Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Ngày đầu tiên ở nước Nga (Tiếp theo và hết)

Bước vào bên trong ga, tôi cẩn thận đứng nép vào một góc để quan sát mọi chuyển động. Hình như cái máu du kích đã ngấm sâu vào mỗi chúng ta từ thời anh hùng Núp, thấy tây chui ngay vào bụi. Tôi nhận ra vài điều: người Nga chăm xếp hàng, không nói to, đi khá nhanh nhưng không hề dẫm phải chân nhau. Để vào ga, đầu tiên họ xếp hàng ở quầy bán vé, mua đồng giê-tôn tròn bằng nhựa(giờ là thẻ từ bằng giấy) sau đó dùng tay phải nhét sâu vào khe máy tự động để đi qua một trong gần chục cửa vào có gắn thiết bị cảm biến. Quan trọng nhất phải vào đúng cửa mình, nhầm cửa khác là hai càng cua bằng sắt bọc cao su sẽ từ trong phi ra sập khá đau. Tây cao, hai cái càng ấy ra khoảng ngang đùi hoặc đầu gối họ, Việt Nam mình thấp nên sẽ bị sập ở đoạn hông với Nam và khoảng bụng với Nữ. Nhiều người hay đi trốn vé bị sập lâu thành quen rồi cũng hết đau, nhưng về sau khó sinh nở mà chả biết tại sao. Hồi ấy cái công đoạn bố của giản đơn này với tôi ngang bị nhốt dưới khoang tàu ngầm kilo bây giờ. Hóa ra kiến thức nhiều khi đơn giản chỉ là sự bắt chước đến thành thục. Nhờ xem nhuyễn bộ phim "Hãy liệu hồn đấy" tôi qua cửa sập khá dễ dàng, theo thang cuốn xuống lòng ga sâu dưới mặt đất khoảng 15-20 mét. Nhớ lời dặn của thằng em tôi đứng bên phải thang cuốn bởi lề bên trái dành cho những khách vội, muốn tranh thủ thời gian. Thay đổi thói quen cố hữu phải nói là rất khó. Bên ta hễ lên xe là phóng vút, đi bộ lại cực thong thả kể cả lúc đi làm. Bên này tây đi bộ thoăn thoắt như chạy, không guồng nhanh theo họ rất khó đi. Sau này có lần tôi chia sẻ với mấy người bạn Nga về sự khác biệt này, họ rất ngạc nhiên: "Hình như các anh bị ngược, đi bộ mới cần nhanh để tiết kiệm thời gian, đi xe nhanh làm gì cho nguy hiểm". Ngẫm thấy có khi bạn nói đúng: nhà mình bị ngược, không chỉ riêng chuyện đi lại. Xuống đến lòng ga, trái với những gì được đọc về những công trình hội họa - kiến trúc tuyệt đẹp trong những nhà ga xe điện ngầm của Mátxcơva, tôi chỉ thấy có hai hàng cột xù xì,khô khan, vuông vức chạy từ đầu đến cuối. Sàn và tường lát gạch men màu cháo lòng. Sau mới biết chỉ trong trung tâm mới đẹp, các ga khác đơn điệu và xấu như ga Hàng Cỏ. Chả có gì để ngắm tôi chuyển sang việc định hướng. Không khó lắm vì đã có chỉ dẫn của ông bạn sang trước mấy năm: "Nhớ nhé, khi tàu chạy vào trung tâm thành phố giọng trên loa phát thanh sẽ là giọng Nam, còn từ trung tâm ra sẽ là giọng Nữ". Thế mà bảo tây nó không trọng Nam khinh Nữ. Toa tàu điện ngầm hồi ấy bao giờ cũng có 3 cửa, khi đỗ phải đợi khách bên trong ra hết mới được vào. Bên trong, cũng theo cẩm nang của ông bạn, tôi tìm chỗ trống ở phần toa không ghi dòng: "Dành cho người cao tuổi, phụ nữ có thai và khách có trẻ em đi cùng". Chợt nhớ chuyện vui: "Một bà cụ kêu đau chân nài nỉ cậu thanh niên nhường chỗ trên tàu. Cậu thanh niên vặn vẹo: - Thế hồi bằng tuổi cháu bà có nhường chỗ cho người già không? – Có chứ, chưa kịp hỏi bà đã nhường. – Đấy, vì thế mà giờ bà bị đau chân đấy. – Nói xong cậu thanh niên thản nhiên cúi xuống đọc sách tiếp". Thực tế không như vậy, tôi để ý thấy ở đây chuyện nhường chỗ cho người già và phụ nữ trên tàu xe là mặc định. Đó cũng là một những điểm lạc hậu của nước Nga so với Việt Nam. Bên ta người già không bao giờ đi phương tiện công cộng, phụ nữ thì lên tàu xe là được tán tỉnh mời ngồi, không ngồi đố yên thân.

Định bụng sẽ chu du bằng tàu điện ngầm khắp thủ đô nhưng tôi buộc phải thay đổi kế hoạch vì choáng ngợp trước quy mô và độ phức tạp của "Thành phố ngầm". Hệ thống tàu điện ngầm(Metro) của Mátxcơva khi đó đã 57 tuổi, dài 240km, gồm 8 đường nhánh, 1 đường tròn nối các đường nhánh với nhau, 150 ga. Riêng tổng chiều dài các thang bộ và thang cuốn lên xuống đã bằng từ Hà Nội xuống Hải Dương. Vào giờ cao điểm, trung bình các đoàn tàu với 8 toa xuất phát cách nhau có 85 giây. Đảm bảo cho hoạt động cường độ cao và chính xờ xác như đồng hồ của cả hệ thống Metro chuyên chở tới hơn 8 triệu lượt khách/ngày này là gần 25 nghìn nhân viên. Nói chung là choáng hết cả váng. 

Chia tay với kế hoạch phá sản, tôi quyết định thẳng tiến tới một ký túc xá nổi tiếng của người Việt mang tên "Saliut-1"(Салют-1) nằm trên phố Đabra Liubôva(Добролюбова). Đây vốn là ký túc xá của công nhân Việt Nam thời Liên Xô, giờ biến thành khu dịch vụ. Một số phòng ở được chủ nhân cải tạo lại thành nơi bán thực phẩm khô, tươi sống, hoặc phòng cắt tóc gội đầu mát-xa hay quán ăn, quán café với những tấm biển quảng cáo tự làm bằng giấy màu. Phòng nào ngoài cửa không ghi gì ngoài chữ "DỊCH VỤ TỔNG HỢP" kèm tên người thì thường mua bán ngoại tệ, chuyển tiền, vé máy bay, làm giấy tờ ĐSQ, điện thoại Quốc tế…Trong phòng bảo vệ dưới cửa vào tầng một là một cụ bà, gương mặt không còn phúc hậu được như mấy cụ ngoài chợ ga, có lẽ do tiếp xúc quá nhiều với người Việt hàng ngày. Ký túc xá có 5 tầng thì 4 tầng vẫn để ở, chỉ có 1 tầng làm dịch vụ với đủ loại cửa hàng kể trên. Cộng đồng người Việt đông nên chả thiếu thức gì, đồ khô có gạo nếp, đỗ xanh, măng miến, mộc nhĩ, nấm hương, các loại gia vị, nước mắm, tương bần, mắm tôm... Đồ tươi sống có đủ thịt các con từ đại gia súc đến gia cầm, rồi rau tươi, rau thơm gửi từ nhà sang. Vài hàng gắn thêm tấm biển viết nguệch ngoạc bằng bút dạ: "Lòng lợn tiết canh mới" hoặc "Chó Việt Nam vừa sang". 

Hồi đó bên Nga chưa có điện thoại di động nhưng hầu như nhà nào cũng gắn máy cố định. Có điều chỉ gọi được liên tỉnh, gọi ra quốc tế rất khó, quay cả ngày đêm có khi mới nối được một lần, trong khi nhu cầu liên lạc về cho người thân rất nhiều. Vì thế người Việt ở Mátxcơva thường có hai phương án. Ai biết tiếng Nga lên Bưu điện Trung tâm, gần quảng trường Đỏ, muốn gọi bao nhiêu phút thì đăng ký bấy nhiêu rồi trả tiền. Không biết tiếng Nga thì vào "Saliut-1". Dịch vụ điện thoại ở đây hối lộ nhân viên bưu điện Nga, họ nối cho đường dây riêng gọi phát ăn ngay. Về sau biết tiếng hay không cũng chọn "Saliut-1" vì nhất cử lưỡng tiện. Đầu tiên vào hớt tóc, lấy ráy tai, mỏi thì cho các em đấm bóp tí. Phòng mát-xa nhỏ và hôi, nhưng lành mạnh. Tiếp sau di chuyển sang quán ăn với thực đơn cực kỳ phong phú. Ai hay lên đây nhìn biết ngay, vì chỉ gọi nhẹ nhàng bát phở tái chín hoặc bát bún cá, bún dọc mùng thanh thoát. Mấy bác từ tỉnh xa lên cất hàng hoặc năm thì mười họa như tôi thường xơi kiểu giả thù, nhẹ cũng phải bát tái nạm gầu gân thêm hai trứng trần bồi tiếp cái phao câu, nặng thì đĩa bê tái chanh cộng bát hành trần trộn lẫn cổ cánh ngan. Cơm no ấm cật xong mới sang đến những nhu cầu tinh thần. Đa phần mọi người sẽ vừa ngậm tăm vừa thong thả sang phòng Dịch vụ Tổng hợp. Cũng tại đây, trong lúc chờ điện thoại về cho gia đình tôi có cơ hội chứng kiến vài mảnh đời Việt tại Nga. Một chị người Thanh Hóa oang oang mắng chồng mất nết qua điện thoại chả cần giữ tứ giữ ý với chung quanh. Hóa ra ở Việt Nam anh chồng miệt mài nuôi bồ bằng tiền vợ gửi về hàng tháng trong khi bên này chị vợ ngày ngày dậy từ 2-3 giờ sáng đi chợ bán hàng. Giờ tôi mới biết bên này đi buôn phải dậy sớm như đi bốc mộ. Lại có bác khá lớn tuổi quê xứ Nghệ thì thào vào ống nghe năn nỉ vợ nghĩ lại vì tương lai 6 đứa con. Chắc bác chả muốn ai biết chuyện mình bị cắm sừng nhưng trong căn phòng rộng hơn chục mét vuông thì không phát ra tiếng cũng đoán được nội dung qua khẩu hình. Đến giờ tôi vẫn thắc mắc sao một người đàn bà từng qua 6 lần sinh nở mà vẫn còn lôi cuốn được đàn ông. Hay phụ nữ cũng như món nhậu, dai có cái ngon của dai. Sau bác xứ Nghệ đến lượt một anh chắc hơn tôi vài tuổi. Anh này chuyển tiền tiết kiệm về Việt Nam cho gia đình. Phải kể thêm là hồi ấy dịch vụ tài chính ở đây còn thô sơ lắm. Người làm chuyển tiền sẽ tổ chức 2 đầu nhận – gửi ở Nga và Việt Nam. Vốn liếng thì tùy theo vòng quay mà huy động nhưng thường tiền từ Nga chuyển về Việt Nam là chính. Khách chuyển tiền sẽ được dịch vụ nhắn gọi cho người nhà đến nhận, tiếp theo người gửi và người nhận sẽ xác nhận với nhau qua điện thoại. Lúc này loa ngoài sẽ được bật để bên dịch vụ lấy làm bằng chứng luôn, phòng khi có tranh chấp. Cho nên mới có thuật ngữ "Chuyển tiền áp máy". Nghe nói từng có nhiều vụ dịch vụ lừa người gửi bằng cách giả làm người thân của họ ở Việt Nam, vì thế anh thanh niên nọ rất cẩn thận trong việc xác minh nhân thân. Giờ tôi vẫn nhớ như in cuộc thoại có một không hai này:
- Alô bố à? Con đây…alô alô
- Ừ bố đây, bố đây, ai đấy
- Con đây, có phải bố không?
- Bố mày chứ còn ai nữa, đứa nào thế?
- Bố tên là gì thế?
- Thằng mất dạy, đi có hơn năm quên cả tên bố rồi à?
- Con không quên, bố cứ nói tên của bố đi, có việc…
- Bố mày tên là Giao, Đặng Thường Giao, nhân thể ông nội mày tên Thường, có cần không?
- Không cần, thế vợ bố tên là gì?
- Mày vừa phải thôi nhé, quên cả tên mẹ mày rồi à?
- Con đã nói có việc, hỏi gì bố cứ trả lời không phải hỏi lại mất thời gian.
- Ờ tao quên, mẹ mày…à vợ tao tên Hợp, Nguyễn Thị Hợp
- Bố có mấy con, tên gì?
- 6 đứa, 3 gái, 3 giai xen kẽ, mày gần út tên Nghĩa, dưới mày là con em gái tên Trang, thằng cả tên Phong, sau đến cái Tình, rồi thằng Giang, con Mai, đủ thông tin chưa?
- Được rồi, bố nhận hai trăm đô la Mỹ nhé, nhớ đếm cẩn thận vào.
- Hai trăm đô là bao nhiêu tiền tao biết gì mà đếm, sao mày không gửi tiền Việt về đây cho tiện, nhà mình đi đâu sang Mỹ mà tiêu…
- Tiêu gì mà tiêu bố nhận về cất đi sang năm con về phép rồi tính…


Sang đây mới biết đa số người Việt mình vất vả lắm. Đừng nhìn họ lúc về phép mà tưởng họ sướng. Đừng nhìn họ khoa chân múa tay trong quán nhậu mà nghĩ họ danh giá. Đến lượt gọi điện tự nhiên tôi lặng đi chả biết phải hỏi gì bố mẹ. Phần vì bị phân tán bởi những câu chuyện éo le lâm li khác nhau, phần nghĩ đến những ngày tháng đang chờ mình phía trước. Chỉ còn nhớ bố tôi dặn: "Bên Nga rất lạnh, bố cho phép con thỉnh thoảng uống rượu nhưng không được hút thuốc, hại người lắm". Bố đâu biết tôi biết hút thuốc từ năm thứ ba đại học.

Rời "Saliut-1" về, trời hẵng còn sáng lắm dù đã gần 7 giờ tối. Vào tới ga Metro tôi lặp lại công đoạn ban trưa, nhưng có phần nhuần nhuyễn hơn: đầu tiên mua giê-tôn, cầm tay phải, đút vào khe, qua đúng cửa mình, xuống thang cuốn, nghe giọng nữ phát thanh viên…Tính cả chuyển đường, tôi mất tiếng rưỡi mới về đến chân nhà. Chợ cóc đã vắng tanh chả còn ai. Các cựu chiến binh cũng bỏ phố về nhà chắc để làm vài chén rượu hâm lại những chiến tích oai hùng. Ông hàng xóm tầng 4 cũng không đứng hành lang nữa dù mùi khen khét vẫn còn phảng phất. Chú mèo, chú mèo Ba-tư, chợt nhớ đến "chiến lợi phẩm" tự nhiên thấy náo nức quá. Ở Việt Nam chả bao giờ tôi dám nghĩ tới việc sở hữu một thú cưng quý giá như vậy. Thay vì mở cửa bằng chìa khóa, tôi quyết định bấm chuông để gây chú ý rồi ngồi xổm chờ, hình dung ra đón mình sẽ là cái mặt gãy như mặt Thanh Hoa cùng tiếng meo meo đáng yêu. Cửa mở, mèo không thấy đâu thấy mỗi đôi chân đi dép trong nhà của ông em. "Anh bị sao thế, đau bụng à?" – "Không, đau ốm gì đâu, anh ngồi đón con mèo mới mua trưa nay". "Con mèo trắng á, của lão hàng xóm tầng 4 chứ gì?" – "Ừ đúng sao mày biết?". "Thì mỗi lần cần tiền uống rượu lão lại gạ bán mèo cho em… Lúc nãy về em vừa mở cửa con mèo nó chạy vọt xuống nhà rồi, đeo khẩu trang dọn cứt gần chết, thôi anh vào đi mai em xuống lấy lại tiền cho ". Chả biết cái cảm giác của tôi lúc đó gọi là gì nữa. Nửa bực bội vì bị lừa, nửa xấu hổ vì thiếu hiểu biết, nhớ đến câu chuyện dân gian "Phú ông mua vịt giời".

