Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

Những ngày đầu tiên ở nước Nga

(Thân tặng bạn tôi nhân ngày Sinh nhật 16/4 với hy vọng những cảm xúc đầu tiên trên đất nước này sẽ theo bạn suốt cuộc đời như những kỷ niệm đẹp nhất) (Tác giả là 1 cựu sinh viên của SPNN)

Tháng 9 năm 1992 tôi bước chân tới nước Nga. Ngoài giờ đi học phải làm thuê cho thằng em ruột. Nó nuôi ăn ở, mua quần áo giày dép, cho thêm tiền tiêu vặt, trả lương và chỉ cách cưa mấy đứa con gái tây. Đến giờ tôi vẫn chả thấy ở đâu cái mô hình hay như thế, người làm công mà vật chất thừa mứa, tinh thần no nê.

Ngày đầu tiên xuống phố chơi, mọi cảm xúc đều gói gọn trong hai từ "ngỡ ngàng". Mátxcơva đang tiết thu, lá xanh, lá nâu, lá đỏ và nhiều nhất vẫn là lá vàng rực rỡ khắp nơi tương phản cực đẹp với thảm cỏ còn xanh mướt. Ngay dưới chân nhà là một tốp bốn năm người đàn ông què cụt, với những khuôn mặt phong trần điểm sẹo cùng các vết thâm tím đang trò chuyện. Tôi đoán đó là các cựu chiến binh vệ quốc vĩ đại nên chủ động bày tỏ lòng kính trọng bằng cách tiến đến chào, bắt tay và mời thuốc. Họ thân thiện ngoài sức tưởng tượng, những cái ôm siết chặt kèm những câu rưng rưng "Việt Nam anh hùng! Việt Nam giỏi lắm! Chúng mày đuổi được cả Mỹ về nhà…". Biết đuổi xong mình lại cố sang nhà nó chơi chắc họ buồn cười lắm. Loáng chưa đầy 1 phút, bao Marlboro đỏ đã nhẵn thín. Kiểu điếu hút điếu dắt tai của Việt Nam mình hóa ra chỉ là trò mèo. Mải khôn vặt thế thảo nào lâu lên đến CNXH. Nhẩm lại: bao thuốc vừa bóc có 20 điếu, 5 đồng chí cựu chiến binh, riêng tôi kính cẩn dâng chứ đâu dám hỗn hào hút cùng. Như vậy trung bình 1 đồng chí phập hết 4 điếu. Mới biết sao gọi là Gấu Nga, què rồi mà thể lực vẫn tốt thật. Hết thuốc, tôi từ biệt những con người đã đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại để lên nhà lấy bao khác, còn đi chơi tiếp.

Ở Nga các chung cư 5 tầng không lắp thang máy. Cuốc bộ lên đến tầng 4 gặp ông hàng xóm đang hút thuốc, dưới chân là chú mèo giống Ba-tư lông dài trắng muốt lười nhác nằm. Người Nga quả thực là dân tộc hiếu khách, chưa nghe hết tiếng chào hổn hển của tôi, ông tây đã chìa bàn tay to đúng bằng cái bảng học sinh ra bắt. Thuốc lá của ông chắc hàng nội địa nên khá khét, nhưng chú mèo đẹp quá níu tôi không muốn rời. Như đoán bắt được ý nghĩ trong đầu tôi, ông hàng xóm hào hiệp hỏi: "Cậu có thích nó không, tôi bán cho". Nghẹn mất hơn phút tôi mới lắp bắp "Ông… ông không thích mèo nữa à?". - "Tôi yêu súc vật lắm, nhưng gặp cậu tôi quý tôi bán rẻ, thỉnh thoảng cậu cho phép tôi đến thăm nó chứ?". Cuống cà kê vì món quà bất ngờ tôi hứa bừa: "Tất nhiên rồi, ông hãy đến bất kỳ lúc nào ông muốn nhé" . Con mèo được bán với giá 100 rúp tương đương 5 bao thuốc Marlboro. Ông hàng xóm bịn rịn hôn chia tay súc vật cưng của mình, phim Hàn Quốc bây giờ chắc chắn không lâm li bằng. Đãi chú mèo bữa tân gia với sữa tươi và giò xong tôi mới khóa cửa, bắt đầu chuyến tham quan Mátxcơva đầu tiên trong đời.

Từ căn hộ thuê ra ga tàu điện ngầm rất gần, chắc chưa đầy 3 phút đi bộ song tôi phải mất hơn 15 phút vì ngắm thêm cảnh. Phố rộng, đường phẳng lì, cây cối hai bên um tùm như công viên. Hà Nội mình đã được gọi là Thành phố Xanh thì đây biết gọi là Thành phố gì bây giờ. Chợt nhớ câu các cụ "Phấn đòi bì với Vôi". Như thế là nhà mình cũng trắng rồi nhưng bên này họ trắng hơn nhiều thôi. Thỏa đáng với lời giải tôi bước xuống lối ngầm qua đường, thứ mà Việt Nam mình hồi ấy chưa có. Sang đến bên kia phố là ga tàu điện ngầm, phần trên cao như tòa nhà 3 tầng, lối vào, lối ra riêng biệt. Xung quanh ga rất rộng với nhiều kiot bán hàng và một chợ cóc nhỏ. Trong chợ bán đủ thứ thực phẩm, hoa quả, đồ uống đóng chai và vô số các loại hạt gì đó nhiều màu rất đẹp, ăn được. Tôi tiến đến góc chợ, nơi có khoảng mươi cụ già đứng bán hoa quả. Đây có lẽ là các cụ hưu trí đem sản phẩm vườn nhà ra tiêu thụ rồi. Cụ nào trông cũng phúc hậu như bà tôi vậy, mỗi to béo hơn nhiều. Những trái táo to, căng mọng chỉ từng thấy trong phim giờ sờ sờ trước mắt khiến tuyến nước bọt của tôi được kích hoạt tức thì. "Bà ơi bán cho cháu mấy quả táo" – tôi hỏi ướm vì chả biết ở đây họ bán táo theo cân hay quả. "Ừ, cháu người Trung Quốc à?" – bà cụ đon đả. – "Không, cháu từ Việt Nam sang" – tôi ghét người Trung Quốc không phải vì trong lịch sử họ hay chiếm đoạt mình, mà vì những hồi ức thời thơ ấu. Nhà tôi ngay sát nhà vợ chồng ba tàu bán mỳ vằn thắn. Mấy lần mẹ tôi vác cặp lồng không về vì họ nhất khoát không chịu bán cho bát nước dùng. Mấy anh em tôi lại phải xơi cơm nguội với tóp mỡ dầm nước mắm.

Nói tiếp chuyện bà cụ Nga. Sau khi biết tôi là người Việt Nam bà mừng lắm: "Bà biết các cháu khổ vì bị hết nước ác này đến nước ác kia nó đánh, chiến tranh liên miên thế lấy táo đâu mà ăn" – bà cụ chứng tỏ sự hiểu biết khá sâu rộng về lịch sử cũng như dinh dưỡng học. "Cháu ăn thử đi, táo vườn nhà bà đấy, ngon lắm, bà giết sâu bằng tay chứ không bao giờ phun thuốc…" – vừa nói bà cụ vừa đưa cho tôi một miếng trong quả táo đã bổ sẵn làm 64 miếng nhỏ, mỏng ngang giấy pô-luya. Với định lượng như vậy khó thẩm định chính xác chất lượng. Nhưng đời tôi đã bao giờ được ngoạm miếng ấy vào mồm mà biết suy xét. Vì thế tôi từ chối ngay: "Không cần đâu bà ơi, nhìn bà là cháu hình dung ra táo của bà thế nào rồi". Bà cụ thấy thế càng xởi lởi: "Riêng Việt Nam các cháu bà bán như tặng thôi nhé, 10 rúp 3 quả cháu lấy mấy quả?". Nhắm thấy hành trình còn dài, tôi quyết định mua tạm 3 quả để ăn đường.

(Còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét