Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Rong ruổi Nepal - Phần cuối: Cuộc sống trên những chiếc xe


Nepal là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Đường xá nơi đây hạn hẹp, gập ghềnh như chỉ đành cho những người có kỹ năng lái xe thật điêu luyện. Giờ là mùa khô, nước các con sông đều cạn kiệt. Ngay tại thủ đô Kathmandu, vào thời điểm tháng 1, giữa mùa đông, điện bị cắt khoảng 16 tiếng và sẽ tăng dần lên đến 19 tiếng một ngày cho đến khi mùa mưa lại về. Cũng  phải vài tháng nữa. Nước sạch và xăng dầu cũng là hai thứ đặc biệt khan hiếm ở đây. Cuộc sống của con người nơ đây phụ thuộc nhiều vào những chiếc xe thuộc đủ thể loại. Trong tình trạng khó khăn ấy, xe đạp cải tiến và xe kéo bằng sức người được tận dụng tối đa. Cho dù ở hoàn cảnh nào, con người ta cũng phải kiên trì, nhẫn nại vượn lên để sống.

Câu chuyện Nepal vẫn còn dài nhưng cũng nên dừng ở đây trước khi nó thành quá dài. Không dễ có dịp quay lại Nepal nhưng những người bạn nơi đây vẫn không quên nói “Namaste” – vừa là lời chào, vừa là lời tạm biệt. PTB – 1/2012

Xe đạp được cải tiến thành một quầy hàng lưu động, mưu sinh của hai vợ chồng già.
(Không mua chuối, cũng chẳng lấy cam nên phải trả 1 USD để được chụp ảnh)

Phiên bản này cũng phổ biến ở đây. Bốn chiếc bánh xe đạp vừa đảm bảo việc di chuyển dễ dàng trong địa hình nhấp nhô, vừa đủ độ cao làm thêm “kho chứa hàng” phía dưới.

Xem chừng kiểu đơn giản, truyền thống này cơ động hơn. Nhưng điều đặc biệt là không phải xe nào cũng có bàn đạp. Có lẽ chỉ để dắt chứ không để đạp.

Xe đạp kéo (xe lôi) được nhiều hành khách ở các bến xe, bến tầu lựa chọn nhiều hơn là lựa chọn taxi

Đường lựa theo đồi núi cũng không phải dễ dàng cho cánh xe thồ thế này.


Xe ở trung tâm thủ đô có vẻ được trang trí cầu kỳ hơn

Cầu kỳ hơn nữa phải được trang trí một cách chuyên nghiệp thế này.

 Địa hình đồi núi ngoằn ngoèo, khúc khửu, chất lượng đường rất kém nhưng việc phải tận dụng tối đa một chuyến xe bằng cách ngồi lên trên nóc rất phổ biến. Người ta bảo đi đường ngại nhất là có tai nạn vì “xảy ra như cơm bữa”. Không đơn thuần là lo cho tính mạng con người mà đường “độc đạo”, dễ bị tắc nghẽn nhiều giờ.

Khi vào phố chính, “Sợ công an” thì tạm thời chỉ còn dê vẫn ngồi trên nóc.

Chắc với loại xe bán tải thế này thì ngồi hay đứng chắc cũng chẳng sao, kể cả ở phố chính.

Xếp hàng hàng giờ đồng hồ đợi mua xăng như đợi mua dầu hỏa thời bao cấp ở Việt Nam trước kia. Khác mỗi việc là trước kia có thể xếp hàng bằng rổ rá cũ, viên gạch chứ ở đây phải có xe thật  người thật. Xe của Liên hiệp quốc cũng chẳng được ưu tiên, xếp hàng tuốt.

Bên phải quầy bán xăng (có mỗi một vòi bơm xăng) là hàng km ô tô xếp hàng, bên trái quầy xăng là hàng km xe máy xếp hàng. Xăng dầu được nhập từ Ấn độ sang nên cũng “phập phù”. Có lẽ cũng đã quá quen nên ai cũng nhẫn nại chờ đợi, không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy, nặng lời.


Cũng tranh thủ “lên xe” phân khối lớn cho nó oách…

…khi đã nhìn thấy xe cứu thương trước mặt.
Cứ tưởng xe Com măng ca của Liên Xô cũ hóa ra Mahindra – Made in India.

Kiếm được chỗ gửi xe tại phố chính không hề dễ dàng. Chìa khóa xe phải đưa ngày cho người giữ xe vô điều kiện. Việc “quản lý” xe hoàn toàn dựa vào trí nhớ của người giữ xe, tìm và trả khách gửi xe đúng chìa khóa mà không cần hỏi.

Cũng còn rất nhiều nụ cười trên những chuyến xe.

Không ít ảnh trong chuyến rong ruổi được chụp từ trên xe thế này.

4 nhận xét:

  1. Phần này thú vị nhất trong 5 phần đấy nhỉ.

    Trả lờiXóa
  2. @PTB:
    Không phải là bạn PTB "tức cảnh sinh tình" đấy chứ?
    Ngộ từ bản thân hay đi công tác mà viết về cuộc sống di động.
    Nhưng đề tài cũng thú vị quá ta!

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn các bạn đã quan tâm nhé. Quả đúng là bản thân mình cũng thấy trong 5 phần của Rong ruổi Nepal thì phần 5 - Cuộc đời trên những chuyến xe thú vị nhất thật. Có thể cũng do "bệnh nghề nghiệp" thật. Nhưng mình không nghĩ ra đâu, cảm ơn bạn nào đã phát hiện ra nhé :-) Mong rằng mình tiếp tục được rong ruổi nhiều nơi nữa để tiếp tục chia sẻ với các bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Mình thích cái ảnh đầu tiên nhất. Lạ.

    Trả lờiXóa