Bữa tối hôm đó tôi ăn chệu chạo phần vì vẫn chởn vởn nghĩ chuyện con mèo, phần do bao tử chắc còn hơn nửa xuất dê trên "Saliut-1" chưa tiêu hết. Cậu em thấy thế an ủi: "Anh nghĩ làm gì, người Nga nói chung rất thật thà, anh đen gặp phải mấy bợm rượu nó lừa thôi". Được lời như cởi lòng tôi kể ngay chuyện gặp được mấy cựu chiến binh và bà già bán táo, như muốn minh chứng thêm cho nhận định của cậu em. Há há há, chưa nghe hết ông em đã cười phá, phun cả cơm nhai dở vào mâm. "Sao mày cười, lại lừa à?" – tôi dằn dỗi. "Không đến nỗi lừa, ai đi lừa mấy điếu thuốc hay quả táo. Bọn nó thấy anh mới sang lớ ngớ nên lợi dụng thôi. Mấy thằng dưới chân nhà mình không phải cựu chiến binh đâu. Toàn bọn nhảy tàu nhảy xe bị què cụt đấy. Mặt vừa hèn vừa non thế đánh ai". - "Nhưng anh thấy mặt họ xây xát tím tái cơ mà" – tôi vớt vát rất vô duyên. "Thì chúng nó thường xuyên rượu say, rồi ngã đập mặt vào ghế đá, hàng rào, vỉa ba toa các loại. Thôi anh đi ngủ đi, mai dậy sớm mà lượn tiếp, tranh thủ có mấy ngày nghỉ". 

Nằm mãi mà vẫn chưa ngủ được. Nghĩ về những mảnh đời Việt vừa gặp ở Nga, nghĩ về những con người Nga vì không may mà thành sa ngã. Nghĩ mãi, nghĩ mãi rồi những hình ảnh ấy cũng nhòa dần nhòa dần, chỉ đọng lại khuôn mặt phúc hậu của bà già bán táo. Phải chăng đó mới là hình ảnh tượng trưng của nước Nga: già cỗi nhưng nhân hậu, mệt mỏi nhưng thanh khiết.


Đang thiêm thiếp bỗng giật mình nghe giọng ông em vừa đánh răng trong buồng tắm vừa hỏi vọng ra: "Anh thích ăn táo à, để mai em mua cho, đừng mua của mấy bà già chợ Mết(Metro) đắt lắm. Ngoài chợ táo cực ngon có 3 rúp 1 cân thôi". Chả hiểu cảm giác của phụ nữ lúc biết bị phản bội thế nào chứ tôi thấy mình còn ê chề hơn. Tự nhiên ợ lên toàn mùi táo.

Mátxcơva, đêm 15, rạng sáng 16 tháng 4 năm 2014
(PT - Cựu sinh viên SPNN)

(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét