớn. Bên trên bếp là 4 mặt bếp có thể nấu theo các chế độ to nhỏ khác nhau. Dưới là gầm lò, tha hồ làm món nướng. Quả thật là sung sướng. Mỗi tầng có 2 đội, vị chi là hai nhà bếp. Nhưng không đến nỗi chen chúc, vì công nhân thay nhau đi làm ca. Duy chỉ có ngày lễ của bạn, Tết của ta thì hơi đông một chút. Năm đầu tiên, quân mới hầu như chả dám đi đâu ra khỏi thành phố, chưa biết tiếng. Với lại chưa quen biết nhiều. Muốn đi chơi thì cũng phải có giấy mời của người thân, bạn bè ở thành phố khác thì mới làm vi-sa được. Thế cho nên mới có chuyện người nọ hỏi người kia, quân cũ hỏi quân mới rằng năm nay ăn Tết ở đâu. Có những chuyện hỏi nhau trong hoàn cảnh thật là trớ trêu, thậm chí là không thể tin được. Chả là, cuối mỗi tầng đều có nhà vệ sinh. Vì ốp toàn nữ, nên nhà vệ sinh cũng chẳng cần phải có cửa cho từng phòng vệ sinh. Một bên là bồn đánh răng. Có đến 20 cái bồn đánh răng men trắng bóng loáng trong phòng đánh răng, rửa mặt. Đối diện, bên kia hành lang là nhà vệ sinh, cũng có đến 20 cái bệ, trong đó, chỉ có 15 cái 'phục vụ' cho việc đi nặng, đi nhẹ. Còn 5 cái phục vụ cho việc rửa ráy vệ sinh phụ nữ, vì có vòi phun, rửa chỗ kín. Hay thế nhỉ! Văn minh quá. Nhưng quân nhà ta vẫn không quen dùng vòi rửa, nó cứ như thế nào ấy. Nên tối đến từng tốp mang chậu thau ra, ta dùng theo cách của nhà ta. Nhà vệ sinh chỉ chia ô, chia bệ, không có cửa, các tường chia ô cũng cao ngang người. Một quy tắc đã được phổ biến là không ai được cho chân lên bồn vệ sinh, vì nó không phải là xí xổm. Nhưng ngồi bệt xuống bệ sứ kia, bẩn chết, ai mà chịu được. Sạch ta cái đã, mặc kệ người khác. Do quân nhà ta tính vui vẻ và cộng đồng cao, nên vào nhà vệ sinh, cũng có thể chuyện trò được. Ngồi bên nọ, võng vẹo nói chuyện sang bên kia, 'rôm rả' cả buổi sáng. Thế nên mới có chuyện, ngồi trong nhà vệ sinh, người nọ hỏi người kia "Năm nay mày ăn tết ở đâu?". Tiếng người ở ô bên kia đáp lại "Ở đây chứ còn ở đâu nữa!". Tiếng người ban đầu nói tiếp: "Ừ, tao cũng ăn ở đây thôi". Nếu hiểu một cách trực diện, thì ở đây, có nghĩa là ở trong.... nhà vệ sinh này? Cái kiểu hỏi tắt và trả lời tắt thì vô khối.
Những câu chuyện bàn về Tết, chuẩn bị Tết ở bên này, đặc biệt là trong năm đầu tiên, là đề tài bàn tán sôi nổi của nhóm công nhân vừa mới đến. Đặc biệt, có một người rất thiệt thòi, chả được ăn Tết ở đâu cả, ngoài bệnh viện. Đó là chị công nhân bị cửa kính rơi vào đầu, vẫn phải nằm trong bệnh viện để chữa trị, phục hồi chức năng. Người bệnh đã tỉnh táo hơn, nhưng chưa đi lại nhiều được. Thỉnh thoảng lắm, người trong đội cũng cắt cử nhau đi thăm, vì vào ca ai cũng bận cả. Bác sĩ bảo chị ấy phải nằm thêm 2 tháng nữa mới ra viện được. Mà rồi ra viện, còn phải kiểm tra sức khoẻ lại, trước khi được đi làm. Nếu có được ở lại làm, thì cũng chỉ được làm những việc hết sức nhẹ nhàng như nhặt chỉ, nhặt sợi... Điều đó đồng nghĩa với thu nhập sẽ không cao, chỉ đủ ăn mà thôi.
          Đêm 30 Tết, cả ốp không ngủ. Một vài gia đình người Nga sống chung ở tầng 2 cũng phải chấp nhận tiếng ồn này. Họ đâu có đón Tết như ta. Nhưng biết làm sao được, dân ta chiếm số đông. Với lại các bạn trong khi chờ được phân căn hộ, thì cũng đành phải sống chung và vui chung bắt buộc trong ngày Tết, đặc biệt là đêm giao thừa. Các tầng ầm ầm, hương khói khấn bái xong, nhảy xầm xập trong phòng, trên đầu người ta. Mà sàn nhà được làm bằng gỗ, nên tiếng ồn càng kinh khủng hơn. Hương khói nghi ngút. Các bạn Nga đi qua cảnh báo cận thận không thì cháy nhà đấy. Cháy là cháy thế nào, thẻ hương đỏ cháy lử dử thế kia, cháy làm sao được. Mấy chị có tuổi đang xì xụm khấn vái, mấy em trẻ đi qua, hét vọng vào "Các cụ làm gì có vi-sa và hộ chiếu sang đến tận đây để nghe mấy chị cong mông lên khấn vái!" Có chị bỏ ngoài tai những lời trêu trọc chẳng hề ác ý. Nhưng có chị cảm thấy 'xúi', nên đang khấn cũng bực tức quát lại: "Cái bọn trẻ này láo thật! Có để cho người ta khấn vái không hả? Để cho người ta tự do tín ngưỡng chứ. Đúng là mấy con nạc nô!" Mấy đứa kia, chỉ chờ có thế, ré lên cười rồi chạy mất. Có chị còn đem cả chậu nước vào nhà, tiền lẻ rải khắp phòng, với hy vọng năm tới được nhiều tiền lương, tiền thưởng, kể cả 'thu nhập' từ buôn bán nữa.
          Vì là Tết đầu tiên xa nhà, quân nhà ta chuẩn bị chu đáo lắm. Trong phân xưởng, các chị, các em đều nhờ phiên dịch nói mời các bạn trưởng ca đến ăn ngày Mùng Một. Các bạn cũng rất vui. Các bạn bảo năm nào cũng được công nhân ta mời đến ăn Tết, vui lắm. Các bạn Việt Nam thật là hiếu khách. Người nhà ta cũng tranh thủ kể về lòng hiếu khách của mình, phong tục đón Tết ở nhà ra sao. Xét về góc độ lợi ích, đây quả là công tác đối ngoại nhân dân. Làm cho bạn hiểu ta qua những điều bình dị nhất. Thường thì cứ 3 - 4 phòng rủ nhau làm một mâm cỗ tết, kê bàn dọc giữa phòng, đủ chỗ cho tận 20 người ngồi. Các phòng cũng bảo nhau, người làm cơm sáng, người làm cơm chiều, để còn mời được nhau và cả khách nữa. Đội trưởng và phiên dịch được từng nhóm trịnh trọng mời và cũng phải bảo nhau chia ra từng nhóm cho công bằng. Mâm cơm Tết ở Nga thịnh soạn hơn ở nhà, chỉ thiếu có bánh chưng. Không có lá để nấu thôi, chứ các 'nguyên liệu' thì đủ cả. Không có thì gửi mua từ Tasken, gạo nếp, đỗ xanh... có tất. Bên này không có giò bò, giò lợn, thì có giò tai. Ra chợ nông trang mua một cái thủ lợn tha hồ làm giò tai. Mộc nhĩ thì đầy. Các bạn đến, có bạn mang theo cả con cái. Khách cực kỳ 'ngưỡng mộ' với tài nấu nướng của quân ta. Mâm cỗ có nem, gà xé phay, giò tai, canh măng, gà rán, thịt bò bít tết, xa lát Nga, nộm ...Các bạn thích nhất là món nem và gà xé phay, nộm rau bắp cải. Hai món nem và gà xé phay hết đầu tiên.
          Tết đầu tiên xa nhà, ai nấy đều giành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. -
NTT 2011
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét