Trung thu ngày xưa
Có lẽ đa phần trẻ con 7X một năm chỉ mong ngóng vài ngày đặc biệt: Tết, 1-6 và Trung thu. Phải thuộc diện “gia đình có điều kiện” thì mới có khái niệm được tổ chức sinh nhật. Riêng mình thì trừ bớt ngày Tết đi vì bà ngoại “quán triệt” tất cả những người lớn có ý định mừng tuổi là “Không mừng tuổi trẻ con bằng tiền. Trẻ con tiêu tiền sẽ sinh hư.” Mà Tết không được mừng tuổi nữa thì còn vị Tết gì nữa. 1-6 thì có vẻ hơi nhạt hòa, chủ yếu là “liên hoan văn nghệ” nên bao nhiêu mong ngóng phải dồn cả vào Trung thu. Thích Trung thu, nhớ Trung thu âu cũng là chuyện thường tình.
Năm ấy, trẻ con còn đang đếm từng ngày để đến Trung thu thì nhà A3 đã có chuyện “động trời”. Anh em nhà B.Anh và V.Anh cuối 6X, đầu 7X đã no đòn. Cứ đứa nào trong khu bị ăn đòn là những đứa khác phải căng mắt, căng tai ra hóng xem mình có “liên lụy” gì không vì không hiếm “tội” mang tính chất tập thể. Sau trận đòn thì cả khu đã được cập nhật. Bố mẹ B.Anh và V.Anh có dành dụm, nhờ vả mua được 10 cái bánh nướng để mang về quê nhân dịp Trung thu. Thế mà chẳng hiểu hai anh em nhà ấy “bàn mưu, tính kế” thể nào mà kết quả là mỗi cái bánh nước mất một góc, còn nguyên vết răng cắn và về “báo cáo” là cả 10 cái bánh nướng đã bị chuột ăn. Khỏi phải nói, nhốn nháo cả một góc khu nhà và ăn đòn là đương nhiên. Mẹ B.Anh và V.Anh vẫn ầm ĩ nhiều ngày sau đó “thà chúng nó cứ ăn hẳn mấy cái bánh còn hơn là cắn mỗi cái một miếng, chẳng còn về quê được nữa.” Mình cũng bị “tra khảo nội bộ” nhiều lần là có tham gia cắn cái bánh nào không. Hơn 30 năm sau mới có dịp gặp lại V.Anh, nhắc lại chuyện trẻ con nhà A3 thời đó, chẳng ai quên chuyện 10 cái bánh nướng. V.Anh “phân trần”: ‘”Anh nói rất chân thật là mình không động một tý nào hết mà tại sao lại có vết ăn vụng, vết răng cắn. Chính anh cũng không hiểu nổi nhưng khi đó, nếu không nhận thì ông bà Long lại dọa là không cho ăn cơm nên mình sợ mà nhận thôi. Về sau, đôi khi anh và anh B.Anh có nói chuyện để xem hay là anh B.Anh ăn nhưng anh ấy cũng nói là không ăn thế nên câu chuyện vẫn không kết thúc được….” Thôi coi như là một “truyền thuyết” của anh em nhà B.Anh - V.Anh liên quan tới Trung thu của thế hệ 7X, những người có thể nghịch ngợm đủ trò, mà nếu có ăn vụng thì cũng chẳng đáng trách lắm vì trẻ con thiếu thốn, cái gì cũng thèm.
Sướng nhất là Trung thu ở cái thời các Cậu nhà mình bắt đầu có người yêu mà nhà mới có mỗi mình là cháu. Khỏi phải nói, các cô người yêu của các cậu “quý cháu lắm”. Trung thu đến là phải vài lượt được đi Hàng Mã. Nhưng các Cậu đề dặn trước câu tương tự như nhau “Cô mua cho gì thì mua, cấm được đòi đấy.” Kết quả là có đến 3-4 cái đèn ông sao. Ai lại năm lần bẩy lượt cứ xem cái lẵng có hai con thiên nga hoặc hai con thỏ bông, phát thèm mà chẳng được mua. Sau các cậu đều cười hì hì làm thêm cho vài cái đèn tự chế. Lớn lên mới hiểu là các cậu và người yêu các cậu thời khó khăn cũng chẳng có nhiều tiền. Cái đèn ông sao gần như là loại đồ chơi rẻ nhất, rẻ nhiều so với cái lẵng có con thỏ hay thiên nga bằng bông.Trung thu vui nhất phải là Trung thu do Sóc “đầu to” và Hương “đỏ lòm” ở khu phố cầm đầu.Sóc thuộc thế hệ 6X hay ăn dỗ trẻ con nhưng cũng quý trẻ con có tài lãnh đạo từ bé. Hương đanh đá, ghê gớm lắm nhưng được cái lại đảm đang, tháo vát trong việc hậu cần. Mỗi đứa theo từng số nhà được phân công cụ thể chuẩn bị những gì để đóng góp vào mâm cỗ chung. Mình được phân công nhặt hạt bưởi, bóc, xâu vào dây thép và phơi khô để đêm trung thu đốt. Việc này cần thời gian, chuẩn bị hàng tháng trước và thỉnh thoảng “tay chân” của Sóc kiểm tra nên đi đâu cũng phải nhớ là thu gom hạt bưởi về mà làm. Đêm Trung thu, được thêm nửa cái bánh nướng và nửa cái bánh dẻo do cơ quan mẹ phân phối cho trẻ con mang ra góp cỗ. Mỗi đứa một thứ, thế mà được cả mâm cỗ to đáo để. Có đứa được ông làm cho cái đèn kéo quân mang ra góp, đến là oai. Mấy xâu hạt bưởi của mình nổ tanh tách, sắng trắng lên, thật là hãnh diện. Mấy chục đứa trẻ hò hét, cười nói, rồi chia nhau từng góc bánh bé tí, nửa múi bưởi, đôi quả hồng còn chát xít, nghe những câu chuyện do Sóc đầu to bốc phét kiểu “Hôm tao đi ở phố Hai Bà Triệu, tao thấy…” nhưng vẫn hóng lắm, vô cùng mãn nguyện và lại cố ngóng để năm sau lại được như thế.
Bố vẫn bảo là Trung thu mà không có “con giống, con má”, loại con làm bằng bột nếp nhuộm mầu xanh đỏ, nặn bằng tay, phơi khô, phủ thêm mầu lên thì không gọi là có đồ chơi Trung thu. Đến khi lớn, đi học đại học rồi, bố vẫn không quên mua cho bộ con giống vào dịp này.
Trung thu thời nay
Chẳng thấy con mong ngóng Trung thu có bánh nướng, bánh dẻo, đèn ông sao, đầu sư tử và lẵng có đôi thiên nga, đôi thỏ bằng bông và con giống con má bằng bột nặn bao giờ. Có rủ con đi Hàng Mã cũng là do bố mẹ 7X vẫn thích đi cho đỡ nhớ những ngày còn trẻ con, khi không dễ gì mà được đi chơi Hàng Mã. Tìm bằng được cái đầu sư tử theo kiểu truyền thống chứ không phải là đầu sư tử Trung Quốc, cái đèn ông sao kiểu cũ không bị lai căng cho con biết, cũng bầy cỗ cho con và các bạn cùng chơi và phá cỗ đêm trăng rằm, con cũng khen đẹp nhưng xem chừng, những thứ đó không thu hút con được nhiều bằng bộ đồ chơi xếp hình, búp bê Babie hay ít nhất cùng là bộ đồ chơi nấu ăn, bác sĩ làm từ nhựa tái sinh của Trung Quốc. Được chiều hơn thì con và bạn sẽ chơi điện tử. Sự thây đổi của thời đại âu cũng là lẽ thường tình. Mỗi thế hệ có những cái thích riêng của mình.
Có bạn 7X gọi và gợi ý “Hay Trung thu này bọn mình “tụ tập” tí nhỉ?” Hóa ra vẫn còn đứa 7X vẫn thích và vẫn nhớ Trung thu như mình.
PTB - 9/2011
PTB: Nhớ Trung Thu thời bao cấp quá!Hôm nọ dọn nhà, anh xã vô ý vứt đi 1 món quà quý ,kỷ niệm từ thời xưa mà mỗi dịp Trung Thu mới đuợc đem ra chơi. Giận ghê...
Trả lờiXóaTNY:
Trả lờiXóaChắc là bạn vẫn giữ cái trống bỏi ngày xưa? Trong khi anh xã lại nghĩ: tầm này rồi mà còn chơi trống bỏi!
TMQ: Haha, uh nhỉ...chỉ được cái suy luận logic !
Trả lờiXóa