Ngày 20/11 đã đến, nhớ các thầy cô giáo đã từng dậy mình, nhớ các bạn đã từng học cùng trường sư phạm, lại chạnh nghĩ là đáng ra mình cũng trở thành cô giáo. Ít nhất mình cũng có ba kỳ thực tập ở cả trường cấp I, cấp II và cấp III, cũng đã từng có học sinh sụt sùi khóc khi chia tay cô giáo và tặng hoa nhân ngày 20/11. Thế mà ra trường là hết luôn cơ hội làm cô giáo. Không những thế, có lần khi nói đến chuyện là sau này khi đã có thêm nhiều kinh nghiệm, mình muốn quay lại nghề giáo, chồng mình bảo “Em chưa làm được cô giáo đâu. Em chưa phải là người kiên trì. Em mà làm cô giáo, có ngày cáu, nổi sung lên, quát mắng và đánh học sinh, gia đình người ta bắt đền cho đấy”. Chắc chồng “sợ” khi mỗi lần thấy vợ “dậy con”. Kể ra cũng có phần đúng. Làm nghề giáo không hề dễ nhưng cũng đã từng có lần mình được làm và gọi là cô giáo đấy chứ.
Thời gian trôi đi vùn vụt. Thế mà đã tròn 20 năm kể từ ngày cậu học sinh đầu tiên mới học lớp một có tên Đê Nhíc ở một trường tiểu học ở thành phố Minsk cứ thập thò đứng ở cửa lớp đợi cô giáo thực tập. Câu bé cứ lẽo đẽo đi theo, chắc phần vì hiếu kỳ về cô giáo không phải là người bản xứ, chắc phần vì cũng thấy hơi lạ vì buổi sinh hoạt lớp cuối tuần được nghe kể về đất nước Việt Nam với cái thứ tiếng Nga lơ lớ của cô. Ngày hôm sau, cậu bé lại đợi tìm bằng được lớp cô giáo có tiết dạy và mời bằng được cô giáo về nhà chơi. Đấy cũng là lần đầu tiên mình thực sự cảm nhận được sự hiếu khách và nồng hậu của một gia đình người Nga. Lúc chia tay, cậu bé tặng cô giáo bức ảnh đẹp nhất của mình. Món quà kỷ niệm của gia đình là một chiếc vòng sắt do bố cậu bé tự gò, có gắn đá Biển Đen, nơi gia đình đã từng có dịp đặt chân tới. Sau này nghe chuyện mình mới biết đấy là một trong những vật kỷ niệm rất quý của gia đình. Người bố kỳ công không biết bao nhiêu ngày làm được chiếc vòng đấy và một đôi hoa tai. Đôi hoa tai được giữ lại cho cô con gái lớn, chị của Đê Nhíc và chiếc vòng được tặng cô giáo thực tập từ Việt Nam.
Thời gian trôi đi với nhiều biến động, liên lạc giữa cô giáo thực tập và gia đình Đê Nhích không còn giữ được nữa, viên đá to nhất của chiếc vòng đã bị rơi tuột từ khi nào nhưng chiếc vòng vẫn còn đó như một kỷ niệm tuyệt đẹp của một thời được học làm cô giáo ở nước Nga xa xôi.
Thêm một bất ngờ nữa là cách đây không lâu, trong một buổi liên hoan, vợ một người bạn sau một ánh nhìn hơi ngỡ ngàng đã nói “Nghe tên chị thì em biết em không thể nhầm được. Em đã từng là học sinh của chị khi chị về trường em thực tập đấy. Chị ơi chị có nhớ là….” Thì ra, thời đi thực tập, đứng trên bục giảng đấy, cô giáo cũng chỉ hơn học trò lớp 12 ấy có 4 tuổi thôi. Thêm một sự trùng hợp thú vị nữa là cô bé học trò đấy giờ cũng cùng nghề với mình.
Lại chơt nhớ hồi mới gần ra trường, có một gia đình “có điều kiện” nhờ kèm cho con, một cậu bé, lúc bợm trợn lúc hiền khô. Ngày 20/11, cậu bé cũng ngượng ngùng mang đến tặng cô giáo một bó hoa phăng đỏ. Cậu bé dúi bó hoa thật nhanh vào tay cô giáo. Một lúc sau cậu bé lí nhí hỏi “Chị có thích cái mũ có buộc những dải ruy băng hoa không?” (Thời đấy loại đấy là mốt nhất Hà Nội). Chưa kịp phản ứng, cậu bé đã tiếp lời “Chị thích cái nào thì chỉ cho em nhé, lúc nào đi đường em giật cho chị một cái”. Mình chỉ kịp lắp bắp “Chị không thích đâu đấy nhé…” Sau này có lần gặp lại, cậu bé giờ đã thành bố của một cô con gái xinh xắn, tủm tỉm giới thiệu với vợ con “Đây là cô giáo của bố đấy nhé.”
Làm thầy cô giáo luôn có những niềm vui vô tận. Và biết đâu đấy, một ngày nào đó mình lại trở thành cô giáo ….
PTB 19/11/2011
@PTB:
Trả lờiXóaCảm ơn bạn nhé. Bài rất hay. Lâu rồi mới lại có 1 bài tạp văn, sản phẩm chính hiệu của Lớp Nga 2.
Bài viết thật cảm động và chân thật. Đó là những kỷ niệm đẹp khó mà quên được, Ba nhỉ !
Trả lờiXóaNgoài ra, Bé Xì có bức tranh minh họa đáng yêu lắm!
( Cô giáo hơi bị "sành điệu" áo xanh, túi khoác đỏ trông rất trẻ trung...)
Hạnh phúc xen lẫn niềm tự hào, :) đó là cảm nhận rõ nhất của em khi đọc bài viết dung dị nhưng chứa đầy tình cảm này của chị... Ký ức đẹp về một thời cũng từng được làm giáo sinh thực tập chợt ùa về... Cảm ơn chị nhiều nhé!
Trả lờiXóaCám ơn MT đã đồng cảm. Mong "một ngày nào đó mình lại trở thành cô giáo..."
Trả lờiXóaThêm một chiếc vòng, thêm một câu chuyện. Vào ngày tốt nghiệp của các bạn tham gia một chương trình học kéo dài mà mình tham gia với tư cách gần giống một cô giáo, mình nhận được một chiếc vòng đeo tay với một lai lịch như sau:
Trả lờiXóa"Chiếc vòng bạc này của dân tộc Dao, thuộc nhóm Dao áo dài sinh sống tại Hoang Su Phì. Nó được làm bằng pháp thủ công do chính nghệ nhân của người Dao chế tác. Trước đây, Bạc là vật liệu duy nhất để làm các đồ trang sức cho phụ nữ người Dao (vòng đeo tay, vòng cổ, lúc lắc, cúc áo …). Chiếc vòng đeo tay này là của hồi môn của bố mẹ của một gia đình người Dao tặng cho con gái khi đi lấy chồng cách đây hơn 30 năm với mong ước là mang lại sự may mắn và hạnh phúc! Đó là một số nét về ý nghĩa và lai lịch chiệc vòng này.Chúc chị luôn may mắn, sức khỏe và hạnh phúc như người Dao mong muốn cho người dùng chiếc vòng này!"
Rất vui vì các bạn đã thành công. Cám ơn các bạn rất nhiều vì món quà các bạn dành cho "cô giáo".