Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Hà Nội trong Tôi - có những người thân, có cả Thầy và các Bạn

Thông tin thì hơi cũ, nhưng...
 
Hà Nội trong Tôi
 
Tôi sinh ra và lớn lên ở một phố nhỏ từ đó đi bộ nhanh cũng chỉ mươi, mười lăm phút là ra đến Bờ Hồ, nơi được coi là trái tim của Hà nội nhưng chưa bao giờ dám nhận mình là người Hà nội, cũng chẳng dám nhận là người quê vì chẳng thực sự có quê.

Nghĩ lại thì cũng thấy cũng còn may là suốt bao nhiêu năm đi học, chưa bao giờ tôi phải làm bài văn nào đến mức tắc tị vì không có "tư liệu' về quê hương. Nhưng giờ con có vẻ "khôn ngoan" hơn. Khi làm bài văn ở lớp, bao giờ nó cũng tả "về thăm ông bà ở quê". Ngạc nhiên hỏi con là "Con được về quê thăm ông bà nào nhỉ?", con trả lời tự tin: "Mẹ buồn cười nhỉ, phải viết như thế nó mới sinh động chứ!". Hóa ra thường văn tả ông bà thì phải ở quê mới có nhiều cái kể, cộng thêm chi tiết "ông bà đau yếu" nhưng vẫn yêu cháu mới là hoàn chỉnh. Đơn giản thế mà mình cũng chẳng nghĩ ra. Cũng thấy chạnh buồn vì chẳng nhẽ nơi phố phường này không để cho con tìm thấy sự sinh động nào.
 
Có lẽ chưa lúc nào Hà nội được nhắc tới nhiều như những ngày này. Mỗi người có một nhẽ riêng của mình. Người ở tít tận phương trời xa thì bùi ngùi vì những ngày này chắc Hà nội phải đẹp và vui lắm mà mình không có mặt ở nhà mà chứng kiến khoảnh khắc 1000 năm Thăng long – Hà nôi. Người xa vừa thì háo hức đợi có để được đến tận nơi xem, chẳng mấy khi có dịp như thế. Người ở gần thì xem có cái gì hay hay, là lạ trong những ngày này còn để xem mà còn kể cho người khác. Có người lại chỉ cần quan tâm xem cấm phố nào, tắc chỗ nào để không đỡ phải biến một ngày làm việc và lang thang trên đường hít bụi dài hơn. Chẳng ít người có vẻ "kinh nghiệm" hơn về những ngày đại lễ nên để mọi người xem, thưởng thức chán đi đã rồi mình xem sau, thưởng thức sau. Tôi lại "loanh quanh" cứ như "người lạ" trên phố "nhà mình". Cũng đành tự hỏi mình không hiểu cái gì đã làm cho mình cảm thấy cái nơi mà mình đã sinh ra, lớn lên và sống hơn nửa cuộc đời trở nên xa lạ đến thế và cố tìm lại những khoẳn khắc cho riêng mình.
 
Nhớ lại cách đây đến hơn 10 năm, trên  một chuyến xe đi từ phố Quang Trung ra sân bay Nội Bài để đi công tác, ngồi trên xe có nhóm người phía Nam bàn luận với nhau "Hà nội giống cô gái quê, để như ngày xưa mộc mạc, giản dị còn thấy đáng yêu, bây giờ lại bôi soi, trát phấn vào trông đến là ghê". Mình nghe thấy ấm ức lắm. Họ là ai mà dám phát biểu như thế, nói xấu Hà nội thế à? Nóng mặt lắm nhưng chẳng nhẽ lên tiếng thành ra lại "nghe lỏm" người khác nói chuyện rồi lại có ý kiến, chẳng lịch sự và thanh lịch chút nào. Nhưng chẳng nhẽ họ đúng thật. Hà nội những ngày này sau bao nhiêu tháng ngày chuẩn bị được trang điểm với nhiều cờ hoa, đèn chiếu sáng, đèn trang trí "đẹp...khủng khiếp!". Có bác người quen làm ở cơ quan chịu trách nhiệm phần chiếu sáng có chia sẻ là đa phần nguyên vật liệu và sản phẩm cho công việc này được nhập từ Trung quốc. Thêm vào đó là việc "xã hội hóa", tùy thuộc vào đoạn đường có thể do thành phố này, thành phố khác hoặc cái doanh nghiệp khác nhau "tặng" hoăc "tài trợ". Mà đã "tặng' hoặc "tài trợ" thì phải thể hiện được ý tưởng và "đậm đà bản sắc" của người "tặng" hoặc "tài trợ" nên không nên ngạc nhiên về sự đa dạng. Mà đã không "tặng" hoặc "tài trợ" thì thôi, chứ đã làm thì phải "chu đáo" cho nó "đầy đặn", "nổi bật" và "trung tâm" nên chỗ nào cũng "ríu rít", "chồng chất" trang trí. Nghe đâu riêng tiền chi cho đèn chiếu sáng trang trí đợt này cũng vài nghìn tỉ đồng. Ấn tượng nhât là buổi tối, giờ cao điểm của những người đi chơi. Đèn trang trí xanh, đỏ, tím, vàng với đủ các loại hình thù chen vai, thích cánh cùng băng rôn, khẩu hiệu mang vẻ đẹp "rũ rượi" theo phong cách ngày hội hóa trang. Cứ tự hỏi bản thân hay mình không "cảm" được cái đẹp nên thấy thế đành hỏi con trai ngồi sau xe máy trên đoạn đường phố chính từ Nhà hát lớn đến phố Điện biên phủ để đi học "Con có thấy đẹp không?". Con vô tư trả lời "giống kiểu trang trí Trung quốc quá nhưng không đẹp bằng". Con khẳng định "riêng Tháp Rùa thì không đẹp, chiếu sáng xanh đỏ như cái đồ chơi bằng nhựa". Người lớn thường "ngoa ngoắt" hơn trẻ con. Người thì miêu tả nhìn Hà nội cứ như "lẩu thập cẩm". Người ghê gớm hơn còn bảo "Nhìn kỹ là phát hiện ngay ra đoạn nào do địa phương hoặc đơn vị nào tặng, không khéo có cả đèn hình "bánh đậu xanh", "nem chua"….Người mềm tính hơn thì nhắc nhở "Thôi, các ông đã không đóng góp, hiến tặng gì mà cứ chê bai, kêu ca là thế nào nhỉ? Không thích thì thôi, ngồi yên trong nhà, ra đường làm gì?
 
Cũng đã lâu lắm rồi ra đường lại được nghe loa công cộng. Lần này khác những lần trước nhiều, toàn phát những bài hát về Hà nội chứ không phải là phổ biến họp hành, gọi bộ đội nhập ngũ, các cháu đi tiêm chủng… Cái loa công cộng đã gắn bó với bao thế hệ người Hà nội nhưng giờ đây như lạc lõng giữa biển tiếng ồn của động cơ ô tô, xe máy chạy rào rào. Người thì nháo nhác đi không có tắc đường, không biết có ai đủ bình tĩnh để nghe được đoạn nào của câu hát. Đâu đó có người kháo nhau là "Ra đường những ngày này nhớ mang theo Chứng minh nhân dân nhé, người ta nhìn chứng minh còn cho đi lại". Làm gì có chuyện đó nhỉ nhưng cẩn thân vẫn hơn.
 
Tư hỏi bản thân là Hà nội phải như thế nào mới "vừa ý" bây giờ? Khó quá. Ngồi trong góc quán nhỏ đầy hoa theo kiểu Châu Âu cùng một người Thầy giáo, người Hà nội gốc, một cô bạn giỏi văn nhất lớp thời phổ thông cách đây 25 năm và cô con gái nhỏ còn đang háo hức với nhiều cái mới, dưới ánh nắng vàng ngọt, có chút gió nhẹ đặc trưng của mùa thu Hà nội thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Không ai dám đề cập đến chuyện Hà nội cả như thể nói ra lại sợ thành "tiêu cực" quá. Lúc chia tay thầy và bạn, chợt nhìn sang bên kia đường thấy len lỏi trong những ngôi nhà cao tầng với nhiều biển hiệu xanh đỏ là cái cổng sắt dẫn vào ngõ nhỏ, tường quét vôi đã có nhiều rêu, dàn hoa ti gôn và lá cờ đỏ, dường như cảm giác về Hà nội lại ùa về.
 
Hà nội trong tôi là cái gì đó thật giản dị, thanh bình, chân chất nhưng không lam lũ, quê mùa; điệu đà mà không hào nhoáng; chi tiết đến khó tính mà không tủn mủn; hãnh diện nhưng không phô trương; đầy sức sống nhưng không ồn ã, náo nhiệt. Không nhiều lần khi qua những góc phố, hình ảnh ông ngoại tôi dắt tôi bé tí đi trên phố vắng vẻ, tràn đầy ánh nắng cứ ùa về rất rõ ràng hay đôi lần đi xa Hà nội, trở về có một lúc ngồi ở Bờ Hồ, quay lưng lại phố phường nhộn nhịp, nhìn ra hồ thấy lòng thanh thản lạ thường. Hà nội thời đầy xe đạp, nhà cấp bốn rộng rãi hơn nhiều, lòng người cũng rộng hơn và chân tình hơn nhiều so với cái thời ô tô xe máy chen nhau đầy đường, nhà cao tầng xanh đỏ mọc lên san sát. Đi đâu cũng đụng vào người, cứ tưởng con người sẽ gần nhau hơn nhưng lại thêm xa cách, không dễ những người hàng xóm cận kề cười với nhau, hỏi han và mời nhau chén nước. Chẳng nhẽ mình là người hoài cổ, không bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại, trở thành người lạ trong thành phố của mình. Cho dù là người lạ hay quen, cuộc sống vẫn cứ trôi, lại đợi những ngày thực sự Hà nội sẽ đến. Sắp rồi, đợ bắn pháo hoa xong là sẽ đến ngày mùng một Tết, lúc Hà nội được "nghỉ Tết" thực sự, không phải cố gắng gồng mình vì "cơm áo gạo tiền". Ít nhất mỗi năm cũng còn có được khoảnh khắc tìm lại được Hà nội trong tôi còn những ngày khác xin nhường mọi người vậy.
 
PTB - 5/10/2010

2 nhận xét:

  1. Hoan hô! Lớp trưởng phát động phong trào tạp văn đây!

    Trả lờiXóa
  2. Thu Ba nhieu tam su va noi niem qua, lam hoi "xa To quoc" nho ve Ha noi nhieu hon!

    Trả lờiXóa