CEO Tim Cook của Apple thông báo về kế hoạch tổ chức lễ tưởng nhớ cuộc đời của huyền thoại Steve Jobs trong ngày 19-10. Lễ tưởng niệm nội bộ sẽ được tổ chức ở sân khấu ngoài trời tại “đại bản doanh” ở Cupertino, Mỹ.
Trong e-mail gửi các nhân viên, Tim Cook viết: "Lễ tưởng niệm vào ngày 19-10 sẽ giúp những ai còn đau buồn vì sự mất mát này được một lần nữa nhớ lại những điều tuyệt vời mà Steve Jobs đã làm cho cuộc sống của chúng ta bằng cả cuộc đời và sức lực của ông".
Bài phát biểu của Steve Jobs trong lễ tốt nghiệp tại Ðại Học Stanford – 2005
Lời người dịch: Steve Jobs, người được ví như ông tổ phát minh Edison của thời đại tin học vừa qua đời hôm thứ tư vừa qua (05/10/2011), thọ 56 tuổi. Do bản tính kín đáo của mình, cuộc đời đầy kịch tính của ông chỉ được mọi người biết đến nhiều qua bài phát biểu dưới đây của chính ông đọc tại lễ tốt nghiệp của Ðại học Stanford năm 2005. Bỏ học giữa chừng từ năm thứ nhất Ðại học, cùng một người bạn về lập công ty Apple trong cái nhà xe của cha mẹ; là người thiết kế và chế tạo chiếc máy tính cá nhân Macintosh đầu tiên; rồi bị mất việc, lại lập ra 2 công ty khác trong đó có xưởng phim hoạt hình máy tính đầu tiên và cũng là xưởng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới Pixar; rồi trở lại làm chủ tịch và giám đốc điều hành (CEO) của Apple – đưa công ty này trở thành công ty lớn nhất trên thế giới với trị giá hiện nay cỡ khoảng 351 tỷ đô la (4 lần GDP của Việt Nam). Với lòng quí mến và ngưỡng mộ ông, chúng tôi xin giới thiệu bài phát biểu này để bạn đọc biết thêm về cuộc đời của Steve Jobs qua chính lời tự sự của ông.
Cảm ơn các bạn. Tôi lấy làm hân hạnh được có mặt với các bạn hôm nay trong ngày phát bằng tốt nghiệp của các bạn, tại một trong những trường Ðại học tuyệt vời nhất trên thế giới. Phải nói thật là tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học, và đây là dịp gần giống lễ tốt nghiệp đại học nhất mà tôi có được.
Hôm nay tôi muốn kể với các bạn ba câu chuyện từ cuộc đời của tôi. Vâng, chỉ có vậy thôi. Chẳng có gì to tát cả. Chỉ ba câu chuyện. Câu chuyện đầu tiên là về việc nối các điểm [lại với nhau].
Tôi bỏ học giữa chừng ở trường Reed College sau 6 tháng đầu, nhưng vẫn lưu lại dự một số lớp dự thính, thêm khoảng 18 tháng nữa trước khi tôi thực sự bỏ học. Vậy thì tại sao tôi lại bỏ học giữa chừng? Ðiều đó đã bắt đầu từ trước khi tôi được sinh ra. Bà mẹ đẻ (nguyên văn: mẹ sinh học – biological mother) của tôi là một sinh viên cao học trẻ chưa cưới hỏi, và bà đã quyết định cho tôi làm con nuôi. Bà ta cảm nhận một cách mạnh mẽ rằng tôi cần phải được nhận nuôi bởi những người tốt nghiệp đại học, và vì vậy tất cả mọi thứ dường như đã được sắp đặt cho tôi được một luật sư và vợ của ông ta nhận làm con nuôi ngay khi sinh ra, ngoại trừ một điều là khi tôi vừa lọt lòng chui ra, tới phút cuối cùng họ đã quyết định rằng họ thực sự muốn một đứa con gái. Và thế là, cha mẹ tôi, những người trong danh sách chờ đợi [nhận con nuôi], nhận được một cú điện thoại vào lúc nửa đêm hỏi “Chúng tôi có một cậu bé ngoài sự mong đợi, ông bà có muốn cậu bé đó không?” Họ trả lời “Tất nhiên rồi”. Bà mẹ đẻ của tôi sau này phát hiện ra rằng mẹ tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học và bố tôi chưa từng tốt nghiệp phổ thông. Bà từ chối ký vào các giấy tờ cuối cùng cho việc cho con nuôi. Bà chỉ nhượng bộ một vài tháng sau đó, khi cha mẹ tôi hứa rằng tôi sẽ vào học đại học.
Ðó là sự khởi đầu cuộc đời của tôi. Và 17 năm sau đó, tôi đã vào đại học, nhưng tôi đã ngây thơ chọn một trường mà tốn kém cũng gần như bằng trường Stanford, và thế là tất cả tiền tiết kiệm được của cha mẹ của tôi, vốn là những người thuộc giới lao động, đã được tiêu hết cho tiền học phí của tôi. Sau sáu tháng, tôi không thấy đáng giá trong việc học hành đó. Tôi hoàn toàn không biết cái gì là cái tôi mà muốn làm với cuộc đời của tôi, và cũng không biết trường đại học có thể giúp cho tôi tìm ra điều đó như thế nào, thế mà tôi đã tiêu toàn bộ số tiền mà cha mẹ tôi đã giành dụm được trong suốt cả cuộc đời của họ. Thế là tôi quyết định bỏ học và sự thực là tất cả mọi chuyện cũng đã xảy ra một cách OK. Lúc đó cũng khá đáng sợ, nhưng nhìn lại, đó là một trong những quyết định tốt nhất mà tôi đã thực hiện. Giây phút tôi bỏ học, tôi có thể thôi lấy các lớp yêu cầu bắt buộc mà tôi không thích, và bắt đầu đến nghe dự thính những lớp mà tôi thấy thú vị hơn nhiều.
Chẳng phải tất cả mọi chuyện đều lãng mạn như vậy. Tôi không có phòng kí túc xá, và thế là tôi ngủ trên nền trong phòng của bạn bè. Tôi đem trả chai lọ Coke với 5 xu/lọ để mua thức ăn và tôi đi bộ 7 dặm (cỡ 11-12 km) xuyên qua thành phố mỗi tối Chủ nhật để nhận được một bữa tối ngon lành tại ngôi đền Hare Krishna. Tôi yêu quí ngôi đền đó. Và hầu hết tất cả những gì mà tôi vấp ngã do theo đuổi sự ham hiểu biết cũng như trực giác của mình, sau này hóa ra là vô giá. Ðể tôi đưa ra cho các bạn một ví dụ.
Vào lúc bấy giờ Reed College là trường có lẽ có một chương trình hướng dẫn thuật viết chữ tốt nhất trong cả nước. Trong khắp khu trường, tất cả các tấm áp phích quảng cáo, các biển trên các tất cả các bảng đều được viết tay tuyệt đẹp. Bởi vì tôi đã bỏ học và không phải đến dự các lớp thông thường, tôi quyết định lấy một lớp về thuật viết chữ để học viết như thế nào. Tôi học về các kiểu mặt chữ serif và sans serif, về thay đổi khoảng cách giữa các tổ hợp chữ khác nhau, về cái gì làm cho kiểu in đẹp. Ðó là tinh tế nghệ thuật, đẹp, có tính cách lịch sử theo một cung cách mà khoa học không thể nào nắm bắt được, và tôi thấy nó thực là quyến rũ. Chẳng có gì trong đó thậm chí có hy vọng ứng dụng thực tế trong cuộc đời tôi. Nhưng 10 năm sau khi chúng tôi thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, tất cả những điều đó trở lại với tôi, và chúng tôi đã thiết kế tất cả những cái đó thành chiếc Mac. Ðó là chiếc máy tính đầu tiên với thuật in máy tuyệt đẹp. Nếu tôi đã không dự lớp học dự thích trong một buổi học ở trường, chiếc Mac có lẽ không bao giờ có nhiều kiểu chữ hoặc các phông (font) chữ được đặt các khoảng cách tỷ lệ thích hợp, và vì Windows chỉ đơn thuần bắt chước Mac, rất có thể các máy tính cá nhân cũng sẽ không có các kiểu chữ như thế.
Nếu tôi đã không bỏ học giữa chừng, có lẽ tôi cũng không bao giờ dự lớp dự thính vào buổi học thuật in chữ đó và các máy tính cá nhân có lẽ sẽ không có kiểu in chữ tuyệt vời mà chúng có ngày hôm nay.
Dĩ nhiên lúc đang còn ở trong trường tôi không thể nào kết nối các điểm đó lại với nhau khi nhìn về tương lai phía trước, nhưng điều đó là rất, rất rõ khi nhìn lại 10 năm sau. Một lần nữa, bạn không thể kết nối các điểm khi nhìn về tương lai. Bạn chỉ có thể kết nối các điểm khi nhìn ngược trở lại, vì thế các bạn phải tin rằng các điểm đó sẽ được nối kết như thế nào đó trong tương lai của các bạn. Bạn phải tin vào điều gì đó, vào bản năng, vào số mệnh, cuộc sống, nghiệp chướng của bạn (nguyên văn: karma – Steaven Jobs là người theo Ðạo Phật – ND), vào bất cứ cái gì – bởi vì tin tưởng rằng các điểm đó sẽ kết nối thành một con đường sẽ tạo cho bạn một niềm tin để đi theo con tim của bạn, ngay cả khi nó dẫn bạn chệch ra khỏi con đường cũ mòn, và điều đó sẽ làm tất cả trở nên khác đi.
Câu chuyện thứ hai của tôi là về tình yêu và mất mát. Tôi là một người may mắn. Tôi đã sớm tìm thấy cái mà tôi yêu thích để làm trong cuộc đời. Woz và tôi đã khởi đầu [công ty] Apple trong cái nhà xe của cha mẹ tôi khi tôi mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc vất vả trong 10 năm, Apple đã phát triển từ chỗ chỉ có hai chúng tôi trong một cái nhà xe thành một công ty trị giá 2 tỷ đô la với hơn 4000 nhân viên. Một năm trước, chúng tôi vừa mới tung ra một sản phẩm tuyệt vời nhất của chúng tôi, chiếc Macintosh, và tôi mới vừa tròn 30 tuổi, và thế rồi tôi bị đuổi việc. Làm sao mà anh lại có thể bị mất việc từ công ty do anh sáng lập ra? Vậy đó, khi Apple phát triển, chúng tôi thuê một người mà tôi nghĩ là rất tài giỏi để điều hành công ty cùng với tôi, và trong khoảng một năm đầu mọi việc đều trôi chảy tốt đẹp. Nhưng sau đó định hướng về tương lai của chúng tôi bắt đầu trở nên phân rẽ, và cuối cùng chúng tôi trở nên bất hòa. Khi chúng tôi bất hòa, Ban giám đốc công ty ngả về phe của anh ta, và thế là vào lúc 30 tuổi, tôi bị loại ra và loại ra một cách rất công khai. Cái đã là toàn bộ sự tập trung của cả cuộc đời của tôi khi đã trưởng thành đã mất, và điều đó thật là tàn tệ. Tôi thực sự không biết phải làm gì trong vài tháng. Tôi cảm thấy rằng tôi đã để cho thế hệ doanh nhân trước hạ gục, và tôi đã để rơi cái gậy chỉ huy khi nó đã được truyền lại cho tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce và đã cố xin lỗi vì đã làm hỏng công việc một cách thật tệ hại. Tôi đã là một sự thất bại rất công khai, và thậm chí tôi đã nghĩ đến việc bỏ đi khỏi vùng Thung Lũng [Silicon] này. Nhưng một cái gì đó đã từ từ lóe lên trong trí óc tôi. Và tôi vẫn còn yêu thích cái mà tôi đã làm. Bước ngoặt của các sự kiện xảy ra tại Apple đã không làm thay đổi điều đó một chút nào. Tôi đã bị loại bỏ nhưng tôi vẫn đang còn yêu. Và thế là tôi quyết định làm lại từ đầu.
Lúc bấy giờ tôi chưa nhìn thấy điều đó, nhưng hóa ra bị mất việc ở Apple lại lạ một điều tốt nhất đã từng có thể xảy ra đối với tôi. Sự năng nề của sự thành công được thay thế bằng sự nhe nhàng thanh thản được làm lại người mới bắt đầu, kém chắc chắn về mọi thứ. Ðiều đó đã giải phóng cho tôi bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời của tôi. Trong vòng 5 năm tiếp theo tôi đã khởi đầu một công ty mới tên NeXT, một công ty khác nữa tên Pixar và đã yêu một người đàn bà tuyệt vời, là người đã trở thành vợ của tôi. Tiếp theo, Pixar đã tạo ra bộ phim hoạt hình máy tính đặc biệt đầu tiên, “Toy Story”, và hiện nay là xưởng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới.
Trong các sự kiện có tính bước ngoặt, Apple mua lại NexT, và thế là tôi quay trở lại Apple và công nghệ chúng tôi đã phát triển tại NexT trở thành trung tâm của sự phục hưng hiện nay của Apple, và Lorene và tôi có một gia đình tuyệt vời cùng với nhau.
Tôi tin chắc chắn rằng chẳng có điều gì trên đây đã có thể xảy ra nếu tôi không bị đuổi việc khỏi Apple. Ðó là một liều thuốc có vị kinh khủng, nhưng tôi nghĩ người bệnh cần đến nó. Ðôi khi cuộc đời sẽ giáng gạch vào đầu anh. Ðừng đánh mất niềm tin. Tôi tin chắc rằng điều duy nhất giữ cho tôi tiếp tục là tôi đã yêu thích cái mà tôi đã làm. Bạn phải tìm được cái mà bạn yêu thích, và đó là thực sự đúng với công việc cũng như với những người mà bạn yêu thương. Công việc của bạn sẽ lấp một phần lớn của cuộc đời của bạn, và cách duy nhất để thực sự thỏa mãn là làm cái mà bạn tin là một công việc tuyệt vời, và cách duy nhất để làm công việc tuyệt vời là yêu cái mà bạn làm. Nếu bạn chưa tìm thấy điều đó, hãy tiếp tục tìm kiếm, và đừng dừng lại thoả mãn. Cũng như các vấn đề của con tim, bạn sẽ biết khi nào bạn sẽ tìm được nó, và cũng như bất cứ một mối quan hệ tốt đẹp nào nó sẽ trở nên tốt hơn và tốt hơn khi năm tháng trôi qua. Vì thế hãy cố tìm kiếm. Ðừng dừng lại thoả mãn.
Câu chuyện thứ ba của tôi là về cái chết. Khi tôi 17 tuổi tôi đọc một câu trích dẫn đại ý nói rằng “Nếu bạn sống mỗi ngày như đó là ngày cuối cùng của bạn, một ngày nào đó chắc chắn bạn sẽ đúng”. Nó tạo ra cho tôi một ấn tượng, và kể từ đó trong suốt 33 năm qua, tôi đã nhìn vào gương vào mỗi buổi sáng và tự hỏi “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, liệu tôi có muốn làm cái mà tôi đã định làm vào ngày hôm nay?” Và bất cứ khi nào câu trả lời là “không” cho một chuỗi quá nhiều ngày, tôi biết là tôi cần thay đổi điều gì đó. Nên nhớ rằng tôi [biết] sẽ bị chết sớm là điều quan trọng nhất mà tôi phải đương đầu để giúp tôi thực hiện những lựa chọn lớn của cuộc đời, bởi vì hầu như tất cả mọi thứ – tất cả sự mong đợi ở thế giới bên ngoài, tất cả niềm kiêu hãnh, tất cả sợ hãi hoặc xấu hổ hoặc thất bại – những điều đó sẽ biến mất khi đứng trước cái chết, chỉ để lại cái thực sự quan trọng mà thôi. Nên nhớ rằng anh sẽ chết là phương cách tốt nhất mà tôi biết được để tránh cái bẫy của sự suy nghĩ cho là anh có cái gì đó để mà mất mát. Bạn đã bị lột truồng [lúc chết] rồi. Chẳng có lý do nào mà không làm theo con tim của bạn.
Cách nay khoảng 1 năm, tôi bị chẩn đoán phát hiện ung thư. Tôi có một cuộc khám chụp soi máy vào lúc 7:30 buổi sáng và kết quả chụp cho thấy rõ ràng một khối u trong tụy của tôi. Tôi thậm chí chẳng biết tụy là cái gì. Các bác sỹ bảo tôi gần như chắc chắn đó là một dạng ung thư, và nó không chữa được, và rằng tôi nên chờ đợi sống thêm không quá từ 3 đến 6 tháng nữa. Bác sỹ của tôi khuyên tôi về nhà và thu xếp mọi chuyện cho ổn thỏa, là ngôn từ của bác sỹ cho “chuẩn bị để chết”. Nó có nghĩa là cố gắng và nói cho các con của bạn mọi thứ bạn nghĩ bạn có thể có trong 10 năm tới để nói với chúng trong vòng chỉ vài tháng. Nó có nghĩa là thu xếp hoàn tất mọi chuyện sao cho việc đó sẽ xảy ra một cách dễ dàng nhất có thể được cho gia đình của bạn. Nó có nghĩa là nói những lời tạm biệt của bạn.
Tôi đã sống cả ngày với chẩn đoán như thế. Cuối chiều ngày hôm đó tôi có một cuộc xét nghiệm sinh thiết (biopsy) ở chỗ họ đút một cái ống soi vào, qua họng của tôi, xuyên qua dạ dày vào trong ruột của tôi, đăt 1 cái kim vào trong tụy của tôi và lấy ra vài tế bào của khối u. Tôi đã bị gây mê nhưng vợ tôi vốn đang ở đó nói cho tôi biết rằng khi họ xem các tế bào dưới kính hiển vi, vị bác sỹ bắt đầu khóc bởi vì hóa ra đó là một dạng rất hiếm của ung thư tuyến tụy có thể chữa trị được với một cuộc phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật và thật là biết ơn, giờ đây tôi đã khỏe lại bình thường.
Ðó là lần gần gũi nhất với cái chết mà tôi phải đối mặt, và tôi hy vọng nó là lần gần nhất mà tôi có được trong vài thập kỷ nữa. Ðã từng sống trải qua như thế, giờ đây tôi có thể nói điều này với các bạn với một chút chắc chắn hơn, khi cái chết đã là một khái niệm hữu ích nhưng là một khái niệm thuần túy trí tuệ. Không một ai muốn chết, ngay cả với những người muốn lên Thiên Ðường cũng không muốn chết để tới được đó, vậy nhưng, cái chết là một cái đích mà tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ. Không một ai có thể thoát được cái chết. Và đó cũng là điều nên như thế, bởi vì cái chết rất giống như sự sáng chế tốt nhất của sự sống. Ðó là tác nhân thay đổi của sự sống; nó quét sạch những cái cũ và dọn đường cho cái mới. Ngay lúc này đây, cái mới là các bạn. Nhưng một ngày nào đó, không quá xa từ bây giờ, các bạn sẽ dần trở nên già cũ và sẽ bị quét sạch đi. Xin lỗi vì quá kịch tính, nhưng điều đó khá là sự thực. Thời gian của các bạn là có giới hạn, vì thế đừng phí phạm thời gian do sống bởi đời sống của kẻ khác. Ðừng bị mắc kẹt trong những điều giáo lý vốn [chỉ] sống với các kết quả suy nghĩ của người khác. Ðừng để sự ồn ào của những ý kiến, quan điểm của người khác dìm chết tiếng nói trong tâm hồn, con tim và trực giác của chính bạn. Bằng cách nào đó, chúng đã biết bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Tất cả những cái khác chỉ là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, có một ấn bản kỳ diệu được gọi là Danh Mục của Ðịa Cầu vốn [được coi] là một trong những kinh thánh của thế hệ của chúng tôi. Nó được tạo ra bởi một người tên là Stuart Brand ở Menlo Park cách đây không xa lắm, và ông ta đã đem nó cho đời với bút pháp đầy chất thi vị của mình. Lúc đó là vào cuối những năm Sáu mươi, trước khi máy tính cá nhân và xuất bản bằng máy tính ra đời, vì thế nó được tạo ra bởi máy chữ, kéo, và máy ảnh Polaroid. Nó là một kiểu giống như Google hình thức trên giấy 55 năm trước khi Goggle xuất hiện. Tôi đã là một người duy tâm, tràn đầy các công cụ tinh xảo và ý niệm to lớn. Stuart và nhóm của ông ta đã xuất bản được một vài số Danh Mục của Ðịa Cầu, và khi đã hết khả năng, họ cho ra số cuối cùng. Lúc đó vào giữa những năm bảy mươi, và tôi vào cỡ tuổi của các bạn. Ở tấm bìa cuối của ấn bản số cuối cùng là một bức bức ảnh của một con đường thôn quê vào sáng sớm, giống như kiểu các bạn có thể thấy chính mình đi nhờ xe quá giang nếu các bạn là người thích phưu liêu mạo hiểm. Bên dưới bức ảnh là những chữ “Hãy giữ lấy sự thèm khát, hãy giữ lấy sự dại khờ”. Ðó là lời chia tay của họ khi họ ký chia tay “Hãy giữ lấy thèm khát, hãy giữ lấy dại khờ”. Và tôi luôn mong ước điều đó cho riêng tôi, và giờ đây khi các bạn tốt nghiệp để lại bắt đầu một cuộc đời mới, tôi xin chúc các bạn điều đó.
Hãy giữ lấy thèm khát, hãy giữ lấy dại khờ.
Hãy giữ lấy thèm khát, hãy giữ lấy dại khờ.
Cảm ơn tất cả các bạn rất nhiều.
Người dịch: Nguyễn Trùng Dương
Nguồn: Nguyễn Quang Lập blog
Bản tiếng Anh và video: http://news.stanford.edu/news/2005/june15/jobs-061505.html
Người dịch: Nguyễn Trùng Dương
Nguồn: Nguyễn Quang Lập blog
Bản tiếng Anh và video: http://news.stanford.edu/news/2005/june15/jobs-061505.html
"Sống khát khao. Sống dại khờ" (Stay Hungry, Stay Foolish)là bài học quan trọng nhất mà Steve Jobs luôn nhắc nhở chính mình bởi như thế, con người mới có thể đi đến tận cùng của sự đam mê, sáng tạo và thay đổi.
Trả lờiXóaMình thích chia sẻ này của Steve Jobs: "Trở thành người giàu nhất nhưng như đang sống trong nghĩa địa chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Mỗi tối trước khi đi ngủ và thấy rằng mình vừa làm được điều gì đó tuyệt vời mới thực sự quan trọng", báo Wall Street Journal trích dẫn câu nói của ông vào tháng 5/1993. "Nếu làm được một điều gì đó thú vị, hãy đứng dậy và tiếp tục làm những thứ khác tuyệt vời hơn thế nữa, thay vì ngồi một chỗ tự mãn và gặm nhấm chiến thắng".