Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Chuyện Mèo Vạc

Sao nhiều người nói về Hà Giang thế? Nhưng thực sự Hà Giang và những đứa trẻ nơi ấy luôn "ám ảnh" những người đã từng đặt chân đến nơi đây. Mình thực sự vui khi lại có thêm một người bạn cùng đồng hành và mong có thêm nhiều bạn đồng hành nữa với một mong muốn làm được thêm điều gì đó cho trẻ vùng cao. Xin gửi tới các bạn thêm "Chuyện Mèo Vạc" của bạn HBM nhé.
 
Bạn sẽ làm gì khi có trong túi 166.000 đồng? Nếu ở Hà Nội, đó có thể là một đôi vé xem phim ở cụm rạp Megastar. Thực dụng hơn là năm bát phở kèm quẩy. Nhưng đối với mỗi học sinh người Mông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đây là số tiền nhà nước chi để ăn hai bữa một ngày trong cả một tháng.
 
Tất nhiên với chi phí như vậy, bữa ăn của các em tại trường dân tộc bán trú không thể đủ, dù thầy cô giáo và gia đình có cố gắng bổ sung từ nguồn thu nhập ít ỏi. Một cán bộ xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, nói thu nhập bình quân ở đây là 3,6 triệu đồng/người/năm (hay 300.000 đồng/tháng) và các hộ gia đình rất khó khăn dù chỉ phải góp 20.000 đồng/năm/hộ cho các cháu có thêm bữa đậu phụ, cá mắm, mỗi món ăn một lần trong tuần.
Bữa trưa ở trường dân tộc bán trú xã Giàng Chu Phìn

Ở một giờ ăn trưa, sáu tới tám cháu xúm quanh hai chậu nhựa để trên mặt đất, một đựng cơm, một là canh rau cải suông. Nhà ăn là một sàn xi măng, trên lợp mái, xung quanh bốn bề gió lùa. Một thìa canh dìu một thìa cơm, nhịp nhàng như tiếng khèn buồn sau phiên chợ… Trước đây hai ba cháu chung nhau một cái thìa, nay mỗi cháu đã có riêng một thìa đút túi, nhưng "ăn cơm bằng bát", hay "phải rửa tay bẳng xà phòng trước khi ăn" ở đây vẫn chỉ là những khái niệm vệ sinh thuần tuý trong bài học trên lớp.

Nhà trường ở đây từng xây nhà vệ sinh, song vì căn bệnh thiếu nước trầm trọng trong tỉnh, môi trường quanh trường trở nên ô nhiễm hơn, đối lập với bầu không khí nhẹ và sạch thường có ở vùng núi, vì tất cả mọi người đều phải tìm chỗ "giải quyết". Ở dưới xuôi, độ ô nhiễm tương đượng có thể thấy dọc đường ray tuyến tàu Bắc Nam, nơi hứng đồ xả thẳng từ toilet trên tàu.
Người dân ở đây nói trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, phải đi rất xa mới có thể lấy được nước về bản. Nhiều nhà xây được bể chứa vài khối nước mưa ăn dần, song nhìn chung thiếu nước vẫn xảy ra ở Hà Giang nói chung.
Đường lên bản
Tủ thuốc phục vụ hơn 5.000 dân trong xã

Ở xã Cán Chu Phìn, cũng ở huyện Mèo Vạc, người dân mất nhiều nhất là 3 tiếng đồng hồ để đi từ nhà tới trạm xá của xã. Để phục vụ hơn 5.000 dân tại đây, trạm xá với 4 cán bộ y tế có ba giường để điều trị nội trú, song nếu bạn nhìn thấy màu sắc của bức tường trong căn phòng ba giường này, bạn có thể thầm mong không bao giờ ốm hay nếu có ốm cũng nằm nhà giống như bao người Mông. Chẳng biết đấy có phải là lý do khiến hầu hết đàn ông Mông đều tự đỡ đẻ cho vợ tại nhà hay không (?)


Bản của người Mông thường treo trên vách núi, từ xa đã thấy hàng rào đá đặc trưng. Nguyên liệu tự nhiên này dùng làm tường rào quanh nhà. Nó cũng được dùng để ngăn một dúm đất trồng vừa đủ vài gốc ngô với dăm cây rau cải trên vách đá. Cây ngô, rau cải và đậu có lẽ là cây chủ yếu tại đây và thiếu ăn vẫn là vấn đề thường xảy ra.


Từ hạt ngô, nguời Mông chế ra "mèn mén", một món bột ngô ăn cùng "canh nhạt", tức canh nấu với rau cải và hạt đậu, rất nhạt do thiếu muối. Canh này đặc biệt có tác dụng chống ngẹn khi

chan vào bát ăn cùng mèn mén.
Nhà của người Mông thường xây trên một miếng đất cao có được nhờ dọn đá đi chỗ khác. Tường bao quanh làm bằng các thanh tre hoặc gỗ, vẫn còn nhiều kẽ hẻ. Nền nhà là đất nện kỹ, nhất thiết có căn gác xép để chứa ngô - nguồn lương thực dự trữ một vụ một năm. Nhà nào khá giả thì xây thêm chuồng cho gia súc, nhưng ít nhà có trâu, bò, dê.



Nhà người Mông

Dự trữ lương thực (ngô) cho cả nhà trong năm
Thành phố Hà Giang nằm cách Hà Nội 318 km về hướng bắc, đi ô tô mất sáu đến bảy tiếng nếu không dừng lại nghỉ dọc đường. Rồi từ Hà Giang ngược lên Mèo Vạc là 130 km, mất thêm bốn tiếng khi đường rất nhiều khúc quanh, chạy theo triền núi.

Khi các nhân viên Plan - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính ở Anh, với muc tiêu chính là giúp đỡ trẻ em tại các nước đang phát triển - mang chăn ấm, áo ấm từ Hà Nội tới các gia đình đặc biệt khó khăn ở Mèo Vạc vào tuần đầu tháng 11, 2011, đô ấm nóng của những tấm lòng dưới xuôi đã phần nào xua đi cái rét miền sơn cước. Nhiệt độ ở Hà Giang vào mùa đông có khi xuống tới 0, băng giá xuất hiện nhưng nhiều trẻ em vẫn đi đất, trẻ nhỏ chỉ mặc áo, trẻ lớn hơn có một bộ đồ.







Chuyến đi tháng 11 này cho thấy có thể giúp đỡ bà con Mèo Vạc - Hà Giang bằng cách thiết thực nhất bằng:
* Hiện vật: Chăn, áo ấm; Vở viết; Dép nhựa cho trẻ từ 1-5 tuổi.
* Tiền (Các bạn ở Plan sẽ dùng tiền để mua chăn và áo ấm cho các cháu, chứ không phát tiền cho dân).
LIÊN LẠC:
Bạn Phạm Thu Ba, Plan Vietnam, 72 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Email: thuba71@yahoo.com
Chú thích:
Các cán bộ Plan mới triển khai một dự án tại Mèo Vạc với mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Bên cạnh các hoạt động của dự án, các bạn tự nguyện làm kênh trung chuyển hàng cứu trợ dưới xuôi lên tận tay bà con vùng cao.

5 nhận xét:

  1. Giá mà những vị nào ăn phở 750.000/bát có đọc bài viết này nhỉ? Không biết có đọc không? Đọc rồi chgẳng biết có động lòng trắc ẩn không?

    Và số tiền "ném đã ao bèo" cho n7w nữa chứ! Giá mà để quyên góp cho các em khỏi đói dù 1 ngày, khỏi lạnh dù 1 đêm!

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn các bạn đã quan tâm. Mặc dù đã được đồng nghiệp đi chuyến công tác trước chia sẻ ở bài Mẹ Sam lên núi cách đây một tháng, xem cả phần video quay lại mà khi tận mắt nhìn thấy các cháu nội trú được ăn cơm trưa mà không cầm được nước mắt.

    Trước khi rời xã Giàng Su Phìn, bọn mình ghé vào bếp nấu của nhà trường, nơi đang chuẩn bị bữa chiều cho các cháu, lại nhìn thấy những cái chậu nhựa đựng cơm và canh sáng nay chưa được rửa nhưng xếp sẵn vào đợi chia cơm và canh buổi chiều. Rau cải vẫn còn dính ở miệng chậu. Chẳng đủ nước mà rửa.

    Hỏi chuyện thầy giáo phụ trách việc này mới hiểu, nếu muốn có 1 bữa thịt cho 186 cháu học sinh nội trú ở đây với khẩu phần mỗi cháu được 1 miếng thịt loại thường nhất thôi thì cần phải có 600,000 đồng. Số tiền này nhà trường cũng chẳng co kéo ở đâu ra được. Cần một số tiền ít hơn một bát phở như bạn nói là gần 200 đứa trẻ có thêm một miếng thịt trong bữa cơm rồi đấy.

    Còn những lúc rau cải không có nhiều nữa thì tiền cũng chỉ đủ mua được 2 bó cải vừa phải nấu canh cho gần 200 đứa trẻ. Mỗi đứa không khéo được 1 miếng rau thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Cảm ơn bạn HBM, bạn TMQ và tất cả các bạn quan tâm đến chủ đề này.

    Bạn có tin là chỉ cần số tiền 600,000 đồng, ít hơn tiền bát phở bạn đã kể trên là 186 em học sinh ở trường nội trú trung tâm xã Cán Su Phìn có thể được ăn một bữa thịt với khẩu phần mỗi em một miếng không? Thế mà với các em ở đây, thịt là cái gì đó quá xa lạ, may ra một năm trường mới tổ chức cho ăn thịt được 1 vài lần mà lâu rồi chẳng nhớ nữa.

    Mà đi học ở trường nội trú còn được các thầy cô chăm non, được ăn cơm và canh rau cải 2 lần một ngày chứ ở nhà cơm chỉ có khi có trẻ quá nhỏ hoặc người già ốm. Mùa này vẫn còn nước, đỡ đấy chứ chỉ hết tháng sau, thiếu nước, khó khăn hơn nhiều, canh rau cải sẽ lại tăng nước, giảm rau đi nhiều lần nữa.

    Còn nhiều điều cần làm cho các em lắm các bạn ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Báo Tiền Phong mới đưa tin miền núi phía Bắc mưa to bất thường, trong đó có Hà Giang. Thế là bà con lại có thêm chút nước dự trữ cho mùa khô rồi.

    http://www.tienphong.vn/Khoa-Giao/Moi-Truong/559757/Mien-nui-phia-Bac-mua-to-bat-thuong-tpp.html

    Trả lờiXóa
  5. sống chết mặc bay, thầy không biết. Đó là thái độ của những người giàu, kẻ cả và không có tình yêu thương !!!
    Hãy là những người con của đất Việt bằng cách phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách!

    Trả lờiXóa