Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Rong ruổi Nepal - Phần 4: Đất nước của những công trình văn hóa, đền thờ và bảo tháp (2)

Với bề dày hàng nghìn năm lịch sử, Kathmandu được coi là thành phố thủ đô độc đáo nhất ở châu Á. Đã đến thung lũng Kathmandu thì không thể không ghé qua các quảng trường Durbar (Durbar Squares). Hóa ra Durbar Squares là tên gọi của những ba quảng trường của Kathmandu. Quần thể  các quảng trường Durbar được UNESCO đưa vào danh sách những di sản văn hóa thế giới.

Theo lịch sử ghi lại, đến thế kỷ 14, vua Malla của Bahaktapur đã thống nhất vùng thung lũng Kathmandu thành một vương quốc độc lập. Nhưng đến thế kỷ 15 đã xảy ra sự phân chia thung lũng thành ba vương quốc nhỏ là Kathmandu, Patan và Bhaktapur. Mỗi vương quốc nhỏ này xây một Durbar Square để làm cung điện của hoàng tộc. Đây cũng là nơi xây dựng các đền đài, tượng thần, là nơi diễn ra các nghi thức tôn giáo, và thể hiện quyền lực, sự hưng vượng của nhà vua. Tuy nhiên, ba vương quốc này thường xuyên giao tranh với nhau. Cho đến năm 1768 vua Prithvi Narayan Shah ở miền Gorkha đã thống nhất các vương triều nhỏ tạo thành đất nước Nepal, và dời đô từ Gorkha về Kathmandu.

Quảng trường Kathmandu Durbar (Kathmandu Durbar Square)

Quảng trường Kathmandu Durbar hiện được biết đến với cái tên Hanuman Dhoka. Tên gọi này có nguồn gốc từ bức tượng Hanuman, con Khỉ đã hết lòng vì đức vua. Hiện bức tượng Hanuman được đặt ngay cổng vào của cung điện nay là bảo tàng trên quảng trường. Không còn chứng cứ lịch sử  về việc hình thành quảng trường, nhưng hàng nghìn năm qua, tổ hợp các công trình kiến trúc, cung điện, đền đài đã được các đời vua xây dựng, gìn giữ cùng thăng trầm của đất nước. Vào khoảng thế kỷ thứ 19, cung điện được di dời đi nơi khác nhưng quảng trường vẫn là một địa điểm quan trọng dành cho các đại lễ long trọng của hoàng gia. Giờ đây, khi chế độ quân chủ không còn nữa, quảng trường là một nơi để dân địa phương và du khách phương xa cùng chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc, nghệ thuật độc đáo của đất nước Nepal và các tổ chức các lễ hội.

Một điều thú vị nữa là tên gọi của thủ đô Kathmandu có nguồn gốc từ chính một ngôi đền ở Kathmandu Durbar Square, đền Kasthamandap. Ngôi đền được vua Laxmi Narsingh Malla xây dựng vào thế kỷ 16 với kiến trúc gồm ba tầng với chóp mái mang hình kim tự tháp chồng lên nhau và được làm hoàn toàn bằng gỗ. Tương truyền rằng toàn bộ số gỗ dùng cho ngôi đền được lấy từ một cây gỗ lim cổ thụ. Tên của đền khi dịch ra theo tiếng Sanskrit: Kasth là “gỗ”, Mandap là “nơi trú ẩn”. Đây được coi là ý nghĩa của tên gọi Kathmandu ngày nay.

Cung điện cổ kính xưa được dựng lên từ ba chất liệu chủ yếu là gạch nung, gỗ và đá với sắc đỏ trầm của gạch và nâu đen của gỗ, dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân và thợ thủ công tài ba tạo nên sự hoành tráng, uy nghi. Mặc dù khối kiến trúc hiện tại đa phần đã qua cải tạo và phục chế nhưng không làm mất đi vẻ đẹp xa xưa của những vương triều đã trị vì thung lũng Kathmandu.

Theo biến động của thời gian và thăng trầm của lịch sử, sau bức tường ngăn cách với cuộc sống nhộn nhịp của người dân là sự tĩnh lặng, lắng đọng trong vẻ đẹp của từng khối kiến trúc, cùng những chi tiết chạm trổ mang đậm dấu ấn cung đình của các vương triều xa xưa.

Các vị Thần hiện hữu khắp nơi

Giờ đây, những ngọn tháp với những bậc tam cấp là chỗ dừng chân của bất cứ ai, từ ông bà già cho đến những đôi bạn trẻ. Mùa này, đa phần mọi người ngồi phơi nắng tránh rét. Chim bồ câu cũng như coi đây là nhà.  


Những con rối đặc trưng Nepal mang những bộ mặt của các vị Thần

Phần sân rộng bên hông của cung điện xưa là khu chợ trời đầy ắp những món đồ thủ công mỹ nghệ  đủ loại hình từ  tượng các Thần, mặt nạ, các mảng phù điêu trang trí… đủ các chất liệu gỗ, kim loại, gốm sứ...và chất lượng đủ các cấp cho du khách thỏa sức lựa chọn. Lời nhắc nhở “người nước ngoài thường bị nói thách giá từ 10-12 lần” đôi khi cũng làm giảm thú vui mua bán.

Cửa hàng này nằm ở tầng hai của một dãy nhà quay ra quảng trường và có bộ sưu tập mặt nạ mê hoặc. Ông chủ của bộ sưu tập nói tiếng Anh liến láu giới thiệu xuất sứ của những chiếc mặt nạ “độc”. Cái này từ núi phía Bắc, cái kia từ núi phía Tây, thổ dân dùng cho lễ hội A, B, C…nghe ù cả tai. Mỗi tội là cái nào đẹp thì quát giá rất đắt.

Quảng trường Patan Durkar (Patan Durkar Square)

So với Quảng trường Kathmandu Durkar, Quảng trường Patan Durkar thoạt nhìn có vẻ khiêm nhường hơn và có nét kiến trúc tương tự nhưng thực ra không hẳn là thế. Patan nổi tiếng vì là thành phố cổ nhất của thung lũng Kathmandu và được gọi là thành phố của nghệ thuật. Các công trình kiến trúc và nghệ thuật bao quanh quảng trường tạo thành một quần thể có vẻ đẹp cổ kính và tinh xảo đến ngỡ ngàng.

Phần lớn các công trình văn hóa và kiến trúc ở quảng trường được xây dựng từ thế kỷ 16 nhưng lịch sử của Patan lại gắn liền với những vòi phun nước có từ những năm 570 sau công nguyên. Những vòi phun này luôn chảy suốt bao thế kỷ qua và giờ vẫn là nguồn nước của người dân nơi đây.


Chiếc chuông này được đã được nhiều đời vua sử dụng để tập trung những người dân của thành phố.

Mặc dù Nepal là quê hương của 2% tổng số hoa và cây cảnh trên toàn thế giới nhưng giữa mùa đông, loài hoa này được thấy nhiều nhất và được sử dụng nhiều nhất trong việc cúng lễ.

Cả một dãy phố như phố Hàng Bạc của Hà Nội chuyên nghề tượng kim hoàn, chất liệu chủ yếu là đồng các mầu, đồng mạ vàng, kiểu dáng vô cùng phong phú. Người bán hàng luôn nói rằng sẽ không có vấn đề gì với hải quan cửa khẩu nhưng không đơn giản thế. Mặc dù có hóa đơn của cửa hàng nhưng chắc chắn bạn sẽ bị hỏi giấy chứng nhận của cơ quan khảo cổ xem có đúng là đồ mới không. “Tiêu cực phí” có thể giúp giải quyết việc này khi chuyến bay sắp đến nhưng cũng không đơn giản.

Tận mắt nhìn những sản phẩm này mới cảm nhận được phần nào nét tài hoa, sự kiên trì sáng tạo và lao động miệt mài của những người thợ thủ công và họa sỹ nơi đây.

Một phần cung điện cổ đã được biến thành cửa hàng, hòa vào nhịp sống của người dân nơi đây.

2 nhận xét:

  1. Đặc biệt nhỉ. Bạn được xem nhiều thứ thế?

    Trả lờiXóa
  2. Mình thấy kiến trúc và văn hóa Nepal cũng hay và lạ, có nét ặc trưng riêng.

    Trả lờiXóa