Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Bởi ta là con người

Dù bây giờ không rõ mùa cưới rơi vào tháng mấy vì người ta cưới quanh năm, có chăng chỉ trừ tháng 7 âm lịch, nhưng những tháng cuối năm vẫn là những tháng có nhiều đám cưới hơn cả. Dịp cuối năm, vì thế, vẫn được coi là mùa tổ chức đám cưới. Mời các bạn đọc bài tạp văn sau ề chủ đề hôn nhân.

Dịp cuối năm, tôi được mời đi dự nhiều đám cưới. Có đám cưới chú rể và cô dâu đều rất trẻ, mới qua tuổi 20. Có đám, ngược lại, cả hai người đều qua tuổi ngũ tuần.

Đôi lúc ngồi bên bàn tiệc, giữa những tiếng chúc tụng lao xao và nụ cười rạng rỡ kéo dài đến mức khó mà khép môi lại của cô dâu, tôi tự hỏi: Điều gì giống nhau giữa họ, những cô dâu, chú rể, ngoài các thủ tục của một đám cưới? Hay nói đúng hơn, điều gì giống nhau giữa chúng ta, những kẻ hiếm khi nào chịu ngừng tìm kiếm một ai đó, bằng cách này hay cách khác, để đưa đến tiệc cưới?

Có bao giờ bạn tự hỏi mình: hôn nhân có gì mà hấp dẫn đến vậy? Khi mà bạn, cũng như tôi, từng đọc quá nhiều bài báo nói về những cuộc chia tay, lạnh nhạt hay tiếc nuối, đau khổ hay vui mừng, đầy nước mắt hoặc đầy tiếng chửi rủa, không ít hơn thực tế mà chúng ta nhìn thấy quanh mình. Đó là một viễn cảnh bi quan về hôn nhân, khiến chúng ta sợ hãi. Nhưng tại sao chúng ta vẫn mải miết cưới nhau? Thậm chí, cưới, rồi lại cưới nữa. Mỗi khi tìm thấy cơ hội có được một cuộc hôn nhân đẹp và bền vững, ta không thể ngăn mình thử vận may.

Ngoài những bản năng và hấp lực tự nhiên được quy định bởi giới tính, có một sự thật là ai cũng thèm khát một khoảng riêng tư để cất giấu những bí mật đời mình, nhưng ngược lại, không ai muốn cô đơn cả. Chúng ta luôn đòi hỏi sự độc lập, ko bị ảnh hưởng hay lệ thuộc vào bất cứ ai, nhưng ngược lại, ta không ngừng mong mỏi được chia sẻ vui buồn, hạnh phúc và khổ đau với ai đó mà mình thương yêu và yêu thương mình. Đó là một nhu cầu mạnh mẽ, một nhu cầu được gắn liền với 2 chữ: Con người.

Giữa những người lạ, ta cần một người quen. Giữa những người quen, ta cần một người yêu. Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu. Giữa những người hiểu, ta cần một người tin. Tin và được tin. Như thế, “yêu” chưa phải là kết cục có hậu của một đời người. Yêu, mới chỉ là một nửa của chặng đường dài mà thôi. Chúng ta cần nhau, trước hết để yêu nhau, nhưng ko chỉ để yêu nhau.

Chúng ta cần nhau cho một cuộc khám phá rất sâu, một cuộc phiêu lưu rất dài. Hôn nhân chính là bằng chứng cao nhất cho sự cần nhau đó.

Tôi từng ngạc nhiên nhận ra rằng khi tôi nói với ai đó “Tôi yêu em” một cách chân tình nhất, lắm lúc người ta vẫn hoang mang lo lắng: lời ấy có thật tình chăng? Nhưng khi tôi nói “Tôi cần em”… tôi có cảm giác người ta không nghi ngại. Vì sao vậy?

Tôi đã mang câu hỏi đó rất lâu trước khi tìm ra câu trả lời từ chính bản thân mình. Khi ta nói yêu, thường là thổ lộ. Nhưng khi ta nói cần, thường là thú nhận. Là thú nhận, nghĩa là nó thành thật, thành thật hơn hết thảy. Khi ta biết mình cần gì, tức là ta biết mình có gì, thiếu gì, muốn gì. Khi ta nhận ra mình cần ai đó, là khi ta thành thật với chính mình nhất. Con người vốn quá kiêu hãnh và tự tôn, bởi thế ít khi chúng ta muốn thú nhận về điều mình thực sự cần. Chúng ta sợ lời thú nhận đó sẽ biến mình thành một kẻ yếu đuối. Chúng ta sợ bị người khác nắm “vận mệnh” của mình trong tay. Ta sợ rằng, một khi đối phương đã biết bí mật của ta rồi, thì ta thua chắc. Ta sẽ không còn đường lui. Và nếu “đời không như là mơ”, trông ta thảm hại làm sao trong mắt họ, người đã biết điều ta cần và lắc đầu từ chối.

Bởi thế nên chúng ta cần, nhưng chúng ta giả vờ như không. Chúng ta tưởng đó là cách giữ thể diện, vị thế, lòng kiêu hãnh. Có lúc ta lại ra vẻ cứng cỏi, xa cách ngạo nghễ, khép kín và bất cần, như chúng ta có thể tồn tại tựa những tinh cầu đơn độc… Nhưng nhiều khi đó là cách chúng ta đánh mất những điều quý giá. Khoảnh khắc mà ta tìm được một người thực sự có ý nghĩa với ta đang tồn tại trên cõi đời này, bất kể sau cùng ta có nắm giữ được trái tim người ấy hay không, thì khoảnh khắc đó cũng là khi ta bắt đầu cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Khi bắt đầu cảm thấy không cần nhau nữa, hoặc khi tưởng rằng không cần nhau nữa, đó là lúc hạnh phúc bắt đầu bỏ ta đi.

Tôi nhớ ca khúc People do Barbara Streisand hát vài thập niên trước.
“Người cần người, là những người may mắn nhất thế gian…
Những người tình là những người may mắn nhất thế gian.
Với một người, một người thật đặc biệt
Và một cảm xúc từ thẳm sâu trong tâm hồn nói rằng em từng là phân nửa, giờ thành vẹn nguyên…”

Ngồi giữa một đám cưới, bỗng dưng tôi hiểu rằng lời yêu đôi khi không nhất thiết phải nói, nhưng cảm giác cần nhau thì không thể không bày tỏ. Bởi khi nhận ra mình cần đến ai đó, ta cũng đồng thời nhận ra rằng họ có ý nghĩa to lớn thế nào đối với đời ta. Nhờ đó, ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng hơn những gì họ mang đến cho ta. và khi ấy, có lẽ, ta sẽ nói thường xuyên hơn lời cám ơn. Ta sẽ biết trân trọng hơn những gì ta nhận được.

“Người cần người, là những người may mắn nhất thế gian. Nhưng trước hết, hãy trở thành một người cần người khác”

Làm thế nào để trở thành một người cần người khác? Có khó gì đâu, chỉ cần thành thật với chính mình.

Bởi ta là con người, ta được thiết kế để cần nhau.


- Phạm Lữ Ân -

Nguồn: BMM Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét