Ở một góc nhỏ của công viên hay cổng trường học… thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp những chú tò he ngộ ngĩnh với đủ màu sắc. Đó là món đồ chơi dân gian truyền thống lâu đời được các bạn nhỏ yêu thích. Vì là đồ chơi cho trẻ con nên, mỗi dịp Trung thu, tò he cũng được bày bán ở Hàng Mã bên cạnh những món đồ chơi Trung thu khác.
Người làng Xuân La không chỉ nặn tò he trên que tre mà còn làm tò he dưới dạng những con giống vô cùng bắt mắt.
Quê hương của tò he là làng Xuân La, xã Phượng Dực, Hà Nội. Tò he xuất hiện từ bao giờ và tại sao loại đồ chơi này lại có tên gọi là tò he vẫn chưa có tài liệu chính thức nào nói tới. Còn những người dân Xuân La lại có cách giải thích khá độc đáo.
Ông Vũ Văn Diền, 62 tuổi, gia đình nhiều đời làm tò he ở Xuân La, kể rằng đầu tiên các cụ ngày xưa chỉ nặn những con thỏ thổi kèn thôi. Từ đó, người ta liên tưởng đến cái kèn thổi toe toe, rồi gọi tên những sản phẩm ấy là tò he. Theo một số thông tin khác thì khi mới bắt đầu xuất hiện, tò he có tên là chim cò. Bởi ban đầu những người nặn tò he chỉ nặn hình con chim hoặc cò sau đó mới cải tiến dần.
Trước đây tò he được pha trộn bởi hai loại gạo: nếp và tẻ với tỉ lệ 3:2. Gạo được cho vào máy nghiền nhỏ, thấu với nước, trộn đều và nặn thành từng cục nhỏ vừa tay rồi cho vào nước luộc chín. Sau đó vớt ra, để nguội bớt, rồi trộn màu được chế từ những loại cây như: màu xanh từ lá trầu, đỏ từ gấc… Tuy nhiên, hiện nay để thuận tiện, những người làm tò he đã dùng phẩm màu để nhuộm bột.
Những con tò he này sau khi nặn xong được hấp lại một lần nữa và hong khô, có thể để được 1 năm.
Nhưng cái tinh tế nhất của tò he chính là ở khâu nặn hình. Nó đòi hỏi người làm phải có năng khiếu, khéo léo và chăm rèn luyện. Sản phẩm tò he phải đảm bảo màu sắc tươi sáng, bắt mắt và hợp với thị hiếu của thiếu nhi - đối tượng phục vụ chính.
Điều này được anh Nguyễn Văn Thành, chủ nhiệm CLB nghề tò he truyền thống ở Xuân La, tham gia dạy nặn tò he cho rất nhiều trường tiểu học và mầm non trên địa bàn Hà Nội, chia sẻ: “Tiếp xúc với tò he có nhiều cái rất hay. Một là về màu sắc, màu sắc của tò he khác hẳn so với các màu khác, nó rất là tươi màu. Tò he rất gần gũi bởi nó được làm từ cây lúa, hạt gạo. Ngoài ra, tò he còn giúp các em phát triển trí tưởng tượng, nhận biết các đồ vật, con giống"…
Những người dân Xuân La hiểu tò he không thể là nghề làm giàu. Bởi thu nhập từ nó bình quân 30.000-40.000 một ngày, may mắn gặp dịp thì 100.000-200.000 đồng. Cái khó khăn nhất của tò he không phải nguyên liệu mà là điểm bán.
Ví những người làm tò he làng Xuân La là người thuộc lịch diễn ra các lễ hội nhiều nhất có lẽ không sai bởi đó là đất sống của họ. Họ có thể đi hết tỉnh này đến tỉnh kia để nặn tò he trong các lễ hội. Cho dù không ít lần số tiền thu về không đủ tiền đi xe.
Tuy không phải tất cả gia đình trong làng đều làm tò he, nhưng những ai đã gắn bó với nó thì hầu như không bỏ. Sự ra đời của CLB nghề tò he truyền thống là một nỗ lực của họ trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống này.
CLB nghề tò he truyền thống ra đời tháng 6-2009 với mong ước của 70 thành viên là bảo tồn, duy trì và phát triển nghề tò he truyền thống của Xuân La. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần để bàn cách thực hiện mục tiêu hiệu quả hơn và giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, tay nghề, chia sẻ địa điểm… trong quá trình làm và bán tò he. Họ cũng kêu gọi sự giúp sức, ủng hộ của người dân trong làng để xây dựng một phòng trưng bày các đồ vật cổ liên quan đến quá trình hình thành và phát triển tò he.
Hiện tại, họ đã tập hợp được một số đồ vật cổ: cối đá, chày giã gạo, mẹt hấp… Đặc biệt, mỗi thành viên phải có trách nhiệm giáo dục con cháu, tuyên truyền cho người thân ý thức giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống quý báu của làng.
Mục tiêu lớn hơn của những người tâm huyết với tò he là Xuân La sẽ được công nhận là làng nghề truyền thống và tìm cách đưa tò he ra ngoài thế giới.
(Nguồn: http://rongbay.com/Ha-Noi/to-he-do-choi-trung-thu-truyen-thong-Vi-c275-raovat-11674439.html)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét